'Làm OCOP' ở Trung Quốc, một góc nhìn từ làng Quả Viên

Bình luận · 240 Lượt xem

TRUNG QUỐC Ngành nho ở làng Quả Viên đã trở thành ‘thương hiệu’ sáng nhất về nền nông nghiệp đặc trưng của Bành Sơn, Trung Quốc.

Làng trồng nho tốt nhất

Trong những năm gần đây, làng Quả Viên nằm ở khu Quan Âm, huyện Bành Sơn, thành phố Mi Sơn, tỉnh Tứ Xuyên, tập trung xây dựng “một làng, một sản phẩm”, chuyển từ phát triển tài nguyên khoáng sản sang công nghiệp thân thiện với môi trường, lấy nông thôn mới làm đầu mối cải thiện môi trường sống.

Làng Quả Viên nằm lọt thỏm trong Công viên làng mẫu nông nghiệp hiện đại Mân Giang thuộc Khu công nghiệp - nông nghiệp hiện đại 5 sao của tỉnh Tứ Xuyên, rộng 10.000 mẫu (1 mẫu = 667m2), đã liên tiếp giành được danh hiệu Địa điểm trình diễn trạm thử nghiệm toàn diện hệ thống công nghiệp nho quốc gia, Làng mẫu quản lý nông thôn quốc gia và Công nghiệp đặc trưng nông thôn quốc gia, cùng nhiều danh hiệu danh giá khác.

Vườn nho đặc trưng ở làng Quả Viên. 

Vườn nho đặc trưng ở làng Quả Viên. 

Làng ưu tiên phát triển mạnh mẽ ngành nho với mục tiêu "trồng những loại nho ngon nhất Trung Quốc". Hơn 20 giống nho, đặc biệt giống nho Sunshine Rose và Beauty Finger hiện được trồng trên diện tích 7.500 mẫu, giá trị sản lượng trung bình mỗi mẫu là hơn 35.000 nhân dân tệ, giá trị sản lượng hàng năm là hơn 260 triệu nhân dân tệ, và thu nhập ròng bình quân đầu người của nông dân trong làng là hơn 30.000 nhân dân tệ.

Vào năm 2020, tại làng Quả Viên, hầu hết dân làng đều làm các công việc liên quan đến ngành trồng nho, cả làng đã hình thành một chuỗi sản xuất hoàn chỉnh từ trồng nho, quản lý, bán hàng và các liên kết khác, một số dân làng cũng đã ký hợp đồng canh tác đất ở các làng khác. Huyện Bành Sơn có 30.000 mẫu đất trồng nho ở vùng núi, 60% trong số đó được dân làng Quả Viên bao thầu.

Dân làng đang tất bật đóng gói sản phẩm sau khi thu hoạch. 

Dân làng đang tất bật đóng gói sản phẩm sau khi thu hoạch. 

Công nghệ trồng nho của làng Quả Viên đã được tiêu chuẩn hóa toàn chuỗi theo hướng sử dụng các phương tiện xanh. Tại đây có hơn 200 loại nho, nhiều vườn nho đã áp dụng biện pháp kiểm soát sinh học và trồng trọt hữu cơ nhằm mục đích phát triển trang trại du lịch nông nghiệp sinh thái.

Dân làng Quả Viên tại Lễ hội hái nho. 

Dân làng Quả Viên tại Lễ hội hái nho. 

Để giảm chi phí trồng trọt và tiết kiệm chi phí trung gian, làng đã thành lập Hợp tác xã chuyên nghiệp nho Ziqiang để cung cấp dịch vụ tưới nhỏ giọt, màng phản chiếu và các dịch vụ đầu vào nông nghiệp khác cho hơn 700 người trồng trong làng. Chi phí tiết kiệm được 800 - 1.000 nhân dân tệ mỗi mẫu, thu nhập các quỹ tập thể của làng cũng tăng lên, như vụ nho vừa qua đạt 400.000 nhân dân tệ.

Dân làng đang tất bật đóng gói sản phẩm sau khi thu hoạch. 

Dân làng đang tất bật đóng gói sản phẩm sau khi thu hoạch. 

Tổ chức đảng hướng dẫn nông dân

Đảng bộ làng đã quán triệt sự lãnh đạo, phát huy vai trò của các chi bộ, bố trí người có năng lực lãnh đạo, kết hợp với nhu cầu của ngành, thành lập chi bộ đảng tại các hợp tác xã, trang trại gia đình, công ty nông nghiệp hàng đầu để tăng cường sự gắn kết.

Sau khi xác định nho là ngành kinh tế chủ đạo, đảng viên và cán bộ thôn đã đi đầu trong việc trồng nho, mời kỹ thuật viên của Sở Nông nghiệp và chuyên gia của các cơ quan nghiên cứu khoa học về hướng dẫn, liên tục cải tiến công nghệ trồng trọt. Nhận thấy lợi nhuận từ nho không nhỏ, họ đã vận động, đào tạo các đảng viên khác và nông dân cùng làm. 

Đảng bộ thôn chủ trì tổ chức Hiệp hội nho làng Quả Viên, Hợp tác xã chuyên nghiệp nho Tử Cường, Hợp tác xã chuyên nghiệp trái vàng, lồng ghép lợi thế tổ chức của đảng vào phát triển nông nghiệp và đi đầu trong việc cung cấp vật tư, công nghệ và các dịch vụ khác cho nông dân. Điều này không chỉ nâng cao khả năng lãnh đạo của các tổ chức đảng cơ sở mà còn đảm bảo hiệu quả xóa đói giảm nghèo và kết nối quá trình tái thiết nông thôn.

Đổi mới thúc đẩy hiệu quả

Tuân thủ mô hình sản xuất “chủ nhỏ trong công viên lớn” trong việc giới thiệu các chủ ngành nho, đảng bộ thôn luôn tuân thủ nguyên tắc giao đất 30 - 50 mẫu cho chủ sở hữu chung và không quá 200 mẫu cho doanh nghiệp. Thành lập Trung tâm dịch vụ chuyển nhượng đất đai để cung cấp dịch vụ cho thuê, chuyển nhượng đất cho những người có nhu cầu trồng nho và giải quyết bài toán khó khăn về điều phối đất đai.

Cơ sở trồng nho tại làng Quả Viên. 

Cơ sở trồng nho tại làng Quả Viên. 

Về công nghệ trồng trọt, làng Quả Viên đã thành lập cơ sở nghiên cứu và phát triển các giống mới, sử dụng các thiết bị công nghệ như thiết bị tưới thông minh, hệ thống giám sát thông minh và hệ thống màng cuộn thông minh để cho phép ứng dụng di động theo dõi quá trình phát triển của nho mọi lúc mọi nơi, duy trì quản lý sản xuất bình thường và ổn định độ ngọt của nho. 

Về đào tạo kỹ thuật, nhằm tạo điều kiện cho nông dân học kỹ thuật trồng trọt và tiết kiệm chi phí học tập, làng đã mời 40 lượt chuyên gia các cấp hướng dẫn “trực tuyến - lớp học - hiện trường” cho nông dân.

Đào tạo kỹ thuật trồng nho tại làng Quả Viên. 

Đào tạo kỹ thuật trồng nho tại làng Quả Viên. 

Ba hỗ trợ chính để thúc đẩy phát triển

Thứ nhất là hỗ trợ tài chính. Làng phối hợp với các ngân hàng gồm Hợp tác xã tín dụng nông thôn, Ngân hàng tiết kiệm bưu điện và Ngân hàng nông nghiệp Trung Quốc cung cấp các khoản vay thế chấp quyền quản lý đất đai, cho vay tín dụng, cho vay chiết khấu và các dịch vụ khác nhằm giải quyết vấn đề thiếu vốn sản xuất cho người trồng trọt. Phối hợp với Công ty Bảo hiểm Nhân thọ Trung Quốc bảo hiểm 7.500 mẫu đất cho người trồng trọt, giải quyết nỗi lo của người dân. Cho đến nay, tổng số khoản vay của người dân trong làng là 350 triệu nhân dân tệ.

Thứ hai là hỗ trợ kỹ thuật. Một tổ hợp chuyên gia đã được thành lập và hợp tác chiến lược đã được thiết lập với Đại học Nông nghiệp Tứ Xuyên, Học viện Khoa học Nông nghiệp Tứ Xuyên... để tiến hành thử nghiệm, trình diễn và quảng bá các giống và công nghệ mới. Nhờ đó, sự dịch chuyển nhìn thấy rõ ở phương thức canh tác đã chuyển từ ruộng trống sang nhà kính che mưa, hình dạng khung canh tác đã chuyển từ khung rào sang khung chữ V, các loại giống chủ yếu chuyển từ giống hạt nhân sang giống chất lượng cao không hạt, mô hình và công nghệ sản xuất đã thay đổi từ những hộ nông dân nhỏ truyền thống sang những chủ doanh nghiệp mới hiện đại, từ quản lý thủ công đơn giản đến dần dần áp dụng công nghệ quản lý kỹ thuật số và thông minh.

Thứ ba là hỗ trợ thương hiệu. Năm 2015, "Nho Bành Sơn" được bảo hộ sản phẩm chỉ dẫn địa lý cấp quốc gia, Lễ hội Nho đã được tổ chức 12 năm liên tiếp nhằm tăng cường quảng bá cho nho Bành Sơn. Cục Nông nghiệp và Nông thôn huyện đã tổ chức cho các chủ vườn nho tham gia cuộc họp thường niên của Hiệp hội Nho Quốc gia, chọn lọc những quả nho chất lượng cao để đánh giá. Đến nay ngành nho ở làng Quả Viên đã trở thành “thương hiệu” sáng nhất về nền nông nghiệp đặc trưng của Bành Sơn.

Bình luận