Tạo kỹ năng tự bán hàng cho nông dân sản xuất hữu cơ

Bình luận · 213 Lượt xem

Từ chỗ chỉ biết sản xuất, nông dân sản xuất hữu cơ theo tiêu chuẩn PGS ở Bến Tre, Đồng Tháp đã quen với việc bán hàng trực tiếp cho người tiêu dùng.

 

Bà Ino Mayu, Trưởng đại diện tổ chức Seed to Table tại Việt Nam chia sẻ, các hộ nông dân Việt Nam nắm rất vững kỹ thuật sản xuất, có nhiều kinh nghiệm trong sản xuất rau. Chính bản thân bà cũng học được nhiều từ nông dân. Nhưng nông dân lại không quen với việc tự bán sản phẩm do mình sản xuất tới người tiêu dùng.

 

Chính vì vậy, khi bà Ino Mayu vận động các nhóm sản xuất rau hữu cơ được sản xuất theo tiêu chuẩn PGS mang rau lên bán tại Phiên chợ Xanh – Tử tế ở TP.HCM, ai cũng lắc đầu và nói “tôi ngại lắm, nhờ Mayu bán dùm”. Theo bà Mayu, điều này rất khác với Nhật Bản (quê hương của Ino Mayu), nơi mà nông dân sản xuất hữu cơ đều đã quá quen với việc bán sản phẩm trực tiếp cho người tiêu dùng.

 

Với sự kiên quyết và hỗ trợ tận tình của bà Ino Mayu, các nông hộ ở Bến Tre, Đồng Tháp cũng đã mạnh dạn mang sản phẩm rau hữu cơ của mình lên bán tại Phiên chợ Xanh - Tử tế ở TP.HCM cũng như bán tại địa phương.

 

Sau những lần bán hàng đầu tiên, qua tiếp xúc trực tiếp với người tiêu dùng, bà con đã nhận ra rất nhiều điều. Chẳng hạn, phải đa dạng hóa sản phẩm, thay vì chỉ trồng 5 - 6 loại rau thì nâng lên tới 14 - 15 loại để đáp ứng được đa dạng nhu cầu của người tiêu dùng. Hay cũng là rau quả, nhưng nhu cầu ở các thị trường có sự khác nhau. Chẳng hạn ở TP Cao Lãnh, do người dân sinh sống không xa khu vực nông thôn nên người tiêu dùng thích các loại rau ăn quả như bầu, bí… hơn là rau ăn lá. Nhiều gia đình ở Cao Lãnh tự trồng rau gia vị trong các chậu tại nhà, do đó, nhu cầu mua rau gia vị không cao. Trong khi đó tại TP.HCM, nhu cầu rau ăn lá, rau ăn quả hay rau gia vị đều lớn...

 

Từ những phiên chợ đó, bà Ino Mayu khẳng định, sự giao lưu trực tiếp giữa nhà sản xuất và người tiêu dùng là rất quan trọng. Phiên Chợ Xanh - Tử tế tại TP.HCM hay phiên chợ rau hữu cơ ở TP Cao Lãnh đã trở thành những cầu nối quan trọng giữa các nông hộ sản xuất hữu cơ theo tiêu chuẩn PGS với người tiêu dùng.

 

Để giúp các nhóm nông dân trồng rau theo tiêu chuẩn PGS tăng khả năng tiêu thụ sản phẩm, Sở NN-PTNT Đồng Tháp đang phối hợp với dự án của Seed to Table để giúp nông dân củng cố một số khâu, chẳng hạn cách bó rau phải được thực hiện như thế nào để bó rau hữu cơ trông tươm tất, bắt mắt hơn.

 

Bên cạnh đó, tại điểm sơ chế sơ chế rau hữu cơ sẽ được tổ chức bài bản để người tiêu dùng tới xem trực tiếp. Quá trình sản xuất, sơ chế, đóng gói rau hữu cơ sẽ được quay video clip, chụp ảnh để truyền thông, quảng bá trên các phương tiện truyền thông, mạng xã hội, các sàn thương mại điện tử... nhằm giúp người tiêu dùng hiểu rõ hơn về hành trình sản xuất rau hữu cơ, tin tưởng hơn về chất lượng sản phẩm, đồng thời qua đó tạo kỹ năng bán hàng cho nông dân bằng cách xây dựng các câu chuyện liên quan tới sản xuất rau hữu cơ.

 

Ông Lê Quốc Điền, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Đồng Tháp cho biết, ở Đồng Tháp hiện vẫn còn nhiều phiên chợ quê ở các huyện, thường diễn ra vào buổi chiều thứ bảy, các ngày lễ... Sở NN-PTNT Đồng Tháp đang tính tới việc tổ chức cho nông dân trồng rau hữu cơ PGS mang sản phẩm đến bán, trao đổi tại các phiên chợ này. Còn ở các chợ lớn, sẽ tổ chức các quầy, kệ để nông dân bán rau hữu cơ. Bán rau ở các chợ không cần phải làm hàng ngày mà chỉ cần chọn một thời điểm trong tuần khi người dân đi chợ nhiều.

 

Sơn Trang - Nguyễn Thủy

Bình luận