Những người tiên phong làm nông nghiệp hữu cơ ở quê hương khoán hộ

Bình luận · 206 Lượt xem

Những mô hình nông nghiệp tuần hoàn ở Vĩnh Phúc đang hoàn thiện chuỗi liên kết để góp phần xây dựng nền nông nghiệp giảm phát thải, hữu cơ, bền vững.

Mô hình nông nghiệp hữu cơ tuần hoàn, chăn nuôi và trồng trọt kết hợp thủy sản thâm canh cao gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm của gia đình bà Phạm Thị Hảo. Ảnh: Hoàng Anh.

Mô hình nông nghiệp hữu cơ tuần hoàn, chăn nuôi và trồng trọt kết hợp thủy sản thâm canh cao gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm của gia đình bà Phạm Thị Hảo. Ảnh: Hoàng Anh.

Mô hình nông nghiệp tuần hoàn cầm chắc lãi 300 - 400 triệu đồng/năm

Gia đình ông Nguyễn Văn Mai và bà Phạm Thị Hảo là hộ làm nông nghiệp theo hướng hữu cơ đầu tiên ở Trại Lớn, thị trấn Tam Hồng (huyện Yên Lạc, tỉnh Vĩnh Phúc). Bà Hảo kể, từ năm 2015, hai vợ chồng gom được khoảng 2ha đất ruộng cải tạo thành mô hình VAC để nuôi lợn, nuôi cá và trồng bưởi. Cũng như nhiều nông hộ khác trong vùng, bài toán về chi phí vật tư đầu vào, an toàn dịch bệnh, giá cả bấp bênh và ô nhiễm môi trường luôn nhức nhối.

“Đợt dịch tả lợn châu Phi lợn chết sạch cả chuồng, đem đi tiêu hủy không kịp. Phân lợn thải ra ao cá cá chết, đem đi bón bưởi cũng không ăn thua. Nhà nào không nuôi cá thì thải cả ra kênh mương, ao hồ, gặp thời tiết nắng nóng hay mưa rào ô nhiễm môi trường không thể nào chịu được. Nhiều lứa lợn mất trắng vì dịch bệnh đã đành, chăn nuôi nông hộ còn trở thành nỗi ám ảnh khi suốt ngày nghe dân làng chửi bới, chỉ trích vì gây ô nhiễm. Nhiều gia đình không chịu nổi phải bỏ chuồng trại đi làm việc khác”, bà Hảo chia sẻ.

Bà Phạm Thị Hảo: 'Cuộc sống gia đình tôi thay đổi kể từ khi làm nông nghiệp hữu cơ'. Ảnh: Hoàng Anh.

Bà Phạm Thị Hảo: "Cuộc sống gia đình tôi thay đổi kể từ khi làm nông nghiệp hữu cơ". Ảnh: Hoàng Anh.

Hai năm trước, gia đình bà Hảo tiên phong đăng ký thực hiện mô hình nông nghiệp hữu cơ tuần hoàn, chăn nuôi và trồng trọt kết hợp thủy sản thâm canh cao gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm. Đây là mô hình nông nghiệp tuần hoàn thí điểm ở Vĩnh Phúc do Hội Nông nghiệp tuần hoàn Việt Nam phối hợp với Sở NN-PTNT tỉnh Vĩnh Phúc và Công ty TNHH MTV Quế Lâm Phương Bắc (Tập đoàn Quế Lâm) thực hiện.

Chỉ sau năm đầu tiên, mô hình đã cho hiệu quả rõ rệt. Chăn nuôi lợn an toàn sinh học theo hướng hữu cơ giúp đàn lợn khỏe hơn trước, có thể vượt qua các đợt dịch bệnh, không thải chất thải ra môi trường. Việc sử dụng đệm lót sinh học trong chăn nuôi không những không có mùi hôi mà còn giúp gia đình có thêm nguồn phân bón hữu cơ để bón cho 150 gốc bưởi và 1 sào lúa. Với đệm lót chuồng này, cả vòng đời lợn không bao giờ phải tắm bởi bao nhiêu chất thải đã được lớp lót chuồng thấm hết, rồi từ đó những vi sinh vật được sinh ra bởi quy trình nghiêm ngặt, độc đáo tại Tập đoàn Quế Lâm đã được phối trộn từ trước "tiêu hóa" dần.

Mỗi năm, gia đình bà Hảo nuôi chừng 10 con lợn nái, trung bình mỗi tháng xuất chuồng 15 con lợn thịt có trọng lượng 1,1 - 1,2 tạ/con. Thực hiện phương thức liên kết, Tập đoàn Quế Lâm hỗ trợ vật tư đầu vào, quy trình chăm sóc cây trồng, vật nuôi theo công nghệ vi sinh và bao tiêu sản phẩm. Tính ra mỗi năm, gia đình bà Hảo bán được hơn 200 con lợn thịt với giá bao tiêu 65 nghìn đồng/kg, trừ chi phí đầu tư lãi khoảng 1,1 triệu đồng/con.

Phân bón hữu cơ từ đệm lót sinh học trong chăn nuôi giúp 'hồi sinh' vườn bưởi Diễn của gia đình bà Hảo. Ảnh: Hoàng Anh.

Phân bón hữu cơ từ đệm lót sinh học trong chăn nuôi giúp "hồi sinh" vườn bưởi Diễn của gia đình bà Hảo. Ảnh: Hoàng Anh.

Đặc biệt, từ nguồn đệm lót sinh học trong chăn nuôi, gia đình bà Hảo có nguồn phân bón hữu cơ để cứu vườn bưởi Diễn 150 gốc. Những năm trước, do lạm dụng phân bón hóa học, thuốc trừ sâu nên vườn bưởi này thường xuyên bị bệnh thối rễ, vàng lá, quả nhỏ và bị nám, nhiều cây khô héo rồi chết.

Kể từ khi sử dụng phân bón hữu cơ, vườn bưởi như được hồi sinh. Đệm lót sinh học được cho vào các bể chứa để ủ với cá tạp lấy từ ao và sử dụng men vi sinh để làm phân bón hữu cơ tại chỗ. Bể phân bón được đặt ngay trong vườn, dù đang trong thời kỳ phân hủy nhưng tuyệt nhiên không có mùi khó chịu.

Cây bưởi bón phân hữu cơ giúp thân khỏe, lá xanh và dày, quả mỡ màng hơn. Ao cá rộng gần 1ha do không phải hứng chịu chất thải từ chuồng trại cũng đã được thải độc dần, đầu vụ này thả 6.000 con cá giống, hiện đã đạt trọng lượng hơn 1kg/con và chuẩn bị cho thu hoạch.

Hồ cá 'hồi sinh' nhờ chuyển đổi sang chăn nuôi an toàn sinh học. Ảnh: Hoàng Anh.

Hồ cá "hồi sinh" nhờ chuyển đổi sang chăn nuôi an toàn sinh học. Ảnh: Hoàng Anh.

“Toàn bộ mô hình VAC của gia đình tôi bây giờ là chuỗi tuần hoàn khép kín. Nhờ thực hiện liên kết với Tập đoàn Quế Lâm, gia đình vừa được hỗ trợ đầu vào, vừa được bao tiêu sản phẩm nên không phải lo lắng vấn đề dịch bệnh, môi trường. Về kinh tế, tính toán sơ bộ mỗi năm lãi khoảng 300 - 400 triệu đồng, bất kể thị trường biến động thế nào. Quan trọng hơn, làm nông nghiệp hữu cơ bản thân gia đình tôi thấy khỏe, đất đai, vườn tược được hồi sinh, hàng xóm láng giềng cũng rất vui vẻ”, bà Hảo phấn khởi.

“Từ nhiều năm trước, Tập đoàn Quế Lâm đã tiên phong và kiên định với con đường nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn. Ban đầu là các mô hình quy mô nhỏ do Tập đoàn tự làm nhằm chứng minh hiệu quả và tuyên truyền để bà con thay đổi tập quán canh tác. Những năm gần đây, Quế Lâm đã có hàng ngàn mô hình liên kết, hàng ngàn mô hình nông nghiệp tuần hoàn chuyển giao cho nông dân thực hiện, điển hình như tại các tỉnh Vĩnh Phúc, bắc Giang, Lai Châu, Hà Tĩnh, Thừa Thiên – Huế, Đồng Tháp, Long An, Sóc Trăng…

Những mô hình thành công ở các địa phương này không những giúp bà con đảm bảo hiệu quả kinh tế, môi trường mà còn góp phần xây dựng nền nông nghiệp vì mục tiêu giảm phát thải, hữu cơ, bền vững”, ông Khắc Ngọc Bá, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Quế Lâm cho biết.

Những mô hình liên kết sản xuất giữa Tập đoàn Quế Lâm với nông dân đã lan tỏa nông nghiệp tuần hoàn ở Vĩnh Phúc. Ảnh: Hoàng Anh.

Những mô hình liên kết sản xuất giữa Tập đoàn Quế Lâm với nông dân đã lan tỏa nông nghiệp tuần hoàn ở Vĩnh Phúc. Ảnh: Hoàng Anh.

Ngoài mô hình nông nghiệp tuần hoàn ở Tam Hồng (huyện Yên Lạc), hiện Tập đoàn Quế Lâm đang liên kết với người dân thực hiện nhiều mô hình khác ở tỉnh Vĩnh Phúc như: Mô hình chăn nuôi lợn hữu cơ an toàn sinh học với quy mô khoảng 1.500 con tại các huyện Yên Lạc, Tam Đảo, Bình Xuyên; mô hình rau ăn lá khoảng 2.200ha; mô hình lúa hữu cơ DT 39 Quế Lâm khoảng 300ha; mô hình thanh long ruột đỏ khoảng 30ha ở huyện Lập Thạch; mô hình dưa lê hữu cơ 10ha ở huyện Tam Dương; mô hình rau su su 20ha ở xã Hồ Sơn huyện Tam Đảo…

Lợi nhuận cao hơn 10 - 15% nhờ nông nghiệp hữu cơ

Dù là tỉnh công nghiệp luôn nằm trong tốp đầu các tỉnh thu ngân sách lớn nhất cả nước, tuy nhiên Vĩnh Phúc luôn dành các nguồn lực, chính sách để tập trung phát triển nông nghiệp, đặc biệt là nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn.

Sử dụng đệm lót sinh học trong chăn nuôi là nền tảng của mô hình nông nghiệp tuần hoàn. Ảnh: Hoàng Anh.

Sử dụng đệm lót sinh học trong chăn nuôi là nền tảng của mô hình nông nghiệp tuần hoàn. Ảnh: Hoàng Anh.

Ông Nguyễn Hoàng Dương, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Vĩnh Phúc cho biết: Với diện tích đất nông nghiệp chiếm hơn 73% diện tích tự nhiên, nguồn lao động dồi dào, là quê hương khoán hộ..., Vĩnh Phúc là tỉnh có nhiều tiềm năng, lợi thế phát triển nông nghiệp. Xác định nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn là chiến lược phát triển, ngành NN-PTNT tỉnh Vĩnh Phúc đã chủ động tham mưu tỉnh ban hành nhiều chính sách hỗ trợ phát triển, đẩy mạnh tuyên truyền các chủ trương, chính sách, xây dựng các mô hình điểm, từ đó tuyên truyền tập huấn, phổ biến kiến thức để lan tỏa nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn.

Đến năm 2023, Vĩnh Phúc đã hình thành vùng sản xuất rau an toàn với tổng diện tích trên 4,8 nghìn ha tại 71 xã, phường, thị trấn. Nhiều mô hình nông nghiệp theo hướng hữu cơ, tuần hoàn đã hình thành tại tất cả các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh. Giai đoạn 2021 - 2023, Vĩnh Phúc cũng đã thực hiện hỗ trợ 92 cơ sở áp dụng quy trình VietGAP và 1 cơ sở áp dụng mô hình nông nghiệp hữu cơ trong trồng trọt…

Từ thực tiễn các mô hình liên kết với Tập đoàn Quế Lâm, ông Nguyễn Hoàng Dương khẳng định cả hiệu quả kinh tế lẫn môi trường đều đảm bảo. Đó chính là cơ sở, tiền đề để nhân rộng các mô hình nông nghiệp tuần hoàn bởi chăn nuôi lợn sử dụng đệm lót sinh học trở thành nguồn phân bón tốt cho cây ăn trái, rau củ, cả chất lượng thịt lẫn chất lượng cây trồng đều tốt hơn, bán với giá cao hơn.

Mô hình trồng dưa lê theo hướng hữu cơ ở Vĩnh Phúc. Ảnh: Hoàng Anh.

Mô hình trồng dưa lê theo hướng hữu cơ ở Vĩnh Phúc. Ảnh: Hoàng Anh.

“Các mô hình thành công còn giúp lan tỏa nông nghiệp hữu cơ, tuần hoàn ở Vĩnh Phúc nhanh hơn. Nông dân nắm được quy trình theo hướng hữu cơ, tuần hoàn, thay đổi tư duy để chuyển sang sử dụng phân bón hữu cơ vi sinh, thuốc BVTV sinh học, thảo mộc…, từ đó giảm sử dụng phân bón, thuốc BVTV hóa học.

Đất trồng được cải tạo, bổ sung một lượng mùn lớn nên tơi xốp hơn, số lượng các vi sinh vật tăng lên, cân bằng chất dinh dưỡng trong đất; đồng thời bảo vệ môi trường sinh thái nông nghiệp, hiệu quả sản xuất nông nghiệp hữu cơ và theo hướng hữu cơ đạt cao hơn hẳn so với sản xuất thông thường… Qua tổng kết, đánh giá, các sản phẩm hữu cơ và theo hướng hữu cơ có lợi nhuận cao hơn sản phẩm thông thường từ 10 - 15%”, ông Nguyễn Hoàng Dương phân tích.

Mới đây, đề án phát triển nông nghiệp hữu cơ và theo hướng hữu cơ giai đoạn 2023 - 2025 của tỉnh Vĩnh Phúc đã được phê duyệt. Tỉnh này đặt mục tiêu phát triển nông nghiệp hữu cơ trong giai đoạn tới trên cơ sở lựa chọn sản phẩm nông nghiệp chủ lực, có lợi thế cạnh tranh; đẩy mạnh áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ; áp dụng quy trình sản xuất, chế biến hữu cơ tiên tiến, hiện đại; kiểm soát tốt các nguy cơ mất an toàn thực phẩm nhằm tạo ra các sản phẩm nông nghiệp sạch, an toàn cho người sử dụng...

Bình luận