Nguồn lực HTX nông nghiệp giúp Lấp Vò vững vàng xây dựng nông thôn mới

Bình luận · 199 Lượt xem

Từ mô hình liên kết chuỗi mang lại hiệu quả kinh tế cao của HTX Dịch vụ nông nghiệp Bình Thành hay HTX giống nông nghiệp Định An là minh chứng rõ nét cho thấy với nguồn lực từ các HTX nông nghiệp đã và đang giúp cho huyện Lấp

Ông Trần Hoàng Nam, Phó Chủ tịch UBND huyện Lấp Vò, cho biết xây dựng nông thôn mới của huyện trong thời gian qua đạt được nhiều kết quả tích cực. Có nhiều mô hình hay, cách làm sáng tạo là điểm sáng rõ nét trong xây dựng nông thôn mới ở địa phương, điển hình như mô hình liên kết theo chuỗi giá trị đầu tư giống - tổ chức sản xuất - tiêu thụ lúa của HTX Dịch vụ nông nghiệp Bình Thành.

Hiệu quả mô hình liên kết theo chuỗi

Mô hình liên kết chuỗi của HTX dịch vụ nông nghiệp Bình Thành ở xã Bình Thành là HTX có số lượng thành viên lớn nhất và nhiều dịch vụ nhất ở huyện Lấp Vò và tỉnh Đồng Tháp để phục vụ trực tiếp các hộ thành viên. 

-8099-1698723076.jpg

Mô hình liên kết theo chuỗi giá trị đầu tư giống - tổ chức sản xuất - tiêu thụ lúa của HTX Dịch vụ nông nghiệp Bình Thành mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Ông Nguyễn Văn Đời, Giám đốc HTX, cho biết việc liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm cho nông dân là nhiệm vụ trọng tâm trong kế hoạch phát triển bền vững của HTX. Việc liên kết này giúp giảm chi phí sản xuất, tăng thu nhập cho thành viên nhờ ký kết tiêu thụ ổn định. Bên cạnh đó, HTX từng bước nâng cao kiến thức của người nông dân, từ đó giúp cho nông dân có cách nhìn hợp lý về thị trường nông sản hàng hóa, gắn bó và ủng hộ HTX trong việc đàm phán thương thảo hợp đồng…

Với hơn 1.800 hộ thành viên và 13 dịch vụ phục vụ từ sản xuất đến đời sống sinh hoạt thành viên, HTX này đang là điểm sáng về kinh tế tập thể ở Đồng Tháp. Doanh thu hàng năm của HTX vào khoảng từ 22 - 24 tỷ đồng, lợi nhuận 700 - 800 triệu.

Tính đến nay, theo ông Nguyễn Văn Đời, toàn HTX sản xuất khoảng 1.000ha lúa chất lượng cao phục vụ xuất khẩu. Tất cả diện tích sản xuất của HTX đều tiêu thụ thông qua các doanh nghiệp, mang lại lợi nhuận ổn định cho thành viên. 

Bên cạnh đó, HTX có hội quán sinh hoạt đa dạng các lĩnh vực: Kỹ thuật chăm sóc cây có múi, chuyển giao ứng dụng khoa học kỹ thuật, xử lý ra hoa xoài trái vụ, tỉa cành tạo tán, bón vôi...

HTX còn có 13 dịch vụ nông nghiệp phục vụ trực tiếp cho các hộ thành viên, như: Dịch vụ tưới tiêu, điện nông thôn (toàn xã), tín dụng nội bộ, cung cấp vật tư nông nghiệp trả chậm, sản xuất, cung cấp lúa giống, mua bán gạo, khuyến nông, bảo vệ thực vật, tổ chức liên kết hỗ trợ thành viên tiêu thụ sản phẩm.

“Lực kéo” lớn của HTX

Ngoài liên kết trong đầu tư sản xuất gắn liền với tiêu thụ sản phẩm cho hộ thành viên, HTX dịch vụ nông nghiệp Bình Thành còn tổ chức liên kết trực tiếp với hộ thành viên hàng năm hơn 20ha lúa giống gồm: Đài thơm 8, OM 18, OM 5451 và IR 50404 để chủ động cung cấp cho thành viên có nhu cầu, với giá cả phù hợp và có thể trả chậm…

-8711-1698723076.jpg

HTX giống nông nghiệp Định An giúp mang lại lợi nhuận cao cho các nông dân trồng lúa.

Bên cạnh việc định hướng cho hộ thành viên ổn định và phát triển sản xuất nâng cao thu nhập, tăng cường tình đoàn kết gắn bó tình làng nghĩa xóm trong cộng đồng dân cư, HTX dịch vụ nông nghiệp Bình Thành đã cùng với chính quyền xã Bình Thành thực hiện tốt chương trình xây dựng nông thôn mới. Đặc biệt, HTX đã nhận thực hiện 3 tiêu chí trong 19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới nâng cao (tiêu chí 2, tiêu chí 3 và tiêu chí 13).

Nhờ nguồn lực của một HTX điển hình như vậy đã góp phần giúp xã Bình Thành được UBND tỉnh Đồng Tháp công nhận đạt chuẩn xã nông thôn mới nâng cao vào năm 2022. Tính đến nay, thu nhập bình quân đầu người ở đạt trên 60 triệu đồng/năm. 

Còn ở xã Định An, cách đây vài tháng cũng đã đón bằng công nhận đạt chuẩn xã nông thôn mới nâng cao. Đây là nỗ lực rất lớn của địa phương sau 3 năm đạt chuẩn nông thôn mới. Hiện, toàn xã chỉ còn 41 hộ nghèo, thu nhập bình quân đầu người đạt hơn 64 triệu đồng/năm.

Trong thành quả xây dựng xã nông thôn mới nâng cao ở xã Định An cũng cần ghi nhận vai trò “lực kéo” rất lớn của HTX giống nông nghiệp Định An. HTX này có diện tích canh tác 110 ha, trong đó có 6ha chuyên sản xuất lúa giống. Theo tính toán, mỗi năm sau khi trừ chi phí, HTX thu lợi nhuận hơn 1 tỷ đồng.

Thời gian qua, HTX này đã lai tạo thành công nhiều giống lúa có triển vọng, được thị trường chấp nhận. HTX còn có vùng liên kết với thành viên để sản xuất lúa hàng hóa theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp. Với cách tổ chức và điều hành của HTX, lợi nhuận của thành viên đạt ít nhất 45 triệu đồng/ha đất sản xuất 2 vụ/năm. Ngoài ra, HTX và thành viên còn có thu nhập từ bán bông trang và dừa uống nước với lợi nhuận/ha cao hơn.

Theo chia sẻ của ông Nguyễn Anh Dũng, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Giám đốc HTX, bí quyết để nhiều doanh nghiệp tranh nhau ký hợp đồng “giá cao và cố định, ký trước khi xuống giống” với HTX qua nhiều năm liền chính là chữ tín, đã chốt là không có khái niệm bẻ kèo hay so sánh giá khi thu hoạch lúa. Đó là, HTX đóng vai trò làm nhạc trưởng, điều hành hài hòa lợi ích và lợi nhuận cho các bên trong liên kết chuỗi. 

Chuyển đổi tư duy trồng lúa

Các nông dân địa phương khi tham gia làm thành viên HTX giống nông nghiệp Định An đã được cung cấp lúa giống với giá rẻ hơn thị trường 1.000 đồng/kg, cho nợ tới cuối vụ. 

-5586-1698723076.jpg

Với nguồn lực từ các HTX nông nghiệp đã và đang giúp huyện Lấp Vò vững vàng tiến tới hoàn thành mục tiêu đạt 9/9 tiêu chí huyện nông thôn mới trong quý 1/2024. 

Ngoài ra, nhờ ký hợp đồng bán lúa giá cố định cho các doanh nghiệp từ đầu vụ, được ứng vốn đặt cọc nên HTX này dùng nguồn vốn này cấp lại cho thành viên 5 triệu đồng/ha với lãi suất 0% để đầu tư sản xuất.

Ông Nguyễn Anh Dũng cho biết thời gian tới sẽ tiếp tục nghiên cứu lai tạo các giống lúa mới, cải tiến sản xuất theo hướng sạch, an toàn. Mục tiêu là giới thiệu thật nhiều giống lúa đặc sản đến với người dân. Cùng với đó, khu sản xuất lúa giống của HTX sẽ xây dựng thành địa điểm du lịch sinh thái, cho du khách tham quan cánh đồng lúa.

Từ hoạt động hiệu quả như vậy, hàng năm, HTX giống nông nghiệp Định An đã trích một phần lợi nhuận làm công tác an sinh xã hội, ủng hộ xây dựng nhà tình nghĩa, cầu bê tông nông thôn tại xã Định An. Và nhất là HTX đã có nhiều đóng góp quan trọng vào việc giúp cho địa phương hoàn thành các tiêu chí xây dựng xã nông thôn mới nâng cao. 

Cùng với xã Bình Thạnh và Định An, tính đến nay, toàn huyện Lấp Vò có 4/12 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 12/12 xã đạt chuẩn nông thôn mới.

Xác định xây dựng nông thôn mới là mục tiêu có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, thời gian qua, huyện Lấp Vò đã nỗ lực trong việc huy động các nguồn lực để thực hiện, trong đó có nguồn lực từ các HTX nông nghiệp. Song song đó, huyện từng bước làm cho người dân chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp truyền thống sang tư duy kinh tế nông nghiệp, thu hút nhiều hộ gia đình tự nguyện tham gia vào các hình thức liên kết, HTX sản xuất do địa phương phát động.

Nhất là việc tái cơ cấu ngành nông nghiệp và công tác giảm nghèo bền vững đã giúp Lấp Vò đạt nhiều kết quả quan trọng. Diện tích sản xuất lúa chất lượng của huyện từ 36% vào năm 2020 tăng lên gần 60% vào năm 2023. Đặc biệt, trong năm 2023, năng suất lúa tăng cao (bình quân 7,3 tấn/ha), giá bán lúa cũng cao. 

Không chỉ vậy, ngoài mô hình liên kết chuỗi của HTX dịch vụ nông nghiệp Bình Thạnh còn có các mô hình liên kết tiêu thụ lúa của các HTX khác trong huyện cũng được duy trì thực hiện với hiệu quả cao, như: Liên kết sản xuất lúa giống theo chuỗi của HTX nông nghiệp Bình Thạnh Trung với CTCP Tập đoàn Lộc Trời; liên kết tiêu thụ lúa của HTX giống nông nghiệp Định An với Công ty TNHH Cỏ May.

Nhờ đó, đến nay, diện mạo nông thôn của huyện Lấp Vò có nhiều khởi sắc, làm động lực, tiền đề để huyện phấn đấu hoàn thành 9/9 tiêu chí huyện nông thôn mới trong quý 1/2024.

Bình luận