Thanh toán bệnh lở mồm long móng [Bài 3]: Thành bại do tiêm vacxin

Bình luận · 191 Lượt xem

Từng khốn đốn vì dịch lở mồm long móng trên đàn gia súc, nhưng vài năm gần đây, tỉnh Bắc Kạn đã khống chế hiệu quả loại dịch bệnh này nhờ tiêm đúng vacxin.

Xã nhiều năm không có dịch

Thượng Quan là xã vùng cao của huyện Ngân Sơn, địa hình chủ yếu đồi núi, đất nông nghiệp ít, chăn nuôi là thế mạnh của người dân nơi đây. Hiện, tổng đàn gia súc của xã hơn 1.400 con (trâu 778 con, bò 301 con, ngựa 331 con). Dù tổng đàn lớn, nhưng hơn 10 năm nay, xã Thượng Quan không có gia súc mắc bệnh lở mồm long móng.

 

Bà Phạm Thị Yến, Chủ tịch UBND xã Thượng Quan cho biết, dù đất rộng nhưng xã chỉ có 758 hộ, kinh tế của người dân chủ yếu dựa vào chăn nuôi, trồng trọt. Hộ nhiều nhất có 35 con trâu, bò còn lại chủ yếu chăn nuôi nhỏ lẻ, mỗi hộ vài con. Dịch lở mồm long móng cũng từng xuất hiện trên địa bàn xã năm 2008, từ đó đến nay đàn gia súc không mắc bệnh.

 

Sở dĩ đã hơn chục năm qua trên địa bàn xã không có bệnh lở mồm long móng trên đàn gia súc vì người dân đã chú ý đến tiêm phòng vacxin. Mỗi năm, xã tổ chức tiêm 2 đợt vacxin phòng bệnh lở mồm long móng và tụ huyết trùng. Đợt một, tiêm từ tháng 3 đến tháng 4, đợt 2, từ tháng 9 đến tháng 10, tỷ lệ tiêm hàng năm luôn đạt trên 90%.

 

“Vì người dân chủ yếu chăn nuôi nhỏ lẻ nên vẫn còn tình trạng thả rông trâu, bò trên những triền đồi nên việc phòng dịch khó khăn. Nếu không tiêm phòng vacxin đầy đủ, dịch bệnh có thể bùng phát bất cứ lúc nào. Sau nhiều năm theo dõi có thể thấy, bệnh lở mồm long móng được ngăn chặn hiệu quả phần lớn nhờ tiêm vacxin đầy đủ”, bà Yến nhận định.

 

Tại xã Công Bằng (huyện Pác Nặm), chăn nuôi trâu, bò cũng có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế. Với diện tích rừng, đồng cỏ khá lớn, hiện tổng đàn gia súc của xã đạt gần 1.900 con. Cũng như nhiều địa phương khác, người dân ở đây chủ yếu chăn nuôi nhỏ lẻ, quy mô hộ gia đình. Nhiều năm gần đây, đàn gia súc của xã không bị bệnh lở mồm long móng.

 

Ông Dương Thanh Trầm, Chủ tịch UBND xã Công Bằng cho biết, trước đây người dân thả trâu, bò ở xa nhà nên tiêm phòng gặp rất nhiều khó khăn, tỷ lệ tiêm đạt thấp. Nhưng vài năm gần đây, nhận thức của người dân đã thay đổi, riêng năm 2023, tỷ lệ tiêm phòng bệnh lở mồm long móng đạt gần 90%.

 

“Mỗi con trâu trưởng thành có giá vài chục triệu đồng nên người dân coi đây là tài sản lớn. Sau những lần trâu, bò bị bệnh, mất trắng người dân đã dần rút kinh nghiệm, tình trạng thả rông ngày càng ít, mỗi đợt tiêm phòng đều đạt kết quả cao. Đây cũng là bước tiến lớn trong phòng chống dịch lở mồm long móng trên đàn gia súc của địa phương”, ông Trầm thông tin thêm.

Hiệu quả vacxin mới

Tại tỉnh Bắc Kạn, từ năm 2019 trở về trước, dịch lở mồm long móng trên đàn gia súc diễn biến phức tạp, hầu như năm nào cũng diễn ra gây nhiều thiệt hại. Nguyên nhân chính là do người dân còn chủ quan trong chăm sóc, tỷ lệ tiêm vacxin phòng bệnh không đạt kế hoạch đề ra. Từ năm 2016 đến năm 2020, tiêm phòng vacxin lở mồm long móng chỉ đạt khoảng 70% kế hoạch.

 

Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn có chợ trâu, bò Nghiên Loan (huyện Pác Nặm), mỗi phiên có khoảng 1.000 con trâu, bò đến giao dịch, trong đó hơn một nửa từ tỉnh khác đến. Ðây là môi trường mầm bệnh lở mồm long móng dễ lây lan.

 

Ông Nguyễn Quốc Huy, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Bắc Kạn cho biết, những năm trước, việc tiêm vacxin đạt thấp là một trong những nguyên nhân khó thanh toán dịch lở mồm long móng trên đàn gia súc.

 

Từ năm 2021, tỉnh Bắc Kạn triển khai tiêm vacxin lở mồm long móng mới là Aftogen Oleo (type O). Sau tiêm, Chi cục Chăn nuôi và Thú y đã tổ chức lấy mẫu ngẫu nhiên trên vật nuôi của 8 xã (các xã có ổ dịch cũ và các xã thuộc vùng nguy cơ cao). Kết quả cho thấy, trong tổng số 160 con trâu, bò đã tiêm được lấy mẫu có 153 mẫu có kháng thể lở mồm long móng đạt miễn dịch bảo hộ (không có khả năng mắc bệnh sau khi tiêm phòng).

 

Căn cứ trên cơ sở này, từ năm 2022, tỉnh Bắc Kạn đã sử dụng vacxin Aftogen Oleo tiêm đại trà cho đàn đại gia súc. Nhờ sử dụng loại vacxin mới này, từ năm 2022 tới nay, toàn tỉnh Bắc Kạn không phát hiện thêm ổ dịch nào mới. Đến nay, tỉnh Bắc Kạn cơ bản đã khống chế được dịch bệnh lở mồm long móng, không để lây lan, tái bùng phát diện rộng gây thiệt hại cho người chăn nuôi.

 

Củng cố thú y cơ sở

Trong công tác phòng dịch, khó khăn nhất của Bắc Kạn là thiếu đội ngũ cán bộ thú y. Hiện tại, tỉnh Bắc Kạn còn 6 xã chưa có thú y viên (gồm xã Đồng Phúc và Phúc Lộc của huyện Ba Bể; xã Vân Tùng thuộc huyện Ngân Sơn, xã Cao Tân và Bộc Bố của huyện Pác Nặm và xã Văn Minh của huyện Na Rì), 4 xã có cán bộ phụ trách thú y nhưng không có trình độ chuyên môn, 18 xã cán bộ phụ trách thú y chỉ có trình độ sơ cấp.

 

Tình trạng thú y viên cơ sở xin nghỉ việc vì thu nhập thấp vẫn tiếp tục diễn ra. Các trung tâm dịch vụ nông nghiệp huyện cũng thiếu cán bộ, nhất là cán bộ có chuyên môn về thú y. Việc sáp nhập, không còn duy trì mô hình Trạm thú y ở các huyện cũng khiến cho ngành thú y Bắc Kạn gặp nhiều khó khăn. Ðiều này dẫn tới công tác tuyên truyền, vận động phòng, chống dịch bệnh, tiêm vacxin gặp khó khăn.

 

Ông Nguyễn Quốc Huy, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Bắc Kạn cho rằng, để phòng chống dịch hiệu quả, trong đó có bệnh lở mồm long móng, trước mắt cần bổ sung, kiện toàn đội ngũ thú y cơ sở. Tăng cường đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho lực lượng cán bộ hiện có, nhất là nhân viên thú y kiêm nhiệm.

 

Trong chương trình quốc gia phòng, chống dịch bệnh lở mồm long móng, tỉnh Bắc Kạn xác định, người chăn nuôi phải thực hiện tốt "5 không": Không giấu dịch; không mua gia súc mắc bệnh, sản phẩm gia súc mắc bệnh; không bán chạy gia súc mắc bệnh; không thả rông, không tự vận chuyển gia súc mắc bệnh ra khỏi vùng dịch; không vứt xác gia súc mắc bệnh bừa bãi.

 

Tuy nhiên, thực tế tại Bắc Kạn, tập quán chăn nuôi của người dân còn lạc hậu, ý thức trong công tác phòng, chống dịch chưa cao, vẫn còn tình trạng giấu dịch. Do đó, tiêm vacxin phòng bệnh vẫn là giải pháp cần thiết và có hiệu quả cao. Hàng năm, tỉnh giao chỉ tiêu kế hoạch tiêm phòng vacxin lở mồm long móng đến các huyện, thành phố để thực hiện.

 

Từ nay đến năm 2025, tỉnh Bắc Kạn đặt mục tiêu xây dựng thành công các cơ sở an toàn dịch bệnh lở mồm long móng cấp xã hoặc vùng liên xã của nhiều huyện, thành phố, tiến tới xây dựng vùng an toàn cấp huyện. Tỉnh đặt mục tiêu giảm số lượng ổ dịch từ 10 - 20% so với giai đoạn trước, đến 2025 xây dựng 1 đến 2 cơ sở an toàn dịch bệnh cấp xã hoặc liên xã, xây dựng, duy trì ít nhất 10 cơ sở chăn nuôi đại gia súc an toàn với bệnh lở mồm long móng.

 

Ngọc Tú - Quang Linh

 

Bình luận