Chăn nuôi dê, cừu Ninh Thuận trước thách thức mới [Bài cuối]: Doanh nghiệp làm tốt nhất công tác thị trường

Bình luận · 287 Lượt xem

Ông Trương Khắc Trí, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Ninh Thuận trao đổi với Báo Nông nghiệp Việt Nam về chủ trương xây dựng các chuỗi liên kết xoay quanh sản phẩm dê, cừu.

Sau hàng chục năm phát triển với nhiều thăng trầm, ông có thể cho biết thực trạng chăn nuôi dê, cừu của Ninh Thuận hiện nay như thế nào?

Ninh Thuận là một trong những địa phương có đàn dê, cừu lớn nhất nước. Hiện, tổng đàn dê toàn tỉnh trên 127.000 con, đàn cừu 98.000 con. Số lượng đàn dê, cừu giảm 7 - 9% so với năm 2022.

Đối với dê, sản lượng thịt hơi xuất chuồng cuối năm 2022 đạt 2.200 tấn, tăng 26% so 2018 và tăng trưởng bình quân 4,7%/năm.

Đối với cừu, sản lượng năm 2022 đạt 2.000 tấn, tăng 4% so với 2018 và tăng trưởng bình quân 0,8%/năm. Sản lượng thịt dê, cừu hàng năm tăng chứng tỏ trọng lượng dê, cừu của Ninh Thuận không ngừng được nâng lên.

Ninh Thuận là địa phương khí hậu nắng nóng và khô hạn, rất thuận lợi cho phát triển nuôi dê, cừu. Bên cạnh đó, Ninh Thuận còn có diện tích đồng cỏ tự nhiên lớn, thích hợp mô hình chăn nuôi dê, cừu bởi chúng có đặc tính dễ nuôi, thức ăn chủ yếu là cỏ và cây bụi.

Dê, cừu có thể ăn được nhiều loại cây cỏ, lá cây dại, kể cả cây xương rồng trong thiên nhiên hoang dã. Ngoài ra, chúng thích nghi tốt với mọi địa hình từ đồng bằng đến vùng đồi núi nên việc chăn thả rất đơn giản, ít dịch bệnh.

Tuy nhiên, ngành chăn nuôi dê, cừu của Ninh Thuận hiện đang đối mặt nhiều thách thức. Đó là chăn nuôi chủ yếu phân tán nhỏ lẻ. Người dân chỉ chăn thả trên đồi cao, dưới tán rừng, đất lâm nghiệp... việc dự trữ thức ăn chưa được người chăn nuôi quan tâm. Cùng với đó, diện tích đồng cỏ làm bãi chăn thả dê, cừu ngày càng bị thu hẹp, ước tính toàn tỉnh chỉ còn khoảng 17.600ha.

Cừu là vật nuôi đặc thù, chủ lực của tỉnh Ninh Thuận nhưng hiện nay đang gặp nhiều thách thức. Ảnh: Mai Phương.

Cừu là vật nuôi đặc thù, chủ lực của tỉnh Ninh Thuận nhưng hiện nay đang gặp nhiều thách thức. Ảnh: Mai Phương.

Ngoài ra, chi phí phục vụ chăn nuôi dê, cừu tăng cao, trong khi giá bán thời gian gần đây giảm và bấp bênh. Các hộ nuôi khó khăn trong tiêu thụ vì chưa thực hiện liên kết với các công ty, thương lái dẫn đến chăn nuôi thường thua lỗ.

Dê, cừu là vật nuôi đặc thù của Ninh Thuận, nhưng như ông nói ở trên, vật nuôi này đang đối mặt nhiều thách thức, vậy giải pháp duy trì và phát triển là gì thưa ông?

Theo tôi, cần có các giải pháp đồng bộ khuyến khích, hỗ trợ người chăn nuôi dê, cừu chuyển dần từ chăn thả tự nhiên sang hình thức quảng canh, bán chăn thả, thích ứng xu thế đồng cỏ thu hẹp. Tăng cường đầu tư trồng cỏ voi (toàn tỉnh người dân đã trồng được 1.200ha).

Bênh cạnh đó, tận dụng phế phụ phẩm nông nghiệp sau khi thu hoạch như lá nho, lá táo, rơm, rạ, thân cây bắp, cây, đậu… dự trữ, chế biến làm thức ăn cho gia súc. Bổ sung thêm thức ăn tổng hợp cho dê, cừu. Cùng với đó, tập trung phát triển đàn dê, cừu ở những địa phương có quỹ đất lâm nghiệp, đất gò đồi, đất chưa sử dụng tận dụng làm bãi chăn thả.

Mặc dù thời gian qua, chất lượng đàn dê, cừu của Ninh Thuận đã được cải thiện, trọng lượng không ngừng được tăng lên, nhưng theo tôi vẫn phải tiếp tục cải tạo, nâng cao chất lượng con giống thông qua chọn lọc, lai tạo, hoán đổi con đực giống định kỳ để tránh đồng huyết, nhằm tạo ra sản phẩm tốt, có khả năng cạnh tranh với sản phẩm nhập khẩu.

Để người chăn nuôi yên tâm đầu tư phát triển dê, cừu trong bối cảnh giá cả bấp bênh, việc tăng cường xây dựng các chuỗi liên kết giữa người nuôi với các cơ sở, doanh nghiệp kinh doanh giết mổ, thu mua, chế biến, bảo quản đến tiêu thụ cần được xúc tiến mạnh mẽ hơn nữa. Từng bước đưa sản phẩm dê, cừu có mặt tại siêu thị, cửa hàng bán lẻ, bữa ăn hàng ngày của người dân.  

Bên cạnh đó, cần có cơ chế, chính sách thu hút doanh nghiệp quy mô lớn đầu tư, phát triển chăn nuôi dê, cừu. Giữ vững và phát triển dê, cừu là sản phẩm đặc thù của Ninh Thuận, phát triển nhãn hiệu chứng nhận “Dê Ninh Thuận” và thương hiệu “Cừu Ninh Thuận”. Bởi chỉ có doanh nghiệp mới làm tốt công tác thị trường, đa dạng hóa các sản phẩm.

Để phát triển bền vững dê, cừu, Ninh Thuận cần triển khai nhiều giải pháp, trong đó có giải pháp xây dựng chuỗi liên kết. Ảnh: Mai Phương.

Để phát triển bền vững dê, cừu, Ninh Thuận cần triển khai nhiều giải pháp, trong đó có giải pháp xây dựng chuỗi liên kết. Ảnh: Mai Phương.

Ông đánh giá thế nào về chuỗi liên kết dê, cừu hiện nay và cần có chính sách gì để mở rộng hiệu quả các chuỗi liên kết?

Hiện, trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận có 5 chuỗi liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi tại các địa phương, trong đó có chuỗi giá trị liên kết giá trị chăn nuôi dê, cừu thịt vỗ béo.

Thực hiện chuỗi liên kết này, người nuôi được chủ cơ sở kinh doanh, chế biến, giết mổ và thương lái cung cấp dê, cừu giống ban đầu. Đến kỳ xuất chuồng sẽ thu mua lại với giá thị trường, giúp người chăn nuôi không phải tự tìm kiếm đầu ra nên có thu nhập ổn định từ chăn nuôi dê, cừu.

Ngược lại, với chuỗi liên kết này, chủ cơ sở kinh doanh chế biến, giết mổ và thương lái sẽ chủ động và ổn định được nguồn nguyên liệu đầu vào. Tuy nhiên, trên thực tế số chuỗi liên kết hiện còn ít, quy mô còn nhỏ chưa tương xứng với tiềm năng của con dê, cừu Ninh Thuận.

Như tôi đã nói ở trên, chuỗi liên kết đã mang lại nhiều lợi ích cho cả người dân và doanh nghiệp, do đó để duy trì và mở rộng các chuỗi liên kết, cần chính sách thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực chăn nuôi.

Các doanh nghiệp này làm nhiệm vụ cung cấp con giống, thức ăn, thuốc thú y và bao tiêu sản phẩm cho người nông dân, đồng thời, chính các doanh nghiệp sẽ định hướng xây dựng thương hiệu cho sản phẩm của mình.

Ninh Thuận cũng nên có chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện để các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp hoạt động sản xuất chăn nuôi, giết mổ, chế biến tiêu thụ sản phẩm dê, cừu có điều kiện đầu tư, liên kết với các trang trại, hộ chăn nuôi đảm bảo từ khâu đầu vào đến đầu ra tiêu thụ sản phẩm có hiệu quả, đặc biệt, chuỗi liên kết chăn nuôi khép kín.

Kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư liên kết chăn nuôi, bao tiêu sản phẩm cho nông dân, tổ chức tập huấn, hướng dẫn nhân dân sản xuất từng loại vật nuôi, đầu tư xây dựng các cơ sở chế biến, chế biến sâu thịt dê, cừu trên địa bàn tỉnh.

Về phía Sở NN-PTNT Ninh Thuận, đến nay chúng tôi cũng đã ban hành Kế hoạch số 55/KH-SNNPTNT ngày 15/3/2023 Tổ chức Hội nghị phát triển chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ sản phẩm nông lâm thuỷ sản hướng đến xuất khẩu với nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, HTX và người nông dân trong chuỗi liên kết, trong đó dê, cừu là đối tượng có nhiều chính sách hỗ trợ.

"Để ngành nông nghiệp phát triển bền vững, trong đó có dê, cừu, UBND tỉnh Ninh Thuận đã ban hành Quyết định số 719/KH-UBND ngày 23/12/2022 về kế hoạch ưu tiên hỗ trợ sản phẩm nông lâm thuỷ sản nhằm thúc đẩy xuất khẩu đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận; Quyết định số 30/QĐ-UBND ngày 17/01/2023 của UBND tỉnh Ninh Thuận về việc ban hành Kế hoạch triển khai những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội; Dự toán ngân sách Nhà nước và cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh năm 2023". Ông Trương Khắc Trí, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Ninh Thuận.

 
Bình luận