Tưới tiết kiệm 'giải khát' cho đậu phộng

Bình luận · 208 Lượt xem

Nhờ giống mới, áp dụng kỹ thuật thâm canh và tưới tiết kiệm, năng suất, lợi nhuận từ cây đậu phộng tăng vọt.

Thay đổi thói quen canh tác cũ

Xã Vĩnh Thuận (huyện Vĩnh Thạnh, Bình Định) có 95% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số, thu nhập chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp. Những năm gần đây, do ảnh hưởng biến đổi khí hậu, nắng nóng ngày càng khắc nghiệt hơn khiến đất đai đã xấu càng thêm bạc màu. Trong sản xuất nông nghiệp, cây đậu phộng (lạc) là cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế cho người dân xã Vĩnh Thuận, tuy nhiên, do nông dân ở đây chưa chủ động nguồn giống mới chất lượng, làm đi làm lại những giống cũ đã thoái hóa khiến đậu phộng cho năng suất kém.

 

 

Trước thực trạng trên, trong vụ thu 2023, Trung tâm Khuyến nông Bình Định đã hỗ trựo 100% kinh phí mua giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và nhất là đầu tư toàn bộ hệ thống tưới, phối hợp với Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Vĩnh Thạnh xây dựng mô hình thâm canh cây đậu phộng gắn với liên kết chuỗi, sử dụng hệ thống tưới nước tiết kiệm tại làng 3 và làng 8 xã Vĩnh Thuận.

 

Mô hình áp dụng phương pháp tưới bằng béc phun, tránh tình trạng khi tưới chỗ bị thiếu nước, chỗ thì thừa nước đến úng ngập. Sử dụng béc phun còn làm giảm lượng nước thất thoát do rò rỉ, thẩm lậu và bốc hơi. Đặc biệt, tưới bằng béc phun không làm cho đất đai bị xói mòn, rửa trôi, tạo điều kiện thuận lợi cho cây trồng phát triển.

 

 

“Đối với đồng bào dân tộc thiểu số thì mắt thấy mới tin, nên hiệu quả của mô hình đã giúp nông dân địa phương thay đổi tập quán canh tác cây đậu phộng. Thông qua mô hình, nông dân đã làm quen với việc chủ động nguồn giống có chất lượng, thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng nhằm nâng cao hiệu quả trong sản xuất, nâng cao thu nhập”, ông Huỳnh Việt Hùng, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Bình Định, chia sẻ.

 

Lợi đôi bề

Theo ông Đinh Hồng Phê, Phó Chủ tịch UBND xã Vĩnh Thuận, tham gia mô hình có 5 hộ đồng bào dân tộc thiểu số của xã, gồm ông Đinh Văn Bia sản xuất 0,6ha, ông Đinh Văn Nhớt 0,75ha, ông Đinh Xơi 0,5ha, ông Đinh KRưng 0,75ha và ông Đinh KRia 0,4ha.

 

“Mục tiêu của mô hình là chuyển giao cho nông dân kỹ thuật đầu tư thâm canh cây đậu phộng; hướng dẫn bà con tưới đủ nước để cải thiện chân đất có thành phần cơ giới nhẹ, không tơi xốp (đất màu, khả năng giữ nước kém), nhất là trong giai đoạn cây đậu phộng làm hạt nhưng gặp thời tiết nắng nóng”, ông Phê cho hay.

 

Theo chị Võ Nguyễn Bích Thủy, cán bộ kỹ thuật Trung tâm Khuyến nông Bình Định, suốt vụ sản xuất, ngoài những hộ trực tiếp tham gia mô hình, còn có 35 hộ nông dân sản xuất đậu phộng ngoài mô hình tham gia 2 đợt tập huấn nên nắm bắt được quy trình canh tác.

 

“Nhờ cán bộ kỹ thuật của Trung tâm Khuyến nông tỉnh và Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện thường xuyên bám sát mô hình, hướng dẫn nông dân sản xuất nên mô hình đạt hiệu quả như mong đợi”, chị Võ Nguyễn Bích Thủy chia sẻ.

 

Ông Lê Văn Thuận, Phó Giám đốc Trug tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Vĩnh Thạnh (Bình Định) cho biết thêm: Suốt vụ sản xuất, nông dân tham gia mô hình ngoài biết sử dụng hệ thống tưới nước tiết kiệm còn chú trọng bón phân cân đối. Đặc biệt, nông dân biết sử dụng chế phẩm Trichoderma để cải tạo môi trường đất, cải thiện chất lượng đất giúp đậu phộng sinh trưởng tốt.

 

“Nhờ đó, đậu phộng trong mô hình phát triển được 26 cây/m2, số quả chắc/cây đạt trung bình 17 quả/bụi, trọng lượng 100 quả đạt 125gam. Năng suất lý thuyết đạt gần 41,5 tạ/ha, dự kiến năng suất thực thu đạt hơn 33 tạ/ha, cao hơn đậu phộng sản xuất ngoài mô hình 6,1 tạ/ha”, ông Thuận cho hay.

 

Theo ông Huỳnh Việt Hùng, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Bình Định, diện tích sản xuất đậu phộng trong mô hình được chăm sóc, bón phân cân đối; nông dân được hướng dẫn phòng trừ sâu bệnh hại kịp thời, nhờ đó đã giảm được các đối tượng sâu bệnh gây hại. Bệnh héo xanh, lở cổ rễ chỉ gây hại mức độ nhẹ, đặc biệt tỉ lệ cây chết thấp, chỉ khoảng 1 - 3%.

 

Ông Hùng tính toán: Đầu tư hệ thống tưới bằng béc phun có chi phí ban đầu khá lớn, khoảng 51,6 triệu đồng/ha, thế nhưng thời gian sử dụng đến 5 năm, vị chi mỗi năm khấu hao hơn 10,3 triệu đồng. Trong khi nếu sử dụng hệ thống tưới truyền thống thì mỗi năm chi phí đến 16 triệu đồng. Đó là chưa kể sử dụng hệ thống tưới tiết kiệm rất phù hợp với đồng đất thường xuyên thiếu nước tưới.

 

“Tổng thu ruộng đậu phộng trong mô hình đạt gần 83 triệu đồng/ha, tổng chi phí là gần 63 triệu đồng/ha. Tổng thu đậu phộng ngoài mô hình là 67,5 triệu đồng/ha, chi phí gần 61,5 triệu đồng/ha. Như vậy, lợi nhuận đậu phộng trong mô hình đạt gần 20 triệu đồng/ha, trong khi lợi nhuận ruộng ngoài mô hình chỉ đạt hơn 6 triệu đồng/ha”, ông Huỳnh Việt Hùng, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Bình Định tính toán.

 

Đình Vũ

 

Bình luận