Liên kết để nhân lên giá trị của rừng

Bình luận · 269 Lượt xem

Chính sách liên kết giữa các tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân đã giúp nâng cao giá trị của những cánh rừng ở Tuyên Quang.

Sau những quyết sách về sắp xếp đổi mới nông lâm trường, vẫn còn không ít những công ty lâm nghiệp trên khắp cả nước đang còn những khó khăn, vướng mắc. Tuy nhiên, tại tỉnh Tuyên Quang đã xuất hiện những mô hình, cách làm hay của các công ty lâm nghiệp để cùng với người dân phát triển kinh tế rừng bền vững.

 

Hiện nay trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang có 5 công ty lâm nghiệp gồm Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp: Chiêm Hóa, Yên Sơn, Tuyên Bình, Nguyễn Văn Trỗi, Sơn Dương. Việc liên doanh, liên kết trồng rừng sản xuất đã gắn được quyền lợi và trách nhiệm của các công ty với người lao động đến sản phẩm cuối cùng. Do đó, sản lượng rừng trồng ngày càng được nâng cao, rừng đã có chủ thực sự, tình trạng chặt phá, lấn chiếm đất rừng trồng được hạn chế tối đa. 

 

Ông Trần Xuân Quảng, Giám đốc Công ty TNHH Lâm nghiệp Yên Sơn cho biết, việc liên doanh liên kết với người dân đảm bảo rừng phát triển bền vững. Hiện nay diện tích rừng trên địa bàn của công ty quản lý chủ yếu là người dân tộc thiểu số, đời sống còn nhiều khó khăn. Công ty luôn xác định vai trò của người dân là quan trọng và không thể tách rời trong công tác phát triển rừng. Để làm được điều đó công ty đã đưa ra các giải pháp như tuyên truyền nâng cao ý thức, kiến thức bảo vệ rừng để người dân cùng hợp tác với công ty giữ rừng và phát triển rừng; triển khai các cơ chế đảm bảo minh bạch, công khai, công bằng và có lợi cho người dân.

 

Sự liên kết rừng ở Tuyên Quang được triển khai cụ thể bằng các chương trình mục tiêu nghị quyết, các cơ chế chính sách điều chỉnh phù hợp với từng giai đoạn phát triển. Từ năm 1991, tỉnh Tuyên Quang đã thực hiện đóng cửa rừng tự nhiên (trước khi toàn quốc dừng khai thác chính gỗ rừng tự nhiên 25 năm). Đồng thời, tỉnh cũng ban hành nhiều chính sách riêng như hỗ trợ giống cây lâm nghiệp chất lượng cao để nhân dân trồng rừng sản xuất; hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi cho phát triển sản xuất, tạo sinh kế bền vững cho người dân sống gần rừng; hỗ trợ ngân sách địa phương để huy động người dân tham gia cùng lực lượng kiểm lâm bảo vệ rừng; thực hiện có hiệu quả các cơ chế, chính sách giao đất, giao rừng, khoán bảo vệ rừng cho nhân dân…

 

Bà Mai Thị Hoàn, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Tuyên Quang cho biết, để xây dựng chuỗi liên kết phát triển lâm nghiệp bền vững, tỉnh Tuyên Quang đã cụ thể hóa bằng những chính sách nhằm thu hút các doanh nghiệp chế biến và hỗ trợ các công ty lâm nghiệp, hợp tác xã, hộ trồng rừng.

 

 Đặc biệt UBND tỉnh Tuyên Quang đã phê duyệt Đề án phát triển lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2025, trong đó tập trung thực hiện 5 nhiệm vụ trọng tâm và 10 nhóm giải pháp đảm bảo thực hiện phát triển, nâng cao hiệu quả kinh tế, giá trị gia tăng của rừng trồng, nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị thu nhập trên đơn vị diện tích đất lâm nghiệp; quản lý, bảo vệ chặt chẽ, phát huy hợp lý, hiệu quả diện tích rừng tự nhiên gắn với phát triển du lịch; nâng cao đời sống của người trồng rừng và bảo vệ rừng.

 

Tỉnh Tuyên Quang phấn đấu đến năm 2025 trở thành địa phương điển hình về phát triển lâm nghiệp bền vững gắn với xây dựng nông thôn mới và phát triển du lịch sinh thái.

 

Đến nay, những định hướng chiến lược đó đã được các địa phương, cơ sở, ngành chức năng trong tỉnh triển khai, cụ thể hóa bằng những nhiệm vụ và giải pháp hết sức cụ thể và thiết thực. Điều đó đã tạo lập một môi trường, điều kiện thuận lợi, thích hợp nhất cho các doanh nghiệp, hợp tác xã và người dân đầu tư tài chính để thực hiện sản xuất, kinh doanh lâm nghiệp bền vững và hiệu quả; hình thành chuỗi liên kết ổn định, chặt chẽ, hiệu quả và có định hướng chiến lược trong sản xuất kinh doanh lâm nghiệp từ quản lý, bảo vệ, phát triển sử dụng rừng, chế biến và thương mại lâm sản.

Quang Linh

 

 

Bình luận