Tây Nguyên nhiều tiềm năng phát triển nghề nuôi yến [Bài 1]: Khí hậu thuận lợi, thức ăn dồi dào

Bình luận · 190 Lượt xem

Nghề nuôi yến mới phát triển tại Đắk Lắk nhưng hiện đang tăng nhanh về số lượng nhờ vào điều kiện thời tiết, đất đai thuận lợi.

Tỉnh Đắk Lắk có khoảng 1.300 nhà yến, phân bố khắp các huyện, thị xã, thành phố. Trong đó, các địa phương như TP Buôn Ma Thuột, huyện Ea Kar, huyện Ea Súp, huyện Krông Pắc có số lượng nhà yến nhiều nhất.

 

Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Đắk Lắk, dù nghề nuôi yến với mục đích thương mại mới xuất hiện khoảng 10 năm nay nhưng đang phát triển rất mạnh, mang lại lợi nhuận cao cho chủ cơ sở.

 

Đắk Lắk được đánh là địa phương có điều kiện tự nhiên rất thuận lợi, phù hợp để phát triển vùng nuôi yến, tốc độ phát triển nhà yến nhanh, chất lượng sản phẩm tổ yến cao tương đương với yến đảo và yến miền Trung.

 

Tỉnh Đắk Lắk đứng đầu các tỉnh Tây Nguyên về số lượng nhà yến và đứng trong 10 tỉnh, thành có số lượng nhà yến lớn nhất cả nước. Sản lượng tổ yến ước đạt 10-12 tấn/năm, chiếm khoảng 6,6% sản lượng tổ yến cả nước.

 

Anh Nguyễn Thanh Quỳnh (TP Buôn Ma Thuột) cho biết, 5 năm trước gia đình nhận thấy nghề nuôi yến rất có tiềm năng nên đã mạnh dạn đầu tư xây dựng một nhà yến 2 tầng ở xã Hoà Khánh, TP Buôn Ma Thuột với tổng diện tich sàn hơn 240m2.

 

Đến nay, mô hình này đã tạo được nguồn thu ổn định cho gia đình anh Quỳnh, với sản lượng hàng năm khoảng 30kg yến tổ, thu nhập trên 700 triệu đồng/năm”.

 

Theo anh Quỳnh, nguồn thu từ yến rất ổn định, giá thành tốt nên anh vừa hoàn thiện thêm căn nhà yến thứ 2 và sẽ đưa vào vận hành trong thời gian tới.

 

“Đắk Lắk với diện tích nông, lâm nghiệp chiếm hơn 86% là điều kiện thích hợp cho chim yến phát triển. Đặc điểm của chim yến là loài không đậu đỗ mà chỉ bay lượn và ăn các loại côn trùng trên không từ sáng sớm đến chiều tối.

 

Thức ăn tốt nhất cho chim yến là các loại côn trùng trên đồng ruộng, đồi núi, rừng cây, đặc biệt là các loại côn trùng sinh hoạt cách mặt đất chừng một mét, trong đó có côn trùng của các loại sâu hại”, anh Quỳnh nói.

 

Tương tự, ông Hồ Nhật Vỹ, Chủ hộ kinh doanh yến sào Sơn Hải (TP Buôn Ma Thuột) nhận định hiện nay tiềm năng nuôi yến tại Đắk Lắk rất lớn bởi khí hậu, thổ nhưỡng của địa phương rất phù hợp, lượng thức ăn dồi dào.

 

“Ở Phú Yên gia đình tôi cũng có thành lập công ty nuôi yến nhưng việc phát triển yến không tốt bằng ở đây, khi xây dựng nhà lượng chim yến về sống rất ít.

 

“Đa số yến tại miền Trung vào mùa mưa thường di cư lên Đắk Lắk, Do địa phương ổn định về khí hậu nên sẽ thuận lợi hơn miền Trung trong việc giữ chân đàn yến”, ông Hậu phân tích.

 

Còn tại Đắk Lắk năm 2012 gia đình bắt đầu xây dựng nhà yến. Đến nay, gia đình đã có 6 nhà yến với tỷ lệ chim về cao. Cụ thể, khu vực Ea Súp khi xây dựng nhà yến thì rất nhiều chim về sinh sống. Vì nguồn thức ăn nhiều, khí hậu trong lành”, ông Vỹ chia sẻ.

 

Tuy nhiên, ông Vỹ cho biết hiện nay giấy phép xây dựng nhà yến đang còn chồng chéo.

 

“Đất nông nghiệp không được xây dựng, tuy nhiên nuôi yến phải xa dân cư và chủ yếu là xây dựng trên đất nông nghiệp. Ngoài ra, doanh nghiệp muốn đi liên kết với người dân nhưng không thành công. Khi liên kết doanh nghiệp đưa ra giá sàn tuy nhiên khi giá cao hơn người dân bán ra ngoài, còn thấp hơn quay lại bắt doanh nghiệp thu mua. Việc này cũng gây khó khăn cho vấn đề phát triển nghành yếu lâu dài”, ông Vỹ nói thêm.

 

Ông Phạm Văn Hậu, Chủ tịch Hội yến sào Đắk Lắk cho biết, Hiệp hội được thành lập năm 2022 và hiện nay có hơn 100 người với trên 300 nhà yến tham gia.

 

Theo ông Hậu, Đắk Lắk là địa phương mới gia nhập nghề nuôi yến nhưng có nhiều lợi thế phát triển, trong đó có điều kiện tự nhiên, thổ nhưỡng, thức ăn phong phú.

 

Chủ tịch Hội yến sào Đắk Lắk cho biết thêm, theo tính toán từ khi bắt đầu nuôi đến năm thứ 4 sẽ có thu hoạch.

 

"Yến là ngành đầu tư có lợi nhuận tăng dần, khấu hao không có như những dự án khác. Yến đầu tư càng lâu năm biên độ lợi nhuận sẽ càng tăng.

 

Khó khăn chỉ là khi không có kỹ thuật dẫn dụ chim về biên độ lợi nhuận sẽ thấp. Ở Đắk Lắk có khoảng 30% các nhà nuôi yến có lợi nhuận thu lại ít, còn đa số là đều rất tốt.

 

Tuy nhiên, cần có quy định cụ thể về quy trình xây dựng nhà yến. Người dân rất muốn đầu tư xây dựng nhà yến nhưng không biết đầu tư như thế nào.

 

Xây dựng nhà yến thường xa khu dân cư, đây chủ yến là đất nông nghiệp. Nhà yến đang cho xin giấy phép nông nghiệp khác. Khi xây dựng nhà kiên cố thì vướng về thủ tục pháp lý”, ông Hậu nói thêm.

 

 

Minh Quý

 

 

Bình luận