Trung tâm Khuyến nông Thái Bình - 30 năm hoạt động và phát triển

Bình luận · 457 Lượt xem

Ngày 02/3/1993, Chính phủ ban hành Nghị định số 13 quy định về công tác khuyến nông, đặt nền móng cho sự ra đời và phát triển của hệ thống khuyến nông Việt Nam.

1. Quá trình hình thành và phát triển

 

Ngày 02/3/1993, Chính phủ ban hành Nghị định số 13 quy định về công tác khuyến nông, đặt nền móng cho sự ra đời và phát triển của hệ thống khuyến nông Việt Nam. Trải qua 30 năm hoạt động và phát triển, hệ thống khuyến nông cả nước không ngừng phát triển từ trung ương đến cơ sở, gắn bó mật thiết với nông nghiệp, nông dân và nông thôn. Ngày 29/5/1993 UBND tỉnh Thái Bình ban hành Quyết định số 336/QĐ-UBND đổi tên Trung tâm Nghiên cứu nông nghiệp thành Trung tâm Khảo nghiệm và Khuyến nông trực thuộc Sở Nông nghiệp (nay là Sở Nông nghiệp và PTNT) đánh dấu sự hình thành và phát triển của Trung tâm Khuyến nông Thái Bình. Sau nhiều lần hợp nhất và đổi tên, năm 2018, thực hiện Quyết định số 2335/QĐ-UBND ngày 17 tháng 9 năm 2018 của UBND tỉnh Thái Bình về việc sáp nhập Trung tâm Giống Thủy sản vào Trung tâm Khuyến nông Thái Bình, tên đơn vị sau khi sáp nhập là “Trung tâm Khuyến nông Thái Bình”.

 

Năm 1993 khi mới thành lập, cơ cấu tổ chức Trung tâm gồm Giám đốc, 2 Phó Giám đốc và 7 phòng chuyên môn. Số lượng người làm việc có 65 viên chức và người lao động, trong đó có 42 người có trình độ đại học, 9 người có trình độ Trung cấp, 14 người là công nhân kỹ thuật và nhân viên phục vụ.

 

Đến năm 2023, Trung tâm Khuyến nông có 58 viên chức và 1 hợp đồng 68. Cơ cấu tổ chức gồm 1 Giám đốc và 01 Phó Giám đốc; có 6 phòng chuyên môn, 8 trạm khuyến nông các huyện, thành phố và 2 trại cá (là đơn vị tự trang trải) trực thuộc Trung tâm. Về trình độ chuyên môn, hiện có 17 thạc sỹ, 48 kỹ sư, cử nhân.

 

Trong những năm qua, bám sát chủ chương, chính sách của tỉnh, định hướng của ngành, Trung tâm Khuyến nông đã có những đóng góp to lớn vào sự phát triển nông nghiệp của tỉnh Thái Bình, cụ thể:

 

2. Công tác khuyến nông giai đoạn 1993 - 2003

 

Những năm 1993 – 2003, yêu cầu cấp bách trong giai đoạn này là sản xuất để đảm bảo lương thực, thực phẩm cho người dân. Đội ngũ cán bộ khuyến nông đã tăng cường công tác điều tra, phân loại và xây dựng thành công bản đồ nông hóa thổ nhưỡng, bản đồ sử dụng đất nông nghiệp  cho khoảng 80% địa phương trong tỉnh, từ đó làm căn cứ cho các địa phương xây dựng phương án chỉ đạo sản xuất. Các biện pháp kỹ thuật về xác định cơ cấu giống, thời vụ gieo cấy, gieo mạ non, cấy nông tay, bón phân cân đối… được tập huấn sâu rộng và toàn diện tới người nông dân.

 

Song song với đó, Trung tâm đã nghiên cứu, sưu tầm và du nhập hàng nghìn giống cây trồng mới để khảo nghiệm, xây dựng mô hình, tìm ra bộ giống lúa phù hợp với điều kiện sinh thái của tỉnh, năng suất cao vượt trội gấp 2-3 lần giống cũ, bổ sung vào cơ cấu giống cây trồng của tỉnh. Điển hình nhất là giống Q5, Khâm Dục, BT7, Khang dân 18, … và một số giống có khả năng chống chịu tốt như Xi23, X21, Tạp giao… được đưa vào gieo cấy trên các chân ruộng chua trũng, kìm hãm.  Việc tiếp cận các giống ngắn ngày năng suất là bước tiến vượt trội, góp phần đưa năng suất lúa của tỉnh Thái Bình vượt mốc 5-6 tấn/vụ/ha; bước đầu làm thay đổi cơ cấu mùa vụ, tăng số vụ sản xuất, luân canh tăng vụ, phát triển diện tích cây màu…. Trên cơ sở đó, các giống rau, màu như giống ngô LVN10, LVN4; khoai lang Hoàng Long, KLC266; các giống đậu tương ĐT12, DT84; … cũng được phát triển mở rộng. Đặc biệt, mô hình trồng khoai tây bằng hạt lai đã tạo ra nguồn giống sạch bệnh cho việc phát triển cây khoai tây.

 

Giai đoạn này bà con nông dân “nghiện bón đạm đơn”, bón không đúng thời điểm và chưa thấy rõ được tầm quan trọng của phân lân và kali. Trung tâm đã xây dựng hàng chục mô hình, tổ chức hàng trăm các lớp tập huấn để nông dân thấy được vai trò của phân lân, kali và hướng dẫn cách bón phân đảm bảo đúng thời điểm; bón cân đối giữa đạm, lân và kali cho từng giống, từng chân đất, mùa vụ.  Đồng thời, giai đoạn này Trung tâm bước đầu xây dựng các mô hình sử dụng phân bón tổng hợp NPK trên cây trồng.

 

Song song với phát triển trồng trọt, trong chăn nuôi đã thực hiện chương trình Sind hóa đàn bò, góp phần cải tạo đàn bò vàng, nâng cao thể chất, tầm vóc đàn bò trong tỉnh. Xây dựng các mô hình rơm ủ ure, ủ chua thân cây ngô nhằm nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng thức ăn trong chăn nuôi, tạo thêm công ăn việc làm và tăng thu nhập cho người nông dân; Qua đánh giá, tổng kết các mô hình, đã lựa chọn một số giống vật nuôi có giá trị kinh tế cao như: Vịt chuyên trứng Chiết Giang, vịt Khaki Campbell, Ngan Pháp, gà Tam Hoàng… khuyến cáo, nhân rộng ra sản xuất góp phần chuyển dịch cơ cấu vật nuôi, từng bước hình thành các vùng chăn nuôi tập trung, quy mô trang trại, gia trại, sản xuất theo hướng hàng hóa.

 

Lĩnh vực thủy sản đã xây dựng mô hình và chuyển giao nuôi trồng các đối tượng thủy sản mới như cá Rô phi đơn tính, cá Vược, ếch Thái Lan, … đặc biệt đã đề xuất đưa giống Tôm Sú có giá trị cao vào sản xuất, thúc đẩy kinh tế vùng ven biển Tiền Hải và Thái Thụy phát triển bền vững.

 

Thông qua các hoạt động khảo nghiệm, xây dựng mô hình, các lớp tập huấn, đào tạo nghề, thông tin, tuyên truyền, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, Trung tâm Khuyến nông đã từng bước nâng cao trình độ sản xuất nông nghiệp của người nông dân. Vì vậy trong giai đoạn từ năm 1993-2003, với sự đóng góp tích cực của Trung tâm Khuyến nông đã góp phần thúc đẩy sản xuất nông nghiệp trong tỉnh phát triển vượt bậc, đưa năng suất lúa cả năm từ 72,69 tạ/ha năm 1991 lên 126 tạ/ha năm 2002, lương thực bình quân đầu người 398kg năm 1991 lên 604 kg năm 2002, sản lượng thịt hơi xuất chuồng 31,8 ngàn tấn năm 1991 lên 60,6 ngàn tấn năm 2002.

 

3. Công tác khuyến nông giai đoạn 2003 - 2013

 

Trong giai đoạn này, nông nghiệp tỉnh nhà có những bước phát triển vững chắc, tỷ trọng trồng trọt giảm, tỷ trọng chăn nuôi - thủy sản tăng. Cơ cấu cây trồng đã chuyển dịch mạnh mẽ, tỷ trọng lúa giảm (đặc biệt là giống dài ngày), tỷ trọng cây rau màu tăng nhanh, giá trị trên đơn vị diện tích tăng đáng kể.

 

Hoạt động khuyến nông giai đoạn này tập trung vào mục tiêu chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng, giống vật nuôi để nâng cao giá trị trên mỗi đơn vị diện tích, thúc đẩy phong trào xây dựng cánh đồng thu nhập 50 triệu đồng/ha/năm Qua triển khai công tác khảo nghiệm, xây dựng mô hình, các giống cây trồng, con vật nuôi mới, có hiệu quả được khuyến cáo mở rộng, điển hình: giống lúa BC15, D.ưu 527, lúa nếp Lang liêu, giống ngô nếp MX4, MX10, giống dưa Kim cô nương, Bạch lê,…;

 

Đặc biệt giống lúa BC15 do cán bộ Trung tâm Khuyến nông Thái Bình chọn tạo từ dòng đột biến tự nhiên của giống lúa 13/2, qua nhiều năm duy trì và lọc dòng thuần, năm 2005 giới thiệu đề xuất vào cơ cấu giống lúa của tỉnh. Hiện nay, giống BC15 đã được Tập đoàn ThaiBinhSeed chọn lọc và nhân dòng thuần, đến nay trở thành giống lúa chủ lực của Thái Bình và nhiều địa phương trong cả nước..

 

Cùng với sử dụng các bộ giống lúa ngắn ngày đã làm cơ cấu mùa vụ thay đổi, đây là bước đột phá rõ nét trong thâm canh cây lúa tại Thái Bình và là một trong những tỉnh đi đầu với thời vụ Xuân muộn, Mùa sớm. Từ đó mở lối cho phong trào phát triển cây vụ đông của tỉnh, các mô hình luân canh, xen canh, tăng vụ được phát triển, nhiều mô hình đạt 4- 5 vụ đã hình thành; các mô hình chuyển đổi vụ lúa xuân, lúa mùa trên chân đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng các cây rau màu có giá trị kinh tế cao được phát động mạnh mẽ. Các mô hình trồng đậu tương trên gốc rạ, trồng đậu tương trên đất hai lúa để cải tạo đất; mô hình trồng khoai tây bằng phương thức làm đất tối thiểu, mô hình ứng dụng công thức thâm canh lúa tái sinh để giải quyết vấn đề thời vụ cho các cây vụ đông ưa ấm, … được phát triển nhân rộng.

 

Trung tâm xây dựng các mô hình thay đổi phương thức canh tác như: gieo mạ non trên nền đất cứng, mạ ném, gieo vãi,... Đặc biệt, năm 2010, mô hình gieo thẳng bằng công cụ sạ hàng cải tiến theo phương thức hàng rộng hàng hẹp do cán bộ Trung tâm triển khai đã được Bộ NN& PTNT chọn làm điểm tham quan, học tập của các đại biểu đến từ 28 tỉnh phía Bắc. Phương thức gieo cấy mới này đã được đông đảo người dân tiếp cận, giải quyết được vấn đề lao động giai đoạn thời vụ căng thẳng, đảm bảo thời vụ gieo cấy, tiết kiệm chi phí đầu vào.

 

Các mô hình thúc đẩy cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp như: máy cày, máy gặt, máy suốt... được đưa vào sản xuất, đã giải phóng sức lao động, giảm chi phí sản xuất, nâng cao hiệu quả, giá trị sản xuất nông nghiệp.

 

Bám sát định hướng của ngành nông nghiệp, nhu cầu thị trường cần, các mô hình chăn nuôi theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm như chương trình nạc hóa đàn lợn đã được khẳng định tạo nên một phong trào phát triển chăn nuôi nâng cao giá trị sản phẩm; mô hình lợn nái nền Móng Cái nhân rộng đáp ứng nhu cầu xuất khẩu lợn sữa. Các mô hình chăn nuôi an toàn sinh học như mô hình lợn nái ngoại, mô hình chăn nuôi lợn thịt theo qui trình VietGAHP đã hạn chế dịch bệnh, nâng cao hiệu quả chăn nuôi; đã xây dựng các mô hình trình diễn, khảo nghiệm đưa một số vật nuôi mới vào sản xuất: Vịt sinh sản giống Chiết Giang, Cỏ cánh sẻ; các giống ngan Pháp; các giống gà thả vườn như giống Ri lai Lương Phượng, VP2, gà đẻ trứng giống UA góp phần đa dạng hóa sản phẩm, nâng cao giá trị ngành chăn nuôi.

 

Trong lĩnh vực thủy sản, tập trung xây dựng mô hình trình diễn các giống mới, thay đổi phương thức chăn nuôi đơn thuần sang nuôi bán thâm canh, thâm canh, nuôi xen ghép đối với một số đối tượng thủy hải sản có giá trị kinh tế cao: Cá Rô Cát Phú, cá Rô đầu vuông, Ngao, cá Song, cá Vược, cá Đối mục, cá chép V1, cá Trắm đen … ; mô hình khai thác thủy hải sản bằng lưới rê hỗn hợp, lưới rê ba lớp. … đã mở ra hướng nuôi trồng thủy sản mới. Mô hình sử dụng chế phẩm vi sinh trong xử lý môi trường ao nuôi, tạo điều kiện cho các đối tượng nuôi sinh trưởng phát triển, đảm bảo an toàn dịch bệnh, bảo vệ môi trường sinh thái, nâng cao hiệu quả nuôi trồng thủy sản.

 

Các tiến bộ kỹ thuật mới, phương thức canh tác mới, đã được Trung tâm Khuyến nông thông qua công tác khảo nghiệm, xây dựng mô hình, các lớp tập huấn, công tác tuyên truyền, từ đó người nông dân được trực tiếp “Mắt thấy, tai nghe” và từng bước áp dụng vào sản xuất của gia đình.

 

4. Công tác Khuyến nông giai đoạn 2013 -2023

 

Bám sát định hướng của ngành với mục tiêu đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới, phát triển nông nghiệp sinh thái, hiệu quả và bền vững theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, năng lực cạnh tranh, gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm, đảm bảo an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường sinh thái. Hoạt động khuyến nông trong giai đoạn này đã chú trọng hỗ trợ các đối tượng nông dân sản xuất hàng hoá, áp dụng kỹ thuật thâm canh tiên tiến, ứng dụng cơ giới hóa, công nghệ 4.0 vào sản xuất; Khuyến khích phát triển nông nghiệp xanh, nông nghiệp hữu cơ, tuần hoàn; Chuyển đổi từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp; Tổ chức sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị, dựa trên nền tảng khoa học - công nghệ và chuyển đổi số.

 

Từ năm 2013-2022, Trung tâm đã khảo nghiệm 3.598 lượt giống lúa, 1.114 lượt giống ngô, 80 lượt giống lạc, 148 lượt giống khoai tây, 62 lượt giống đậu tương. Từ kết quả khảo nghiệm đã đề xuất được 1 số giống triển vọng bổ sung vào cơ cấu giống của tỉnh như giống lúa TBR225, Thiên ưu 8, Đài thơm 8, J02, ST24, ST25; các giống ngô Đường lai 20, Yelow sweet 1; các giống lạc L22, L28, CNC1; các giống đậu tương như DT2010, ĐT30 và 1 số giống khoai tây triển vọng Esmee, Rosagold…

 

Đặc biệt là qua khảo nghiệm các loại phân bón, các chế phẩm vi sinh, Trung tâm đã xây dựng và chuyển giao quy trình sử dụng các loại phân vi sinh đa chủng đa chức năng Azotobacterin, chế phẩm ATYTB,…. giúp phân hủy rơm rạ và tàn dư thực vật thành phân bón, làm tăng độ phì nhiêu của đất, thay thế cho sự thiếu hụt nguồn phân hữu cơ, tăng sức chống chịu của cây, tiết kiệm chi phí sản xuất và giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

 

Mô hình ứng dụng cơ giới hóa, tự động hóa, bán tự động vào sản xuất góp phần tăng năng suất, nâng cao chất lượng sản phẩm, giảm công lao động đem lại hiệu quả cao như: mô hình trồng hoa, trồng nấm, trồng dưa … ứng dụng giải pháp nông nghiệp thông minh APPA-TN1, sử dụng phương pháp tưới nhỏ giọt Knet; Mô hình gieo mạ khay, cấy máy; Mô hình đồng bộ cơ giới hoá trong sản xuất khoai tây thương phẩm… các mô hình đã giúp giảm công lao động 30-50% trong khâu trồng, chăm sóc và thu hoạch. Đây là yếu tố quan trọng khắc phục được tình trạng thiếu hụt lao động lúc thời vụ căng thẳng, giảm tổn thất trong và sau thu hoạch, thúc đẩy phát triển sản xuất theo quy mô lớn.

 

Giai đoạn 2013-2022, mô hình chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm; ứng dụng công nghệ sinh học sử dụng chế phẩm vi sinh xử lý chất thải trong chăn nuôi nông hộ phù hợp với điều kiện chăn nuôi trong vùng dân cư, với mật độ chăn nuôi lớn, diện tích chật hẹp; xây dựng mô hình theo hướng tận dụng nguồn nguyên liệu sẵn có tại địa phương để sản xuất, chế biến thức ăn chăn nuôi nhằm hạ giá thành sản phẩm, nâng cao hiệu quả kinh tế góp phần thức đẩy chăn nuôi phát triển an toàn, bền vững.

 

Điểm nổi bật trong giai đoạn này, Trung tâm đã triển khai mô hình chăn nuôi giống vịt Biển 15 - Đại Xuyên đã lựa chọn và đưa giống vịt Biển phát triển thành thương hiệu của quê lúa Thái Bình. Đây là giống Vịt có nhiều ưu thế như khả năng thích nghi tốt hơn, phù hợp với vùng nước mặn, lợ; năng suất thịt, trứng cao hơn, chất lượng thịt thơm ngon. Đến nay HTX chăn nuôi tổng hợp Đông Xuyên- Tiền Hải đã xây dựng thương hiệu và phát triển sản phẩm thịt và trứng Vịt biển được công nhận sản phẩm OCOP hạng 4 sao, đã mở ra hướng chăn nuôi giống Vịt mới phù hợp vùng nước mặn lợ.

 

Các mô hình thủy sản thay đổi phương thức nuôi trồng thủy sản như: Nuôi luân canh tôm Sú - Rong câu; nuôi tôm Sú quảng canh cải tiến và bán thâm canh; mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng trong ao bán nổi; nuôi cá Lăng thương phẩm trong lồng bè trên sông. Bên cạnh đó, đã du nhập các đối tượng nuôi mới như tôm thẻ chân trắng, tôm Càng xanh toàn đực; cá Vược, cá Hói; cá Rô phi đơn tính; chuyển đổi các vùng nuôi tôm kém hiệu quả sang nuôi cá Vược; ương nuôi cá Trắm đen bằng nguồn giống sinh sản nhân tạo,…

 

Xây dựng các mô hình sử dụng chế phẩm sinh học trong xử lý môi trường ao nuôi như AT-YTB, BIOWISHD…; ứng dụng công nghệ BIOFLOC nuôi tôm thẻ chân trắng hai giai đoạn; ứng dụng công nghệ PU trong khai thác thủy hải sản, xây dựng hầm bảo quản trên tàu đánh bắt xa bờ đem lại hiệu quả kinh tế, bảo vệ môi trường và nguồn lợi hải sản; mô hình nuôi cá Rô phi theo hướng VietGAP gắn với bao tiêu sản phẩm, mô hình tôm Sú bán thâm canh an toàn vệ sinh thực phẩm…. đã được bà con đánh giá cao và phát triển nhân rộng.

 

Giai đoạn từ 2013 đến nay, Trung tâm đã xây dựng và triển khai trên 10 đề tài, dự án như: khảo nghiệm, tuyển chọn một số giống cây trồng mới (lúa, rau, màu); kỹ thuật sinh sản tiên tiến nhân giống gà Tò; kỹ thuật nuôi vỗ béo bò thương phẩm; Kỹ thuật trồng Cỏ Voi, ngô sinh khối phục vụ chăn nuôi trâu bò trong tỉnh; Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật sản xuất giống cá Trắm đen, Cá Chuối hoa… tại Thái Bình.

 

Như mô hình cá trắm đen tại xã Bình Định, huyện Kiến Xương, chủ hộ đã được cán bộ kỹ thuật của Trung tâm hướng dẫn kỹ thuật, hỗ trợ con giống, vật tư; và mang lại hiệu quả gần tỷ đồng mỗi năm. Mô hình đã được các cấp, các ngành đánh giá cao và được nông dân trong và ngoài tỉnh đến tham quan, học tập. 

 

Đặc biệt, sau 4 năm triển khai thực hiện đề tài ứng dụng công nghệ nuôi cấy mô tế bào kết hợp khí canh sản xuất cây giống khoai tây sạch bệnh, Trung tâm đã chủ động về công nghệ sản xuất củ giống siêu nguyên chủng sạch bệnh đạt tiêu chuẩn QCVN 01-52: 2011/TTBNNPTNT. Ngoài ra, Trung tâm còn sản xuất cây con bằng phương  pháp  khí  canh  kết  hợp  ngắt ngọn, dâm  bầu.  Đề tài  đã đạt giải Ba trong Hội thi sáng tạo Kỹ thuật của Tỉnh và được Tổng liên đoàn lao động Việt Nam tặng Bằng khen.

 

Dự án "Sản xuất lúa bền vững và giảm phát thải khí nhà kính" triển khai tại Thái Bình (2017-2021) đã giúp bà con giảm khoảng 0,5 tấn/ha khí nhà kính, 15% chi phí vật tư đầu vào và tăng năng suất 0,2 tấn/ha so với phương pháp canh tác lúa truyền thống tại Thái Bình. Các gói công nghệ này đã được bà con nông dân đang áp dụng từng phần hoặc cả gói công nghệ trong sản xuất lúa tại gia đình mình.

 

Để thực hiện chủ trương định hướng của ngành, đáp ứng yêu cầu thực tiễn sản xuất, từ năm 2016-2022, Trung tâm đã tổ chức trên 400 lớp tập huấn, cho trên 40.000 lượt cán bộ khuyến nông, khuyến nông viên cơ sở và nông dân trong tỉnh. Từ năm 2013 đến nay, tổ chức 178 lớp đào tạo nghề cho trên 5400 lao động nông thôn. Các nội dung về chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng, kỹ thuật làm mạ khay cấy máy; kỹ thuật chăn nuôi trâu, bò thương phẩm, thủy sản nước ngọt và ứng dụng công nghệ 4.0 vào sản xuất nông nghiệp, xây dựng thương hiệu, truy xuất nguồn gốc và quảng bá bán sản phẩm nông nghiệp bằng hình thức online; … đều được chuyển tải qua các lớp tập huấn, đào tạo nghề; các cuộc khảo sát, học tập tỉnh ngoài, góp phần giúp bà con nông dân phát triển nông nghiệp theo hướng hiện đại và hiệu quả.

 

Trong những năm gần đây, thông tin tuyên truyền ngày càng hiện đại, liên tục đổi mới và tốc độ lan truyền nhanh nhờ các phương tiện, thiết bị thông minh, hiện đại như ti vi, điện thoại thông minh, mạng Internet. Công tác thông tin tuyên truyền của Trung tâm ngày càng đa dạng về cách thức, loại hình, phong phú về nội dung, hình ảnh sinh động. Hàng năm, Trung tâm duy trì xuất bản 4 số Bản tin/năm; chất lượng Bản tin khuyến nông ngày càng được nâng lên với nhiều tiểu mục trọng điểm như: Chủ trương, chính sách; hoạt động khuyến nông; phổ biển kiến thức; gương điển hình và bổ sung 2 mục mới là “Giới thiệu sản phẩm nông nghiệp Thái Bình và Cây thuốc quanh ta”.

 

Từ năm 2013 đến 2022, Trung tâm đã phối hợp với đài Phát thanh và Truyền hình Thái Bình xây dựng và thực hiện trên 600 chương trình khoa giáo, thời sự, phóng sự phát vào các chương trình thời sự hàng ngày hoặc trên chuyên mục “Nhịp cầu nhà nông” vào mỗi tối thứ 2 hàng tuần; xuất bản 56 số Bản tin Khuyến nông với số lượng 27.400 cuốn; đăng gần 1000 bài tuyên truyền trên trang Website của đơn vị. Ngoài ra, Trung tâm còn phối hợp với các truyền hình VTV14, VTV16, VTV2, Báo Nông nghiệp, Báo Thái Bình và nhiều cơ quan truyền thông khác để thực hiện công tác tuyên truyền.

 

Đến nay, Trung tâm Khuyến nông được coi là một trong những kênh thông tin về sản xuất nông nghiệp có uy tín và đảm bảo tính nhanh nhạy, kịp thời. Các nội dung truyền tải được nông dân nhiệt tình theo dõi, tiếp thu và áp dụng; góp phần không nhỏ giúp các hộ nông dân trong tỉnh nắm bắt các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn, tiếp cận được các tiến bộ khoa học công nghệ mới, các thông tin về thị trường, giá cả nông, lâm, thủy sản,... để người dân định hướng sản xuất “chuyển đổi từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp”.

 

Với những thành tích đã đạt được trong 30 năm qua, Trung tâm đã được Chủ tịch nước tăng Huân chương lao động hạng Ba,; Cờ thi đua của Tỉnh Uỷ, HDND, UBND tỉnh, nhiều bằng khen của Bộ Nông nghiệp và PTNT, Tỉnh uỷ, UBND tỉnh, Hiệp hội KHKT Việt nam và nhiều giấy khen của Giám đốc sở Nông nghiệp và PTNT Thái Bình.

 

Nhìn lại 30 năm, những thành tựu mà công tác khuyến nông Thái Bình đã đạt được đã và đang góp phần tích cực vào sự phát triển nông nghiệp, nông dân và nông thôn của tỉnh. Những đóng góp tích cực của Trung tâm trong suốt 30 năm qua góp phần chuyển đổi thời vụ, cơ cấu cây trồng, vật nuôi, thúc đẩy sản xuất nông nghiệp tại Thái Bình phát triển theo hướng hiệu quả, bền vững

 

Trong thời gian tới, Trung tâm Khuyến nông Thái Bình sẽ tiếp tục bám sát định hướng của tỉnh, của ngành với phương châm “Ở đâu có nông dân, ở đó có khuyến nông” để nâng cao hiệu quả hoạt động khuyến nông trên tất cả các lĩnh vực thông tin tuyên truyền, đào tạo tập huấn, xây dựng mô hình trình diễn, khảo nghiệm, ứng dụng công nghệ vào sản xuất, qua đó góp phần thực hiện mục tiêu xây dựng nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh./.

Bình luận