Trồng măng tây xanh hữu cơ, rộng đường xuất khẩu

Bình luận · 264 Lượt xem

Giống măng tây xanh được đặt hàng theo điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng tại Tây Nguyên, được nhập từ Mỹ về trồng tại Đắk Lắk và sinh trưởng, phát triển tốt.

Qua trồng thử nghiệm, măng tây xanh sinh trưởng, phát triển tốt tại huyện Cư M’gar (Đắk Lắk). Hiện HTX Nông nghiệp công nghệ cao Ngọc Minh Châu đã liên kết, chuyển giao giống, quy trình chăm sóc măng tây xanh cũng như bao đầu ra cho các hộ dân có nhu cầu.

Chi phí thấp, thu nhập cao

Ông Huỳnh Thiếu Dũng, Giám đốc vùng Tây Nguyên của HTX Nông nghiệp công nghệ cao Ngọc Minh Châu (huyện Cư M’gar) cho biết, đơn vị vừa có văn bản gửi các xã và Phòng NN-PTNT huyện Cư M’gar đề nghị hỗ trợ mở rộng mô hình sản xuất, bao tiêu măng tây xanh bền vững.

Trước đó, HTX Ngọc Minh Châu đã xây dựng vườn mẫu trồng khảo nghiệm 6 sào (sào 1.000m2) măng tây xanh và 720m2 vườn ươm, ươm được hơn 132 ngàn cây giống. Sau thời gian triển khai thí điểm, đến nay, măng tây xanh đã cao bình quân hơn 1m, cây to, chắc khỏe và bắt đầu ra măng. Đối với vườn ươm, cây non phát triển tốt, khỏe mạnh, không bị nấm bệnh.

Măng tây xanh trồng tại huyện Cư M'gar sinh trưởng, phát triển tốt. Ảnh: Minh Quý.

Măng tây xanh trồng tại huyện Cư M'gar sinh trưởng, phát triển tốt. Ảnh: Minh Quý.

Theo ông Huỳnh Thiếu Dũng, khi triển khai mô hình, cây giống được HTX nhập trực tiếp từ Mỹ. Đây là loại giống măng tây xanh UC157 đảm bảo chất lượng, được đặt hàng theo biên độ nhiệt chung của thị trường Việt Nam. 

Khi triển khai mô hình liên kết, HTX Ngọc Minh Châu sẽ chú trọng giải quyết 4 yếu tố căn bản đảm bảo giúp nông dân thành công bền vững. Cụ thể, HTX ứng giống 100%, sau khi có sản phẩm đơn vị sẽ thu hồi vốn dần nhằm giảm được chi phí ban đầu cho nông dân, bởi đầu tư cây giống chiếm 70 - 80% tổng chi phí đầu tư ban đầu của người dân trong vòng 4 tháng chờ thu hoạch.

Số chi phí còn lại như hệ thống tưới và phân bón chỉ chưa đến 5 triệu đồng/sào, như vậy mỗi ha bà con chỉ phải đầu tư ban đầu chưa đến 50 triệu đồng trong vòng 4 tháng. Việc này sẽ giúp giảm nhẹ đầu tư cho nông dân. Đến tháng thứ 5, măng tây sẽ bắt đầu cho thu hoạch.

Khi liên kết, HTX Ngọc Minh Châu "cầm tay chỉ việc" toàn bộ quy trình canh tác để đảm bảo người dân trồng đạt năng suất, sản phẩm đảm bảo chất lượng. HTX sẽ ký hợp đồng bao tiêu toàn bộ sản phẩm cho bà con trong vòng 5 năm với giá ổn định là 35.000 đồng/kg.

Theo tính toán, 1 sào măng tây xanh sau khi trừ tất cả các chi phí, bà con sẽ lãi 10 triệu đồng. Như vậy chỉ cần 3 tháng là người dân có thể thu hồi vốn đầu tư ban đầu. Các tháng còn lại người dân thu hoạch sẽ thu lãi ròng.

Giống măng tây được nhập khẩu từ Mỹ theo điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng tại Tây Nguyên nên chống chịu được các loại bệnh, chất lượng sản phẩm cao. Ảnh: Minh Quý.

Giống măng tây được nhập khẩu từ Mỹ theo điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng tại Tây Nguyên nên chống chịu được các loại bệnh, chất lượng sản phẩm cao. Ảnh: Minh Quý.

Theo ông Huỳnh Thiếu Dũng, qua khảo sát và triển khai thực tế, các điều kiện như chất đất, khí hậu của Tây Nguyên tương đối tốt, rất phù hợp để phát triển cây măng tây xanh. Cụ thể, đất tại đây là đất đỏ bazan, đất xám pha cát, đất mỡ gà nên rất phù hợp cho việc trồng măng tây. Ngoài ra, Tây Nguyên có địa thế cao nên ít ngập úng, biên độ nhiệt nằm ở mức 18 - 39 độ C nên phù hợp cho cây măng tây xanh phát triển cũng như giúp nâng chất lượng. Đặc biệt, lực lượng lao động tại Tây Nguyên còn dồi dào nên đáp ứng được các yêu cầu khi triển khai diện tích lớn.

“Trồng măng tây xanh rất tốt, cho thu nhập ổn định. Bà con chỉ cần trồng và đến tháng sẽ có thu nhập đều đặn chứ không như các loại nông sản khác phải đợi đến mùa. Hiện nay, HTX mới làm mô hình và đã ký liên kết với một số đối tác lớn, có quỹ đất rộng.

Cụ thể, một đối tác tại Buôn Đôn (Đắk Lắk) đã ký kết với HTX triển khai trồng 5ha và đang thực hiện. Tại Ea Ka cũng có 2 đối tác với diện tích 2ha đang chuẩn bị triển khai. HTX đang nhắm vào những đối tác có diện tích đất lớn để phát triển. Khi mô hình thành công sẽ mở rộng ra cho bà con nông dân”, ông Huỳnh Thiếu Dũng chia sẻ.

Trồng theo tiêu chuẩn hữu cơ, rộng đường xuất khẩu

Theo ông Huỳnh Thiếu Dũng, toàn bộ quy trình trồng măng tây xanh của HTX đều theo tiêu chuẩn hữu cơ. Theo đó, người trồng phải sử dụng các chế phẩm sinh học, phân bón hữu cơ, không sử dụng phân bón hóa học cũng như thuốc BVTV, thuốc trừ cỏ... Từ khâu làm đất chuẩn bị trồng, các kỹ sư của HTX chỉ sử dụng vỏ trấu, phân bò, kết hợp với bột men vi sinh, phân hữu cơ vi sinh (ủ từ 3 tháng trở lên) bón xuống luống để trồng.

Đối với khâu chăm sóc từ cây con đến khi thu hoạch, thông thường cứ sau 15 đến 20 ngày sẽ bón phân một lần (dịch trùn quế pha đạm cá ủ, phân vi sinh) và phun chế phẩm sinh học để phòng trừ sâu, nấm bệnh. Sau 3 tháng thu hoạch sẽ xới đất để bổ xung phân ủ và cho cây nghỉ 1 tháng để phục hồi.

Sau nhiều lần thử nghiệm trồng măng tây xanh theo hướng hữu cơ, HTX nhận thấy năng suất vẫn đạt so với sản xuất theo phương thức thông thường. Đặc biệt, trồng măng tây xanh theo hướng hữu cơ sẽ cho chất lượng tốt hơn.

"Giống măng tây nhập khẩu từ Mỹ và canh tác theo mô hình hữu cơ khi ăn sẽ cảm nhận có vị ngon, ngọt hơn nhiều so với măng tây ở các nơi khác. Ngoài ra, trồng măng tây xanh theo hướng hữu cơ sẽ không sử dụng phân, thuốc hóa học, qua đó giúp cho môi trường được trong lành, đặc biệt là sức khỏe của người trồng và người tiêu dùng được đảm bảo. Khi triển khai mô hình liên kết với người dân, HTX sẽ chuyển giao toàn bộ quy trình canh tác hữu cơ để bà con thực hiện theo", ông Dũng nói.

Măng tây xanh được sản xuất theo quy trình hữu cơ. Cây trồng này đang có nhiều tiềm năng phát triển tại Đắk Lắk cũng như Tây Nguyên. Ảnh: Minh Quý.

Măng tây xanh được sản xuất theo quy trình hữu cơ. Cây trồng này đang có nhiều tiềm năng phát triển tại Đắk Lắk cũng như Tây Nguyên. Ảnh: Minh Quý.

Ông Huỳnh Thiếu Dũng cho biết, hiện nay, măng tây được tiêu dùng nội địa là chính. Mục tiêu của HTX Ngọc Minh Châu sẽ phát triển vùng trồng măng tây cho cả nước với diện tích khoảng 200ha. Tại Đắk Lắk, HTX dự kiến triển khai từ 50 - 80ha.

Đối với thị trường tiêu thụ, ông Dũng cho rằng đầu ra của măng tây rất mở, không phụ thuộc vào một quốc gia nào. Theo đó, các nước phương Tây hay chính thị trường nội địa sử dụng loại nông sản này rất nhiều.

“Hiện nay HTX có khách hàng tiềm năng lớn tại Đài Loan, Hàn Quốc, Nhật Bản, Úc, Mỹ… Do chưa chủ động được vùng nguyên liệu nên HTX chưa ký hợp đồng cung ứng với các đối tác. HTX tin tưởng nếu người dân canh tác măng tây theo đúng tiêu chuẩn thì sẽ là cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế lớn”, ông Dũng nói thêm.

Ông Bùi Thúc Nhượng (ngụ xã Quảng Hiệp, huyện Cư M’gar) là một trong những gia đình tiên phong liên kết với HTX Ngọc Minh Châu trồng thử nghiệm măng tây tại Đắk Lắk. Theo ông Nhượng, qua 40 ngày trồng thử nghiệm, măng tây phát triển tốt. Khi trồng chỉ sử dụng phân hữu cơ, chế phẩm sinh học nên rất yên tâm cho sức khỏe của chính mình.

“Gia đình đang làm thử nghiệm 500m2, nếu măng tây phát triển tốt và ổn định, cho thu hoạch tốt sẽ nhân rộng ra 6 sào đất còn lại. Trước đây, khu đất này gia đình tôi trồng cà phê nhưng đã già cỗi nên muốn chuyển đổi cây trồng, và tôi đã quyết định chọn măng tây. Măng tây được HTX Ngọc Minh Châu ký bao tiêu đầu ra nên gia đình rất yên tâm. Khi trồng, HTX đã cử kỹ sư xuống hướng dẫn quy trình canh tác theo hướng hữu cơ để măng tây cho hiệu quả cao nhất. Thời gian qua, nhiều người dân đã đến tham quan và cho biết nếu gia đình tôi trồng thành công sẽ thực hiện theo”, ông Nhượng chia sẻ.

Khi liên kết trồng măng tây, HTX Ngọc Minh Châu sẽ hướng dẫn kỹ thuật và bao tiêu sản phẩm cho nông dân. Ảnh: Minh Quý.

Khi liên kết trồng măng tây, HTX Ngọc Minh Châu sẽ hướng dẫn kỹ thuật và bao tiêu sản phẩm cho nông dân. Ảnh: Minh Quý.

Ông Nguyễn Ngọc Giao, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Cư M’gar cho biết, địa phương đã nhận được văn bản kiến nghị mở rộng diện tích liên kết trồng măng tây xanh của HTX Ngọc Minh Châu. Thời gian tới, Phòng NN-PTNT sẽ tham mưu cho UBND huyện tạo điều kiện cho đơn vị này triển khai.

Theo ông Giao, khi HTX Ngọc Minh Châu đưa giống măng tây về địa phương trồng thử nghiệm, đã giúp tái cơ cấu nông nghiệp của địa phương. Đây là cây trồng mới, có giá trị kinh tế cao, được trồng theo hướng hữu cơ nên sẽ ổn định, bền vững.

“Trong thời tới, huyện sẽ có văn bản gửi các xã để thông báo cho người dân tìm hiểu, triển khai hợp tác với HTX Ngọc Minh Châu phát triển cây măng tây xanh. Đây là giống măng tây mới, lần đầu tiên triển khai tại huyện, giống này được đặt hàng riêng cho vùng Tây Nguyên nên cho năng suất, chất lượng rất tốt. Đặc biệt giống này còn chống chịu tốt các loại sâu bệnh. Từ những tín hiệu tích cực ban đầu, có thể nói măng tây xanh có nhiều tiềm năng và lợi thế phát triển tại địa phương”, ông Giao nói.

Khi liên kết trồng măng tây, HTX Ngọc Minh Châu sẽ hướng dẫn kỹ thuật, giám sát trồng và chăm sóc. Mỗi ha măng tây sẽ trồng từ 20.000 - 22.000 cây giống, cho thu 40 tấn/năm. Vòng đời măng tây từ 3 - 5 năm tùy theo điều kiện chăm sóc. Măng tây sau khi trồng đến tháng thứ 5 sẽ cho thu hoạch. Thu hoạch 3 tháng sẽ nghỉ một tháng.

Bình luận