Xây dựng thương hiệu ‘Gà đồi Trấn Yên’

Bình luận · 195 Lượt xem

Sản phẩm 'Gà đồi Trấn Yên' là một trong 7 sản phẩm của huyện Trấn Yên được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KHCN) cấp văn bằng chứng nhận sở hữu tập thể.

Doanh thu mỗi năm trên 30 tỷ đồng

Được thành lập năm 2018, Hợp tác xã Chăn nuôi và Dịch vụ nông nghiệp MQ ở xã Minh Quán, huyện Trấn Yên (tỉnh Yên Bái) có doanh thu trên 30 tỷ đồng/năm, trở thành điểm tựa tin cậy của người chăn nuôi địa phương.

 

Với hơn 30 thành viên là các hộ chăn nuôi gà địa phương, mô hình góp phần thay đổi tư duy, phương thức sản xuất nhỏ lẻ sang sản xuất có liên kết, chăn nuôi an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh quy mô lớn.

 

Anh Nguyễn Tiến Sơn, Giám đốc Hợp tác xã Chăn nuôi và Dịch vụ nông nghiệp MQ đưa chúng tôi đi tham hệ thống trang trại chăn nuôi gà với quy mô 300.000 con/năm. Theo chia sẻ của anh Sơn, trước đây, khu vực chăn nuôi gà tập trung của HTX là một bãi chăn thả gia súc, cây cối mọc hoang dại, nằm tách biệt hẳn với khu dân cư. Thấy khu vực này có diện tích rộng, các thành viên đã bàn với nhau cùng mua đất, san gạt mặt bằng và đầu tư xây dựng chuồng trại, phát triển chăn nuôi gà thương phẩm quy mô lớn.

 

Tùy vào nhu cầu của người tiêu dùng mà trong mỗi giai đoạn, các thành viên lựa chọn nhập giống gà phù hợp, ký kết đầu vào về con giống, thức ăn, thuốc thú y, vacxin và tìm kiếm thị trường đầu ra cho sản phẩm. Ban đầu, các thành viên trong HTX chủ yếu nuôi giống gà Minh Dư (Bình Định). Đây là giống gà có mẫu mã đẹp, chất lượng đồng đều, có khả năng thích nghi tốt với môi trường, thịt chắc, ngon.

 

Ngoài ra, HTX còn nuôi giống gà ri Lạc Thuỷ (Hoà Bình), giống gà này có khả năng chống chịu thời tiết khắc nghiệt, chất lượng thịt dai, thơm, ngon, trọng lượng vừa phải, dao động từ 1,8 - 2kg.

 

Để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường, Hợp tác xã Chăn nuôi và Dịch vụ nông nghiệp MQ tiếp tục tìm hiểu, lựa chọn và đưa thêm giống gà Mông bản địa và gà Mía vào cơ cấu chăn nuôi. Đây cũng là 2 giống gia cầm các thành viên trong HTX đang nuôi thương phẩm với quy mô 1.000 - 10.000 con/lứa.

 

Với 7 trang trại chăn nuôi gối lứa, trung bình duy trì 15 - 20 vạn con, trong đó giống gà Mông hiện đang nuôi 6 vạn con, thời gian nuôi từ 115 - 125 ngày sẽ cho trọng lượng bình quân 1,65kg/con với giá bao tiêu ký kết hợp đồng là 86.000 đồng/kg; đối với giống gà Mía sau khoảng 120 - 135 ngày nuôi sẽ cho trọng lượng khoảng 2kg/con, giá dao động từ 80.000 - 85.000 đồng/kg.

 

Coi trọng chữ tín trong chăn nuôi

Anh Đặng Huy Hoàng, xã viên Hợp tác xã Chăn nuôi và Dịch vụ nông nghiệp MQ chia sẻ: Để có sản phẩm gà chất lượng xuất bán ra thị trường, bên cạnh yếu tố con giống tốt, tuân thủ quy định nghiêm ngặt về chuồng trại, kỹ thuật chăm sóc, an toàn dịch bệnh thì quy trình nuôi kết hợp bán chăn thả sẽ nâng cao chất lượng gà thương phẩm.

 

Vì vậy, quanh trang trại được trồng cây công nghiệp lâu năm như keo, quế để tạo bóng mát, không khí trong lành cho đàn gà. Bên cạnh đó, kết hợp tuân thủ quy trình chăn nuôi an toàn sinh học, các trang trại của HTX không xảy ra dịch bệnh lớn. Sản phẩm đầu ra được HTX bao tiêu, cung cấp cho thị trường trong và ngoài tỉnh.

 

Theo Giám đốc Hợp tác xã Chăn nuôi và Dịch vụ nông nghiệp MQ Nguyễn Tiến Sơn: Xây dựng chữ tín trong chăn nuôi là điều kiện tiên quyết để HTX đứng vững và duy trì hoạt động hiệu quả. Chữ tín là đưa tới người tiêu dùng sản phẩm gà chất lượng, an toàn sinh học và cả chữ tín chính với các xã viên HTX, nhà cung cấp giống, thuốc, vacxin và đối tác tiêu thụ sản phẩm.

 

Thời gian qua, ngành chăn nuôi biến động, có thời điểm giá gà thương phẩm xuống thấp, chăn nuôi thua lỗ nhưng các xã viên trong HTX vẫn kiên trì, đoàn kết cùng nhau bám trụ. Hay thời điểm giá gà thị trường tăng cao, nhưng HTX đảm bảo và cam kết không "té nước theo mưa", vẫn bán sản phẩm với đơn vị tiêu thụ đúng giá đã ký kết hợp đồng ban đầu. Chính điều này giúp HTX khẳng định được vị trí của mình, trung bình mỗi tháng, HTX xuất bán ra thị trường khoảng 25 - 30 tấn gà thương phẩm, doanh thu đạt gần 3 tỷ đồng/tháng.

 

Hợp tác xã không chỉ mang đến nguồn thu nhập ổn định, giúp các thành viên nâng cao đời sống kinh tế mà còn tạo việc làm 40 - 50 lao động địa phương, góp phần thay đổi tư duy, phương thức sản xuất nhỏ lẻ thành kiểu sản xuất có liên kết với quy mô lớn, chăn nuôi an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh, nâng cao giá trị nông sản địa phương.

 

Xây dựng thương hiệu “Gà đồi Trấn Yên”

Với mục tiêu phát triển bền vững, các thành viên trong HTX đã chủ động tìm tòi nâng cao kiến thức, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong chăn nuôi, từng bước tiệm cận với nền nông nghiệp thông minh gắn với chuyển đổi số.

 

Từ năm 2020, HTX đã sử dụng hệ thống camera ở các trang trại để giám sát quy trình chăn nuôi; năm 2022 xây dựng trang website quáng cáo, giới thiệu quy trình, điều kiện chăn nuôi và gắn tem truy xuất nguồn gốc.  

 

Không dừng lại ở việc chăn nuôi quy mô lớn, Hợp tác xã Chăn nuôi và Dịch vụ nông nghiệp MQ còn hướng tới việc chế biến các sản phẩm từ thịt gà để bán ra thị trường nhằm nâng cao giá trị và xây dựng thương hiệu “Gà đồi Trấn Yên”.

 

Bà Triệu Thị Bích Liệu, Trưởng Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Trấn Yên nhận định: hợp tác, liên kết, xây dựng chữ tín và đẩy mạnh áp dụng chuyển đổi số, tạo ra chuỗi giá trị bền vững trong sản xuất, kinh doanh là con đường mà Hợp tác xã Chăn nuôi và Dịch vụ nông nghiệp MQ đã áp dụng hiệu quả để đáp ứng yêu cầu phát triển trong thời kỳ hội nhập.

 

Trong thời gian tới, huyện Trấn Yên tiếp tục hỗ trợ xây dựng nhãn mác, xúc tiến thương mại để nâng cao giá trị các sản phẩm của HTX, đồng thời khuyến khích thành lập các HTX ở các địa phương để đưa ngành chăn nuôi phát triển hiệu quả, bền vững.

 

Đến nay, Dự án “Gà đồi Trấn Yên” đã xây dựng các hệ thống quảng cáo, chứng nhận, nhãn hiệu tập thể cho các sản phẩm. Trong đó, có website, bộ nhận diện thương hiệu gồm: bao bì sản phẩm, nhãn mác, tờ rơi và poster quảng bá. Sản phẩm "Gà đồi Trấn Yên" là một trong 7 sản phẩm của huyện Trấn Yên được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KHCN) cấp văn bằng chứng nhận sở hữu tập thể.

 

 

Thanh Tiến

 

 

Bình luận