30 năm Khuyến nông Việt Nam, những dấu ấn để lại

Bình luận · 190 Lượt xem

Trên hành trình 30 năm, hệ thống khuyến nông Việt Nam đã đóng góp quan trọng làm thay đổi diện mạo sản xuất nông nghiệp, đời sống nông dân nước ta.

Đưa lúa gạo Việt Nam đứng hàng đầu thế giới

Thực hiện phương châm “đi tắt đón đầu” để chuyển giao nhanh tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, chương trình lúa lai bắt đầu được triển khai từ năm 1991. Mạng lưới khuyến nông đã chuyển giao công nghệ sản xuất hạt giống lúa lai với chủ trương “Nam sản, Bắc tiêu” để tận dụng lợi thế vùng miền. Từ chỗ hoàn toàn phụ thuộc vào giống của nước ngoài, Việt Nam đã chủ động được một phần giống thông qua chương trình khuyến nông trọng điểm sản xuất hạt lai F1, lúa lai thương phẩm, lúa chất lượng.

 

Sau chặng đường 30 năm, chương trình lúa lai đã tạo nên một dấu mốc, bước ngoặt lịch sử cho sản xuất lúa nói riêng và sản xuất lương thực nói chung. Công nghệ lúa lai phát triển mạnh mẽ đã góp phần đưa công nghệ trồng lúa của Việt Nam vươn lên trình độ cao của thế giới, nâng cao thu nhập cho nông dân và hiệu quả nghề trồng lúa.

 

Năm 1989, lần đầu tiên Việt Nam xuất khẩu gạo. Đến nay, gạo Việt Nam đã có mặt ở hơn 150 quốc gia, vùng lãnh thổ; trở thành 1 trong 3 quốc gia xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới. Từ chỗ “cứu đói”, hạt gạo Việt Nam đã vươn lên trở thành hạt gạo ngon nhất thế giới.

 

Trên cây ngô, hệ thống khuyến nông đã kết hợp chặt chẽ với Viện Nghiên cứu ngô xây dựng thành công các mô hình sản xuất giống ngô lai F1. Từ đây, diện tích ngô lai phát triển, mở rộng nhanh chóng. Từ chỗ giống ngô lai phải mua từ nước ngoài, đến năm 2010, chúng ta đã hoàn toàn tự túc được giống, nhờ đó tiết kiệm cho nhà nước hàng tỷ đồng.

 

Bên cạnh đó, khuyến nông cũng có đóng góp to lớn trong việc chuyển đổi cơ cấu mùa vụ, cây trồng. Các mô hình chuyển đổi diện tích sản xuất lúa kém hiệu quả sang phát triển cây rau, màu, hoa, cây ăn quả; kết hợp lúa - cá, tôm - lúa vùng đất trũng tại Đồng bằng sông Hồng và Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL); trồng ngô, đậu đỗ trên đất 1 vụ (đất bỏ hóa vụ xuân) tại các tỉnh miền núi phía Bắc; chuyển đổi đất lúa kém hiệu quả sang trồng ngô, đậu đỗ, cỏ tại các tỉnh miền Trung đã tạo nhiều dấu ấn nổi bật.

 

Hệ thống khuyến nông đã phối hợp với các viện, trường xây dựng đội ngũ cán bộ kỹ thuật, chuyên gia nghiên cứu chọn tạo, giới thiệu giống mới và hoàn thiện quy trình canh tác cho cây trồng. Nhiều kinh nghiệm sản xuất hay, quy trình sản xuất tiên tiến được chuyển giao, truyền đạt cho các cán bộ và nông dân.

 

Ngoài ra, năm 2011, Bộ NN-PTNT phát động xây dựng mô hình “cánh đồng lớn” tại các tỉnh ĐBSCL, hệ thống khuyến nông đã hướng dẫn nông dân áp dụng kỹ thuật thâm canh theo hướng tăng năng suất, giảm chi phí như “3 giảm 3 tăng”, “1 phải 5 giảm”, SRI, canh tác lúa giảm phát thải khí nhà kính... Các chương trình do khuyến nông triển khai đã đặt nền móng quan trọng cho sản xuất lúa bền vững, giảm phát thải. Đến nay, sức sống của những mô hình vẫn đang được nông dân áp dụng và mở rộng.

 

Song song đó, khuyến nông đã chuyển giao và ứng dụng cơ giới hoá vào sản xuất lúa, góp phần đẩy nhanh quá trình chuyển đổi từ lao động thủ công sang ứng dụng cơ giới hóa đồng bộ. Kết quả, từ năm 2010 - 2021, mức độ cơ giới hóa khâu làm đất tăng từ 75% lên 97%, khâu gieo trồng tăng từ 15% lên 65%, khâu thu hoạch tăng từ 15% lên 80%.

 

Đáp ứng nhu cầu thực phẩm, vươn tầm xuất khẩu

Trong lĩnh vực chăn nuôi, thông qua việc chuyển giao khoa học công nghệ cùng với việc xây dựng các mô hình điểm về chăn nuôi tiên tiến, theo VietGAHP, an toàn sinh học, hữu cơ, tuần hoàn…, hệ thống khuyến nông cả nước đã và đang tạo động lực thúc đẩy chăn nuôi theo hướng hiện đại, bền vững tại nhiều địa phương trong cả nước.

 

Trên đàn bò, từ kết quả Dự án “Khuyến nông cải tạo đàn bò Việt Nam”, trung tâm khuyến nông các tỉnh đã triển khai thành công chương trình Zebu hóa đàn bò tại 27 tỉnh, thành. Từ đó, đã tạo ra bước đột phá về cải tạo tầm vóc, chất lượng các giống bò nội, mở ra hướng chăn nuôi bò thịt có hiệu quả kinh tế cao hơn. Chương trình đã góp phần tăng nhanh về quy mô đàn bò từ 3,2 triệu con (năm 1990) lên gần 6,4 triệu con hiện nay...

 

Trên đàn lợn, chương trình nạc hoá đàn lợn đã góp phần giúp tỷ lệ nạc được cải thiện từ 30 - 36% ở các giống nội lên 50 - 62% ở các giống lợn ngoại, lợn lai ngoại. Bên cạnh đó, từ năm 2009 đến nay, chăn nuôi lợn đã phát triển mạnh mẽ, quy mô lớn, từng bước chuyển mình từ lượng sang chất thông qua các dự án khuyến nông về chăn nuôi an toàn dịch bệnh, theo hướng hữu cơ, chăn nuôi lợn chứng nhận VietGAHP, liên kết tiêu thụ sản phẩm...

 

Trên gia cầm, khuyến nông đã chuyển giao các giống gia cầm vào sản xuất như: Ri lai, mía lai, chọi lai thích nghi với điều kiện chăn nuôi đa dạng, cho năng suất cao, chất lượng thịt thơm ngon được thị trường ưa chuộng. Giống vịt siêu thịt V52, V57, VSM6 có năng suất chất lượng cao; vịt thương phẩm có thời gian nuôi ngắn; giống vịt biển có khả năng phát triển trong điều kiện nước mặn, nước lợ, thích ứng với biến đổi khí hậu…

 

Việc triển khai các mô hình chăn nuôi gia cầm áp dụng các giải pháp đồng bộ từ con giống, thức ăn, kỹ thuật chăm sóc, nuôi dưỡng, an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh đã và đang góp phần quan trọng trong việc kiểm soát, đẩy lùi các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm ở gia cầm, nâng cao hiệu quả kinh tế cho các nông hộ và trang trại chăn nuôi trong cả nước. Hiệu quả kinh tế mô hình tăng 11 - 17,5%, lợi nhuận tăng từ 3 - 7 triệu đồng/1.000 gà thịt so với chăn nuôi truyền thống.

 

Trên lĩnh vực khuyến ngư, từ năm 2010 đến nay, công tác khuyến ngư tập trung, bám sát vào thực hiện nhiệm vụ tái cơ cấu ngành nông nghiệp, nâng cao giá trị gia tăng theo hướng bền vững. Đặc biệt là từ khi Việt Nam gia nhập WTO, ngành thủy sản có nhiều cơ hội xuất khẩu ra thị trường thế giới, khuyến ngư đã quan tâm đầu tư xây dựng các mô hình nuôi thủy sản đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu theo quy trình VietGAP, GlobalGAP, ASC… Các mô hình này đã góp phần phát triển mạnh mẽ nghề nuôi cá tra tại vùng ĐBSCL tạo thành vùng nguyên liệu lớn phục vụ thị trường trong nước và chế biến xuất khẩu.

 

Bên cạnh đó, công tác đào tạo, tập huấn khuyến ngư cũng bám sát yêu cầu mới của ngành nông nghiệp và thị trường theo hướng giúp bà con thay đổi quy trình sản xuất, nâng cao nhận thức trong việc sử dụng thuốc phòng trị bệnh, kháng sinh cho các đối tượng nuôi thủy sản. Hướng dẫn người dân nuôi trồng theo đúng quy hoạch nhằm tổ chức lại sản xuất, cơ cấu vùng nuôi, cấp mã số vùng nuôi… Phương pháp, hình thức đào tạo cũng liên tục đổi mới, ưu tiên tập huấn tại hiện trường, sử dụng video, các nền tảng số…

 

Nơi nào khuyến nông đặt chân đến nông dân cũng có thể biến mặt nước thành cỗ máy “nhả vàng”. Ngành thủy sản đã trở thành ngành kinh tế quan trọng, góp phần chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp, xoá đói giảm nghèo, đem lại việc làm ổn định và thu nhập cho người dân. Đặc biệt, kim ngạch xuất khẩu thuỷ sản liên tục tăng (năm 1990 đạt 205 triệu USD, năm 2010 đạt 5,03 tỷ USD, năm 2022 đạt trên 11 tỷ USD) đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế của đất nước.

 

Khuyến nông cộng đồng, người đồng hành tin cậy của nông đân

Ngày 25/3/2022, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT ban hành Quyết định số 1094/QĐ-BNN-KN phê duyệt Đề án “Nâng cao hiệu quả hoạt động công tác khuyến nông trên cơ sở kiện toàn mô hình tổ khuyến nông cộng đồng”.

 

Đề án triển khai thành lập 26 tổ khuyến nông cộng đồng thí điểm tại 13 tỉnh thuộc 5 vùng nguyên liệu gồm: Vùng nguyên liệu cây ăn quả miền núi phía Bắc (Hòa Bình, Sơn La); vùng nguyên liệu gỗ rừng trồng có chứng chỉ Duyên hải miền Trung (Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế); vùng nguyên liệu cà phê Tây Nguyên (Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông, Kon Tum); vùng nguyên liệu lúa gạo Tứ giác Long Xuyên (Kiên Giang, An Giang); vùng nguyên liệu cây ăn quả Đồng Tháp Mười (Đồng Tháp, Tiền Giang, Long An).

 

Đến nay, sau gần 2 năm thực hiện, những kết quả đạt được đã vượt ra khỏi phạm vi đề án, tác động to lớn đến công tác tổ chức hệ thống khuyến nông Việt Nam, đáp ứng nhu cầu thực tiễn của từng địa phương, doanh nghiệp và nông dân.

 

Đặc biệt, tổ khuyến nông cộng đồng thuộc hệ thống khuyến nông tỉnh được thành lập trên nguyên tắc không tăng biên chế, không ảnh hưởng đến cơ cấu tổ chức bộ máy khuyến nông tỉnh, hạn chế phát sinh kinh phí cho bộ máy khuyến nông. Tổ khuyến nông cộng đồng được hình thành linh hoạt, không khuôn mẫu, phù hợp với điều kiện cụ thể của từng địa phương.

 

Với những định hướng đổi mới khuyến nông phù hợp với bối cảnh và tình hình phát triển nông nghiệp Việt Nam, mô hình khuyến nông cộng đồng thực sự là mô hình phù hợp nhằm nâng cao năng lực khuyến nông cơ sở, tạo nền tảng để chuyển hướng từ khuyến nông bao cấp sang khuyến nông dịch vụ và đa dạng chức năng khuyến nông đáp ứng nhu cầu nông dân.

 

Mở rộng hợp tác quốc tế, hợp tác công tư

Trong những năm qua, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia (KNQG) đã tranh thủ tối đa nguồn lực từ bên ngoài thông qua nhiều hoạt động hợp tác quốc tế. Từ đó, đóng góp quan trọng trong quá trình hội nhập quốc tế của ngành NN-PTNT.

 

Có thể kể đến, trong giai đoạn 2016 - 2020, Trung tâm KNQG được Bộ NN-PTNT giao làm chủ đầu tư 2 dự án viện trợ cho Chính phủ Lào (sử dụng vốn viện trợ không hoàn lại của Chính phủ Việt Nam cho Chính phủ Lào); chủ trì thực hiện dự án ODA do Chính phủ Nhật Bản tài trợ thông qua JICA với kinh phí 3 triệu USD được thực hiện từ 2022 - 2026.

 

Ngoài ra, trung tâm chủ trì nhiều dự án hợp tác quốc tế với các tổ chức quốc tế như FAO, UNDP, Pepsico, GCP... Đặc biệt, năm 2022, Trung tâm KNQG phối hợp với Viện Nghiên cứu lúa Quốc tế (IRRI) và Hiệp hội Nông nghiệp Đức (DLG) tổ chức thành công sự kiện Agritech Nica Asia Live 2022 tại TP Cần Thơ. Đây là sự kiện quốc tế trọng điểm mang dấu ấn của ngành NN-PTNT nhằm thúc đẩy canh tác nông nghiệp bền vững thông qua ứng dụng các giải pháp công nghệ tiên tiến, hiện đại.

 

Song hành với hoạt động hợp tác quốc tế, với mục đích đổi mới cách tiếp cận khuyến nông, hướng tới khuyến nông dịch vụ, hệ thống khuyến nông đã chú trọng đến vai trò của khối tư nhân thông qua hợp tác PPP. Trung tâm KNQG đã hợp tác với nhiều tổ chức quốc tế như UN Women, GCP, Syngenta, IRRI, Bayer, Baywa, GIZ, FAO, HIS… và nhiều đối tác trong nước như Công ty Bình Điền, Tập đoàn Lộc Trời, Tập đoàn Bồ Đề, Tập đoàn C.P, Diễn đàn Cà phê toàn cầu (GCP), Trung tâm Phát triển cộng đồng (CDC)… Đặc biệt, Trung tâm KNQG được Bộ NN-PTNT giao nhiệm vụ là trưởng nhóm công trong hợp tác công tư ngành hàng lúa gạo tại Việt Nam.

 

Đình Thanh

 

Bình luận