Anh nông dân Thái Bình có nhiều thóc nhất huyện, mỗi vụ cả trăm tấn

Bình luận · 203 Lượt xem

Trong khi lớp trẻ hiện nay không mấy ai còn mặn mà với đồng ruộng thì vợ chồng anh Đỗ Cao Cường và chị Nguyễn Thùy Dung, thôn An Để, xã Hiệp Hòa (Vũ Thư, Thái Bình) lại rất say mê với thửa ruộng và cây lúa.

Trong khi lớp trẻ hiện nay không mấy ai còn mặn mà với đồng ruộng thì vợ chồng anh Đỗ Cao Cường và chị Nguyễn Thùy Dung, thôn An Để, xã Hiệp Hòa (huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình) lại rất say mê với thửa ruộng và cây lúa. Đất không phụ công người, đến nay những mảnh ruộng hoang mang về hơn 100 tấn thóc cho anh Cường, chị Dung mỗi vụ sản xuất.

Sau 13 năm mưu sinh nơi đất khách quê người, năm 2017, gia đình anh Cường trở về quê hương An Để, xã Hiệp Hòa lập nghiệp. Thời điểm đó, toàn xã có hàng chục héc-ta ruộng bị bỏ hoang, cấp ủy, chính quyền cơ sở “đau đầu” với việc nông dân bỏ ruộng. 

Gia đình anh Cường quyết định tìm gặp, vận động các hộ dân để thuê, mượn các diện tích ruộng bỏ hoang, cải tạo, đưa vào sản xuất lúa. Quyết định này khi đó được nhiều người cho là liều lĩnh, “hâm dở”, “chẳng giống ai” nhưng anh chị vẫn kiên định mục tiêu.

Anh nông dân Thái Bình có nhiều thóc nhất huyện, mỗi vụ cả trăm tấn - Ảnh 1.

Vụ mùa năm nay, lúa được mùa, thóc được giá, gia đình anh Đỗ Cao Cường, thôn An Để, xã Hiệp Hòa (Vũ Thư, Thái Bình) rất phấn khởi và thêm gắn bó với cây lúa.

Cánh đồng Sòi, thôn An Để là cánh đồng đầu tiên mà gia đình anh Cường bắt tay “khởi nghiệp”. Do bị bỏ hoang hơn 10 năm liền nên cánh đồng Sòi khi đó cỏ dại phát triển rất mạnh, hệ thống bờ vùng, bờ thửa, thủy lợi, tưới, tiêu bị phá vỡ, đất màu bị rửa trôi… 

Anh Cường rất gian nan, vất vả và tốn kém chi phí để cải tạo lại mặt ruộng và hệ thống tưới, tiêu trước khi tiến hành sản xuất lúa. 

Sau đó, anh áp dụng nghiêm túc các biện pháp kỹ thuật trong gieo trồng, chăm sóc, phòng, trừ sâu bệnh, nhờ đó năng suất lúa bảo đảm, tạo niềm tin để gia đình anh Cường tiếp tục mở rộng tích tụ, sản xuất lúa ở các xứ đồng hoang hóa của xã.

Đến nay, gia đình anh Cường sản xuất gần 20ha lúa, mỗi vụ thu hoạch trên 100 tấn thóc. Anh liên kết với doanh nghiệp sản xuất từ 1 - 2 giống lúa mỗi vụ và hợp đồng bao tiêu sản phẩm thóc tươi ngay sau khi thu hoạch. Vụ mùa năm nay, năng suất lúa ổn định, giá bán đạt từ 8.000 - 9.000 đồng/kg thóc tươi, trừ chi phí đầu tư, gia đình anh Cường thu lãi 200 - 300 triệu đồng.

Anh nông dân Thái Bình có nhiều thóc nhất huyện, mỗi vụ cả trăm tấn - Ảnh 2.

Gia đình anh Cường thu hoạch lúa mùa.

Để phục vụ cho việc sản xuất lúa với quy mô lớn, gia đình anh Cường đầu tư đồng bộ hệ thống máy móc như: máy cày, máy cấy, máy gặt, máy phun thuốc trừ sâu, máy gieo mạ khay, hệ thống giàn sấy thóc… cơ giới hóa 100% khâu sản xuất.

  • Một loài cá lạ xuất hiện ở hồ Thác Bà trên Yên Bái, ăn vãn cả loài tôm đất, nhiều người kéo lên câu

Bởi vậy, một hộ nông dân sản xuất mấy sào ruộng nhỏ lẻ thông thường sẽ thấy rất vất vả nhưng gia đình anh Cường gieo cấy gần 20ha lúa lại cảm thấy vẫn “nhàn rỗi”, anh chị muốn có thêm từ 20 - 30ha ruộng nữa để đầu tư sản xuất cho “bõ công”.

Tuy nhiên, thực tế sau khi gia đình anh Cường đầu tư công sức cải tạo ruộng, năng suất lúa khá, nhiều hộ có tâm lý tiếc nên đã lấy lại ruộng, không cho gia đình anh Cường thuê, mượn ruộng để sản xuất lúa nữa. 

Anh chị vui vẻ trả lại ruộng cho bà con và mong mỏi sau này, khi nông nghiệp chuyển đổi từ nhỏ lẻ sang sản xuất tập trung, gia đình anh sẽ được cày cấy trên những cánh đồng phẳng rộng, thênh thang. 

Mong muốn lớn nhất hiện nay của gia đình anh Cường là được địa phương tạo điều kiện cho thuê, mượn mặt bằng với diện tích khoảng 4.000 - 5.000m2 làm chỗ gieo mạ khay phục vụ cấy máy cho diện tích sản xuất của gia đình và dịch vụ cấy máy cho nông dân địa phương.

“Với nhiều người, nhất là người trẻ, sản xuất nông nghiệp là vất vả, là bắt buộc, ngại chân lấm tay bùn thì với vợ chồng tôi, đây lại là đam mê. Cả hai chúng tôi rất yêu thích công việc đồng áng. Hàng ngày, thông thường sau khi thức dậy, việc đầu tiên của vợ chồng tôi là ra đồng, kiểm tra một lượt tất cả các thửa ruộng của mình, để xem tình hình cây lúa, sâu bệnh, chuột phá hại, nước tưới… ở từng thửa ruộng. 

Với chúng tôi, cây lúa như những em bé cần nâng niu, khi thấy lúa khỏe, sinh trưởng tốt, chúng tôi cảm thấy rất vui, khi cây lúa có vấn đề, vợ chồng tôi lo lắng, chăm sóc, khắc phục ngay. Nhiều lần ra đồng, thấy ruộng lúa xanh mơn mởn hoặc những bông lúa trĩu hạt, hai vợ chồng cứ đứng ngắm mãi” - chị Nguyễn Thùy Dung chia sẻ.

Ông Phạm Đức Vân, Chủ tịch Hội Nông dân xã Hiệp Hòa cho biết: Mô hình tích tụ sản xuất lúa hiệu quả của gia đình anh Đỗ Cao Cường đã lan tỏa, thu hút nông dân Hiệp Hòa tích cực cải tạo, khai thác, tích tụ diện tích ruộng hoang hóa đưa vào sản xuất lúa. 

Nếu 6, 7 năm trước, xã Hiệp Hòa nằm trong tốp đầu của huyện về diện tích ruộng hoang hóa thì đến nay xã không còn thửa ruộng nào bị bỏ hoang. 

Toàn xã hiện có 15 hộ tích tụ ruộng sản xuất với quy mô từ 10 mẫu trở lên, trong đó gia đình anh Cường là hộ tiên phong tích tụ sản xuất và có quy mô lớn nhất, góp phần nâng cao thu nhập cho nông dân, phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Bình luận