Nâng tầm cây sen
Đồng Tháp là địa phương có điều kiện thuận lợi cho cây sen phát triển. Thời gian qua, nhiều mô hình trồng sen mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân với lợi nhuận cao gấp 3 - 4 lần so với trồng lúa. Ngoài ra, nông dân Đồng Tháp còn khéo léo gia tăng giá trị từ cây sen thông qua phát triển các sản phẩm dịch vụ du lịch và phát triển sản phẩm OCOP.
Sen là biểu tượng đặc trưng của tỉnh Đồng Tháp, bên cạnh đó sen là một trong 5 ngành hàng nằm trong đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp của địa phương (lúa, cá tra, hoa kiểng và sen) và đang được phát triển theo hướng giảm chi phí, nâng cao chất lượng, gia tăng sản phẩm chế biến theo hướng chất lượng, an toàn và bền vững.
Ông Nguyễn Văn Vũ Minh, Giám đốc Sở NN-PTNT Đồng Tháp cho biết, cây sen gắn liền với vùng đất Đồng Tháp từ xa xưa và còn được gọi là vùng Đất Sen hồng, đây là loại cây trồng quen thuộc gắn bó với người dân nơi đây. Năm 2015, tổng diện tích trồng sen trên địa bàn tỉnh là 1.265 ha, chiếm 3,5% diện tích hoa màu toàn tỉnh, sản lượng đạt 984 tấn. Tuy nhiên, đến giai đoạn 2016 - 2019, diện tích sen giảm khá mạnh do sâu bệnh và thiếu liên kết về đầu ra, chỉ còn từ 800 - 880 ha, sản lượng dao động từ 600 – 720 tấn/năm.
Từ năm 2021 đến nay, diện tích sen đã được phục hồi trở lại, đạt 1.300 ha, sản lượng trên 1.000 tấn, tập trung trồng nhiều tại các huyện: Tháp Mười, Tam Nông, Cao Lãnh, Tân Hồng và Lấp Vò.
Ông Phạm Thiện nghĩa, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp cho biết: Cây sen ở Đồng Tháp không chỉ được trồng để lấy gương, ngó, giờ đây sen còn được đa dạng hóa với những sản phẩm từ tinh dầu sen, tơ sen, đến các dịch vụ du lịch như ngắm cảnh đồng sen, thưởng thức ẩm thực từ sen, tạo chuỗi giá trị kinh tế cao. Hiện nay, cây sen đã được UBND tỉnh Đồng Tháp chọn và đưa vào xây dựng và phát triển thương hiệu các nông sản chủ lực tỉnh Đồng Tháp giai đoạn 2021 – 2025.
“Tỉnh Đồng Tháp kỳ vọng tất cả nông dân trồng sen, các cơ sở sản xuất, doanh nghiệp tại địa phương hãy cùng chung tay thực hiện các giải pháp để nâng tầm cây sen, không chỉ tạo dựng thương hiệu địa phương mà còn phát huy giá trị chuỗi ngành hàng sen của tỉnh” ông Phạm Thiện nghĩa, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp nói.
Rũ bùn vươn ra thế giới
Trước đây, sen chỉ để ngắm khi còn rực rỡ trên đồng. Và khi đó, người nông dân trồng sen chỉ sống nhờ thu hoạch gương sen, ngó sen, củ sen.
Theo thời gian, giờ đây sen trở thành nguồn nguyên liệu dồi dào để tạo ra nhiều sản phẩm như tinh dầu sen, tơ sen, trà sen, sữa sen, son sen, thảo dược từ sen, quà tặng … Cũng từ đó, nhiều sáng kiến, ý tưởng khởi nghiệp từ sen ra đời mang lại giá trị kinh tế cho tỉnh nhà. Không chỉ vậy, việc thúc đẩy phát triển kinh tế nông nghiệp về sen gắn với phát triển du lịch đã góp phần nâng cao chất lượng đời sống của người dân, đồng thời mang lại cái nhìn mới về sức đóng góp của ngành hàng sen trong các lĩnh vực. Rũ bùn vươn lên, sen lại càng gắn bó nhiều hơn trong đời sống của người dân Đồng Tháp.
Những bức tranh được làm từ lá sen khô do nghệ nhân Bảy Nghĩa quê ở Đồng Tháp làm, giờ đây đã có mặt ở nhiều quốc gia trên thế giới như Pháp, Hà Lan, Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc)… Với nghệ nhân Bảy Nghĩa, ông luôn tỉ mỉ, tạo cái hồn cho mỗi bức tranh từ lá sen khô với hy vọng qua những bức tranh này, nhiều người sẽ biết đến xứ sở Sen hồng.
Anh Ngô Chí Công, Giám đốc Công ty TNHH sản xuất, thương mại và dịch vụ Khởi Minh Thành Công ở TP Cao Lãnh cho biết: Với khát khao “Đem hồ sen đi khắp thế gian”, anh đã dần mang được sản phẩm chất lượng làm từ sen chinh phục thế giới.
Từ hoa sen, lá sen vốn quen thuộc nay trở thành những sản phẩm thông dụng, độc đáo mang đậm chất Việt Nam. Và ý tưởng “Đem hồ sen đi khắp thế gian” ấy chắc chắn sẽ từng bước trở thành hiện thực qua những lần sản phẩm sen được giới thiệu ở các quốc gia. Và còn rất nhiều những sản phẩm chế biến từ sen khác đã và đang được xuất khẩu, góp phần mang lại giá trị kinh tế, cải thiện thu nhập của người dân và đồng thời quảng bá hình ảnh sen của tỉnh Đồng Tháp.
Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan cho rằng, cây sen Đồng Tháp không chỉ dừng lại ở giá trị kinh tế mà rộng hơn, sâu hơn các giá trị về văn hóa, cảm xúc, giá trị vô hình để làm nền cho các giá trị hữu hình (giá trị kinh tế). Theo Bộ trưởng, nếu nhà quản lý, doanh nghiệp, nông dân biết viết tiếp “giấc mơ sen” một cách sâu hơn, nhìn vào những giá trị hữu hình của sen thì sẽ tạo ra giá trị khác cho ngành hàng sen.
“Tôi biết mỗi người dân Đồng Tháp đều có một tình yêu đặc biệt đối với sen, nhưng để biến “giấc mơ sen” thành hiện thực thì chúng ta hãy yêu say mê hơn nữa, vì khi có tình yêu thật sự chúng ta sẽ có cách xây dựng, tạo ra giá trị mới cho sen. Khi đó, câu chuyện về sen sẽ nghĩ theo một hướng cao hơn, đó là chúng ta bán sen là bán giá trị tinh thần chứ không đơn thuần là bán sản phẩm”, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan gửi gắm.
Lê Hoàng Vũ