Tại buổi họp báo giới thiệu về Festival bảo tồn và phát triển làng nghề Việt Nam năm 2023 và Hội chợ làng nghề Việt Nam lần thứ 19 - 2023, sáng 1/11, ông Nguyễn Minh Tiến, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, nằm trong hoạt động chính của Festival, Hội chợ quốc tế giới thiệu sản phẩm làng nghề, sản phẩm OCOP sẽ được tổ chức từ ngày 9 đến 12/11 tại Hoàng thành Thăng Long (số 19C Hoàng Diệu, Hà Nội).
Theo đó, Hội chợ có sự tham gia của hơn 100 đơn vị, doanh nghiệp trong nước và quốc tế như Lào, Indonesia, Thái Lan, Nga… Với quy mô 300 gian hàng, hội chợ trưng bày, giới thiệu nhiều sản phẩm thủ công mỹ nghệ đặc trưng của các làng nghề, phố nghề truyền thống trong cả nước, điển hình: Gốm sứ Bát Tràng; tơ tằm Mỹ Đức, mây tre đan Phú Vinh, sơn mài Hạ Thái, khảm trai Chuôn Ngọ; gốm Chu Đậu...; giới thiệu các sản phẩm nông nghiệp đạt tiêu chuẩn OCOP từ 3 sao trở lên, sản phẩm được bảo hộ chỉ dẫn địa lý, sản phẩm hữu cơ, đặc sản như: Gạo tám Điện Biên, gạo nếp Tú Lệ, Gạo ST24, gạo sạch Vị Thủy...
Hội chợ được phân chia thành các không gian trưng bày riêng biệt, gồm: Không gian sáng tạo Làng nghề Hà Nội trưng bày giới thiệu và tôn vinh các sản phẩm thủ công mỹ nghệ tiêu biểu kết tinh từ việc phát huy truyền thống, sự sáng tạo của các nghệ nhân, thợ thủ công làng nghề truyền thống của Hà Nội.
Không gian trưng bày, giới thiệu sản phẩm thủ công mỹ nghệ quốc tế được thiết kế, trang trí đặc biệt theo đặc thù văn hóa của các quốc gia tham gia Hội chợ.
Không gian trưng bày, giới thiệu sản phẩm thủ công mỹ nghệ tham dự Hội thi sản phẩm thủ công mỹ nghệ Việt Nam năm 2023. Không gian làng nghề di sản với quy mô 25 gian hàng trưng bày, giới thiệu kết hợp trình diễn tại chỗ 25 nghề thủ công truyền thống của 19 tỉnh, thành phố đã được đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Không gian trải nghiệm văn hóa ẩm thực OCOP vùng miền trưng bày, giới thiệu các sản phẩm OCOP, ẩm thực đặc sắc của các vùng miền địa phương nhằm tạo cơ hội cho khách hàng đến tham quan, giao dịch và tham gia các hoạt động của Festival.
Ban tổ chức cũng mời một số nghệ nhân tiêu biểu tham gia thao diễn thủ công mỹ nghệ, giới thiệu sản phẩm tại chỗ một số nghề truyền thống như gỗ mỹ nghệ, thêu, dệt lụa, nón lá, gốm, đồng.
Trong khuôn khổ Festival, nhiều hoạt động khác được tổ chức, như: Đêm biểu diễn Chương trình nghệ thuật của các làng nghề văn hóa truyền thống; Hội thảo quốc tế “Bảo tồn và phát triển làng nghề”; Hội thảo xây dựng vùng nguyên liệu dâu tằm tơ; Hội thi sản phẩm thủ công mỹ nghệ Việt Nam năm 2023.
Theo ông Tiến, làng nghề có vị trí quan trọng trong nền kinh tế nước ta, đặc biệt là đối với khu vực nông thôn. Sự phát triển làng nghề góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn theo hướng tăng dần tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ.
Hiện cả nước ta có hơn 5.000 làng nghề và làng có nghề đang hoạt động, trong đó số làng nghề truyền thống được công nhận theo tiêu chí làng nghề hiện nay của Chính phủ là 2.008, thu hút khoảng 1,58 triệu lao động với thu nhập bình quân khoảng 5 - 6 triệu đồng/người/tháng. Có nhiều làng tồn tại từ 500 đến 1000 năm lại đây, trở thành những làng nghề tiêu biểu, được cả nước và thế giới biết đến, như lụa Vạn Phúc, tranh Đông Hồ, gốm sứ Bát Tràng…
Bà Nguyễn Thị Hoàng Yến, Phó Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho hay, khác với các năm trước, Festival năm nay sẽ có nhiều hoạt động nổi bật và ý nghĩa như: Lễ vinh danh các nghệ nhân, thợ giỏi; Hội thi sản phẩm thủ công mỹ nghệ; biểu diễn chương trình nghệ thuật văn hóa truyền thống; Hội thảo quốc tế “Bảo tồn và phát triển làng nghề”.
Đặc biệt, bên lề Festival sẽ có hàng loạt các hoạt động hưởng ứng do UBND TP Hà Nội chủ trì thực hiện như: Lễ rước tổ nghề và tuần văn hóa du lịch - thương mại làng nghề Vạn Phúc năm 2023 với chủ đề “Vạn Phúc - sắc màu hội nhập”; Tuần lễ giới thiệu sản phẩm OCOP gắn với văn hóa các tỉnh Nam Bộ; Lễ hội mùa thu Hà Nội; Hội chợ quốc tế quà tặng hàng thủ công mỹ nghệ Hà Nội năm 2023; các hoạt động tham quan, trải nghiệm tại các làng nghề ở Hà Nội như: Bát Tràng, Vạn Phúc, Đường Lâm…
"Festival tạo môi trường giao lưu, trao đổi kinh nghiệm, kiến thức sản xuất kinh doanh sản phẩm làng nghề; tôn vinh các nghệ nhân, thợ giỏi, người lao động trong các làng nghề; quảng bá, giới thiệu các làng nghề, phố nghề truyền thống trên địa bàn TP Hà Nội và cả nước; góp phần từng bước thúc đẩy tiêu thụ, nâng cao giá trị sản phẩm và phát triển du lịch trong các làng nghề trong nhân dân để phát triển sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm, xóa đói giảm nghèo, thu hẹp khoảng cách về mức sống giữa thành thị và nông thôn...", bà Yến cho biết.
Còn ông Nguyễn Văn Chí, Phó Chánh Văn phòng Thường trực Văn phòng Điều phối chương trình xây dựng nông thôn mới Hà Nội kỳ vọng thông qua Festival sẽ tạo môi trường giao lưu, trao đổi kinh nghiệm, kiến thức sản xuất, kinh doanh sản phẩm làng nghề; tôn vinh các nghệ nhân, thợ giỏi, người lao động trong các làng nghề.
“Hà Nội cũng mong muốn Festival sẽ góp phần quảng bá, giới thiệu các làng nghề, phố nghề truyền thống trên địa bàn Hà Nội và cả nước; từng bước thúc đẩy tiêu thụ, nâng cao giá trị sản phẩm và phát triển du lịch trong các làng nghề của Hà Nội nói riêng, cả nước nói chung”, ông Nguyễn Văn Chí chia sẻ.