Khoa học công nghệ phải xoáy vào nước, tưới tiêu và môi trường

Bình luận · 205 Lượt xem

‘Viện Nước, Tưới tiêu và Môi trường đã đóng góp nhiều công sức, trí tuệ cho sự phát triển của ngành nông nghiệp và thủy lợi’, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến nói.

Sáng 4/11/2023, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến có buổi thăm và làm việc với Viện Nước, Tưới tiêu và Môi trường (Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam).

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến khẳng định, vai trò của Viện Nước, Tưới tiêu và Môi trường rất quan trọng. Ảnh: Hồng Thắm.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến khẳng định, vai trò của Viện Nước, Tưới tiêu và Môi trường rất quan trọng. Ảnh: Hồng Thắm.

Ông Lê Xuân Quang, Phó Viện trưởng Viện Nước, Tưới tiêu và Môi trường giới thiệu chức năng, nhiệm vụ, báo cáo tóm tắt kết quả hoạt động khoa học công nghệ và định hướng phát triển đến năm 2023 của Viện.

Ông Quang cho biết, Viện Nước, Tưới tiêu và Môi trường có chức năng nghiên cứu khoa học phục vụ dịch vụ công ích, chuyển giao công nghệ, đào tạo, hợp tác quốc tế, tư vấn đầu tư và xây dựng công trình về lĩnh vực nguồn nước, tưới tiêu, cải tạo đất, cấp thoát nước, môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu, bảo tồn và phục hồi các hệ sinh thái trong phạm vi cả nước. Viện đồng thời đảm nhiệm chức năng Viện chuyên đề và Viện vùng miền Bắc.

Ông Nguyễn Tiếp Tân, Phó Giám đốc Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam, Viện trưởng Viện Nước, Tưới tiêu và Môi trường chia sẻ một số khó khăn hiện nay của Viện. Ảnh: Hồng Thắm.

Ông Nguyễn Tiếp Tân, Phó Giám đốc Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam, Viện trưởng Viện Nước, Tưới tiêu và Môi trường chia sẻ một số khó khăn hiện nay của Viện. Ảnh: Hồng Thắm.

Theo ông Quang, thời gian qua, Viện Nước, Tưới tiêu và Môi trường đã có nhiều kết quả khoa học quan trọng như: Xây dựng trạm khí tượng thủy lợi thông minh phục vụ hiện đại hóa quản lý và vận hành các hệ thống công trình thủy lợi vừa và nhỏ trong điều kiện biến đổi khí hậu; dự báo, cảnh báo về tài nguyên nước, an ninh nguồn nước và xâm nhập mặn, hạn hán phục vụ hệ thống thủy lợi; xây dựng bộ quy trình tưới kết hợp bón phân cho một số cây trồng chủ lực; nghiên cứu đề xuất giải pháp công nghệ thu gom, xử lý nước thải, bùn thải tại các đô thị, nông thôn, làng nghề, vùng ven đô; giải pháp giảm thiểu ô nhiễm nước thải, chất thải rắn; nghiên cứu và đề xuất các mô hình xử lý nước và trữ nước vùng nông thôn…

“Thời gian tới, mục tiêu của Viện là trở thành một đơn vị nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ mạnh của ngành và ngang tầm các viện nghiên cứu trong khu vực”, ông Quang nói.

Đại diện Viện Nước, Tưới tiêu và Môi trường giới thiệu hệ thống tưới và bón phân tự động. Ảnh: Hồng Thắm.

Đại diện Viện Nước, Tưới tiêu và Môi trường giới thiệu hệ thống tưới và bón phân tự động. Ảnh: Hồng Thắm.

Tại buổi làm việc, cán bộ, nhân viên của Viện Nước, Tưới tiêu và Môi trường cũng đã chia sẻ một số khó khăn hiện nay đang gặp phải như: Các hoạt động khoa học công nghệ còn hạn chế, số lượng đề tài dự án khoa học công nghệ còn ít; công tác tổ chức triển khai công việc đã từng bước chuyên nghiệp bài bản nhưng vẫn cần có các nhóm nghiên cứu chuyên sâu thông qua các nhiệm vụ khoa học công nghệ giải quyết các vấn đề của bộ, ngành; công cụ, trang thiết bị, phương tiện hỗ trợ nghiên cứu còn lạc hậu, chưa đáp ứng được các công việc có yêu cầu cao…

Ông Nguyễn Tiếp Tân, Phó Giám đốc Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam, Viện trưởng Viện Nước, Tưới tiêu và Môi trường đề xuất một số kiến nghị như: Tạo điều kiện tham gia các khóa đào tạo, nâng cao năng lực cán bộ khoa học trẻ của Viện; hoàn thiện công tác tổ chức; giao thực hiện các nhiệm vụ có tính tổng hợp, chuyên môn sâu theo chức năng, nhiệm vụ của Viện; củng cố và xây dựng cơ sở vật chất; tạo điều kiện cho Viện tham gia các hoạt động khoa học công nghệ, các chương trình, đề án của Bộ NN-PTNT, ngành theo đúng chức năng và thế mạnh của Viện.

Ông Trần Đình Hòa, Giám đốc Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam bày tỏ cảm ơn và mong muốn lãnh đạo Bộ NN-PTNT sẽ tạo nhiều điều kiện hơn nữa để Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam cũng như Viện Nước, Tưới tiêu và Môi trường phát huy hết vai trò, chức năng và nhiệm vụ của các đơn vị.

Bà Nguyễn Thị Thanh Thủy, Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường (Bộ NN-PTNT) đánh giá, thời gian qua, Viện Nước, Tưới tiêu và Môi trường đã đạt những kết quả rất “đều tay” trong nhiều lĩnh vực. Các sản phẩm khoa học công nghệ nhìn chung rất tốt, có tính ứng dụng cao, tuy nhiên đừng chỉ dừng lại ở quy trình mà cần đi đến sản phẩm cuối cùng cho thực tiễn nhằm đạt được hiệu quả kinh tế. Thời gian tới, Viện cần khai thác hết tiềm năng, lợi thế và có thể mở rộng các nhiệm vụ, không nên tự hạn chế và bo mình lại.

Viện Nước, Tưới tiêu và Môi trường cho biết, công cụ, trang thiết bị, phương tiện hỗ trợ nghiên cứu còn lạc hậu, chưa đáp ứng được các công việc có yêu cầu cao. Ảnh: Hồng Thắm.

Viện Nước, Tưới tiêu và Môi trường cho biết, công cụ, trang thiết bị, phương tiện hỗ trợ nghiên cứu còn lạc hậu, chưa đáp ứng được các công việc có yêu cầu cao. Ảnh: Hồng Thắm.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến khẳng định: “Không có thủy lợi thì không có thành tựu của ngành nông nghiệp ngày hôm nay. Vai trò của Viện Nước, Tưới tiêu và Môi trường rất quan trọng, đóng góp nhiều công sức, trí tuệ cho sự phát triển của ngành nông nghiệp và thủy lợi. Trước bối cảnh nông nghiệp đang thay đổi theo hướng nông nghiệp sạch, hữu cơ, sinh thái, kinh tế tuần hoàn, chuyển đổi số…, thủy lợi có nhiều khó khăn, cần thay đổi cách tiếp cận, cần phải xoay trục”.

Thứ trưởng nói: “Đã nghiên cứu khoa học là thúc đẩy sản xuất và đón trước sản xuất, để làm được điều này phải bám vào thị trường, xu hướng. Trước biến đổi khí hậu, đề tài khoa học phải xoáy vào đấy, nhưng vẫn đúng với chức năng của Viện là nước, tưới tiêu và môi trường”.

"Thời gian tới, Viện Nước, Tưới tiêu và Môi trường cần khẩn trương xem xét các vấn đề tổ chức; đồng thời phải tăng đoàn kết, nhất trí, muốn làm được điều này phải công khai, minh bạch. Các nội dung nghiên cứu phải mang tính kế thừa, phát huy, lồng ghép các nghiên cứu với môi trường. Chương trình an ninh nguồn nước phải đi trước, chủ động từ sớm, từ xa. Tập trung công tác hợp tác quốc tế, tăng cường học hỏi… Tất cả phải cùng chung tay, góp sức vào”, Thứ trưởng nhấn mạnh.

Bình luận