Tăng cường bảo tồn các loài chim hoang dã, chim di cư

Bình luận · 182 Lượt xem

Ngày Quốc tế Chim di cư năm nay mang thông điệp 'Nước: Duy trì sự sống của các loài chim' nhằm nêu bật tầm quan trọng của nước đối với các loài chim di cư.

Các đại biểu khách mời tham dự tọa đàm bảo tồn chim hoang dã và di cư.

Các đại biểu khách mời tham dự tọa đàm bảo tồn chim hoang dã và di cư.

Nhân kỷ niệm ngày Quốc tế về Chim di cư 14/10 thường niên, vừa qua Cục Bảo tồn thiên nhiên và Đa dạng sinh học (Bộ Tài nguyên và Môi trường) phối hợp với Chi hội Nghiên cứu và Bảo tồn chim hoang dã Việt Nam và Vườn Quốc gia Xuân Thủy (Nam Định) tổ chức tọa đàm nhằm tăng cường bảo tồn các loài chim hoang dã, chim di cư  tại Việt Nam.

Ngày Quốc tế Chim di cư ra đời với mục đích nâng cao nhận thức toàn cầu về các loài chim di cư và nhu cầu hợp tác quốc tế để bảo tồn chúng. Sự kiện có sự tham gia các cơ quản lý nhà nước và thực thi pháp luật, các chuyên gia hàng đầu về bảo tồn chim, các tổ chức hoạt động trong lĩnh vực bảo tồn động vật hoang dã, giới truyền thông và cộng đồng địa phương.

Sự kiện bao gồm nhiều hoạt động ý nghĩa tọa đàm về tăng cường bảo tồn chim hoang dã, di cư tại Việt Nam, cuộc thi chụp ảnh chim tại Vườn Quốc gia Xuân Thủy và triển lãm ảnh chim di cư, chim hoang dã nhằm nâng cao nhận thức người dân, kết nối các đơn vị bảo tồn để triển khai hiệu quả Chỉ thị 04/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách để bảo tồn chim hoang dã, di cư tại Việt Nam trong thời gian tới.

Tại tọa đàm, các diễn giả và đại biểu đã trao đổi cởi mở về những mối đe dọa, thách thức trong công tác bảo tồn chim hoang dã, chim di cư hiện nay, đồng thời nhấn mạnh nhiều điểm sáng, nỗ lực của các tổ chức, cơ quan quản lý nhà nước, thực thi pháp luật, và cộng đồng cũng như những hành động và giải pháp trong tương lai.

Nhân dịp này ban tổ chức đã trao giải cho các tác phẩm đạt giải trong cuộc thi chụp ảnh chim hoang dã, di cư tại Vườn Quốc gia Xuân Thủy. Theo đó, giải Nhất thuộc về tác giả Ngọc Sâm Thương, 2 giải Nhì thuộc về tác giả Nguyễn Mạnh Hiệp và tác giả Nguyễn Thùy Linh và 3 giải Ba thuộc về các tác giả Nguyễn Xuân Nguyên, Lê Đức Hiền và Dương Thị Hòa với những bức ảnh chụp chim hoang dã, di cư tại Vườn Quốc gia Xuân Thủy.

Việt Nam được đánh giá là một trong những khu vực tập trung chim hoang dã, di cư và các loài chim đặc hữu của thế giới, tạo nên các giá trị thiên nhiên quan trọng, góp phần bảo tồn đa dạng sinh học, phát triển du lịch và xây dựng, quảng bá hình ảnh đất nước. 

Hiện Việt Nam được ghi nhận có hơn 900 loài chim, trong đó 99 loài cần quan tâm bảo tồn, 10 loài cực kỳ nguy cấp, 17 loài nguy cấp, 24 loài sắp nguy cấp và 48 loài sắp bị đe dọa. Việt Nam còn được xác định là một trong những khu vực quan trọng bậc nhất trong mạng lưới các tuyến đường bay của chim di cư và các loài chim đặc hữu, với 63 vùng chim quan trọng toàn cầu và 7 vùng chim đặc hữu.

 
Bình luận