Nuôi 'vệ sỹ' cho vườn cây ăn quả có múi

Bình luận · 217 Lượt xem

Kiến vàng được người trồng cam ở Hà Tĩnh thu thập, nhân nuôi, giúp phòng chống hiệu quả sinh vật gây hại như nhện đỏ cam chanh, bọ trĩ, rệp muội, rầy xanh…

 

Tại huyện miền núi Vũ Quang (Hà Tĩnh), khoảng 5 năm trở lại đây, quy mô diện tích, số hộ sản xuất, sản lượng, hiệu quả kinh tế từ cây ăn quả có múi tăng lên theo từng năm. Đặc biệt, nông dân đã mạnh dạn áp dụng các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất cam, bưởi theo hướng hữu cơ.

 

Mới đây nhất, Trung tâm Bảo vệ thực vật (BVTV) vùng Khu IV (thuộc Cục BVTV) đã triển khai các mô hình áp dụng biện pháp sinh học (sử dụng kiến vàng Oecophylla smaragdina Fab.) trong phòng chống một số đối tượng sinh vật gây hại trên cây ăn quả có múi tại các xã Quang Thọ, Thọ Điền và Đức Lĩnh (huyện Vũ Quang) với quy mô 2ha/xã.

 

Ông Nguyễn Tuấn Lộc, Giám đốc Trung tâm BVTV vùng Khu IV cho biết, mô hình nuôi kiến vàng được triển khai thực hiện từ tháng 5/2023 theo nhiệm vụ "Phát triển ứng dụng quản lý sinh vật gây hại tổng hợp (IPM/IPHM) và biện pháp sinh học phòng chống sinh vật gây hại cây trồng" do Cục BVTV đề xuất, Bộ NN-PTNT giao triển khai thực hiện theo Quyết định số 2131/QĐ-BVTV-TC ngày 30/5/2023.

 

Sau khi chọn vườn cây ăn quả có múi trên 3 năm tuổi, cán bộ kỹ thuật của Trung tâm BVTV vùng Khi IV đã tổ chức tập huấn, hướng dẫn các nhà vườn loại bỏ nguồn kiến vàng cũ và loài kiến hôi trước khi đưa kiến vàng vào nuôi nhằm tránh hiện tượng tranh giành thức ăn giữa các loài kiến. Hai tuần trước khi thả kiến vàng, các vườn dừng sử dụng thuốc BVTV.

 

Trường hợp trên vườn không có sẵn nguồn kiến thì thu thập các tổ kiến trên các vườn cây lâu năm để đưa vào vườn nhân nuôi. Các tổ kiến được chọn để đưa về vườn nhân nuôi phải là các tổ có lá bao còn xanh, đường kính tổ trung bình từ 20cm trở lên và cấu tạo từ 2 lớp lá trở lên (các tổ này có kiến chúa và số lượng kiến cao). Các tổ kiến được thu thập trên cùng một cây để hạn chế hiện tượng kiến tiêu diệt lẫn nhau. Sau đó thả tổ kiến lên các chạc ba, chạc tư của cây có múi, chọn những cây có lá to và nhiều lá non. Ngay sau khi thả tổ kiến vào vườn, treo thức ăn cho kiến như ruột gà, vịt, đầu cá... lên cây ngay để kiến phục hồi nhanh.

 

Trong quá trình nuôi kiến, để kiến vàng phân bố đều trong vườn cây, tuyệt đối không sử dụng thuốc BVTV để phòng trừ các loài sâu hại. Chăng giây giữa các tán cây để tạo điều kiện cho kiến di chuyển từ cây này sang cây khác để săn mồi và làm tổ. Bổ sung thức ăn cho kiến vàng trên vườn định kỳ 1 tuần/lần để kiến có thể nhân được số lượng lớn.

 

“Quá trình theo dõi cho thấy, mô hình nhân nuôi kiến vàng ở huyện Vũ Quang phát triển rất tốt, góp phần phòng chống hiệu quả các sinh vật gây hại trên cây ăn quả có múi, giúp người sản xuất giảm chi phí đầu tư, nâng cao thu nhập trên đơn vị diện tích”, ông Nguyễn Tuấn Lộc, Giám đốc Trung tâm BVTV vùng Khu IV cho biết.

 

Gia đình ông Lê Quang Toại ở thôn Đăng, xã Thọ Điền (huyện Vũ Quang) có 2ha cam chanh, cam bù, cam đường 7 năm tuổi. Trước năm 2022, diện tích cam này bình quân mỗi năm phải phun 6 lần thuốc BVTV. Sản lượng thu hoạch giao động trên dưới 18 tấn nhưng giá bán cam chỉ đạt 12.000đ/kg nên lợi nhuận thu về không cao.

 

Sau khi đăng ký tham gia mô hình sản xuất cam hữu cơ vào đầu năm 2022 do Trung tâm Nông nghiệp hữu cơ (Học viện Nông nghiệp Việt Nam) triển khai và mô hình nuôi kiến vàng của Trung tâm BVTV vùng Khu IV, đến thời điểm này, vườn cam chỉ mới phải phun 3 lần chế phẩm sinh học, đàn kiến vàng từ 20 tổ nay đã được nhân lên hơn 30 tổ và đang có xu hướng tiếp tục tăng đàn.

 

“Trước đây trên vườn nhà tôi có kiến vàng nhưng do phun thuốc BVTV nên kiến bỏ đi hết. Bây giờ áp dụng quy trình sản xuất hữu cơ, kiến vàng phát triển nhiều nên diệt được các sinh vật gây hại như nhện đỏ cam chanh, bọ trĩ, rệp muội, rầy xanh...

 

Hơn nữa, nhờ kiến vàng tiêu diệt sinh vật gây hại hiệu quả nên không còn phải phun thuốc BVTV hóa học, môi trường trong lành, không gây hại tới sức khỏe người sản xuất, sản phẩm đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Về lâu dài, cách làm này cũng giúp đất đỡ bị ngộ độc và nâng cao tuổi thọ cho cây cam”, ông Lê Quang Toại chia sẻ.

 

Cấp 7 giấy chứng nhận hữu cơ trong tháng 10/2023

Để hình thành vùng sản xuất cây ăn quả đạt chứng nhận hữu cơ tập trung, từ tháng 2/2022, huyện Vũ Quang hợp tác với Trung tâm Nông nghiệp hữu cơ và tổ chức chứng nhận Vinacontrol TP.HCM đã thực hiện chương trình hỗ trợ các tổ hợp tác, HTX, các trang trại, hộ dân sản xuất cây ăn quả theo tiêu chuẩn hữu cơ.

 

Thạc sĩ Bùi Thị Hồng Hà, Giám đốc Trung tâm Nông nghiệp hữu cơ chia sẻ, các nội dung chính mà đơn vị đã hỗ trợ cho người sản xuất bao gồm: Xây dựng quy trình sản xuất cây cam theo tiêu chuẩn hữu cơ; đào tạo, tập huấn về các yêu cầu, nguyên tắc canh tác theo phương pháp hữu cơ TCVN 11041-2:2017; xây dựng kế hoạch sản xuất, hướng dẫn trồng, chăm sóc, phòng trừ và ngăn ngừa dịch hại, xây dựng và thực hiện ghi chép theo các biểu mẫu giám sát các quy trình từ kiểm soát giống, vật tư nông nghiệp, trồng, chăm sóc, thu hoạch và ghi nhãn sản phẩm hữu cơ.

 

Bên cạnh đó, hướng dẫn ghi chép nhật ký, giám sát thực hiện việc ghi chép nhật ký và các biểu mẫu phục vụ công tác đánh giá chứng nhận theo tiêu chuẩn hữu cơ. Đánh giá, kiểm tra, giám sát quá trình thực hiện sản xuất cam theo TCVN 11041 của tổ hợp tác, cá nhân…

 

“Nhờ sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ của nhà khoa học, nhà nước, doanh nghiệp và nhà nông nên đến thời điểm này, toàn huyện Vũ Quang đã xây dựng được 11 tổ hợp tác sản xuất cây lúa, cây cam, cây hồng theo tiêu chuẩn hữu cơ và theo hướng hữu cơ với diện tích 88,5ha.

 

Hiện tổ chức chứng nhận Vinacontrol TP.HCM đã cấp 7 giấy chứng nhận đang trong quá trình chuyển đổi sang sản xuất hữu cơ cho 3 tổ hợp tác, 3 hộ gia đình sản xuất cam, bưởi hữu cơ với tổng diện tích gần 31ha/19 hộ và 1 tổ hợp tác sản xuất hồng hữu cơ với diện tích hơn 3,7ha/7 hộ. Dự kiến trong tháng 10/2023 sẽ cấp giấy chứng nhận hữu cơ chính thức cho 7 cơ sở trên”, bà Nguyễn Thị Việt Hà, Bí thư Huyện ủy Vũ Quang phấn khởi thông tin.

 

Trang trại cam, bưởi hơn 2,3ha của hộ anh Phan Anh Toản ở thôn 6 xã Thọ Điền mặc dù mới thu hoạch được hơn 3 năm nhưng một số gốc cam đã có biểu hiện còi cọc, tỷ lệ đậu quả đạt thấp. Tham gia mô hình sản xuất hữu cơ vào đầu năm 2022, anh Toản đã chuyển hướng sử dụng hoàn toàn phân vi sinh bón cho cây, không phun thuốc BVTV, nuôi thêm kiến vàng để diệt sinh vật gây hại.

 

Năm nay, dự kiến sản lượng vườn bưởi của anh Toản tăng khoảng 6 – 8 tấn so với năm 2022 (ước tổng sản lượng 18 tấn), nếu bán với giá trung bình 25.000đ/kg, doanh thu đạt khoảng 450 triệu đồng.

 

Anh Toản chia sẻ: “Trước đây giá bán cam chỉ dao động ở mức 15.000 - 20.000đ/kg nhưng cam hữu cơ chúng tôi ước giá thấp cũng khoảng 25.000đ/kg. Tuy nhiên, hiện nay đầu ra sản phẩm đang phụ thuộc thương lái, chưa có đầu mối thu mua quy mô lớn nên giá trị của cam, bưởi hữu cơ chưa được đánh giá đúng tiềm năng”.

 

Người trồng cây ăn quả có múi ở Vũ Quang mong muốn chính quyền địa phương tiếp tục thu hút doanh nghiệp liên kết bao tiêu đầu ra ổn định cho người dân để bà con yên tâm duy trì đầu tư thâm canh theo tiêu chuẩn hữu cơ một cách bền vững.

 

Bà Nguyễn Thị Việt Hà, Bí thư Huyện ủy Vũ Quang cho biết, để khuyến khích nông dân đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng liên kết chuỗi giá trị, ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sinh thái bền vững, tháng 7/2022, HĐND huyện đã ban hành Nghị quyết số 41/NQ-HĐND quy định tạm thời một số chính sách phát triển nông nghiệp hữu cơ trên địa bàn huyện từ năm 2022 đến hết 2023.

 

Riêng cây ăn quả có múi, huyện hỗ trợ 50% chi phí mua giống, vật tư, phân bón hữu cơ vi sinh và chế phẩm sinh học để phòng trừ sâu bệnh cho tổ chức, cá nhân trồng cam, bưởi, chanh đạt chứng nhận hữu cơ, mức hỗ trợ tối đa không quá 30,5 triệu đồng/ha.

 

Hỗ trợ 100% kinh phí tư vấn, đánh giá, chứng nhận hữu cơ, mức hỗ trợ tối đa không quá 100 triệu đồng/mô hình, tổ chức, cá nhân.

 

Hỗ trợ 50% chi phí thiết kế in ấn, bao bì sản phẩm cam thông qua Hội cam và các sản phẩm nông nghiệp Vũ Quang…

 

Thanh Nga

Bình luận