Kỹ thuật canh tác lúa giảm chi phí bằng phương pháp sạ cụm (Phần 1)

Bình luận · 180 Lượt xem

Giảm chi phí sản xuất, hạ giá thành sản phẩm, nâng cao giá trị và lợi nhuận cho người trồng lúa là chủ trương ngành nông nghiệp đang tập trung triển khai, đặc biệt là hiện nay, giá cả hàng loạt vật tư đầu vào, nhất là phâ

 Điều này đang đặt ra sự cấp thiết hơn bao giờ hết yêu cầu phải có các giải pháp nhằm giảm chi phí, nâng cao giá trị trong sản xuất lúa.

Theo đó, ngày 25/01/2022 Bộ NN-PTNT đã ban hành chỉ thị 653/CT-BNN-BVTV về sử dụng phân bón tiết kiệm, cân đối và hiệu quả; tiếp theo, ngày 25/4/2022 Cục trồng trọt ban hành Quy trình canh tác lúa giảm chi phí tại Quyết định số 73/QĐ-TT-VPPN …

Trong thực tế sản xuất, để ứng phó với tình hình trên, cũng đã có nhiều mô hình sản xuất lúa thông minh, áp dụng các quy trình sản xuất lúa giảm chi phí và đã phát huy hiệu quả.

Một trong những mô hình đang được người nông dân vùng ĐBSCL đặc biệt quan tâm và ngày càng lan rộng là mô hình sử dụng máy sạ lúa theo cụm. Đây là mô hình có kết quả năng suất và hiệu quả kinh tế vượt trội so với các mô hình khác như cấy, sạ hàng, sạ lan... Đặc biệt, mô hình sạ lúa theo cụm tiết giảm được chi phí sản xuất ngay từ khâu đầu tiên là giảm giống, chỉ sử dụng lượng giống tối thiểu (40 – 60kg/ha), từ đó kéo theo việc giảm hàng loạt vật tư phân bón, thuốc BVTV… cùng với gia tăng năng suất lúa thu hoạch, gia tăng hiệu quả kinh tế (HQKT) sản xuất lúa khá cao so với sạ lan, sạ dày, kể cả so với mô hình lúa sạ hàng, lúa cấy. Với kết quả trên, mô hình sạ lúa theo cụm đã được Cục Trồng trọt đưa vào qui trình canh tác lúa giảm chi phí tại Quyết định số 73/QĐ-TT-VPPN ngày 25/4/2022.

Tuy nhiên, mỗi một tiến bộ kỹ thuật nói chung và hình thức sạ cụm nói riêng đều có yêu cầu về kỹ thuật cần tuân thủ, bằng không có thể không đạt được mục tiêu đề ra, và hơn thế nữa có thể còn thua xa các hình thức xuống giống khác. . .

Để ruộng canh tác lúa sạ cụm đạt được năng suất và HQKT cao như lợi thế vốn có của mô hình, bà con nông dân cần thực hiện theo hướng dẫn tóm tắt kỹ thuật canh tác lúa sạ cụm như sau:

1.Thời vụ:

Xuống giống đồng loạt theo lịch xuống giống của ngành nông nghiệp địa phương để né rầy và các dịch hại có thể làm ảnh hưởng đến năng suất và chất lượng lúa (đạo ôn và bù lạch trong vụ đông xuân; đốm vằn, bù lạch và rầy nâu trong vụ hè thu).

- Vụ Đông Xuân: Thời gian nghỉ giữa 02 vụ tốt nhất 03 tuần, trong thời gian này tiến hành vệ sinh đồng ruộng, cày xới, ngâm đất ngay sau khi thu hoạch.

Vụ Đông Xuân xuống giống trong tháng 11 đến đầu tháng 12, thu hoạch tháng2 đến đầu tháng 3 dương lịch.

- Vụ Hè Thu: Thời gian nghỉ giữa 02 vụ tốt nhất 05 tuần, trong thời gian này, nếu được thì tiến hành cày ải phơi khô đất trong 03 tuần, sau đó ngâm đất trong 02 tuần tiếp theo.

Vụ Hè Thu xuống giống tháng 4-5, thu hoạch tháng 7-8 dương lịch.

Tùy điều kiện từng vùng nên xuống giống khi đã có mưa đều.

2. Làm đất và vệ sinh đồng ruộng:

Yêu cầu: Đất có mặt bằng tốt, thiết kế hệ thống mương phèn, làm vệ sinh đồng ruộng sạch cỏ và lúa rài, ốc bươu vàng. Đất có mặt bằng cày bừa nhuyễn sẽ giảm chi phí dặm lúa, trừ cỏ, bơm nước sau này. Vụ Hè Thu nên cày ải đất hoặc đốt đồng phơi đất nhằm giảm độ phèn, hạn chế ốc bươu vàng.

Cụ thể:

2.1. Vụ Đông Xuân

Sau khi thu hoạch lúa xong, tiến hành xới, trục đất để vùi gốc rạ, ngâm nước để phân hủy rơm rạ. Khi nước rút, dọn sạch cỏ trên bờ, dưới ruộng, trục, trạc đất, trang phẳng mặt ruộng, đánh rãnh thoát nước, chuẩn bị sạ.

2.2 Vụ Hè Thu và vụ Thu Đông

Sau khi thu hoạch lúa xong, rơm rạ trên ruộng xử lý bằng chế phẩm Trichoderma sp. để phân hủy chất hữu cơ phù hợp với môi trường khô và ngập nước. Cày đất bằng máy độ sâu từ 15-20cm, phơi ải khoảng thời gian 15-30 ngày. Sau dùng máy xới tay trục và trạc lại cho bằng phẳng, đánh rãnh thoát nước giúp tháo nước ra cho đất thoáng khí.

- Trước khi sạ cần dọn sạch cỏ xung quanh bờ; rơm rạ, lúa chét và cỏ dại trên ruộng; Cày bừa, trục trạt kỹ, san phẳng mặt ruộng; đối với vùng đất nhiểm phèn hoặc mặn tiến hành đánh rãnh thoát nước rộng 20-30 cm, sâu 20-30 cm, khoảng cách giữa các rãnh khoảng 5-6 mét để thoát phèn, mặn trong ruộng trong thời gian cây lúa sinh trưởng (khoảng cách giữa các ránh thoát nước gấp đôi hoặc gấp ba chiều rộng băng sạ để các rãnh thoát nước khỏi bị san lấp trong quá trình sạ).

- Trước khi sạ tháo nước cho đất thoáng khí. Bón 200-250 kg super lân hoặc lân nung chảy/ha hoặc bón 300-500 kg vôi/ha nhằm hạ phèn, giảm ngộ độc hữu cơ.

- Vùng đất nhiễm mặn: Khi mặn dưới 1‰ có thể xuống giống, phải rửa mặn triệt để bằng cách tận dụng nguồn nước mưa hoặc nước sông (không có mặn) và bón 300-500 kg vôi/ha.

- Vùng đất nhiễm phèn: Phải rửa phèn triệt để bằng cách tận dụng nguồn nước mưa hoặc nước sông (không có phèn), bón vôi 300-500 kg/ha, phân lân nung chảy 200-250 kg/ha.

Lưu ý:

+ Vụ Hè Thu nên cày ải phơi đất; cày ải phơi đất và ngâm đất giúp giảm độ phèn, hạn chế ốc bươu vàng, gia tăng dưỡng chất hữu dụng cho đất;

+ Vấn đề làm mặt bằng, vệ sinh đồng ruộng, xử lý cỏ và ốc bưu vàng triệt để đối với ruộng sạ cụm là rất quan trọng.

Ảnh: Làm đất

(1) Trước khi sạ cần dọn sạch cỏ xung quanh bờ; rơm rạ, lúa chét & cỏ dại trên ruộng; (2) Cày bừa, trục trạt kỹ, san phẳng mặt ruộng; (3) Đối với vùng đất nhiểm phèn hoặc mặn tiến hành đánh rãnh thoát nước rộng 20-30 cm, sâu 20-30 cm (khoảng cách giữa các rãnh gấp đôi hoặc gấp ba chiều rộng băng sạ) để thoát phèn, mặn trong ruộng trong thời gian cây lúa sinh trưởng; (4) Cần tháo cạn nước từ chiều tối hôm trước để sáng hôm sau khi gieo sạ hạt giống khỏi bị nước và bùn loãng đùa trôi (cũng không nên tháo khô ruộng quá sớm vì gặp nắng bùn ruộng sẽ khô và quánh lại, rất dễ xảy ra tình trạng bánh lồng máy cày sẽ guộn bùn mặt ruộng).

3. Chuẩn bị và xử lý hạt giống gieo sạ:

3.1 Giống lúa:

- Sử dụng giống lúa cấp xác nhận trở lên, được cung cấp từ những đơn vị có uy tín.

- Chọn giống có thị trường tiêu thụ tốt, chống chịu tốt với các điều kiện bất lợi theo mùa vụ và phù hợp với canh tác tại địa phương.

+ Vụ Đông Xuân bố trí các giống hơi kháng bệnh cháy lá. Nếu sử dụng các giống lúa thơm nhiễm cháy lá thì phải xuống giống sớm trước tháng 12.

+ Vụ Hè Thu: Chọn các giống cứng cây, kháng rầy, ít lép.

3.2. Mật độ gieo sạ:

- Tùy theo từng vụ, điều kiện sinh thái, thời tiết và từng nhóm giống, mlượng giống gieo sạ không quá 60 kg/ha. Khuyến cáo mật độ sạ:

+ Vụ Đông Xuân: 40 – 50 kg/ha

+ Vụ Hè Thu và Thu Đông: 50 – 60 kg/ha.

- Qui cách sạ: 25 cm x 16 cm (25 khóm/m2) hay 30 cm x 14 cm (24 khóm/m2); mỗi khóm sạ 6-8 hạt (Đông Xuân) hay 8-10 hạt (Hè Thu và Thu Đông).

Sạ thưa giúp cây lúa khỏe, hạn chế sâu bệnh, giảm chi phí phân, thuốc, đi lại chăm sóc thuận lợi, lúa phát triển đồng đều, năng suất cao hơn sạ dày.

- Một số biện pháp cần chú ý để đảm bảo mật độ cây/mật độ bông khi sạ cụm mật độ thấp:

(1) Làm đất thật tốt (mặt bằng, rảnh thoát nước);

(2) Xử lý ốc bưu vàng và phòng trừ cỏ thật tốt;

(3) Bón lót phân lân, phân hữu cơ, đồng thời bón phân đợt 1 sớm (5-7 NSS); khuyến cáo bón vùi toàn bộ lượng phân dự kiến bón lần 1 cùng lúc với sạ (bằng máy sạ cụm “3 trong 1”) và phun  phân bón lá để giúp cây mạ khỏe, đẻ nhánh sớm;

(4) Phải sử dụng giống xác nhận và thử tỉ lệ nảy mầm trước khi gieo sạ;

(5) Có dự phòng mạ cấy dặm.

3.3 Xử lý hạt giống

- Trước khi ngâm ủ: Phơi hạt giống khoảng 2-3 giờ và thử độ nảy mầm; loại bỏ thật sạch tạp chất (nếu có) như túi đựng thuốc chống ẩm, rơm rạ, đá sõi... để tránh ngẹt giống ở bộ phận gieo sạ;

- Xử lý hạt giống với nước muối 15% khoảng 10-15 phút, sau đó rửa lại bằng nước sạch trước khi ngâm.

- Ngâm hạt giống trong nước sạch 24–36 giờ để hạt giống thật no nước (khỏi bị nỗi giống khi gặp mưa).

- Ủ hạt giống trong 24 giờ. Trong thời gian ủ không tưới thêm nước mà chỉ đảo đều đống ủ để hạt nảy mầm đều; không để hạt giống có càng ra dài quá ½ chiều dài hạt lúa vì sẽ khó xuống đều giống khi sạ.

Ảnh: Ngâm ủ hạt giống

(1) Ngâm giống 24 – 36 giờ; (2) Ủ hạt giống trong 24 giờ; trong thời gian ủ không tưới thêm nước mà chỉ đảo đều đống ủ để hạt nảy mầm đều; không để hạt giống ra càng ra dài quá ½ chiều dài hạt lúa vì sẽ khó xuống đều giống khi sạ.

4. Gieo sạ và chăm sóc ruộng sạ sau gieo:

4.1. Các loại máy sạ cụm:

Hiện nay trên thị trường có các dòng máy sạ cụm như sau:

- Máy sạ cụm với dàn sạ gắn trên máy cấy: Có chiều rộng băng sạ 2,5 – 3,0 mét với 10 - 12 hàng sạ, hàng cách hàng 25 cm; năng suất làm việc 6-8 ha/ngày;

- Máy sạ cụm với dàn sạ gắn trên máy cày lớn: Có chiều rộng băng sạ 3,0 mét với 12 hàng sạ, hàng cách hàng 25 cm; năng suất làm việc 8-10 ha/ngày. Hiện nay đang nghiên cứu lắp ráp dàn sạ cụm gắn trên máy cày lớn với chiều rộng băng sạ 4,0-5,0 mét, gồm 16-20 hàng sạ.

- Máy sạ cụm “3 trong 1”: Dàn sạ cụm cũng được gắn trên máy cấy, nhưng vừa có chức năng sạ cụm, vừa có chức năng vùi phân và phun thuốc BVTV đồng thời. Máy có chiều rộng băng sạ 2,4 mét với 08 hàng sạ, hàng cách hàng 30 cm, năng suất làm việc 4-6 ha/ngày;

- Máy sạ cụm dẫn bộ: Có chiều rộng băng sạ 2,0 mét với 08 hàng sạ, hàng cách hàng 25 cm; năng suất làm việc 3-4 ha/ngày.

Ảnh: Lượng giống gieo sạ & Qui cách sạ

(1) Lượng giống gieo sạ: Đông Xuân 40-50 Kg/ha ; Hè Thu & Thu Đông 50-60 kg/ha; (2) Qui cách sạ: 25 cm x 16 cm (25 khóm/m2) hay 30 cm x 14 cm (24 khóm/m2); mỗi khóm 6-8 hạt (Đông Xuân) hay 8-10 hạt (Hè Thu & Thu Đông).

4.2. Gieo sạ:

Cần tháo cạn nước từ chiều tối hôm trước để sáng hôm sau khi gieo sạ hạt giống khỏi bị nước và bùn loãng đùa trôi.

- Cũng không nên tháo khô ruộng quá sớm vì gặp nắng bùn ruộng sẽ khô và quánh lại, rất dễ xảy ra tình trạng bánh lồng máy cày sẽ guộn bùn mặt ruộng.

- Trong điều kiện có thể được thì nên gieo sạ theo hướng Bắc-Nam để tạo điều kiện tốt nhất cho quang hợp của ruộng lúa.

- Để dự phòng có lượng mạ cấy dặm có thể cho số hạt giống rơi mỗi khóm ở hai hàng bìa băng sạ tăng thêm 10% so với số hạt giống rơi mỗi khóm ở các hàng bên trong băng sạ.

- Theo dõi việc rơi đều hạt giống của máy sạ nhằm tránh trường hợp hạt giống bị nghẹt ở bộ phận sạ, hạt rơi không đều.

- Nếu vừa gieo sạ gặp mưa thì đắp chặt cống ruộng, giữ nước để tránh trôi dạt giống mới gieo, sau đó tháo cạn nước từ từ khi trời tạnh mưa hẳn.

- Trường hợp sau khi sạ xong dự báo sẽ có mưa thì chủ động đưa nước từ từ vào ruộng ngập 2-3cm để có lớp nước bảo vệ hạt giống trên ruộng sạ khỏi bị trôi khi gặp mưa lớn. Sau khi mưa tạnh hẳn thì tháo cạn nước trong ruộng.

Ảnh: Xử lý cỏ dại sau gieo sạ

Sau khi sạ 1–2 ngày, dùng thuốc trừ cỏ tiền nẩy mầm phun phủ đều trên bề mặt ruộng, tránh phun sót. Sau khi phun thuốc 1-2 ngày phải đưa nước vào ngập mặt ruộng (nếu vì lý do nào đó cỏ không chết thì có thể phun lại bằng thuốc trừ cỏ hậu nảy mầm trước khi cấy dặm và bón phân lần 2).

4.3. Chăm sóc ruộng sạ sau gieo:

- Giữ cho đất ruộng từ se ẩm tới khô mặt ruộng trong 4-5 ngày đầu sau sạ để cho tất cả các hạt giống nảy mầm đều, sau đó mới đưa nước từ từ vào ruộng ở mức từ 2-3 cm cho cây mạ phát triển tốt, hạn chế kịp thời cỏ dại;

- Sau khi sạ 1–2 ngày, dùng thuốc trừ cỏ tiền nẩy mầm phun phủ đều trên bề mặt ruộng, tránh phun sót. Sau khi phun thuốc 1-2 ngày phải đưa nước vào ngập mặt ruộng (nếu vì lý do nào đó cỏ không chết thì có thể phun lại bằng thuốc trừ cỏ hậu nảy mầm trước khi cấy dặm và bón phân lần 2).

- Chăm sóc, cấy dặm lại những nơi hạt lúa mọc không đều; hoàn thành cấy dặm trước 15 NSS; chỉ cần cấy dặm những nơi mất từ hai cụm lúa liên tục trở lên). 

Ảnh: Quản lý nước sau gieo sạ

Giữ cho đất ruộng từ se ẩm tới khô mặt ruộng trong 4-5 ngày đầu sau sạ để cho tất cả các hạt giống nảy mầm đều

Còn tiếp phần 2!

Bình luận