Thanh toán bệnh lở mồm long móng [Bài 7]: Minh bạch khả năng bảo hộ từng loại vacxin

Bình luận · 217 Lượt xem

Để phòng, chống dịch lở mồm long móng hiệu quả, các doanh nghiệp kiến nghị Cục Thú y cung cấp thông tin dịch tễ và minh bạch khả năng bảo hộ của từng loại vacxin.

Công ty Cổ phần Chăn nuôi C.P. Việt Nam kiến nghị minh bạch hiệu quả bảo hộ của các loại vacxin hiện hành ở Việt Nam. Ảnh: Phương Thảo.

Công ty Cổ phần Chăn nuôi C.P. Việt Nam kiến nghị minh bạch hiệu quả bảo hộ của các loại vacxin hiện hành ở Việt Nam. Ảnh: Phương Thảo.

Kinh nghiệm của C.P. Việt Nam

Công ty Cổ phần Chăn nuôi C.P. Việt Nam dù chưa để bùng phát dịch lở mồm long móng (FMD), song nhà sản xuất lợn hàng đầu thị trường Việt Nam này luôn duy trì cấp độ phòng dịch cao nhất với loại dịch bệnh nguy hiểm này.

Ông Vũ Anh Tuấn, Phó Tổng Giám đốc Cấp cao Công ty Cổ phần Chăn nuôi C.P. Việt Nam cho biết, lở mồm long móng là bệnh truyền nhiễm, được Tổ chức Thú y Thế giới (WOAH/OIE) xếp vào danh sách bảng A. Bệnh có tỷ lệ lây nhiễm cao lên tới 100%, tỷ lệ chết phụ thuộc vào từng độ tuổi nhiễm của lợn.

Do tính chất của bệnh lở mồm long móng, Công ty Cổ phần Chăn nuôi C.P. Việt Nam xác định, đây là bệnh cực kì nguy hiểm, gây thiệt hại lớn về mặt kinh tế, tăng tỷ lệ chết, giảm năng suất, giảm tăng trọng và tăng giá thành sản xuất.

Theo quy định của Tổ chức Thú y Thế giới và Cục Thú y, bệnh lở mồm long móng nằm trong danh mục phải công bố dịch. Dịch bệnh xảy ra sẽ ảnh hưởng lớn đến việc vận chuyển lợn ra vào vùng dịch. Giá lợn thịt và lợn giống trong khu vực xảy ra dịch cũng sẽ giảm. Đồng thời, dịch bệnh còn ảnh hưởng lớn đến xuất khẩu lợn và sản phẩm từ lợn ở các quốc gia, vùng lãnh thổ có xảy ra bệnh lở mồm long móng.

Nhận thức được mức độ nghiêm trọng của bệnh lở mồm long móng, C.P. Việt Nam luôn thực hiện tốt công tác thú y và tiêm phòng vacxin đầy đủ. Do vậy, cho đến hiện tại, Công ty chưa ghi nhận ca bệnh nào liên quan đến dịch bệnh này.

Để có được kết quả này, theo ông Tuấn, công tác an toàn sinh học được C.P. Việt Nam quan tâm và chú trọng trong kiểm soát dịch bệnh. Công ty thực hiện kiểm soát mầm bệnh xâm nhập từ bên ngoài vào trong trại thông qua các biện pháp như: Kiểm soát chặt chẽ phương tiện vận chuyển trước khi vào trại như xe vận chuyển cám, xe vận chuyển thuốc, xe bán lợn...

Công tác kiểm soát bên trong trang trại luôn vệ sinh sạch sẽ, thường xuyên phun thuốc sát trùng để tiêu diệt mầm bệnh. Xác lợn chết được xử lý đúng kỹ thuật theo khuyến cáo của ngành Thú y.

Đặc biệt, C.P. Việt Nam chú trọng tiêm phòng vacxin FMD đầy đủ để lợn có miễn dịch chống lại bệnh lở mồm long móng. Trong quá trình tiêm vacxin, Công ty luôn đảm bảo theo dõi kỹ các vấn đề bảo quản, vận chuyển, kỹ thuật tiêm.

“Vacxin lở mồm long móng được coi là một trong những công cụ hiệu quả nhất trong việc phòng, chống dịch bệnh cho các trang trại lợn của Công ty C.P. Việt Nam. Vacxin đã được C.P. Việt Nam đưa vào quy trình tiêm cho lợn nái và lợn thịt thương phẩm”, ông Tuấn Anh cho biết.

Cụ thể, lợn nái và lợn đực giống C.P. Việt Nam hiện sử dụng vacxin lở mồm long móng loại 3 type Boehringer ingelheim animal health limited. Lợn nái tiêm lúc 12 tuần mang thai, lợn đực tiêm định kỳ 4 tháng/lần.

Với lợn thịt thương phẩm, C.P. Việt Nam đang sử dụng vacxin lở mồm long móng Aftogen Oleo type O của Công ty Biogenesis Bago S.A sản xuất, Công ty Cổ phần Kinh doanh thuốc thú y Amavet nhập khẩu, phân phối và vacxin FMD của Công ty Lanzhou bio-Pharmaceutical Factory of China animals husbandry industry do Công ty ABIO và Apharma nhập khẩu, phân phối.

Để theo dõi được hiệu quả của các loại vacxin lở mồm long móng, Công ty Cổ phần Chăn nuôi C.P. Việt Nam tiến hành lấy mẫu máu lợn sau tiêm 4 tuần kiểm tra kháng thể. Phần trăm số mẫu lợn có kháng thể dương tính trên 90% là bảo hộ tốt bệnh lở mồm long móng.

Ngoài ra, việc vận chuyển, bảo quản và tiêm vacxin lở mồm long móng cũng được C.P. Việt Nam kiểm soát chặt chẽ bởi các bác sĩ thú y và kỹ sư chăn nuôi, đảm bảo tốt nhất đáp ứng miễn dịch sau tiêm phòng vacxin.

Để phòng, chống bệnh lở mồm long móng hiệu quả, ông Vũ Anh Tuấn mong muốn, cơ quan Nhà nước cập nhật thông tin dịch tễ đẩy đủ và chính xác để doanh nghiệp chủ động hơn trong việc phòng, chống dịch bệnh. Đồng thời, cơ quan Thú y cung cấp thông tin về các chủng virus lở mồm long móng và minh bạch hiệu quả bảo hộ của các loại vacxin hiện hành ở Việt Nam. Công ty C.P. Việt Nam cũng đề xuất sớm xây dựng các vùng an toàn dịch bệnh lở mồm long móng để phục vụ xuất khẩu lợn và các sản phẩm từ lợn theo các yêu cầu của tổ chức Thú y Thế giới (WOAH/OIE).

Hòa Phát đặc biệt coi trọng công tác kiểm soát an toàn sinh học và tiêm vacxin trong chăn nuôi lợn để phòng, chống dịch bệnh lở mồm long móng. Ảnh: Phương Thảo.

Hòa Phát đặc biệt coi trọng công tác kiểm soát an toàn sinh học và tiêm vacxin trong chăn nuôi lợn để phòng, chống dịch bệnh lở mồm long móng. Ảnh: Phương Thảo.

Bài học của Hòa Phát

Cũng là đơn vị chưa để xảy ra dịch lở mồm long móng, Công ty Cổ phần Phát triển chăn nuôi Hòa Phát (Tập đoàn Hòa Phát) luôn xác định đây là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do virus gây nên, có tính lây lan mạnh nên phải đặc biệt trú trọng công tác phòng dịch.

Ông Ngô Xuân Trường, Giám đốc Công ty TNHH Chăn nuôi Sơn Động (Công ty Cổ phần Phát triển chăn nuôi Hòa Phát) cho biết, ngay từ khi bước vào ngành chăn nuôi, ban lãnh đạo công ty đã xác định quản lý an toàn sinh học tốt là sự sống còn trong chăn nuôi, đặc biệt là chăn nuôi lợn. Chính vì thế, chúng tôi đã chọn vị trí xây dựng trại như: Cách khu dân cư, cách xa các bãi rác thải, cách xa các trại lợn của những đơn vị chăn nuôi khác tối thiểu 1km.

Với mỗi quy mô trang trại lớn nhỏ khác nhau, Hòa Phát đầu tư diện tích đất đủ lớn để đảm bảo vành đai an toàn sinh học nhiều lớp: Hàng rào quanh trại, vùng đệm, đường cấp cám, hàng rào quanh chuồng, vùng đệm quanh chuồng. Các trại luôn đảm bảo nguồn nước được xử lý đạt chuẩn theo QCVN 01-1:2018/BYT trước khi đưa vào hệ thống sử dụng cho người và vật nuôi.

Mặc dù chưa bùng phát dịch lở mồm long móng, nhưng ông Trường cho biết, công tác quản lý việc thực hiện an toàn sinh học luôn được công ty coi là điều kiện tiên quyết để phòng chống dịch.

Lợn giống nhập về được nuôi tại khu cách ly và thích nghi riêng biệt 45 ngày, trong thời gian này lợn giống sẽ được làm các vacxin theo quy trình. Trước khi chuyển lên nhập đàn, 100% lợn được lấy mẫu máu (nước bọt) xét nghiệm đảm bảo âm tính với các bệnh truyền nhiễm như: Dịch tả lợn châu Phi, dịch tả lợn cổ điển, tai xanh, lở mồm long móng.

Về công tác tiêm phòng, Giám đốc Công ty TNHH Chăn nuôi Sơn Động cho biết, các trại của Hòa Phát chú trọng theo dõi cập nhật tình hình dịch bệnh để kịp thời lựa chọn vacxin phù hợp hiệu quả.

Hiện công ty đang sử dụng vacxin lở mồm long móng type O chủng RAH06/FMD/O-135 có tính tương đồng với 30 subtype khác nhau trong type O của bệnh lở mồm long móng như Mya-98, PanAsia, Cathay, Ind2001... Vacxin này được công ty sử dụng từ năm 2018 đến nay đảm bảo an toàn cho toàn bộ hệ thống trang trại của Hòa Phát.

Cùng với việc chủ động kiểm soát dịch bệnh bằng vacxin, ông Ngô Xuân Trường kiến nghị, các Chi cục Chăn nuôi Thú y kiểm soát tốt dịch bệnh ở các loại động vật guốc chẵn trên địa bàn. Khi phát hiện ra dịch cần công bố, xử lý đúng quy định về thú y với các vật nuôi nhiễm bệnh.

Ông Trường cho rằng, việc lấy mẫu bệnh phẩm từ nguồn vật nuôi bị nhiễm bệnh giải trình tự gen xác định type, chủng virus đang lưu hành thông báo cho các doanh nghiệp trong tỉnh là cơ sở quan trọng để các doanh nghiệp chủ động nguồn vacxin tương thích ứng phó.

Cùng với đó, Hòa Phát cũng kiến nghị Cục Thú y kiểm soát khuyến cáo các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ tiêm vacxin lở mồm long móng, nhất là khi loại vacxin này đã được Nhà nước cấp phát miễn phí để triển khai tiêm phòng định kỳ 2 lần/năm. Để quá trình tiêm phòng vacxin đạt hiệu quả cao, ông Ngô Xuân Trường nhấn mạnh, việc đánh giá, phân loại vacxin định kỳ hàng năm là rất cần thiết.

“Hòa Phát kiến nghị tất cả các tỉnh có vùng chăn nuôi tập trung, sớm di dời các cơ sở chăn nuôi để đảm bảo công tác quản lý về dịch bệnh. Quy hoạch vùng chăn nuôi sẽ giúp kiểm soát tốt việc tiêm vacxin với các loại guốc chẵn, nhằm thanh toán dứt điểm bệnh lở mồm long móng, từ đó tăng cơ hội xuất khẩu lợn cho Việt Nam”, ông Ngô Xuân Trường,Công ty TNHH Chăn nuôi Sơn Động kiến nghị.

 
Bình luận