Tri thức hóa nông dân đáp ứng yêu cầu nền nông nghiệp hiện đại

Bình luận · 246 Lượt xem

Những năm gần đây, việc tuyển sinh của các cơ sở đào tạo rất khó khăn. Tỷ lệ tuyển sinh sụt giảm mạnh, nhiều khoa, ngành hàng năm chỉ tuyển được 10 sinh viên.

Ngày 25/8, tại thành phố Đồng Hới (tỉnh Quảng Bình), Bộ NN-PTNT tổ chức hội nghị đào tạo và phát triển nguồn nhân lực nông nghiệp và phát triển nông thôn khu vực miền Trung và Tây Nguyên để phục vụ cho phát triển ngành một cách bền vững. Ông Lê Minh Hoan, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT chủ trì hội nghị.

Tham dự còn có đại diện lãnh đạo các Bộ, ngành, doanh nghiệp, hiệp hội, cơ sở giáo dục đại học và giáo dục nghề nghiệp ngành nông nghiệp; đại diện UBND 19 tỉnh, thành khu vực miền Trung và Tây Nguyên.

Nhiều ngành tuyển không quá 10 sinh viên

Khu vực miền Trung và Tây Nguyên gồm có 19 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, đây là khu vực có vai trò, vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, môi trường, quốc phòng, an ninh và đối ngoại.

Năm 2022, khu vực miền Trung có 44 cơ sở giáo dục đại học, trong đó có 2 đại học vùng là Đại học Đà Nẵng và Đại học Huế với nhiều ngành, nghề. Trong đó, có các ngành nghề  trọng điểm, như kinh tế biển, logistic, công nghệ thông tin, công nghiệp chế biến, chế tạo, du lịch... đạt tiêu chuẩn khu vực và quốc tế, đáp ứng yêu cầu về lao động chất lượng cao cho phát triển kinh tế - xã hội của vùng.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng, công tác đào tạo và phát triển nguồn nhân lực NN-PTNT là tiền đề quan trọng để nâng cao trình độ sản xuất. Ảnh: Ngọc Hải.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng, công tác đào tạo và phát triển nguồn nhân lực NN-PTNT là tiền đề quan trọng để nâng cao trình độ sản xuất. Ảnh: Ngọc Hải.

Một số trường trong khu vực có đào tạo các ngành về nông nghiệp, như Trường Đại học Nông lâm (Đại học Huế), Trường Đại học Vinh, Trường Đại học Nha Trang. Tuy nhiên, việc tuyển sinh các ngành nông nghiệp gặp nhiều khó khăn và có xu hướng giảm.

Đối với Tây Nguyên, đến năm 2022, trong vùng có 9 cơ sở giáo dục đại học và phân hiệu của các trường đại học, 4 trường cao đẳng sư phạm và 107 cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Các trường đại học, cao đẳng trong khu vực hiện đang đào tạo 133 ngành đào tạo đại học, 20 ngành đào tạo thạc sỹ và 11 ngành đào tiến sĩ chủ yếu trong lĩnh vực nông nghiệp, thực phẩm, chăn nuôi và quản trị…

Tuy nhiên, những năm gần đây, việc tuyển sinh đầu vào của các cơ sở đào tạo gặp rất nhiều khó khăn. Tỷ lệ tuyển sinh sụt giảm mạnh, nhiều khoa, ngành hằng năm chỉ tuyển sinh được không quá 10 sinh viên.

PGS.TS Trần Thanh Đức, Hiệu trưởng Trường Đại học Nông lâm Huế cho biết: “Trước đây, trường có số lượng tuyển sinh đầu vào trên 2.000 em/năm. Hiện nay chỉ tuyển được từ 800 - 1.000 em. Vì vậy, việc đào tạo nhân lực cho nông nghiệp trong những năm tới sẽ khó khăn và thiếu hụt nhân lực chuyên sâu, chuyên ngành”.

Để phát huy tiềm năng, lợi thế về nông, lâm, thuỷ sản khu vực miền Trung và Tây Nguyên, việc phát triển nguồn nhân lực nông nghiệp, nông thôn khu vực này được Bộ NN-PTNT xác định phải gắn với thực hiện các nhiệm vụ tại các Nghị quyết của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế -xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh của vùng.

Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan và Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình Trần Thắng tặng hoa chúc mừng thỏa thuận hợp tác giữa doanh nghiệp và cơ sở đào tạo nhân lực nông nghiệp, nông thôn. Ảnh: Ngọc Hải.

Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan và Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình Trần Thắng tặng hoa chúc mừng thỏa thuận hợp tác giữa doanh nghiệp và cơ sở đào tạo nhân lực nông nghiệp, nông thôn. Ảnh: Ngọc Hải.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan khẳng định: Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững giai đoạn 2021-2030 và tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; xây dựng nền nông nghiệp sản xuất hàng hóa, đồng thời phát triển nông nghiệp dựa trên lợi thế địa phương, theo hướng hiện đại có năng suất, chất lượng, hiệu quả, bền vững và sức cạnh tranh cao.

Theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, cần thúc đẩy quá trình nghiên cứu, chuyển giao và áp dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất; tạo đột phá trong đổi mới căn bản, toàn diện trong đào tạo và phát triển nguồn nhân lực NN-PTNT của vùng.

“Từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp thì nhân lực cũng phải phù hợp với sự thay đổi đó. Nền nông nghiệp phải tích hợp đa giá trị như du lịch nông nghiệp, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn, nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp du lịch. Phải mở rộng không gian tư duy về nhân lực nông nghiệp thích ứng với tư duy kinh tế nông nghiệp chứ không phải tư duy sản xuất nông nghiệp, không phải đào tạo ra những người đi làm thuê cho các doanh nghiệp mà có thể đào tạo ra những người đủ tố chất để làm chủ”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Chủ động liên kết đào tạo

PGS.TS Trần Thanh Đức, Hiệu trưởng Trường Đại học Nông Lâm Huế cho rằng, để có bước phát triển mới thì các cơ sở đào tạo phải thực hiện liên kết với các doanh nghiệp. Từ đó, tạo nên chuỗi đào tạo - việc làm sau khi ra trường và có thu nhập cao, ổn định.

“Từ năm ngoái, chúng tôi  đã liên kết với khoảng 40 doanh nghiệp trong nước triển khai tuyển dụng sinh viên tốt nghiệp ra trường. Nhu cầu các doanh nghiệp đến 2.000 việc làm nhưng chúng tôi mới chỉ đáp ứng được 800 vị trí. Đây cũng là những khởi động mới trong việc tạo sức hút đầu vào”, ông Đức chia sẽ.

Tại Học viện Nông nghiệp Việt Nam, hiện có 14 khoa chuyên môn, 30 viện/trung tâm/công ty/spin off, 82 mô hình khoa học và công nghệ. Trên 90% giảng viên và nghiên cứu viên của Học viện được đào tạo sau đại học tại các nước có nền giáo dục đại học và KH&CN tiên tiến như Mỹ, Úc, Hà Lan, Nhật Bản, Đức, Đan Mạch, Na Uy, Pháp, Ailen... Hiện, Học viện có 6 phòng thí ISO có thể xét nghiệm hơn 700 chỉ tiêu phân tích (về thú y, chăn nuôi, môi trường, đất,…), 82 mô hình KHCN, 2 bệnh viện nông nghiệp (Bệnh viện Thú y, Bệnh viện cây trồng). Đây là nguồn lực quan trọng trong công tác đào tạo, nghiên cứu của Học viện và hội nhập quốc tế của ngành Nông nghiệp nói chung, của Học viện nói riêng.

Sinh viên Học viện Nông nghiệp Việt Nam trong giờ thực hành. Ảnh: HVNNVN.

Sinh viên Học viện Nông nghiệp Việt Nam trong giờ thực hành. Ảnh: HVNNVN.

GS.TS Nguyễn Thị Lan, Giám đốc Học viện cho biết, đang tổ chức tuyển sinh và đào tạo 43 ngành đào tạo trình độ đại học chính quy, 17 ngành đào tạo trình độ thạc sỹ và 15 ngành đào tạo trình độ tiến sỹ.

"Từ hội nghị này sẽ có tiếng nói chung của cơ quan quản lý, các cơ sở đào tạo và các doanh nghiệp. Qua đó, đánh giá được thực trạng và triển khai thực hiện mô hình liên kết giữa cơ sở đào tạo và doanh nghiệp, nhà quản lý sẽ đào tạo ra các em sinh viên có năng lực có thể sử dụng được ngay tại các doanh nghiệp, cơ quan quản lý nhà nước. Mô hình này đã ứng dụng có hiệu quả tại Hà Lan, Nhật bản, Israel...", bà Lan nói thêm.

Nói về liên kết đào tạo, ông Phạm Quốc Liêm, Chủ tịch, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Nông nghiệp U&I (Unifarm) cho rằng, việc đào tạo nhân lực nông nghiệp đáp ứng yêu cầu trong bối cảnh mới. Mời các chuyên gia nông nghiệp từ Israel, Nhật Bản, Đài Loan giảng dạy.

Đối tượng đào tạo là các bạn trẻ làm việc tại Unifarm, cán bộ công tác khuyến nông tại địa phương, các doanh nghiệp trang trại, hợp tác xã, nông hộ… có nhu cầu đầu tư vào mô hình nông nghiệp công nghệ cao, lực lượng lao động phổ thông tại Unifarm.

“Farm trong trường là lan tỏa vẻ đẹp và giá trị tích cực của nông nghiệp, khơi dậy sự đam mê và lựa chọn tham gia vào ngành nông nghiệp của các bạn sinh viên. Tích cực thu hút sinh viên từ các nghành nghề khác tham gia ngành nông nghiệp”, ông Phạm Quốc Liêm nói.

Sinh viên Đại học Nông Lâm Huế tại vườn thực nghiệm. Ảnh: N.Tâm.

Sinh viên Đại học Nông Lâm Huế tại vườn thực nghiệm. Ảnh: N.Tâm.

Phát biểu kết luận hội nghị, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng, công tác đào tạo và phát triển nguồn nhân lực NN-PTNT là tiền đề quan trọng để nâng cao trình độ sản xuất, năng suất lao động, năng lực cạnh tranh và bảo đảm phát triển bền vững của ngành, vừa là xu hướng tất yếu và mang lại giá trị lâu dài cho các trường, cơ sở đào tạo, doanh nghiệp nông nghiệp.

"Việc hợp tác giữa các trường đại học và doanh nghiệp về đào tạo và phát triển nguồn nhân lực NN-PTNT không chỉ giới hạn về đào tạo nguồn nhân lực, cung cấp thị trường… mà phải hợp tác để xây dựng được thương hiệu nhà trường, chia sẻ trách nhiệm xã hội; đồng thời hợp tác phải tiến tới tư duy thị trường doanh nghiệp để các sản phẩm đào tạo đến được với thị trường, doanh nghiệp”, Bộ trưởng nhấn mạnh thêm.

Bình luận