37 dự án tranh tài chung kết Dự án Khởi nghiệp Xanh lần 9

Bình luận · 205 Lượt xem

Trong hai ngày 28 - 29/10, tại Dinh Độc Lập, 37 dự án đến từ 25 tỉnh, thành tranh tài vòng chung kết cuộc thi Dự án Khởi nghiệp Xanh lần 9 - 2023.

Cuộc thi Dự án Khởi nghiệp Xanh lần thứ 9 do Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và Hỗ trợ doanh nghiệp (BSA), phối hợp các đơn vị tổ chức. 108 dự án được lựa chọn vào vòng bán kết của 33 tỉnh, thành đã tranh tài ở 3 vòng bán kết và tìm ra 37 dự án vào chung kết.

 

Trong 37 dự án, tỉnh Bắc Kạn là địa phương có số dự án vào chung kết nhiều nhất, với 4 dự án; Đồng Tháp, Quảng Nam mỗi địa phương 3 dự án; TP.HCM, Trà Vinh, Đắk Lắk, Lâm Đồng, Nghệ An, Thanh Hóa mỗi địa phương 2 dự án, các tỉnh còn lại 1 dự án.

 

Chia sẻ tại buổi chung kết cuộc thi, Bà Vũ Kim Anh, Phó giám đốc Trung tâm BSA, cho biết, trong 10 năm hành trình Khởi nghiệp Xanh đã xây dựng được một lực lượng doanh nông trẻ, giỏi về nhiều mặt ở các địa phương từ Bắc tới Nam. Họ biết ứng dụng công nghệ, để tạo ra những sản phẩm mới, có tiêu chuẩn cao, thậm chí nhiều dự án đã có chứng nhận hữu cơ từ các thị trường khó tính như Mỹ, EU, Nhật Bản,…

 

Để hỗ trợ cho các doanh nông trẻ trong thời gian diễn ra cuộc thi, bà Vũ Kim Anh cho biết, từ đầu năm đến nay, Trung tâm BSA đã tổ chức 14 lớp tập huấn tại các tỉnh: An Giang, Bến Tre, Đồng Tháp, Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Nam Định, Nghệ An, Cao Bằng và Ninh Thuận, Đắk Lắk... Những lớp tập huấn này đã tạo điều kiện để các doanh nông trẻ nâng cao kiến thức và kỹ năng cần thiết để thực hiện thành công dự án. Chương trình đã lan tỏa thông điệp về khởi nghiệp xanh trong lĩnh vực nông nghiệp, du lịch canh nông, đổi mới sáng tạo phát huy tài nguyên bản địa.

 

Cũng theo bà Vũ Kim Anh, tổng giá trị các giải thưởng năm nay lên đến trên 1,2 tỷ đồng. Các dự án thi được giải thưởng có cơ hội tham gia nhiều hoạt động như: tham gia Hội chợ quốc tế có liên quan đến nông nghiệp – thực phẩm; tham gia các lớp học nâng cao kiến thức về phát triển doanh nghiệp, xúc tiến thương mại, thực hành tiêu chuẩn; các chương trình study tour (học thực tế tại doanh nghiệp, nông trường, trang trại có chuyên gia huấn luyện); hay các gói tư vấn thực hành LocalGap, tư vấn xây dựng thương hiệu và xúc tiến thương mại; phiếu mua vật tư nông nghiệp và vật dụng văn phòng; cùng với đó là các giải thưởng về thực hiện các phim, youtube, TikTok…

 

Bà Nguyễn Cẩm Chi, Chủ tịch Hội đồng Quản lý Quỹ hỗ trợ phát triển thanh niên (FYE), thành viên Ban giám khảo đánh giá, so với năm trước, số lượng dự án vào chung kết năm nay nhiều hơn, các dự án có nhiều tiến bộ hơn. Đặc biệt, các bạn trẻ đã áp dụng công nghệ, quan tâm nhiều hơn đến phát triển bền vững.

 

“Chúng tôi kỳ vọng rằng, các bạn không chỉ là những doanh nông có kiến thức, yêu sản phẩm của mình mà còn là những doanh nông có tri thức, có thể phát triển, mang sản phẩm của mình ra quốc tế”, bà Cẩm Chi nói.

 

Theo ông Nguyễn Lâm Viên, thành viên Ban giám khảo, Chủ tịch HĐQT Vinamit, sự bền bỉ, bền vững sẽ rút ngắn con đường mang lại hạnh phúc, sự sống cho mọi người của người doanh nhân.

 

"Chúng ta không sợ khó, nhưng quan trọng chúng ta có con đường để đi, xin chúc mừng các bạn đã gia nhập con đường của khởi nghiệp xanh, đừng nản chí khi thất bại. Khởi nghiệp xanh là xu hướng mới của thế giới.

 

Như Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan từng nói: chúng ta phải gieo trồng cho tương lai của mình, bằng con đường khởi nghiệp xanh", ông Nguyễn Lâm Viên nhắn nhủ với các doanh nông trẻ. 

 

Ông Viên kỳ vọng, cuộc thi sẽ tìm ra người chiến thắng và tôn vinh những ý tưởng mới từ các doanh nông trẻ, cách làm nông theo thế hệ mới, thay đổi cách ăn, cách sống của người dùng, tạo nên nền nông nghiệp vì sự sống, mang lại hạnh phúc cho mọi người.

 

 

Là một trong những người tham gia tranh tài ở vòng chung kết, Lê Minh Vương, chủ dự án Nông nghiệp tuần hoàn ứng dụng GC-Plus cho biết, với mong muốn tận dụng nguồn phế phụ phẩm trong nông nghiệp từ phân gia súc, gia cầm, những loại trái cây hư bỏ đi... để tái sử dụng để làm phân bón, chế phẩm sinh học dạng nước, cám vi sinh. Từ đó, có thể phục vụ ngược trở lại cho trang trại và cung cấp cho bà con nông dân với giá thành, chất lượng tốt nhất, hướng đến nền nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp xanh. 

 

"Tham gia cuộc thi, chúng tôi mong muốn tìm kiếm nhà đầu tư quan tâm, đầu tư để có nguồn lực xây dựng công ty phân bón chuyên nghiệp tại Ninh Thuận. Từ đó, có thể tái sử dụng, tận dụng toàn bộ nguồn phế phụ phẩm tại Ninh Thuận nói riêng và khu vực miền Trung nói chung để tạo nguồn phân xanh, sạch, an toàn, giúp bảo vệ môi trường, góp phần giảm phát thải khí nhà kính", Lê Minh Vương chia sẻ.

 

Dịp này, Ban tổ chức cho ra mắt cuốn sách “Khởi nghiệp Xanh, 10 năm hành trình kiến tạo một thế hệ doanh nông Việt Nam từ tài nguyên bản địa”, với nhiều câu chuyện kể về hành trình xây dựng, phát triển những bạn doanh nông này cho đến ngày hôm nay.

 

 

Nguyễn Thủy

 

 

Bình luận