Mỗi địa phương một cơ sở giết mổ tập trung [Bài 3]: Lộ trình xây dựng quá chậm, khó đạt mục tiêu

Bình luận · 194 Lượt xem

Lộ trình xây dựng cơ sở giết mổ tập trung diễn ra quá chậm khiến công tác kiểm soát giết mổ khó khăn, tiềm ẩn nguy cơ lây lan dịch bệnh cho đàn vật nuôi.

Trước tình trạng nhiều cơ sở giết mổ tập trung không còn đáp ứng nhu cầu, ngày 28/12/2018, UBND tỉnh Quảng Trị ban hành Quyết định số 3158/QĐ-UBND phê duyệt Đề án Quy hoạch xây dựng cơ sở giết mổ tập trung đến năm 2030, định hướng đến năm 2040.

 

Quảng Trị đạt mục tiêu đến năm 2025 xây dựng ở mỗi huyện, thành, thị ít nhất 1 cơ sở; đến năm 2030 có 21 cơ sở giết mổ tập trung.

 

Để đẩy nhanh tiến độ xây dựng các cơ sở giết mổ tập trung, UBND tỉnh Quảng Trị nhiều lần có văn bản đốc thúc các sở, ban, ngành và chủ tịch UBND các huyện, thành, thị tập trung bố trí quỹ đất theo quy hoạch tại vị trí đã được UBND tỉnh phê duyệt.

 

Trường hợp các địa phương thay đổi vị trí đã quy hoạch phải xác định vị trí mới, giải phóng mặt bằng, ban hành quyết định cấp đất xây dựng cơ sở giết mổ tập trung cho cá nhân, tổ chức có nhu cầu bỏ vốn đầu tư xây dựng.

 

Tuy nhiên, sau 5 năm thực hiện Quyết định 3158, Quảng Trị mới xây dựng được 3 cơ sở giết mổ tập trung, bao gồm 1 cơ sở loại III tại thị trấn Ái Tử (Triệu Phong) hoạt động từ tháng 12/2018; 1 cơ sở loại II tại thị trấn Cam Lộ (Cam Lộ) hoạt động từ tháng 8/2020; 1 cơ sở loại III tại xã Triệu Đại (Triệu Phong) hoạt động từ tháng 2/2021.

 

Các cơ sở được nâng cấp bao gồm 1 cơ sở loại II tại thị trấn Khe Sanh (Hướng Hóa); 1 cơ sở loại II tại thị trấn Hồ Xá (Vĩnh Linh); 1 cơ sở loại III tại xã Thanh An (Cam Lộ).

 

So với mục tiêu của đề án, tiến độ triển khai xây dựng cơ sở giết mổ tập trung trên địa bàn tỉnh còn quá chậm, khả năng đến năm 2025 không đạt yêu cầu mục tiêu đặt ra. Điều này gây ra rất nhiều khó khăn cho công tác kiểm soát giết mổ.

 

Ông Nguyễn Phú Quốc, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Quảng Trị cho biết, nguyên nhân sự chậm trễ là khó thu hút nguồn vốn xã hội hóa, chăn nuôi nông hộ vẫn chiếm tỉ lệ lớn với hơn 76%.

 

Với tình hình chăn nuôi nhỏ lẻ như hiện nay, để tổ chức một hệ thống chăn nuôi - giết mổ liên hoàn gặp nhiều khó khăn. Điều này gây ra những bất cập trong công tác kiểm soát giết mổ hiện nay trên địa bàn tỉnh Quảng Trị.

 

“Giết mổ cùng thời điểm tại rất nhiều địa điểm khác nhau nhưng số lượng cán bộ ngành thú y chưa đáp ứng nhu cầu. Điều này gây ra rất nhiều khó khăn cho công tác kiểm soát giết mổ, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn vệ sinh thực phẩm, công tác phòng chống dịch bệnh động vật cũng gặp nhiều trở ngại”, ông Quốc cho hay.

 

Để giải quyết thực trạng trên, theo ông Quốc, trước hết các địa phương phải huy động các nguồn vốn hợp pháp, nguồn vốn hỗ trợ từ các chương trình, dự án đầu tư xây dựng trên địa bàn để hỗ trợ doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân tham gia đề án.

 

Trên cơ sở vị trí quy hoạch, các địa phương cần công khai và có những chính sách ưu đãi đầu tư về đất đai, thuế để kêu gọi đầu tư, hợp tác triển khai thực hiện.

 

Tại các vị trí đã được bố trí hoạch nhưng phải thay đổi các địa phương phải tìm địa điểm mới trình UBND tỉnh Quảng Trị phê duyệt lại quy hoạch để triển khai thực hiện.

 

“Để có các cơ sở giết mổ tập trung theo quy chuẩn, liên hoàn, đồng bộ thì ngành sẽ tiếp tục tham mưu UBND tỉnh Quảng Trị kêu gọi doanh nghiệp đầu tư vào chăn nuôi quy mô lớn theo hướng chất lượng cao để có tiền đề xây dựng đồng bộ”, ông Quốc cho biết thêm.

 

Võ Dũng - Thanh Nga

 

Bình luận