Đồng Nai: Chương trình OCOP đạt kết quả tích cực sau 4 năm triển khai thực hiện

Bình luận · 163 Lượt xem

Chương trình OCOP (mỗi xã một sản phẩm) trên địa bàn tỉnh Đồng Nai sau 4 năm triển khai trong thực tế đã đạt được những kết quả tích cực.

Chương trình OCOP (mỗi xã một sản phẩm) trên địa bàn tỉnh Đồng Nai sau 4 năm triển khai vào thực tế đã đạt được những kết quả tích cực khi hình thành nhiều chuỗi giá trị sản phẩm từ sản xuất, chế biến đến tiêu thụ và tham gia tốt thị trường xuất khẩu.

Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, thời gian qua chương trình OCOP đã được triển khai sâu, rộng vào thực tế. Sau 4 năm triển khai vào thực tế, chương trình OCOP tại Đồng Nai đã khơi dậy phong trào khởi nghiệp cho nhiều hợp tác xã, nông dân. Không chỉ hỗ trợ trong sản xuất, chế biến, ngành nông nghiệp tỉnh cũng rất quan tâm hỗ trợ các hợp tác xã, nông dân mở rộng thị trường tiêu thụ cho nông sản đạt chứng nhận OCOP.

Đồng Nai: Chương trình OCOP đạt kết quả tích cực sau 4 năm triển khai thực hiện

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Hoàng trao bằng chứng nhận các chủ thể OCOP

Với phương châm chủ động, sáng tạo và không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm trong thực hiện, thời gian qua, các sở, ngành, địa phương và đặc biệt là các chủ thể, đã tập trung, lao động theo yêu cầu, nhiệm vụ của chương trình OCOP đặt ra.

Cụ thể ngay khi bắt đầu triển khai, cơ quan Thường trực chương trình (Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) đã phối hợp cùng các đơn vị liên quan, tham mưu UBND ban hành văn bản chỉ đạo việc tăng cường công tác triển khai thực hiện chương trình, tạo thuận lợi hơn về môi trường pháp lý.

Công tác tuyên truyền đến toàn thể cộng đồng dân cư, các tổ chức kinh tế trên địa bàn được thực hiện khá tốt giúp ngày càng thay đổi và nâng cao rõ nét nhận thức của người sản xuất và người tiêu dùng đối với chương trình theo hướng chuyển mạnh sang tư duy kinh tế nông nghiệp. Hướng dẫn cụ thể, kịp thời việc đăng ký, lập, hoàn thiện hồ sơ theo Bộ tiêu chí và tổ chức đánh giá, phân hạng sản phẩm năm 2022.

Điểm nổi bật của chương trình là trong phát triển sản phẩm, các chủ thể luôn chú trọng áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật mới, hình thành các sản phẩm có thương hiệu, theo chuỗi giá trị dựa trên thế mạnh, lợi thế về nguyên liệu địa phương.

Kết quả đến nay sau 4 năm triển khai toàn tỉnh có 197 chuỗi liên kết với sự tham gia của 101 doanh nghiệp, 64 hợp tác xã. Trong đó các sở, ngành liên quan tổ chức nhiều chương trình hỗ trợ các sản phẩm OCOP xây dựng được chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ. Hiện có 150 sản phẩm của 75 chủ thể đạt chuẩn OCOP từ 3 sao trở lên, trong đó có 1 sản phẩm tiềm năng 5 sao đang chờ Trung ương đánh giá, 52 sản phẩm đạt 4 sao và 97 sản phẩm đạt 3 sao. Các sản phẩm sau khi được công nhận OCOP đã có bước tiến về chất lượng, đa dạng về mẫu mã, bao bì, đảm bảo điều kiện, quy định về tem, nhãn mác, truy xuất nguồn gốc sản phẩm; được nhiều người tiêu dùng tin tưởng lựa chọn và có phản hồi rất tích cực.

Chương trình OCOP được coi là trọng tâm phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát huy nội lực và gia tăng giá trị, là giải pháp và nhiệm vụ quan trọng trong thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW của Trung ương và kế hoạch số 228-KH/TU ngày 20/02/2023 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Đồng Nai (khóa XI) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn những năm tiếp theo. Với kết quả, kinh nghiệm có ý nghĩa quan trọng, qua gần 4 năm thực hiện xây dựng và phát triển sản phẩm OCOP đã tạo đà cho chương trình đi vào những năm tiếp theo.

Bên cạnh những kết quả tích cực trên đây, chương trình còn những tồn tại một số hạn chế cần được quan tâm: Số lượng sản phẩm nâng hạng còn ít so với tiềm năng (trong năm 2022, chỉ có 7 sản phẩm được nâng hạng từ 3 sao lên 4 sao). Hồ sơ tham gia đánh giá phân hạng sản phẩm OCOP của các chủ thể vẫn còn thiếu các hồ sơ minh chứng như: thông tin ghi nhãn hàng hóa chưa đúng theo quy định, các chỉ tiêu kiểm nghiệm chưa đầy đủ theo yêu cầu, chưa thực hiện công bố chất lượng sản phẩm, chưa có bản cam kết bảo vệ môi trường. Một số Hội đồng đánh giá cấp huyện chưa bám sát các tiêu chí đánh giá chấm điểm, phân hạng dẫn đến tỷ lệ sản phẩm được Hội đồng cấp tỉnh công nhận chưa cao so với đề xuất của địa phương.

Để sản phẩm OCOP ngày càng đi xa hơn, hiện nay các địa phương đã và đang chung tay cùng các chủ thể đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại, quảng bá tiêu thụ sản phẩm, các sự kiện kết nối giao thương, hội chợ thương mại quảng bá, giới thiệu, bán sản phẩm OCOP trên toàn quốc, tham gia sàn thương mại điện tử, đưa sản phẩm vào các kênh tiêu thụ hiện đại.

Đồng Nai đặt mục tiêu đến năm 2025, phấn đấu có ít nhất 144 sản phẩm OCOP được công nhận đạt chuẩn từ 3 sao trở lên; ít nhất có 40% chủ thể OCOP là hợp tác xã và 30% chủ thể là các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Đặc biệt, có ít nhất 30% các chủ thể OCOP xây dựng được chuỗi giá trị theo hướng kinh tế tuần hoàn gắn với vùng nguyên liệu ổn định.

Bình luận