Thứ trưởng thường trực Hà Công Tuấn: Các đơn vị cần khẩn trương tái cơ cấu doanh nghiệp

Bình luận · 241 Lượt xem

Chiều 10/1 tại Hà Nội, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tổ chức Hội nghị Tổng kết công tác tái cơ cấu doanh nghiệp năm 2018, kế hoạch 2019 – 2020. Thứ trưởng thường trực Hà Công Tuấn và Thứ trưởng Phùng ?


Toàn cảnh Hội nghị

Công tác sắp xếp đổi mới tại các khối doanh nghiệp (DN) là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Bộ NN&PTNT, góp phần vào thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp trong những năm vừa qua. Năm 2018, Bộ NN&PTNT đã cơ bản hoàn thành công tác tái cơ cấu, cổ phần hóa, thoái vốn, chuyển giao các doanh nghiệp theo kế hoạch, trong đó hoàn thành công tác cổ phần hóa chuyển Công ty mẹ - Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam cùng 20 công ty con, Công ty mẹ - Tổng công ty Lương thực miền Nam sang công ty cổ phần. Đây là 2 doanh nghiệp có quy mô rất lớn về tài chính, đất đai, lao động…; trong đó Tổng công ty Lương thực miền Nam là doanh nghiệp có nhiều tồn tại về tài chính cần phải xử lý để có thể cổ phần hóa thành công. 

Năm 2018, Bộ NN&PTNT đã tổ chức bán đấu giá công khai và hoàn thành việc thoái 100% vốn nhà nước tại Tổng công ty Mía đường II.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đã thực hiện chuyển giao quyền, trách nhiệm của chủ sở hữu 5 doanh nghiệp sang Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp đối với: Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam – Công ty cổ phần, Tổng công ty Lương thực miền Bắc, Tổng công ty Lương thực miền Nam, Tổng công Cà phê Việt Nam, Tổng công ty Lâm nghiệp Việt Nam. 

Hoạt động sản xuất kinh doanh trong ngành nông nghiệp những năm gần đây gặp nhiều khó khăn, giá sản phẩm (cao su, lúa gạo, cà phê…) sụt giảm. Tuy vậy, các doanh nghiệp do Bộ NN&PTNT vẫn tiếp tục kinh doanh có lãi, trong đó có những đơn vị đạt hiệu quả kinh doanh cao như Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam, Tổng công ty Lương thực miền Bắc, Tổng công ty Lâm nghiệp Việt Nam – Công ty CP.

Theo ông Đặng Vũ Trần, Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý Doanh nghiệp, tuy đạt được một số kết quả nhất định, nhưng tái cơ cấu các DNNN thuộc Bộ vẫn còn những tồn tại, hạn chế. Một số địa phương, doanh nghiệp chưa tích cực, chủ động triển khai thực hiện sắp xếp, đổi mới công ty nông, lâm nghiệp. Một số doanh nghiệp chưa thực sự quyết liệt thực hiện tái cơ cấu và cổ phần hóa; kết quả sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp chưa đạt theo đúng kế hoạch đề ra. Việc quyết toán vốn nhà nước lần 2 tại một số đơn vị còn chậm.

Tại Hội nghị, đại diện các doanh nghiệp như Tổng công ty Lương thực miền Bắc, Tổng công ty Chè Việt Nam, Tổng công ty Lương thực miền Nam, Tổng công ty Lâm nghiệp Việt Nam… cũng đã nêu lên những kết quả đạt được trong quá trình thực hiện tái cơ cấu và cổ phần hóa, thoái vốn, chuyển giao doanh nghiệp theo nội dung chỉ đạo của Bộ và Phủ, cũng như những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện gây chậm trễ tiến độ mong được các ban ngành chức năng liên quan hỗ trợ cùng tháo gỡ.

Đại diện Tổng công ty Lương thực miền Bắc phát biểu ý kiến

Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng thường trực Bộ NN&PTNT Hà Công Tuấn nhận định các DN có sự đóng góp rất lớn cho sự phát triển của ngành nông nghiệp. Thứ trưởng khẳng định mặc dù có sự chuyển giao quản lý vốn nhà nước nhưng Thứ trưởng mong muốn các doanh nghiệp tiếp tục gắn bó với ngành ngành nông nghiệp và PTNT. Các doanh nghiệp về Ủy ban Quản lý vốn nhưng phải làm ăn hiệu quả hơn, bảo toàn vốn nhà nước tốt hơn.

Thứ trưởng thường trực Hà Công Tuấn cũng chỉ đạo yêu cầu các đơn vị liên quan khẩn trương tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước do Bộ làm đại diện chủ sở hữu. Các đơn vị cần sớm hoàn thành quyết toán vốn nhà nước lần 2 và bàn giao sang công ty cổ phần đối với Tổng công ty chè Việt Nam; Tổng công ty Vật tư nông nghiệp; riêng Tổng công ty Rau quả, Nông sản phải hoàn thành trong quý 1/2019. 

Các đơn vị cũng sớm xác định thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp để cổ phần hóa Công ty TNHH một thành viên Thủy sản Hạ Long; xây dựng phương án tái cơ cấu đối với Công ty Agrexport Hà Nội; cổ phần hóa hoặc giải thể Công ty TNHH một thành viên Nhà xuất bản nông nghiệp.

Bộ sẽ đẩy mạnh bán vốn đầu tư của Nhà nước công khai, minh bạch theo đúng quy định đối với Công ty cổ phần Thuốc Thú y Trung ương Navetco và Vetvaco. 

Thứ trưởng thường trực Bộ NN&PTNT Hà Công Tuấn chỉ đạo hội nghị

Trong năm 2019 – 2020, Bộ NN&PTNT sẽ hoàn thành chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước về SCIC theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. 

Đối với các đơn vị sự nghiệp công lập, Bộ NN&PTNT sẽ rà soát và báo cáo Thủ tướng Chính phủ phê duyệt danh mục đơn vị sự nghiệp công lập thực hiện chuyển đổi thành công ty cổ phần. 

Trước mắt, Bộ sẽ thực hiện thí điểm việc cổ phần hóa Trung tâm kiểm định kỹ thuật an toàn máy thiết bị nông nghiệp và Trung tâm Khảo nghiệm, kiểm nghiệm phân bón quốc gia. Đồng thời, sắp xếp, tổ chức lại 2 bán quản lý dự án Thủy lợi 03 và Thủy lợi 5 thành doanh nghiệp thực hiện nhiệm vụ công ích. 

Về sắp xếp đổi mới, nâng cao hiệu quả công ty nông, lâm nghiệp, Bộ NN&PTNT tích cực đôn đốc, hỗ trợ các địa phương thực hiện sắp xếp, đổi mới và phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của các công ty nông, lâm nghiệp theo Phương án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; kịp thời đề xuất tháo gỡ những khó khăn vướng mắc về: đất đai, tài chính, công nợ… 

 

 

V.A (mard.gov.vn)

Bình luận