Nghị quyết đường xóm 6m ở Đại Từ

Bình luận · 187 Lượt xem

Nghị quyết đường xóm 6m không chỉ thành công trong việc 'đem tài dân, sức dân, của dân làm lợi cho dân' mà còn mở ra hướng đi hay trong xây dựng nông thôn mới.

Nghị quyết đường xóm 6m đi đúng và trúng

Trong Chương trình xây dựng nông thôn mới, một trong những vấn đề được người dân và nhà chức trách quan tâm nhất là việc xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn. Tuy nhiên, huy động nguồn lực ra sao, thiết kế, thanh quyết toán… bảo đảm các tiêu chí thường là bài toán khó với nhiều địa phương.

 

 

Huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên xác định muốn phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh thì giao thông phải đi trước 1 bước. Vì thế Huyện ủy Đại Từ đã ban hành Nghị quyết số 07-NQ/HU ngày 10/5/2023 về lãnh đạo thực hiện phong trào “Mở rộng đường xóm 6m”, giai đoạn 2023-2025, gắn với xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh.

 

Nghị quyết đặt mục tiêu mở rộng nền đường các tuyến giao thông nông thôn đạt tối thiểu từ cấp B trở lên, gọi chung là “đường xóm 6m”. Theo đó, các tuyến đường có chiều rộng nền đường nhỏ hơn 5m phải được mở rộng từ 6m trở lên, các tuyến đường có chiều rộng nền đường lớn hơn 5-6m được khuyến khích mở rộng từ 6m trở lên. 

 

Đến xã Khôi Kỳ (huyện Đại Từ, Thái Nguyên) vào lúc người dân xóm Đức Long đang phá rào để mở rộng đường, chúng tôi cảm nhận được không khí khẩn trương hòa chung với niềm hứng khởi của bà con.

 

Chị Lê Thị Hiệp sinh ra và lớn lên tại xóm Đức Long cho hay, người dân nơi đây đều thống nhất và đồng tình mở đường theo nghị quyết đường xóm 6m vì tương lai phát triển của xóm. “Chúng tôi quyết tâm mở rộng đường để mai này các gia đình có ô tô đi lại cho thuận tiện”, chị Hiệp chia sẻ.

 

Xóm Đức Long đã đoàn kết thực hiện chủ trương mở rộng đường xóm 6m tuyến 1 với tổng chiều dài đã giải tỏa là 460m thuộc phần tường rào và đất của 24 hộ dân bị ảnh hưởng.

 

Với sự đồng lòng, nhân dân xóm Đức Long đã và đang cùng xóm Gò Chòi, xóm Bãi Pháo, xóm Đồng Mè và các xóm khác trên địa bàn xã đồng loạt triển khai thực hiện Nghị quyết 117 của Đảng ủy xã và Nghị quyết 07 của Huyện ủy Đại Từ.

 

Để có sự đồng thuận nhất quán từ người dân, không thể không kể tới vai trò của cán bộ vận động. Theo ông Dương Văn Tuấn, Chủ tịch UBND xã Khôi Kỳ, ban đầu người dân chưa nhận thức được những lợi ích to lớn khi đường xóm được mở rộng, tài sản hiến dù ít hay nhiều cũng khiến người dân đắn đo. Tuy nhiên, sau khi được ban vận động tuyên truyền về lợi ích khi thực hiện nghị quyết, nhà nước hỗ trợ chi phí thì người dân đã hoàn toàn đồng thuận chủ trương chung.

 

"Nghị quyết chuyên đề của xã lấy công tác tuyên truyền là chìa khóa thành công của Nghị quyết đường xóm 6m. Nhiều nhà lúc đầu nghe thấy phải phá tường là không đồng ý. Nhưng sau khi hiểu được những lợi ích trực tiếp mà chính bản thân gia đình được hưởng từ chủ trương này, người dân của hộ đó còn cầm búa ra phá tường, mở đường mà không cần đợi tới máy xúc”, ông Dương Văn Tuấn nhớ lại.

 

Với tinh thần “đảng viên đi trước, làng nước theo sau”, Đảng ủy xã Khôi Kỳ chỉ đạo các cán bộ, đảng viên tiên phong và là hình mẫu thực hiện phong trào. Xã Khôi Kỳ phấn đấu tới cuối năm 2023 sẽ mở rộng được 6km đường xóm 6m.

 

Nhân dân xã Khôi Kỳ mong muốn chính quyền các cấp huy động thêm các nguồn lực thực hiện nghị quyết đường xóm 6m để con đường trong xóm của bà con không chỉ dừng ở 6m mà lên tới 7m, 8m. 

 

Đem tài dân, sức dân, của dân làm lợi cho dân

Đến hết tháng 9 năm nay, 100% các xã, thị trấn trên địa bàn huyện Đại Từ đã triển khai thực hiện phong trào đường xóm 6m. Kết quả, đã vận động nhân dân mở rộng đường xóm 6m được hơn 133km; thi công nền đường được 97km; thi công mặt đường được 28km; diện tích đất nhân dân đã hiến là 259.037m2; ước giá trị công trình, tài sản trên đất đã hiến là khoảng 42 tỷ đồng.

 

Đến nay, có thể khẳng định Nghị quyết đường xóm 6m đã đạt được nhiều thành tựu nổi bật và là hình mẫu cho nhiều địa phương trong và ngoài tỉnh học tập, triển khai. Tuy nhiên, Nghị quyết đường xóm 6m sẽ không thể thành công nếu không có sự đồng lòng và góp sức của người dân.

 

Xã Văn Yên (huyện Đại Từ, Thái Nguyên) thu ngân sách một năm chỉ khoảng 150 triệu đồng. Khi lãnh đạo huyện khảo sát địa bàn xã thì đã có 8 xóm mở rộng đường theo hình thức này nhờ thành lập Ban vận động, kiểm đếm xóm. Người dân tham gia hiến đất làm đường sẽ được các hộ gia đình trong xóm đóng góp tiền, vật liệu, nhân công để xây lại tường rào, cổng với giá trị lên tới 2,8 tỷ đồng.

 

Một điển hình khác là xã Yên Lãng, dù là địa phương miền núi, còn nhiều khó khăn của huyện Đại Từ nhưng đến nay xã đã hoàn thành 19/19 tiêu chí xã nông thôn mới. Tổng kinh phí thực hiện xây dựng nông thôn mới đến năm 2023 là trên 112 tỷ đồng. Trong đó, huy động từ sức dân trên 31 tỷ đồng, chiếm 28%.

 

Theo ông Hoàng Công Toàn, Phó Chủ tịch UBND xã Yên Lãng, trong xây dựng nông thôn mới, nguồn lực xây dựng giao thông, cơ sở hạ tầng cần huy động là rất lớn. Dù là địa bàn còn gặp nhiều khó khăn, nhưng với mong ước vươn lên làm giàu, người dân toàn xã đều nhất trí cao đóng góp một phần vật chất, sức lực cùng chính quyền địa phương xây dựng nông thôn mới.

 

Với chủ trương “đem tài dân, sức dân, của dân làm lợi cho dân”, bên cạnh việc huy động nguồn lực xã hội hóa, xã Yên Lãng cũng lên kế hoạch sử dụng, phân bổ hiệu quả các nguồn lực để đạt hiệu quả cao trong xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn.

 

Nhờ mục tiêu và lộ trình đặt ra rõ ràng, Nghị quyết đường xóm 6m đã góp phần quan trọng làm thay đổi diện mạo nông nghiệp, nông thôn của huyện Đại Từ; cơ sở hạ tầng nông thôn được xây dựng khang trang, đồng bộ; đời sống vật chất, tinh thần của người dân từng bước được nâng cao.

 

Quang Linh

 

Bình luận