Phát triển sản phẩm OCOP xanh theo hướng kinh tế tuần hoàn

Bình luận · 811 Lượt xem

TP Đà Lạt định hướng phát triển sản phẩm OCOP gắn với xây dựng vùng nguyên liệu, dược liệu đặc trưng, phát triển theo hướng sản xuất hữu cơ, nông nghiệp sinh thái

Sản phẩm OCOP “chắp cánh” cho đặc sản Đà Lạt

Ông Nguyễn Đức Cứ, Trưởng phòng Kinh tế TP Đà Lạt (Lâm Đồng) cho hay, địa phương có tiềm năng và lợi thế trong việc thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP). Đến nay, thành phố có 57 sản phẩm của 24 đơn vị được chứng nhận OCOP từ 3 đến 5 sao.

“Trong đó có 2 sản phẩm gồm trà Nhất Diệp Nguyên Hương và sản phẩm Actiso cao ống của Công ty CP Dược phẩm Lâm Đồng đạt chứng nhận OCOP 5 sao, 37 sản phẩm đạt chứng nhận 4 sao và 15 sản phẩm đạt chứng nhận 3 sao. Hiện nay, thành phố có thêm 3 sản phẩm là thảo dược và thực phẩm đang chờ Trung ương xét công nhận sản phẩm OCOP 5 sao”, ông Nguyễn Đức Cứ nói.

Các sản phẩm OCOP của Đà Lạt là những sản phẩm đặc trưng như actiso, cà phê, dâu tây, phúc bồn tử, hồng treo gió, đông trùng hạ thảo, mắc ca. Ảnh: Minh Hậu.

Các sản phẩm OCOP của Đà Lạt là những sản phẩm đặc trưng như actiso, cà phê, dâu tây, phúc bồn tử, hồng treo gió, đông trùng hạ thảo, mắc ca. Ảnh: Minh Hậu.

Theo ông Nguyễn Đức Cứ, các sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP của Đà Lạt là những sản phẩm đặc trưng. Trong đó bao gồm các sản phẩm từ actiso, cà phê, dâu tây, phúc bồn tử, hồng treo gió, đông trùng hạ thảo, mắc ca... Ông Nguyễn Đức Cứ nhận định, các sản phẩm OCOP đã góp phần nâng cao giá trị cho sản phẩm, đặc sản của thành phố và nâng cao thu nhập cho người dân. Đặc biệt góp phần cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với phát triển tiểu thủ công nghiệp, ngành nghề, dịch vụ và du lịch…

Để quảng bá sản phẩm OCOP, thời gian qua, thành phố Đà Lạt đã xây dựng các cửa hàng trưng bày và giới thiệu sản phẩm đến người dân, du khách. Địa phương này cũng khuyến khích và hỗ trợ các chủ thể đưa sản phẩm OCOP lên các sàn thương mại điện tử. Đồng thời hỗ trợ các chủ thể là công ty, hợp tác xã, hộ gia đình trong việc nâng cao chất lượng sản phẩm, cải tiến mẫu mã. Trong đó hỗ trợ các chủ thể về máy móc, trang thiết bị, bao bì, tem truy xuất nguồn gốc… với tổng kinh phí khoảng gần 5 tỷ đồng.

TP Đà Lạt phát triển sản phẩm OCOP theo hướng sản xuất hữu cơ, nông nghiệp sinh thái. Ảnh: Minh Hậu.

TP Đà Lạt phát triển sản phẩm OCOP theo hướng sản xuất hữu cơ, nông nghiệp sinh thái. Ảnh: Minh Hậu.

“Chúng tôi thường xuyên phối hợp với các cơ quan, đơn vị nhằm hỗ trợ các chủ thể tham gia vào các chương trình xúc tiến thương mại trong và ngoài tỉnh. Mới đây, thành phố đã phối hợp với Sở NN-PTNT tỉnh Lâm Đồng thành lập nhóm Zalo với các thành viên là chủ thể OCOP để thông tin về những vấn đề liên quan chương trình cũng như chính sách hỗ trợ và trao đổi mua bán”, ông Nguyễn Đức Cứ, Trưởng phòng Kinh tế TP Đà Lạt chia sẻ.

Sản phẩm OCOP theo hướng sản xuất hữu cơ

Xác định sản phẩm OCOP góp phần khơi dậy tiềm năng, lợi thế của đặc sản Đà Lạt và thúc đẩy phát triển kinh tế nên chính quyền thành phố xây dựng kế hoạch đến năm 2025 sẽ có 70 sản phẩm OCOP, trong đó phấn đấu 5 sản phẩm OCOP 5 sao.

Để đạt được kết quả đó, chính quyền thành phố Đà Lạt ưu tiên đầu tư vùng sản xuất nguyên liệu dựa trên lợi thế về điều kiện tự nhiên, văn hóa và tập quán sản xuất của người dân. Địa phương này cũng đưa ra định hướng phát triển sản phẩm OCOP gắn với xây dựng vùng nguyên liệu nông sản, dược liệu đặc trưng được cấp mã số vùng trồng. Đặc biệt phát triển sản phẩm OCOP theo hướng sản xuất hữu cơ, nông nghiệp sinh thái.

Thành phố Đà Lạt hiện có 57 sản phẩm của 24 đơn vị được chứng nhận OCOP từ 3 đến 5 sao. Ảnh: Minh Hậu.

Thành phố Đà Lạt hiện có 57 sản phẩm của 24 đơn vị được chứng nhận OCOP từ 3 đến 5 sao. Ảnh: Minh Hậu.

Cùng với đó, địa phương cũng hướng đến phát triển sản phẩm OCOP theo chuỗi giá trị, phù hợp với lợi thế về điều kiện sản xuất và yêu cầu thị trường. Trong đó ưu tiên các sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ đặc sắc, truyền thống. Thành phố cũng tổ chức hỗ trợ trang thiết bị, máy móc và đầu tư ứng dụng khoa học công nghệ, hỗ trợ các chủ thể trong việc thực hiện quy trình sản xuất, sơ chế, chế biến, bảo quản để phát để đảm bảo chất lượng sản phẩm và đáp ứng nhu cầu thị trường. Đặc biệt xây dựng tiêu chuẩn và thử nghiệm, phát triển sản phẩm OCOP xanh theo hướng kinh tế tuần hoàn gắn với thị trường xuất khẩu.

Ông Nguyễn Đức Cứ, Trưởng phòng Kinh tế TP Đà Lạt thông tin, hiện nay, địa phương đã và đang nâng cao năng lực và hiệu quả hoạt động cho các chủ thể OCOP. Trong đó chú trọng tập huấn cho chủ thể đổi mới hình thức sản xuất và kỹ năng quản trị, sáng tạo về sản phẩm. “Thành phố cũng tập huấn cho các chủ thể OCOP về quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm và thiết kế bao bì, mẫu mã sản phẩm. Đồng thời tập huấn kiến thức về sở hữu trí tuệ, khai thác thương hiệu cộng đồng”, ông Nguyễn Đức Cứ chia sẻ.

Cũng theo ông Nguyễn Đức Cứ, để nâng cao khả năng cạnh tranh trên thị trường cho các sản phẩm OCOP, thành phố Đà Lạt chú trọng đến nâng cao chất lượng, mẫu mã và phát triển các sản phẩm mới. Theo đó, địa phương sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng để hỗ trợ các chủ thể có sản phẩm tham gia OCOP về chứng nhận quản lý chất lượng ISO, HACCP... Đồng thời thành phố cũng phối hợp với Sở NN-PTNT hỗ trợ các chủ thể xây dựng sản phẩm theo tiêu chuẩn VietGAP, chứng nhận hữu cơ.

Thành phố Đà Lạt tiếp tục phối hợp với Chi cục Phát triển Nông thôn tỉnh Lâm Đồng tổ chức khảo sát, xây dựng các điểm trưng bày sản phẩm OCOP trên địa bàn thành phố Đà Lạt. Ông Nguyễn Đức Cứ, Trưởng phòng Kinh tế TP Đà Lạt nói: “Chúng tôi tiếp tục phối hợp cùng Sở NN-PTNT Lâm Đồng và các cơ quan, đơn vị để tổ chức cho các chủ thể tham gia diễn đàn sản phẩm OCOP, kết nối giao thương với các doanh nghiệp ngoài tỉnh. Đồng thời tổ chức các lớp tập huấn cho các chủ thể về phương án kinh doanh, đưa sản phẩm OCOP lên sàn thương mại điện tử như Vỏ sò, Shoppee, Lazada, Tiktok”.

Bình luận