Ngư dân văn minh, ngư nghiệp toàn diện

Bình luận · 208 Lượt xem

Mục tiêu này được đặt ra trong Dự thảo Đề án ngư nghiệp, ngư dân, ngư trường đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Tiếp tục công nghiệp hóa, hiện đại hóa nghề cá

Dự thảo Đề án ngư nghiệp, ngư dân, ngư trường đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 do Viện Kinh tế và Quy hoạch Thủy sản (Bộ NN-PTNT) soạn thảo đã đặt mục tiêu tổng quát tiếp tục công nghiệp hóa, hiện đại hóa nghề cá, phát triển lĩnh vực ngư nghiệp toàn diện, hiệu quả, bền vững, trở thành ngành kinh tế ngư nghiệp sản xuất hàng hóa lớn, có cơ cấu và các hình thức tổ chức sản xuất hợp lý, phù hợp với năng lực của nguồn lợi và ngư trường, có năng suất, chất lượng hiệu quả và khả năng cạnh tranh cao, hội nhập vững chắc vào nền kinh tế.

 

Ngư trường, nguồn lợi thủy sản và môi trường, sinh thái tại ngư trường được khai thác hợp lý, phù hợp với khả năng tái tạo và được gìn giữ, bảo vệ để duy trì và phát huy được các dịch vụ hệ sinh thái bền vững.

 

Không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của cộng đồng ngư dân ven biển và phát huy bản sắc làng cá; ngư dân được đào tạo có trình độ sản xuất ngang bằng với các nước có nghề cá phát triển trong khu vực; hiểu biết pháp luật quốc tế khi lao động trên biển, và đủ bản lĩnh chính trị, đóng vai trò làm chủ ngư trường tại các vùng biển đảo của Tổ quốc.

 

Dự thảo Đề án cũng đặt mục tiêu cụ thể, đến năm 2025, giảm 2.000 tàu cá các loại; tăng diện tích nuôi biển đạt 280.000 ha, sản lượng nuôi biển đạt 850.000 tấn. Tỷ lệ hộ ngư dân có tàu cá chuyển đổi nghề được đào tạo, tập huấn nghề mới và có sinh kế, đời sống ổn định đạt 50%.

 

Đến năm 2030, giảm 4.000 tàu cá các loại; tăng diện tích nuôi biển đạt 300.000 ha, sản lượng nuôi biển đạt 1,45 triệu tấn. Tốc độ tăng trưởng giá trị thủy sản khai thác và nuôi biển đạt bình quân 1,5%/năm; thu nhập bình quân của lao động làm nghề khai thác và nuôi biển tăng gấp 2,5 lần so với năm 2020. Tỷ lệ hộ ngư dân có tàu cá chuyển đổi nghề được đào tạo, tập huấn nghề mới và có sinh kế, đời sống ổn định đạt 100%. Thu nhập bình quân của cư dân vùng nông thôn ven biển tăng 2,5 lần so với năm 2020.

 

Tầm nhìn đến năm 2045, ngư dân và cộng động ngư dân văn minh, phát triển toàn diện, có thu nhập cao. Ngư trường được tăng cường bảo vệ, tái sinh nguồn lợi thủy sản. Nuôi biển trở thành ngành quan trọng thay thế cho ngành khai thác. Nghề cá có trách nhiệm và bền vững, sản xuất hàng hóa quy mô lớn, có giá trị gia tăng cao, gắn kết chặt chẽ với thị trường trong và ngoài nước, công nghiệp chế biến và bảo quản thủy sản hiện đại, giữ vững vị thế xuất khẩu thủy sản đứng hàng đầu thế giới. Nông thôn hiện đại, có điều kiện sống tiệm cận với đô thị, môi trường sống xanh, sạch, đẹp, giàu bản sắc văn hóa dân tộc; quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội được đảm bảo vững chắc.

 

Phải làm tốt để có một Đề án tam ngư hoàn chỉnh

Mới đây, Viện Kinh tế và Quy hoạch Thủy sản tổ chức hội thảo lấy ý kiến các chuyên gia trong ngành thủy sản để xây dựng Đề án ngư nghiệp, ngư dân, ngư trường đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

 

Ông Nguyễn Thanh Bình, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế và Quy hoạch Thủy sản nói: “Biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh và các thách thức từ bên ngoài đã và đang có nguy cơ tác động đến những thành quả mà ngành thủy sản đạt được. Ngư dân, ngư nghiệp, ngư trường là một bộ phận cấu thành của vấn đề tam nông nên cũng chịu tác động từ những vấn đề này”.

 

“Bên cạnh đó, trong nội bộ nghề cá nước ta hiện nay cũng đang gặp phải nhiều khó khăn, thách thức trong quá trình chuyển đổi từ nghề cá thủ công, tự phát, tiếp cận tự do sang nghề cá có trách nhiệm và bền vững. Trong đó, ngư dân, ngư nghiệp và ngư trường là những vấn đề mấu chốt có ảnh hưởng quan trọng đến quá trình chuyển đổi và phát triển nghề cá bền vững”, ông Bình nói thêm.

 

Theo đó, ông Bình cho rằng: “Việc xây dựng Đề án ngư nghiệp, ngư dân, ngư trường đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 nhằm phát huy sức mạnh nội tại của cộng đồng ngư dân, cơ chế thị trường, tranh thủ hợp tác quốc tế để huy động nguồn lực và sự chủ động vươn lên của cộng đồng ngư dân trong phát triển bền vững ngư nghiệp, ngư trường gắn với chuyển dịch cơ cấu kinh tế và cơ cấu lao động ngư nghiệp”.

 

Còn theo ông Nguyễn Chu Hồi, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nghề cá Việt Nam: “Ý tưởng về tam ngư - ngư dân, ngư nghiệp, ngư trường của ngành thủy sản đã được nhiều thế hệ nhắc tới, đã trải qua một quá trình dài vận động chính sách. Đây là một vấn đề rất lớn sau rất nhiều năm hình thành ý tưởng. Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan cũng rất quan tâm đến vấn đề này. Do vậy, phải làm tốt để có một Đề án tam ngư hoàn chỉnh trình Thủ tướng phê duyệt. Đề án tam ngư phải là sản phẩm trí tuệ của ngành”.

 

“Nên dành kinh phí để tổ chức nhiều hội thảo, cuộc họp với các bên liên quan, bởi vấn đề tam ngư liên quan đến nhiều lĩnh vực khác, kể cả quy hoạch không gian biển hay những quy hoạch khác về biển và cả trên đất liền liên quan đến biển. Thảo luận càng kỹ càng tốt, để làm sao chúng ta có một sản phẩm hoàn chỉnh được Thủ tướng chấp nhận và có lợi cho ngành”, ông Hồi đề xuất.

 

Dự thảo Đề án ngư nghiệp, ngư dân, ngư trường đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đề ra 6 giải pháp phát triển ngư dân, ngư nghiệp, ngư trường, gồm: Đổi mới công tác truyền thông, thống nhất nhận thức, hành động về ngư nghiệp, ngư dân, ngư trường. Hoàn chỉnh cơ cấu sản xuất ngư nghiệp gắn với lợi thế cạnh tranh và phát triển thị trường. Đào tạo, phát triển nguồn nhân lực; tạo việc làm tại chỗ cho lao động nghề cá; nâng cao vai trò, vị thế, năng lực làm chủ, cải thiện toàn diện đời sống của ngư dân và cộng đồng ngư dân. Hoàn thiện thể chế, chính sách về ngư nghiệp, ngư dân, ngư trường. Nâng cao trình độ khoa học - công nghệ, đẩy mạnh chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo để phát triển ngư nghiệp, ngư dân, ngư trường hiệu quả, bền vững theo hướng phát triển kinh tế biển xanh, nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng. Tăng cường hội nhập và hợp tác quốc tế.

Hồng Thắm

Bình luận