Đem giống khoai lạ được cho là có tác dụng "không thua nhân sâm" về trồng trên núi, giá bán cao gấp đôi trồng

Bình luận · 231 Lượt xem

Bán với giá 35 - 40 ngàn đồng/kg, người trồng giống cây khoai “lạ” có tên khoai sâm cho biết, tuy giá bán cao gấp 2 đến 3 lần trồng lúa và cây rất thích hợp với vùng núi cao, song thị trường tiêu thụ vẫn là mối lo nếu đượ

Những ngày cuối tháng 9, đầu tháng 10/2023, trên một số trang Facebook của chủ sở hữu ở Nghệ An rao bán loại nông sản có tên khoai sâm với lời chào mời về tác dụng khá hấp dẫn, như: Hỗ trợ điều trị, phòng ngừa một số bệnh ung thư, bệnh đái tháo đường; điều chỉnh huyết áp; hỗ trợ giảm cân cho người béo phì, giảm mỡ máu; chống táo bón; giải nhiệt, thanh lọc cơ thể; chị em phụ nữ ăn vào da dẻ hồng hào, mịn màng…

 

Nhiều người tò mò vì lần đầu tiên được biết đến một loại khoai nhưng lại có tác dụng đối với sức khoẻ “không thua nhân sâm” nên đã đặt mua về sử dụng theo hướng dẫn, vừa ăn sống, chế biến hầm với xương hoặc ngâm rượu…

 

Chị Nguyễn Thị Huyền ở phường Hưng Dũng, thành phố Vinh đặt mua 5 kg khoai sâm thông qua Facebook cho biết, khoai sâm được bán qua mạng giá 35 ngàn đồng/kg, chưa kể phí vận chuyển. Chị Huyền đặt mua trước hết bởi tò mò, vì lần đầu tiên nghe nói đến loại khoai có nhiều tác dụng tốt như nhân sâm.

 

“Theo hướng dẫn của người bán và đọc các thông tin trên mạng Internet, tôi gọt vỏ ăn sống, thấy vị cũng khá ngọt mát, mùi thoang thoảng không nồng như khoai lang truyền thống. Tôi dùng một ít gọt vỏ để ngâm rượu, còn lại thì rải ra để nơi mát mẻ dùng dần. Nghe nói khoai này để càng lâu nước càng rút teo lại thì càng ngọt”.

 

Chị Lê Thị Vân, người trực tiếp trồng và cung cấp loại khoai sâm này cho biết, 2 năm nay chị bắt đầu thử nghiệm trồng loại khoai sâm trong khuôn viên vườn của gia đình tại xã Mường Lống, huyện biên giới Kỳ Sơn. Thực tế trồng và bán ở thị trường trong xã, trong huyện và mới đây bán ra thị trường ở thành phố Vinh cho thấy, giá bán khá cao, gấp 2-3 lần giá lúa, dao động 25-40 ngàn đồng/kg tuỳ số lượng mua và khoảng cách vận chuyển.

 

Chị Vân cho biết, chị có người quen ở Lào Cai giới thiệu cho biết về giống khoai sâm, giống cây trồng khá phổ biến ở tỉnh bạn, có nhiều đại lý thu mua loại nông sản này và chủ yếu xuất khẩu sang các nước lân cận, nhiều nhất là Trung Quốc. Thấy loài cây này có khả năng thích hợp với điều kiện tự nhiên ở Mường Lống nên chị mua một ít giống cây về trồng thử.

 

“Cây trồng 10 tháng mới cho thu hoạch. Tuy nhiên, với đặc điểm thích hợp với khí hậu lạnh và nơi có địa hình núi cao trên 800m so với mực nước biển, có thể trồng xen kẽ những hốc đá, nơi có lớp đất mùn ẩm, cây khoai sâm phát triển tốt và hầu như không phải chăm bón nhiều. Mỗi cây khoai đến kỳ thu hoạch có thể cho 4 -5 kg củ. Với khoảng 500m2 vườn có thể cho thu hoạch 5 - 6 tạ củ mỗi mùa. Giá bán củ có mầm khoai sâm giống ở Lào cai là 50 ngàn đồng/kg, cộng với chi phí vận chuyển đến Nghệ An , giá khoai sâm giống là 55 - 60 ngàn đồng/kg” - chị Vân cho biết.

 

Với năng suất khá cao và giá bán hiện tại, người trồng loại khoai này cho rằng, cây khoai sâm có tiềm năng phát triển kinh tế, song hiện nay loại nông sản này vẫn đang còn khá xa lạ với người tiêu dùng ở Nghệ An. Vì thế, sản phẩm sau khi thu hoạch hiện chỉ mới rao bán thủ công ở thị trường hẹp xung quanh khu vực trồng. Ngay tại Mường Lống, khoai sâm vẫn chưa được nhiều người dân biết đến.

 

“Vì vậy, tôi cũng chỉ trồng số lượng ít để bán chủ yếu cho khách quen, không dám mở rộng diện tích vì sợ đầu ra sẽ khó khăn, dẫn đến tình trạng “được mùa rớt giá”. Hơn nữa, với thời gian trồng 10 tháng mới cho thu hoạch, tôi cũng cân nhắc giữa việc trồng khoai sâm và trồng các loại nông sản khác phục vụ tiêu dùng gia đình và kinh doanh dịch vụ du lịch cộng đồng như trồng rau cải Mông, rau cải làm cảnh đẹp check-in tại các điểm homestay” - chị Lê Thị Vân bộc bạch.

 

Hiện nay, theo cán bộ UBND xã Mường Lống, hiện trên địa bàn xã cũng chỉ mới có hộ chị Lê Thị Vân trồng thử nghiệm, chủ yếu bán xung quanh khu vực từ Mường Lống đến thị trấn Mường Xén. Có một số ít cây khoai sâm cũng được công nhân khu dược liệu TH trồng nhưng chỉ để sử dụng trong gia đình, không bán.

 

Trên địa bàn huyện Kỳ Sơn, theo cán bộ Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, cây khoai sâm vẫn là loại nông sản “lạ” chưa có trong cơ cấu cây trồng của huyện, ngoại trừ ở xã Na Ngoi có cá nhân trồng thử nghiệm theo đề tài nghiên cứu khoa học, song vẫn đang trong giai đoạn bắt đầu, chưa có kết quả.

 

Bình luận