Nông nghiệp tuần hoàn - hướng đi tất yếu để phát triển bền vững

Bình luận · 196 Lượt xem

Tận dụng phế phụ phẩm trong nông nghiệp không chỉ giải quyết được bài toán về môi trường mà còn tạo nguyên liệu đầu vào cho nhiều ngành khác.

Đây là nội dung chính được các nhà quản lý, khoa học và doanh nghiệp trao đổi sôi nổi tại tọa đàm “Nông nghiệp thông minh và công nghệ thực phẩm” được tổ chức ngày 26/10 tại TP.HCM. Tọa đàm được tổ chức trong khuôn khổ sự kiện “Open Innovation Day 2023 - Ngày đổi mới sáng tạo mở 2023”.

 

Theo ông Dương Tất Thắng - Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN-PTNT), biến đổi khí hậu, tăng trưởng dân số và sự cạnh tranh về tài nguyên… đang tạo ra áp lực lớn đối với ngành nông nghiệp. Do đó, nông nghiệp nước ta phải chuyển đổi sang hướng đi mới là kinh tế tuần hoàn.

 

“Phát triển kinh tế tuần hoàn là xu thế tất yếu của thế giới. Định hướng kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp không chỉ mang lại lợi ích về môi trường mà còn tạo ra cơ hội kinh doanh mới, tăng sức cạnh tranh và đảm bảo sự phát triển bền vững cho ngành nông nghiệp. Nhờ đó, sản xuất nông nghiệp sẽ khai thác và sử dụng tài nguyên một cách tiết kiệm, hiệu quả, tạo ra sản phẩm an toàn, chất lượng cao, nhất là giảm thiểu và đi đến triệt tiêu chất thải gây ô nhiễm môi trường, bảo vệ hệ sinh thái và sức khỏe con người”, ông Dương Tất Thắng phát biểu.

 

Để đạt được các mục tiêu trên và hiện thực hóa cam kết toàn cầu tại Hội nghị COP 26 đưa phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050, ngành nông nghiệp nước ta cần thực hiện một loạt biện pháp quan trọng, tối ưu hóa các vấn đề tái tạo năng lượng, nguồn chất thải và tăng cường nhận thức, phối hợp thực hiện nhiệm vụ chung.

 

Nông nghiệp tuần hoàn là không bỏ đi thứ gì - đó là khẳng định của ông Nguyễn Đăng Khôi, Chủ tịch Tập đoàn Trọng Khôi. Với kinh nghiệm của mình, ông Khôi cho rằng nông dân, doanh nghiệp có thể làm giàu hơn nữa bằng chính những thứ vốn được coi là bỏ đi. Phụ phẩm nông nghiệp không được tái sử dụng vừa lãng phí, vừa là gánh nặng cho môi trường.

 

“Nước thải, phân lợn gà cũng là tài nguyên rất quý giá nếu chúng ta biết tận dụng. Phân lợn gà được tận dụng làm phân vi sinh, đưa vào công trình biogas làm nhiên liệu cung cấp chất đốt; phân chế biến khô ngoài bán cho các nhà máy phân bón thì có thể bón cho cây trồng; nước sau khi xử lý có thể tưới cho cây trồng…”, ông Đăng Khôi phân tích.

 

Với nông nghiệp tuần hoàn, đầu vào của trồng trọt là đầu ra của chăn nuôi và ngược lại. Ví dụ điển hình với hạt cà phê, đã có những doanh nghiệp tận dụng những phụ phẩm như vỏ, lá cà phê làm giá thể cho cây nấm, mang lại giá trị thậm chí cao hơn sản phẩm chính.

 

Về cam kết giảm phát thải của Việt Nam, ông Nguyễn Đức Tùng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Nông nghiệp số Việt Nam gọi đây là "áp lực xanh", đòi hỏi nước ta cần phải có lộ trình thực hiện và buộc phải vượt qua được. Để làm được điều này, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ vào sản xuất nông nghiệp trở thành nhiệm vụ tiên quyết.

 

“Nông nghiệp nếu có khoa học công nghệ trợ giúp sẽ trở thành ngành công nghiệp nông nghiệp. Lúc đó, ngành nông nghiệp sẽ tạo được sức hấp dẫn lớn thu hút đầu tư, tạo tốc độ tăng trưởng lớn”, ông Nguyễn Đức Tùng chia sẻ.

 

Lấy dẫn chứng về hơn 3.000 cơ sở chăn nuôi của Đồng Nai buộc phải di dời hoặc ngưng sản xuất do có nguy cơ ảnh hưởng đến môi trường, Chủ tịch Tập đoàn Trọng Khôi cho rằng, ngay từ đầu, người chăn nuôi và doanh nghiệp đã chưa tính đến bản vẽ và đầu tư công nghệ phù hợp.

 

“Chúng ta đầu tư số tiền rất lớn để mua đất, xây dựng chuồng trại mà quên đi câu chuyện đầu tư công nghệ trong sản xuất tuần hoàn. Nước thải không được xử lý làm ảnh hưởng tới môi trường, trong khi đó nếu nghiên cứu và đầu tư thêm chút nữa thì có thể tận dụng chính nước thải qua xử lý để tưới, đỡ phải chi 100 - 200 triệu đồng/tháng để sử dụng nước ngầm”, ông Đăng Khôi chia sẻ.

 

Nhật Bản là quốc gia đang tích cực nghiên cứu, ứng dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất tuần hoàn. Các nhà khoa học nước này đang nghiên cứu để đưa thị trường những sản phẩm xanh, chất lượng. Đặc biệt, những sản phẩm này đều có nguồn gốc từ nông nghiệp, tức là nguyên liệu từ phế phụ phẩm trồng trọt như thân cây chuối, củ cải đường..., thân thiện với môi trường.

 

PGS.TS Ryota Rose, giảng viên Đại học Nông nghiệp và Công nghệ Tokyo (Nhật Bản) cho biết, những ý tưởng này đều nhằm đến việc ngưng làm cho trái đất nóng lên. Đây là nhiệm vụ của tất cả chúng ta để bảo vệ ngôi nhà chung.

 

“Chúng tôi muốn sử dụng nhiều hơn nữa những sản phẩm từ thiên nhiên để không ảnh hưởng đến đại dương, bầu khí quyển. Chúng tôi rất ấn tượng với cây chuối của Việt Nam, nó là nguyên liệu sinh học thân thiện với môi trường, lại khá dồi dào để có thể chế tạo ra nhiều sản phẩm mới”, PGS.TS Ryota Rose bày tỏ.

 

Cũng theo PGS.TS Ryota Rose, nông dân cần có cái nhìn tích cực hơn về các loại phế phụ phẩm nông nghiệp, bởi đây là tài nguyên quý giá và tại chỗ. Nếu được thực hiện bài bản ngay từ đầu và đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế, hoàn toàn có thể xuất khẩu các loại phế phụ phẩm, làm tăng giá trị của nông nghiệp tuần hoàn.

 

 

Lê Bình - Minh Sáng

 

Bình luận