Nuôi bò an toàn dịch bệnh chuẩn VietGAHP, thu nhập tăng 20%

Bình luận · 216 Lượt xem

Nông dân huyện Trần Đề chăn nuôi bò an toàn dịch bệnh chuẩn VietGAHP, từ khâu chăm sóc đến nuôi dưỡng, vệ sinh chuồng trại, giúp thu nhập tăng trên 20%.

Nông dân huyện Trần Đề, Sóc Trăng chuyển từ chăn nuôi bò truyền thống sang tiêu chuẩn VietGAHP, để gia tăng sản lượng và chất lượng. Ảnh: Kim Anh.

Nông dân huyện Trần Đề, Sóc Trăng chuyển từ chăn nuôi bò truyền thống sang tiêu chuẩn VietGAHP, để gia tăng sản lượng và chất lượng. Ảnh: Kim Anh.

Huyện Trần Đề là địa phương có tổng đàn bò lớn thứ hai tỉnh Sóc Trăng. Đây là đối tượng vật nuôi chủ lực giúp nhiều hộ dân nông thôn, đặc biệt là đồng bào dân tộc Khmer có thu nhập ổn định.

Tranh thủ các chính sách hỗ trợ từ nhiều chương trình, dự án của ngành nông nghiệp tỉnh Sóc Trăng, huyện Trần Đề chú trọng nâng chất lượng đàn bò, cải thiện sản lượng sữa và thịt. Đặc biệt, từ Dự án Phát triển chăn nuôi bò của tỉnh, địa phương đã rà soát, lựa chọn hộ nuôi có đủ khả năng đối ứng vốn để tham gia mô hình nuôi bò theo hướng VietGAHP, chăn nuôi an toàn sinh học.

Gia đình anh Hồ Minh Liệt, ở ấp Tiên Cường 2, xã Thạnh Thới An gần 2 năm tham gia mô hình chăn nuôi bò thịt theo hướng VietGAHP. Anh Liệt được hỗ trợ 50% kinh phí để nâng cấp chuồng trại, xây dựng hố ủ phân, hầm biogas xử lý chất thải. Ngoài ra, dự án cũng tư vấn trong công tác chọn, lai tạo giống bò chất lượng.

Lãnh đạo tỉnh Sóc Trăng tìm hiểu tình hình chăn nuôi bò trên địa bàn tỉnh. Ảnh: Kim Anh.

Lãnh đạo tỉnh Sóc Trăng tìm hiểu tình hình chăn nuôi bò trên địa bàn tỉnh. Ảnh: Kim Anh.

Đến nay, chuồng trại chăn nuôi của gia đình trở nên kiên cố, phế phụ phẩm được xử lý triệt để. Hơn nữa, nhờ môi trường chăn nuôi đảm bảo thông thoáng, dịch bệnh trên đàn vật nuôi được kiểm soát tốt. Nổi bật, đàn bò có sự cải thiện vượt trội về năng suất, chất lượng, giá bán luôn cao hơn so với phương thức chăn nuôi truyền thống. 

Qua nhiều năm, anh Liệt đánh giá, nuôi bò theo hướng VietGAHP cho sản lượng thịt cao hơn 20% so với cách nuôi truyền thống. Bò nuôi đạt chứng nhận VietGAHP bán được giá cao. Ngoài ra, phân bò khi xử lý qua hầm ủ sẽ thành phân hữu cơ, sử dụng trồng cỏ để làm thức ăn cho bò, nước thải cũng được đưa vào hố biogas làm khí đốt sinh hoạt gia đình. Mô hình chăn nuôi tuần hoàn này đang trở thành xu hướng được nhiều nông dân trong xã ưu tiên thực hiện.

Với đàn bò sữa, để tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường, công tác tập huấn, chuyển giao kỹ thuật trong các khâu để có nguồn sữa chất lượng được ngành nông nghiệp huyện Trần Đề quan tâm. Theo đánh giá, hiệu suất cho sữa tại đàn bò của nhiều hộ hiện tăng trưởng gấp đôi so với thời gian trước.

Gieo tinh nhân tạo là một trong những điểm sáng trong mô hình phát triển chăn nuôi bò ở tỉnh Sóc Trăng. Ảnh: Kim Anh.

Gieo tinh nhân tạo là một trong những điểm sáng trong mô hình phát triển chăn nuôi bò ở tỉnh Sóc Trăng. Ảnh: Kim Anh.

Ghi nhận thực tế tại trang trại chăn nuôi của ông Châu Nhỏ ở ấp An Hòa 2, xã Thạnh Thới An, gia đình ông có tổng đàn bò sữa 30 con. Ông Nhỏ đã đầu tư nhiều thiết bị như quạt mát, máy phun sương để khu vực chuồng trại đảm bảo thoáng mát, tránh ảnh hưởng đến khả năng cho sữa của bò.

Ngoài nguồn thức ăn thô xanh, ông cũng bổ sung thêm thức ăn tinh để cân đối dinh dưỡng cho đàn bò. Nhờ quy trình chăn nuôi khoa học từ khâu chăm sóc, nuôi dưỡng đến vệ sinh chuồng trại, 8 con bò đang cho sữa trong trại nuôi, giúp gia đình ông duy trì nguồn thu ổn định 50 triệu đồng/tháng, sau khi trừ các khoản chi phí.

Hiện, tổng đàn bò trên địa bàn huyện Trần Đề đã phát triển trên 13.000 con. Ban quản lý Dự án phát triển chăn nuôi bò tỉnh Sóc Trăng đã hỗ trợ chuyển giao thêm 85 con bò thịt và 15 con bò sữa cùng rất nhiều mô hình, chính sách hỗ trợ khác.

Ông Trần Hoàng Dũng, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Trần Đề thông tin, đối với đàn bò thịt, huyện đang nâng chất đàn bò cái lai, cải tạo lại vóc dáng, trọng lượng để tăng sản lượng thịt. Với đàn bò sữa, do điều kiện thời tiết, khí hậu của địa phương khá nóng, một phần ảnh hưởng đến sản lượng cho sữa.

Do đó, ngành nông nghiệp phối hợp với hộ chăn nuôi triển khai nhiều biện pháp kết hợp từ dinh dưỡng, chăm sóc đến chuồng trại để tăng sản lượng sữa. Quan trọng là thực hiện tiêm vacxin phòng bệnh đầy đủ cho đàn bò để lượng sữa sản xuất ra được đơn vị thu mua chấp nhận.

Công tác tiêm vacxin phòng bệnh cho đàn bò đặc biệt được ngành nông nghiệp huyện Trần Đề chú trọng. Ảnh: Kim Anh.

Công tác tiêm vacxin phòng bệnh cho đàn bò đặc biệt được ngành nông nghiệp huyện Trần Đề chú trọng. Ảnh: Kim Anh.

Có thể thấy, các chương trình, dự án triển khai kịp thời là cơ sở quan trọng để hộ nuôi an tâm đầu tư, nâng cấp chuồng trại, tiếp cận nhiều hơn với quy trình, kỹ thuật nuôi mới nhằm thúc đẩy nghề chăn nuôi bò phát triển bền vững.

Năm 2021, UBND tỉnh Sóc Trăng đã phê duyệt Dự án Phát triển chăn nuôi bò trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2022 - 2025, định hướng đến năm 2030, với tổng kinh phí trên 2.208 tỷ đồng. Tỉnh Sóc Trăng phấn đấu đến năm 2025, phát triển chăn nuôi bò thịt bình quân mỗi hộ nuôi từ 4 - 5 con, số lượng đàn bò thịt đạt 77.000 con và sản lượng thịt hơi đạt 5.000 tấn/năm. Đối với bò sữa, phấn đấu bình quân mỗi hộ nuôi từ 5 - 6 con bò sữa, tăng số lượng đàn bò sữa đạt 11.000 con.

 
Bình luận