Chăn nuôi chuyển dịch sang trang trại an toàn dịch bệnh

Bình luận · 259 Lượt xem

Huyện Cam Lâm, 'thủ phủ' chăn nuôi ở tỉnh Khánh Hòa đang chuyển dịch từ hình thức chăn nuôi nông hộ sang chăn nuôi trang trại gắn với an toàn dịch bệnh.

Chăn nuôi chuyển dịch sang trang trại

Huyện Cam Lâm nằm ở phía Nam, cách TP Nha Trang (Khánh Hòa) khoảng 30km, nơi có đặc trưng cơ bản là nền nhiệt độ cao và lượng mưa thấp nhất tỉnh.

 

Đây là cơ sở tiêu diệt vi trùng gây bệnh, là điều kiện thuận lợi cho việc phát triển chăn nuôi. Hơn nữa, Cam Lâm cũng có nhiều diện tích lớn đất vườn đồi rộng rãi, thích hợp cho việc chăn nuôi gia súc, gia cầm, đảm bảo khoảng cách an toàn, vị trí xây dựng theo Luật Chăn nuôi.

 

Từ những thuận lợi này, Cam Lâm đã sớm vươn trên trở thành “phủ phủ” chăn nuôi của tỉnh Khánh Hòa, với số lượng đàn gia súc, gia cầm chiếm tỷ lệ cao ở tỉnh này, trong đó đàn lợn chiếm gần 50% tổng đàn.

 

Ông Nguyễn Ngọc Trung, Trưởng trạm Chăn nuôi và Thú y huyện Cam Lâm cho biết, tính đến tháng 9, toàn huyện có tổng đàn lợn hơn 132.000 con, đàn gia cầm hơn 836.000 con và đàn trâu bò hơn 4.300 con.

 

Theo ông Nguyễn Ngọc Trung, những năm gần đây, chăn nuôi trên địa bàn huyện có sự chuyển dịch từ hình thức chăn nuôi nông hộ sang chăn nuôi trang trại gắn với an toàn dịch bệnh.

 

Cụ thể, đối với chăn nuôi lợn, toàn huyện có 31 trang trại quy mô lớn, 54 trang trại vừa và 13 trang trại nhỏ. Còn chăn nuôi gà có 25 trang trại quy mô vừa và 13 trang trại nhỏ. Tổng đàn gia súc, gia cầm nuôi trang trại hơn 868.000 con, chiếm gần 90% tổng đàn toàn huyện.

 

“Sau dịch tả lợn Châu Phi xảy ra trên địa bàn vào năm 2019, chăn nuôi nhỏ lẻ dường như giảm mạnh và chăn nuôi quy mô trang trại bắt đầu phát triển. Đặc biệt các công ty có uy tín tìm đến địa phương đầu tư, liên kết phát triển chăn nuôi theo hướng trại lạnh, đảm bảo an toàn dịch bệnh”, ông Trung chia sẻ và cho biết thêm, hiện chăn nuôi nhỏ lẻ đã giảm từ 45-50% so với trước đây.

 

Liên kết chăn nuôi hiệu quả

Thời gian qua, tình hình chăn nuôi nhỏ lẻ tiềm ẩn nhiều rủi ro dịch bệnh, đầu vào và đầu ra bấp bênh. Do đó, viêc người dân chuyển sang chăn nuôi với quy mô lớn liên kết với doanh nghiệp, đồng thời áp dụng hình thức nuôi trại lạnh đã mở ra cơ hội cho người chăn nuôi phát triển kinh tế.

 

Có thể nói các mô hình chăn nuôi trại lạnh, khép kín đã giúp người nuôi tránh khỏi những rủi ro bởi các nhân tố gây bệnh từ môi trường, giảm thiểu ô nhiễm môi trường và hướng đến chăn nuôi hiệu quả, bền vững.

 

Ghi nhận chúng tôi tại trang trại nuôi gà trong chuồng lạnh của gia đình anh Lê Văn Hòa, thôn Vĩnh Trung, xã Cam An Nam (Cam Lâm), với tổng diện tích hơn 11.000 m2 gồm 2 dãy trại, mỗi trại 1.400m2 thả 14.000 con. Toàn bộ quy trình từ nuôi đến cho ăn đều được khép kín nên đàn gà lớn nhanh, không xảy ra dịch bệnh nguy hiểm, đặc biệt, đầu vào, đầu ra đều có doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm.

 

Anh Lê Văn Hòa cho biết, gia đình nuôi gà lông trắng (giống gà siêu thịt) hợp đồng theo hình thức gia công với Công ty Cổ phần Chăn nuôi C.P. Việt Nam. Theo đó, Công ty cung cấp giống, thức ăn và hướng dẫn quy trình kỹ thuật nuôi, còn anh Hòa đầu tư trang trại, bỏ công chăm sóc, vệ sinh chuồng trại.

 

Mỗi lứa gà khi xuất bán hơn 40 tấn, anh sẽ hưởng từ 5.400-6.000 đồng/kg (tùy thời điểm) sau 45 ngày. Sau khi trừ chi phí, anh Hòa thu lãi khoảng 100 triệu đồng/trại.

 

Tương tự, ông Phạm Văn Thu, ở thôn Tân Sinh Tây, xã Cam Thành Bắc (Cam Lâm) cũng nuôi gà lông trắng gia công cho Công ty Cổ phần Chăn nuôi C.P. Việt Nam.

 

Hiện trang trại ông Thu có tổng diện tích khoảng 1 ha gồm 2 dãy trại, mỗi trại có diện tích 1.200 m2, thả tổng cộng 24.000 con. Do mô hình nuôi khép kín, chuồng nuôi luôn giữ nhiệt độ ổn định từ 28-29 độ C, cùng với thực hiện nghiêm ngặt vệ sinh thú ý trong và ngoài chuồng trại tốt nên không xảy ra dịch bệnh trên gà. Tỷ lệ nuôi hao hụt chỉ khoảng 3%.

 

Hiện mỗi năm, gia đình ông Thu thả nuôi 3-4 lứa gà, mỗi lứa khoảng 24.000 con, sau khi trừ chi phí lãi từ 180- 200 triệu đồng/lứa.

 

Ông Nguyễn Ngọc Trung, Trưởng trạm Chăn nuôi và Thú y Cam Lâm cho biết, hiện trên địa bàn huyện 5 doanh nghiệp liên kết với người dân thực hiện chăn nuôi gia công gồm: Công ty Cổ phần Chăn nuôi C.P. Việt Nam, Công ty TNHH CJ Vina Agri, Công ty Japfa Comfeed, Công ty TNHH Emivest và Công ty VietSwan, với đối tượng nuôi chủ yếu là gà và lợn.

 

Theo ông Nguyễn Ngọc Trung, trong chăn nuôi, giống và thức ăn là yếu tố quyết định hiệu quả chăn nuôi. Nhiều người chăn nuôi trên địa bàn thực hiện gia công cho các công ty sẽ không còn lo ngại về con giống kém chất lượng, thức ăn chăn nuôi trôi nổi trên thị trường.

 

Người nuôi cũng không còn lo ngại về vấn đề dịch bệnh vì các công ty có đội ngũ nhân viên kỹ thuật, bác sĩ thú y thường xuyên giám sát, hướng dẫn bà con về kỹ thuật nuôi, vệ sinh chuồng trại nhằm đảm bảo an toàn dịch bệnh.

 

Qua giám sát, kiểm tra của cơ quan thú y huyện đánh giá, các trại nuôi gia công thực hiện tốt các biện pháp an toàn sinh học, công tác tiêm phòng dịch bệnh được thực hiện nghiêm ngặt. Nhờ đó chăn nuôi trên địa bàn huyện phát triển ổn định, từ đầu năm đến nay không xảy ra dịch bệnh nguy hiểm.

 

Kim Sơ

 

 

Bình luận