Đơn hàng trở lại
Trong bối cảnh hiện nay, các doanh nghiệp xuất khẩu nói chung và doanh nghiệp ngành gỗ, thủ công mỹ nghệ nói riêng vẫn đối diện với nhiều khó khăn thách thức.
Theo các doanh nghiệp, trong thời gian qua, do giá nhiên liệu đầu vào ở mức cao đã tác động đến chi phí sản xuất của doanh nghiệp ngành gỗ.
Bên cạnh đó, yếu tố lạm phát ở mức cao, chính sách tiền tệ chưa nới lỏng; kinh tế thế giới hồi phục chậm; sự sụp đổ của một số ngân hàng trên thế giới có tác động nhất định đến xu hướng thắt chặt chi tiêu mua sắm các sản phẩm không thiết yếu như gỗ và sản phẩm gỗ tại một số thị trường xuất khẩu truyền thống của Việt Nam như Mỹ, EU, khiến nhu cầu nhập khẩu giảm mạnh.
Mặt khác, việc Trung Quốc mở cửa trở lại cũng tạo nhiều áp lực cạnh tranh đối với mặt mặt hàng gỗ và sản phẩm gỗ, đặc biệt là nhóm hàng đồ nội thất bằng gỗ của Việt Nam. Ngoài ra, phòng vệ thương mại giữa các quốc gia có nhiều diễn biến phức tạp.
Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương), 9 tháng đầu năm 2023, trị giá xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam ước đạt 9,7 tỷ USD, giảm 21,3% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, trị giá xuất khẩu sản phẩm gỗ ước đạt 6,5 tỷ USD, giảm 24,3% so với cùng kỳ năm 2022.
Trong cơ cấu mặt hàng gỗ và sản phẩm gỗ xuất khẩu, đồ nội thất bằng gỗ là mặt hàng xuất khẩu chính trong 8 tháng đầu năm 2023, đạt 5 tỷ USD, giảm 29,1% so với cùng kỳ năm 2022. Trị giá xuất khẩu những mặt hàng như dăm gỗ, gỗ, ván và ván sàn; viên gỗ nén, cửa gỗ… cũng giảm do nhu cầu toàn cầu yếu.
Tuy nhiên, cuối quý III/2023 cho đến quý IV/2023, các doanh nghiệp gỗ và thủ công mỹ nghệ cho rằng, tín hiệu tích hơn, tốc độ giảm bắt đầu chậm lại, đây là điểm sáng để kỳ vọng vào tình hình xuất khẩu đồ gỗ trong những tháng cuối năm. Các doanh nghiệp cũng đã có những đơn hàng trở lại để phục vụ cho mùa cuối năm, cũng như đầu quý I/2024.
Bà Dương Thị Tú Trinh, Phó Giám đốc Công ty TNHH Đức Thiện (Bình Dương) cho biết, với kinh nghiệm hơn 30 năm xuất khẩu ghế sofa sang thị trường Mỹ, dù tình hình kinh doanh có giảm hơn so với 2 năm trước đại dịch, nhưng doanh nghiệp vẫn có những đơn hàng xuất khẩu đều đặn. Hiện đơn hàng đã kín cho đến tháng 3/2024.
Mỗi tháng, doanh nghiệp này xuất 10 container ghế sofa sang thị trường Mỹ. "Ngoài việc tự nâng cao năng lực nội tại của doanh nghiệp như đầu tư về công nghệ, máy móc, nguồn nhân lực, chúng tôi cũng bước đầu có những thay đổi để tham gia vào việc sản xuất "xanh", sạch và bền vững", bà Trinh nói.
Theo ông Trần Quốc Mạnh, Phó Chủ tịch Hiệp hội xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam, hiện nay yêu cầu của khách hàng khắt khe hơn, giá cả phải thấp hơn, mẫu mã đa dạng hơn, sản phẩm đồ gỗ phải thân thiện với môi trường hơn, phải xanh hơn, bền vững hơn.
Do đó, các doanh nghiệp cần nỗ lực giải quyết khó khăn, đáp ứng thị hiếu khách hàng. Đặc biệt, nối lại các đơn hàng đã mất, phối hợp chặt chẽ với các tổ chức, hiệp hội, ngành hàng và sự hỗ trợ của Chính phủ trong chương trình xúc tiến thương mại trong và ngoài nước, mở cơ hội tìm kiếm khách hàng mới, thị trường mới, đơn hàng mới.
"Trong năm 2024 và những năm tiếp theo, ngành đồ gỗ có đủ lực vượt qua khó khăn thách thức và đi đến thành công", ông Mạnh khẳng định.
Theo ông Đặng Quốc Hùng, Giám đốc Công ty Cổ phần Thủ công mỹ nghệ gỗ Liên Minh, thị trường truyền thống của ngành gỗ, thủ công mỹ nghệ Việt Nam là thị trường châu Âu và Mỹ. Tuy nhiên, hiện nay những thị trường mới nổi như Trung Đông, Ấn Độ, Nam Mỹ, châu Phi được kỳ vọng có thể bù đắp doanh số thiếu hụt. Vì vậy, các doanh nghiệp cần nắm bắt để có những kế hoạch kinh doanh phù hợp.
Xúc tiến thương mại
Trước những khó khăn của ngành gỗ và thủ công mỹ nghệ, ông Hùng cho biết, tới đây, Công ty Cổ phần Thủ công mỹ nghệ gỗ Liên Minh sẽ phối hợp với các đơn vị, địa phương tổ chức Hội chợ Quốc tế đồ gỗ và mỹ nghệ xuất khẩu Việt Nam lần thứ 15 (VIFA EXPO 2024) và Hội chợ Quốc tế đồ gỗ và mỹ nghệ xuất khẩu Việt Nam ASEAN lần thứ 2 (VIFA ASEAN 2024).
Trong đó, VIFA EXPO 2024 sẽ được tổ chức tại Trung tâm Triển lãm Hội nghị Quốc tế Sky Expo Việt Nam (quận 12, TP.HCM) từ ngày 26 - 29/2/2024. VIFA EXPO 2024 là Hội chợ tiên phong trong chuỗi hội chợ nội thất lớn nhất châu Á năm 2024. Dự kiến, VIFA EXPO 2024 sẽ thu hút hơn 600 doanh nghiệp với hơn 2.000 gian hàng, quy tụ số lượng lớn các nhà cung cấp, nhà sản xuất sản phẩm nội thất, mỹ nghệ, trang trí uy tín ở Việt Nam và các nước.
VIFA ASEAN 2024 sẽ được tổ chức từ ngày 27 - 30/8/2024, tại Trung tâm Hội chợ và Triển lãm Sài Gòn SECC với dự kiến mở rộng quy mô, tăng gấp đôi số lượng gian hàng và doanh nghiệp tham gia trưng bày. Dự kiến sẽ thu hút trên 400 doanh nghiệp tham gia trưng bày với trên 1.200 gian hàng, đặc biệt là sự tham gia của các nước ASEAN.
Ông Hùng cho biết, trong lần tổ chức đầu tiên vào tháng 8 vừa qua, VIFA ASEAN 2023 đã quy tụ 198 doanh nghiệp, trong đó 102 doanh nghiệp từ 10 quốc gia; 96 doanh nghiệp từ 13 tỉnh thành của Việt Nam. Hội chợ đã đón 9.438 khách tham quan, trong đó có 3.779 khách đến từ 64 quốc gia & vùng lãnh thổ.
"VIFA EXPO 2023 được tổ chức vào tháng 3 vừa qua đã đạt kết quả thành công vượt bậc so với các kỳ trước đây. Có thể thấy, ngành nội thất và chế biến gỗ Việt Nam đã vào vai một nhà tổ chức, dẫn dắt thị trường với một “sân chơi" quy mô, hiệu quả, được hưởng ứng bởi hàng trăm doanh nghiệp trong và ngoài nước. Tại đây, khách nhập khẩu và mua hàng nội thất trên khắp thế giới được trao đổi, thiết lập quan hệ hợp tác trực tiếp với nhà sản xuất chất lượng. Ban tổ chức ghi nhận giá trị giao dịch ký kết đơn hàng ngay tại hội chợ lên đến gần 100 triệu USD.
Từ thành công của VIFA ASEAN 2023, Sở Công thương TP.HCM và các tỉnh Tây Ninh, Bình Phước, Long An đã cùng Ban tổ chức lập biên bản ghi nhớ hỗ trợ xúc tiến thương mại cho các doanh nghiệp. Qua đó, hỗ trợ doanh nghiệp ngành gỗ, thủ công mỹ nghệ và trang trí nội thất phát triển bền vững", ông Hùng thông tin.
Nguyễn Thủy