Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hậu Giang: Thông báo lịch xuống giống vụ lúa Đông Xuân 2023-2024

Bình luận · 161 Lượt xem

Ngày 06 tháng 10 năm 2023 Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hậu Giang ban hành thông báo lịch xuống giống vụ lúa Đông Xuân 2023-2024 trên địa bàn tỉnh, cụ thể như sau:

1. Thời điểm xuống giống

- Đợt 1: Từ ngày 21 - 27/11/2023 (tức ngày 09 - 15/10 âm lịch)Đối với các khu vực có đê bao khép kín và hệ thống bơm thoát nước hoàn chỉnh đảm bảo tránh được ảnh hưởng của triều cường vào các tháng cuối năm và các vùng có nguy cơ xâm nhập mặn để hạn chế thấp nhất ảnh hưởng của hạn, mặn, thiếu nước tưới ở cuối vụ lúa.

Trong trường hợp El Nino ảnh hưởng mạnh, nước lũ thấp và mùa mưa kết thúc sớm, có thể bố trí lịch xuống giống từ ngày 23 - 29/10/2023 (tức ngày 09 - 15/9 âm lịch).

- Đợt 2: Từ ngày 19- 25/12/2023 (tức ngày 07 - 13/11 âm lịch) đối với trà lúa Đông Xuân chính vụ trên địa bàn tỉnh.

- Đợt 3: Từ ngày 17 - 23/01/2024 (tức ngày 07 - 13/12 âm lịch)Đối với vùng trũng thấp, nước lũ rút chậm hàng năm gieo sạ trễ.

Đây là lịch thời vụ đề xuất chung cho cả tỉnh, tùy theo tình hình rầy nâu di trú và thời tiết, thủy văn; Phòng Nông nghiệp và PTNT các huyện, Phòng Kinh tế thị xã, thành phố xây dựng lịch xuống giống riêng cho đơn vị phù hợp với thực tiễn sản xuất của địa phương theo nguyên tắc “né rầy”, né hạn mặn.

Bên cạnh đó, diễn biến mưa cuối mùa năm 2023 còn phức tạp, nông dân cần thường xuyên theo dõi thông tin dự báo thời tiết để hạn chế thấp nhất thiệt hại do mưa bão khi quyết định xuống giống.

2. Một số biện pháp canh tác cần thực hiện

- Vận động nông dân trục vùi rơm rạ, vệ sinh đồng ruộng sớm ngay khi thu hoạch lúa Thu Đông để hạn chế ốc bươu vàng đẻ trứng, nguồn sâu hại lây lan và ngộ độc hữu cơ cho lúa Đông Xuân.

- Sử dụng lúa giống cấp xác nhận sạ hàng, sạ thưa với lượng giống dưới 100 kg/ha hoặc cấy. Có thể sử dụng một số giống lúa như RVT, OM 18, OM 5451, ST 24, ST 25, Jasmin 85, OM 4900, Đài thơm 8,… xuống giống tập trung, đồng loạt trên từng cánh đồng theo lịch “né rầy” để hạn chế bệnh vàng lùn - lùn xoắn lá gây thiệt hại.

- Cần bón vôi (500-1.000 kg/ha) ngay đầu vụ, tăng cường sử dụng phân hữu cơ và các loại phân bón có chứa hàm lượng canxi, silic để giúp lúa tăng sức chống chịu với sâu, bệnh và hạn chế đổ ngã.

- Áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, các quy trình canh tác tiên tiến như “3 Giảm 3 Tăng”, “1 Phải 5 Giảm”, SRP, ứng dụng công nghệ sinh thái trong quản lý dịch hại tổng hợp, sử dụng chế phẩm nấm xanh để phòng trừ rầy nâu,...

- Các đối tượng như ốc bươu vàng, chuột, rầy nâu, bệnh vàng lùn và lùn xoắn lá có khả năng gây hại mạnh vào đầu vụ; cần tuyên truyền, hướng dẫn nông dân theo dõi ruộng thường xuyên và kiểm soát kịp thời.

- Hạn chế phun thuốc trừ sâu đối với trà lúa dưới 40 ngày sau sạ để bảo tồn thiên địch, tránh dịch hại bộc phát ở giai đoạn sau.

Hiện nay, tình hình thời tiết, thủy văn và rầy nâu, bệnh vàng lùn - lùn xoắn lá còn diễn biến rất phức tạp; khuyến cáo nông dân trên địa bàn tỉnh tuân thủ lịch xuống giống của địa phương, không được nóng vội xuống giống vụ Đông Xuân do khả năng rầy nâu mang mầm bệnh từ các tỉnh lân cận di trú đến ruộng lúa với mật số cao vào thời điểm đầu vụ./.

(Đính kèm Thông báo lịch thời vụ)

Bình luận