'Tròng' chính sách 'thắt' doanh nghiệp thủy nông [Bài 7]: ‘Gồng’ hết sức vẫn không thoát khó

Bình luận · 217 Lượt xem

Do thiếu kinh phí hoạt động, Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi (KTCTTL) Quảng Nam buộc phải cắt giảm nhiều chi phí khác, thiệt thòi thuộc về người lao động.

Thiếu trầm trọng kinh phí hoạt động

Theo ông Đỗ Văn Tùng, Giám đốc Công ty TNHH MTV KTCTTL Quảng Nam, cũng như các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực thủy lợi trên cả nước, các dịch vụ công ích của đơn vị này đang thực hiện theo Nghị định số 67/2012/NĐ-CP ngày 10/92012 của Chính phủ, Nghị định này có hiệu lực vào năm 2013. Đến nay đã trải qua 10 năm, nhưng khung giá thủy lợi phí này vẫn không thay đổi.

 

Cũng theo ông Tùng, những bất cập nói trên đã được nhận ra từ năm 2018, từ khi Nghị định số 96/2018/NĐ-CP ngày 30/6/2018 của Chính phủ quy định chi tiết về giá sản phẩm, dịch vụ thủy lợi và hỗ trợ tiền sử dụng sản phẩm, dịch vụ công ích thủy lợi ra đời.

 

Nội dung của Nghị định này hướng dẫn xây dựng phương án giá cho các dịch vụ công ích thủy lợi. Sau đó, Công ty TNHH MTV KTCTTL Quảng Nam cũng đã hoàn thành việc xây dựng phương án giá trình qua các Sở, ngành thẩm định; trình UBND tỉnh Quảng Nam ký đề nghị Bộ NN-PTNT và Bộ Tài chính ban hành giá mới theo Nghị định số 96/2018/NĐ-CP của Chính phủ.

 

 “Tuy nhiên, Nghị định 96 không lường được việc xây dựng giá quá phức tạp, rối rắm. Mỗi địa phương đưa ra 1 mức giá khác nhau, nhưng cơ bản đều gấp từ 2 đến 3 lần so với mức giá bấy lâu nay áp dụng theo Nghị định 67. Riêng Công ty TNHH MTV KTCTTL Quảng Nam đưa ra mức giá cao gấp 2,5 lần so mức giá cũ. Đó là chưa kể các hợp tác xã, đơn vị quản lý các hồ đập nhỏ cũng phải xây dựng giá, nhưng họ làm không được. Cuối cùng, sự việc đi vào bế tắc, không thể thực hiện được cho đến bây giờ”, ông Đỗ Văn Tùng chia sẻ.

 

Theo ông Nguyễn Hồng Quang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, Công ty TNHH MTV KTCTTL Quảng Nam là doanh nghiệp hoạt động công ích, doanh thu từ tiền sử dụng sản phẩm, dịch vụ công ích thủy lợi do Nhà nước định giá từ năm 2013 đến nay không thay đổi; giá thu chưa được tính đúng, tính đủ các chi phí cần thiết cho sản xuất, nên việc đặt hàng trong điều kiện mức giá không tính đúng tính đủ theo thị trường hiện nay đã gây khó cho doanh nghiệp. Do đó, hàng năm, Công ty TNHH MTV KTCTTL Quảng Nam phải được UBND tỉnh hỗ trợ tài chính từ ngân sách tỉnh thì mới đảm bảo hoạt động.

 

Theo ông Đỗ Văn Tùng, Giám đốc Công ty TNHH MTV KTCTTL Quảng Nam, do suốt 10 năm qua vẫn còn áp dụng mức giá của Nghị định 67, trong khi giá vật chất, dịch vụ, lương cán bộ đều tăng gấp nhiều lần, nên công ty phải xin nguồn kinh phí hỗ trợ của UBND tỉnh. Tuy nhiên, UBND tỉnh không có cơ sở để hỗ trợ thêm vì vướng Quyết định số 1050a/QĐ-BTC ngày 30/6/2018 của Bộ Tài chính về giá tối đa sản phẩm dịch vụ công ích thủy lợi giai đoạn 2018-2020, tiếp tới vướng Quyết định số 1477/QĐ-BTC ngày 5/8/2021 cũng của Bộ Tài chính về giá tối đa sản phẩm dịch vụ công ích thủy lợi năm 2021.

 

“Do đó, UBND tỉnh Quảng Nam chỉ hỗ trợ kinh phí bảo trì công trình hàng năm cho Công ty TNHH MTV KTCTTL Quảng Nam, chứ không thể hỗ trợ tài chính. Trong khi doanh thu từ các dịch vụ công ích của công ty hàng năm chỉ đạt khoảng gần 47 tỷ đồng, cộng thêm tiền bán nước thô được khoảng 21 tỷ đồng nữa, vị chi tổng thu 68 tỷ đồng. Thế nhưng tổng chi phí cần thiết để đáp ứng đầy đủ các hoạt động của công ty hết khoảng 85 tỷ đồng. Sau khi trừ kinh phí UBND tỉnh hỗ trợ bảo trì hàng năm khoảng 10 tỷ đồng, mỗi năm công ty còn thiếu khoảng gần 10 tỷ”, ông Đỗ Văn Tùng, Giám đốc Công ty TNHH MTV KTCTTL Quảng Nam chia sẻ.

 

Người lao động gánh hết thiệt thòi

Hiện nay Công ty TNHH MTV KTCTTL Quảng Nam có 400 cán bộ, công nhân viên đang quản lý 17 hồ chứa lớn, nhỏ trên địa bàn, hàng năm phục vụ tưới cho khoảng 50.000ha đất sản xuất nông nghiệp. Những năm gần đây, Công ty TNHH MTV KTCTTL Quảng Nam gặp khó khăn rất nhiều trong công tác quản lý, hoạt động, cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích vì thiếu hụt kinh phí trầm trọng.

 

Trước thực tế trên, Công ty TNHH MTV KTCTTL Quảng Nam buộc phải cắt giảm nhiều chi phí khác, dù cố gắng đến mấy cũng chỉ có thể duy trì và tăng ít tiền lương cho cán bộ, công nhân viên. Còn lại các chế độ phụ cấp khác hầu như không có hoặc rất thấp. Cuối cùng, người bị thiệt thòi không ai khác chính là người lao động. Riêng trong năm 2022 và 2023, Công ty TNHH MTV KTCTTL Quảng Nam không còn quỹ phúc lợi dành để khen thưởng cán bộ, công nhân viên chức hoàn thành nhiệm vụ hàng năm.

 

Ông Đỗ Văn Tùng cho biết, theo quy định, từ mức doanh thu sau thuế, công ty sẽ trích quỹ phúc lợi khen thưởng. Từ quỹ này, nếu sau 1 năm hoạt động, doanh nghiệp được UBND tỉnh xét loại A thì cán bộ, công nhân viên của công ty sẽ được hưởng 3 tháng lương, nhưng hiện nay người lao động của Công ty TNHH MTV KTCTTL Quảng Nam không còn được hưởng quyền lợi này. Ngoài ra, do kinh phí thiếu hụt, nên nhiều khoản khác như tiền ăn ca, các trang thiết bị đồ dùng, dụng cụ lao động... cán bộ, công nhân viên của công ty cũng không được trang bị.

 

Đó là chưa kể trên địa bàn tỉnh Quảng Nam có hệ thống hồ chứa, kênh mương thủy lợi rất lớn. Ngoài việc quản lý, Công ty TNHH MTV KTCTTL Quảng Nam còn phải thực hiện nhiều hoạt động khác như chống hạn, mặn; phòng chống thiên tai; cung cấp nước tưới cho nông nghiệp; tiêu thoát lũ, úng. Trong khi kinh phí đã không đủ hoạt động, mà trên địa bàn hiện có nhiều công trình thủy lợi đã xuống cấp, hư hỏng. Do đó, việc sửa chữa duy tu, bảo dưỡng hàng năm chỉ được thực hiện ở mức cầm chừng, chỉ những công trình hư hỏng nghiêm trọng mới được ưu tiên sửa chữa.

 

Đáng quan ngại là trên địa bàn tỉnh Quảng Nam hiện có nhiều công trình thủy lợi đã hư hỏng nghiêm trọng, hiện đành phải chấp nhận sử dụng tạm thời, ảnh hưởng đến công tác tưới và tiềm ẩn nhiều rủi ro. Vận hành những công trình xuống cấp, đòi hỏi đội ngũ cán bộ, công nhân viên của Công ty TNHH MTV KTCTTL Quảng Nam phải túc trực ngày đêm, công việc vất vả hơn.

 

“Các công trình thủy lợi hầu hết nằm ngoài trời, chịu tác động của thiên nhiên rất lớn, nhất là sau những đợt bão lũ, nên nhiều công trình đã hư hỏng, năm nào cũng có công trình xuống cấp. Kinh phí cần để sửa chữa các công trình thủy lợi là rất lớn, nhưng do không có tiền nên chỉ sửa chữa nhỏ giọt hàng năm”, ông Đỗ Văn Tùng, Giám đốc Công ty TNHH MTV KTCTTL Quảng Nam, than thở.

 

Nhiệm vụ thì nhiều, trong khi kinh phí hoạt động bị thiếu, nguồn hỗ trợ lại hạn hẹp đã khiến một số cán bộ, nhân viên công ty xin nghỉ hưu trước tuổi. Mỗi năm, trung bình Công ty TNHH MTV KTCTTL Quảng Nam có từ 5-7 người lao động xin được nghỉ hưu trước tuổi.

 

“Theo quy định, đối với những trường hợp nghỉ hưu trước tuổi thì công ty phải hỗ trợ tiền trợ cấp thôi việc. Do đó, mỗi năm công ty phải mất thêm từ 500-600 triệu đồng để chi trả khoản trợ cấp này. Khó chồng khó. Trước thực trạng trên, đầu tháng 7 vừa qua, UBND tỉnh Quảng Nam đã có văn bản đề nghị Bộ Tài chính khẩn trương xem xét mức giá tối đa sản phẩm, dịch vụ công ích thủy lợi để giảm khó khăn, áp lực tài chính cho Công ty TNHH MTV KTCTTL Quảng Nam. Khi Bộ Tài chính xem xét, điều chỉnh tăng mức giá thì các doanh nghiệp thủy lợi trên cả nước cũng sẽ thoát cảnh khó khăn”, ông Đỗ Văn Tùng, Giám đốc Công ty TNHH MTV KTCTTL Quảng Nam chia sẻ.

 

Đình Thung-Lê Khánh

 

Bình luận