Bảo vệ đàn vật nuôi trước mùa mưa bão

Bình luận · 197 Lượt xem

Tỉnh Quảng Bình đã chỉ đạo các địa phương tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch để bảo đảm cho đàn vật nuôi phát triển trong mùa mưa bão.

Huyện Tuyên Hóa (tỉnh Quảng Bình) có các địa phương giáp ranh với tỉnh Hà Tĩnh nên công tác phòng chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi luôn được đưa lên hàng đầu. Năm nay, dịch bệnh lở mồm long móng xảy ra ở xã Thanh Hóa và dịch tả lợn Châu Phi xảy ra ở 2 thôn thuộc các xã Lâm Hóa và Lê Hóa, làm hàng chục con lợn mắc bệnh phải tiêu hủy.

 

Trước tình hình đó, Phòng NN-PTNT phối hợp với Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Tuyên Hóa và các xã, thị trấn tăng cường công tác kiểm tra, giám sát dịch bệnh, tuyên truyền và hướng dẫn người dân thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi.

 

Ông Đinh Xuân Thương, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Tuyên Hóa cho hay, đã chỉ đạo các địa phương khẩn trương rà soát, đẩy nhanh tiến độ tiêm phòng vacxin cho đàn gia súc, gia cầm.

 

“Các địa phương tiếp tục triển khai các đợt tổng vệ sinh, tiêu độc khử trùng môi trường, đặc biệt là tại các vùng đã xảy ra dịch bệnh động vật, vùng có nguy cơ cao. Những việc làm cụ thể này thực hiện xuyên suốt trong thời gian mưa lũ cuối năm nhằm hạn chế thấp nhất dịch bệnh phát sinh”, ông Thương nói.

 

Để cho các địa phương chủ động hơn trong công tác phòng chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Tuyên Hóa đã nhanh chống đưa vacxin, hóa chất về cho các xã trước mùa mưa.

 

Ông Trần Văn Cần, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp Tuyên Hóa cho biết, đơn vị đã cung ứng gần 1.000 lít hóa chất và gần 60.000 liều vacxin các loại cho các xã, thị trấn để đồng loạt ra quân thực hiện tiêm phòng vacxin cho đàn vật nuôi và phun hóa chất khử trùng tiêu độc chuồng trại, khu vực chăn nuôi.

 

“Về chính sách, ngoài hỗ trợ 100% hóa chất để khử trùng tiêu độc môi trường, huyện hỗ trợ 40% giá đối với 2 loại vacxin lở mồm long móng và viêm da nổi cục cho vùng đồng bằng, 100% giá cho đồng bào dân tộc thiểu số ở 2 xã Thanh Hóa và Lâm Hóa. Ngoài việc cung ứng vacxin và hóa chất, Trung tâm đã cử cán bộ, nhân viên bám sát cơ sở để theo dõi, hướng dẫn, chỉ đạo công tác tiêu độc khử trùng và tiêm vacxin phòng bệnh cho vật nuôi”, ông Cần cho biết thêm..

 

Tại huyện Lệ Thủy, việc tăng cường phòng chống dịch cho đàn vật nuôi trong mùa mưa lũ cũng đã được thực hiện. Là huyện thấp trũng và hay xảy ra lũ lụt nên việc bảo vệ đàn vật nuôi cũng là việc khó khăn.

 

Ông Lê Văn Tân, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Lệ Thủy trao đổi, để chủ động, huyện đã xây dựng kế hoạch và chỉ đạo cơ quan chuyên môn, chính quyền các xã, thị trấn thực hiện tiêm phòng, tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát giết mổ và vệ sinh thú y, công tác vệ sinh an toàn thực phẩm, bảo đảm an toàn sản xuất. Đồng thời, tích cực triển khai các biện pháp xử lý ổ dịch, ngăn chặn bệnh dịch tả lợn Châu Phi, lở mồm long móng.

 

 “Với các biện pháp đồng bộ và sự nỗ lực đó, từ tháng 6/2022 đến nay, dịch bệnh trên gia súc, gia cầm ở Lệ Thủy được kiểm soát tốt, không xuất hiện các ổ dịch lớn”, ông Tân cho hay.

 

Khu vực biên giới cũng đang được lực lượng thú y tỉnh Quảng Bình quan tâm. Việc tổ chức phun tiêu độc, khử trùng tại các ổ dịch, khu vực có nguy cơ để loại trừ, hạn chế sự tán phát của mầm bệnh luôn được chú trọng.

 

Theo ông Trần Công Tám, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Quảng Bình, từ nay đến Tết Nguyên đán, hoạt động kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật vận chuyển trên địa bàn cũng sẽ được siết chặt hơn.

 

“Lực lượng chức năng ở Quảng Bình phối hợp với Chi cục Thú y vùng III thực hiện kiểm tra, giám sát trâu bò nhập khẩu tại cảng Hòn La, cửa khẩu Quốc tế Cha Lo và lợn nhập khẩu tại các khu cách ly kiểm dịch tại địa bàn.

 

Chi cục lập các đội kiểm soát lưu động liên ngành để kiểm tra hoạt động vận chuyển gia súc, sản phẩm gia súc trên Quốc lộ 1A, đường Hồ Chí Minh, đường 12A và các tuyến đường liên huyện, liên xã nhằm phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm”, ông Trần Công Tám cho biết.

 

 

Tâm Phùng

 

 

Bình luận