Việt Nam chính thức xuất khẩu vacxin dịch tả lợn Châu Phi

Bình luận · 202 Lượt xem

Dịch tả lợn Châu Phi xảy ra cách đây hơn 100 năm và Việt Nam là nước đầu tiên trên thế giới nghiên cứu ra vacxin phòng ngừa.

Thành công của các nhà khoa học Việt Nam

Tại TP. Hạ Long (Quảng Ninh), Công ty Cổ phần AVAC Việt Nam và các đối tác quốc tế vừa chính thức ký kết hợp đồng phân phối sản phẩm vacxin phòng bệnh dịch tả lợn Châu Phi AVAC ASF LIVE.

 

Tại buổi lễ, Công ty Cổ phần AVAC Việt Nam (AVAC) ký kết hợp tác xuất khẩu vacxin dịch tả lợn Châu Phi AVAC ASF LIVE với 05 đối tác là: Kpp Power Commodities Inc (Philippines), PT Putra Perkasa Genetika (Indonesia), Yenher Agro-Products Snd Bhd (Malaysia), Indian Immunologicals Ltd (India), Earlybirds Delivery service limited (Myanmar).

 

Phát biểu tại sự kiện, ông Vũ Tiến Lâm - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn RTD cho biết, RTD có 25 năm kinh nghiệm sản xuất, kinh doanh các mặt hàng liên quan đến lĩnh vực nông nghiệp như: nguyên liệu thức ăn chăn nuôi, sản xuất thức ăn chăn nuôi; thuốc thú y và dịch vụ thú y, vacxin; chăn nuôi trang trại quy mô công nghiệp với công nghệ hiện đại….

 

Tập đoàn hiện có nhiều đơn vị kinh doanh chiến lược là các nhà máy tại Hưng Yên, Hà Nam, Hà Nội, chuyên sản xuất kinh doanh thức ăn chăn nuôi; thuốc thú y và dịch vụ thú y, vacxin; các trại chăn nuôi quy mô lớn tại Bắc Giang, Thanh Hóa và các tỉnh Bắc Trung bộ Việt Nam…

 

Công ty Cổ phần AVAC Việt Nam là một thành viên của Tập đoàn RTD. AVAC đi tiên phong trong việc nghiên cứu sản xuất vacxin quan trọng như như vacxin lở mồm long móng, viêm da nổi cục, tai xanh… Gần đây nhất, RTD đã đầu tư cho việc nghiên cứu, phát triển vacxin dịch tả lợn Châu Phi AVAC ASF LIVE với gần 20 triệu USD (khoảng 450 tỷ đồng).

 

"Thành công của vacxin AVAC ASF LIVE không chỉ là thành quả riêng AVAC, mà là của cả nước Việt Nam, của các nhà khoa học", ông Lâm vui mừng khẳng định.

 

Chủ tịch Tập đoàn RTD cảm ơn lãnh đạo Bộ NN-PTNT, Cục Thú y, các công ty chăn nuôi đã hỗ trợ đơn vị trong quá trình kiểm nghiệm vacxin. Vacxin AVAC ASF LIVE sẽ mang lại hạnh phúc, hi vọng cho người chăn nuôi không chỉ tại Việt Nam mà còn trên toàn thế giới.

 

"Mặc dù vắc xin AVAC ASF LIVE thành công, nhưng đó chỉ là sự khởi đời đầu để tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện, để vacxin không chỉ tiêm trên lợn thịt, mà xa hơn là lợn giống, lợn nái; và để đưa vacxin rộng rãi đến các cơ sở chăn nuôi", ông Vũ Tiến Lâm bày tỏ.

 

Theo ông Nguyễn Văn Điệp, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần AVAC Việt Nam, có thể coi hội thảo lần này là một sự kiện công bố về quá trình nghiên cứu, phát triển và hoàn thiện về sản phẩm vacxin AVAC ASF LIVE, do AVAC sản xuất.

 

"Sau gần 3 năm, với vô số giờ nghiên cứu, các thí nghiệm và thử nghiệm trên động vật, cuối cùng chúng tôi cũng có thể tự tin nói với người chăn nuôi, với thế giới rằng AVAC đã làm được vacxin ASF, một trong hai vacxin ASF đầu tiên được thương mại trên thế giới, vacxin đầu tiên được xuất khẩu và sẽ được sử dụng rộng rãi nhất tại nhiều nước trong vài năm tới.

 

Vacxin AVAC ASF LIVE là giải pháp hiệu quả giúp bảo vệ đàn lợn, đặc biệt cần thiết cho chăn nuôi nông hộ và quy mô vừa, nhỏ, mô hình rất phổ biến ở Việt Nam, Philippine, Indonesia, Malaysia, Ấn Độ và Myanmar", ông Điệp cho hay.

 

Ông Nguyễn Văn Điệp cũng thẳng thắn nhìn nhận, AVAC ASF LIVE là một vacxin tốt, là giải pháp hiệu quả, tuy nhiên vẫn chưa hoàn hảo. "Còn cần nhiều cải tiến để làm sản phẩm trở nên tốt hơn, có thêm dữ liệu để sử dụng phù hợp, hiệu quả hơn, để sản phẩm có vòng đời dài hơn", ông Điệp nói và cho biết sẽ liên tục nghiên cứu, cập nhật, phát triển các sản phẩm, giải pháp mới đáp ứng nhu cầu thực tế khi virus liên tục biến chủng, dịch tễ thay đổi diễn biến phức tạp.

 

"AVAC sẽ luôn đồng hành cùng các cơ quan chắc năng ngành chăn nuôi, thú y, phát triển sản xuất vacxin, là công cụ hiệu quả giúp phòng chống, kiểm soát dịch bệnh, hạn chế thiệt hại cho người chăn nuôi", ông Nguyễn Văn Điệp quả quyết, đồng thời cam kết sẽ sản xuất, cung cấp đầy đủ vacxin AVAC ASF LIVE chất lượng cao, đạt tiêu chuẩn quốc tế, với dịch vụ chuyên nghiệp tới khác hàng trong và ngoài nước.

 

Giải tỏa nỗi lo của ngành chăn nuôi

Phát biểu tại buổi lễ, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến gửi lời chúc mừng đến Công ty AVAC và Cục Thú y đã có sản phẩm "cả thế giới chưa có". Thành công của AVAC ngày hôm nay không chỉ có sự quan tâm của Bộ NN-PTNT, mà còn của Ban Bí thư, của Chính phủ, của Quốc hội, của Thủ tướng Chính phủ.

 

Thứ trưởng Tiến cho biết, trong 10 năm qua, ngành chăn nuôi tăng trưởng khoảng 4,5%/năm, chiếm 26,7% tổng giá trị của ngành nông nghiệp. Trong đó, ngành chăn nuôi lợn chiếm tỉ lệ 67-70% cơ cấu giá trị ngành chăn nuôi. Đàn lợn của Việt Nam có quy mô khoảng 28 triệu con.

 

Ngành chăn nuôi nói chung và chăn nuôi lợn nói riêng đóng vai trò là trụ cột quan trọng trong việc thực hiện tốc độ tăng trưởng của ngành nông nghiệp Việt Nam. Năm 2019, khi dịch tả lợn Châu Phi xảy ra, theo thống kê chưa đầy đủ cả nước thiệt hại khoảng 6 triệu con lợn.

 

Do đó, công tác phòng chống dịch bệnh là yếu tố quan trọng, là giải pháp hàng đầu để phát triển chăn nuôi, đặc biệt là chăn nuôi lợn. Dịch tả lợn Châu Phi xảy ra cách đây hơn 100 năm nhưng chưa có một quốc gia nào nghiên cứu được vacxin.

 

"Với sự hợp tác của các nhà khoa học Mỹ, chỉ đạo của Cục Thú y trên cơ sở chỉ đạo, lãnh đạo của Bộ NN-PTNT, chúng ta đã sản xuất ra sản phẩm vacxin phòng dịch tả lợn châu Phi", Thứ trưởng Phùng Đức Tiến vui mừng nói.

 

Thứ trưởng Tiến cũng khẳng định, vacxin dịch tả lợn Châu Phi đối với ngành chăn nuôi Việt Nam đóng vai trò hết sức quan trọng và chắc chắn cũng rất quan trọng với các quốc gia trên thế giới. Quá trình nghiên cứu, đánh giá, thử nghiệm vacxin rất chặt chẽ, nghiêm ngặt với phương pháp hiện đại, chỉ tiêu theo dõi tỉ mỉ, có sự phối hợp với hội đồng quốc gia về công nghệ sinh học. Từ đánh giá virus đến môi trường tế bào đều được phối hợp rất nhuần nhuyễn.

 

Tuy nhiên, Thứ trưởng lưu ý, các địa phương cần xem xét giảm bớt thủ tục khi tiêm vacxin tả lợn Châu Phi để công tác tiêm được thuận lợi hơn, quy mô lớn hơn.

 

"Công ty AVAC ký kết phân phối sản phẩm vacxin dịch tả lợn Châu Phi với các quốc gia, các đối tác quan trọng như Philipines, Malaysia, Ấn Độ, Myanmar, là sự ghi nhận sự nỗ lực không ngừng của ngành thú y và doanh nghiệp mà tiên phong là Công ty cổ phần AVAC Việt Nam", Thứ trưởng Phùng Đức Tiến bày tỏ.

 

Thay mặt lãnh đạo Bộ NN-PTNT, Thứ trưởng gửi lời chúc mừng, biểu dương, đánh giá cao Cục Thú y, Công ty AVAC, các nhà khoa học Việt Nam, doanh nghiệp các địa phương đã chung tay tạo nên kết quả ấn tượng này.

 

 

Cường Vũ - Nguyễn Thành

 

 

Bình luận