Linh Trường là xã miền núi phía tây huyện Gio Linh (tỉnh Quảng Trị) được sáp nhập từ hai xã Linh Thượng và Vĩnh Trường từ tháng 3/2020. Dân số của xã chủ yếu là người đồng bào Bru - Vân Kiều (chiếm trên 95% dân số toàn xã). Xã có 86ha đất trồng lúa vụ đông xuân nhưng ở vụ hè thu do thiếu nước nên chỉ thực hiện được dưới 20% diện tích (Khoảng 16ha), diện tích bỏ hoang trên 80% (khoảng 70ha). Với địa hình vùng đồi và thung lũng, ruộng bậc thang, ít được đầu tư, canh tác thiếu khoa học nên đất đai dễ bị xói mòn và rửa trôi do mưa lũ.
Trước thực trạng trên, UBND xã Linh Trường đã phối hợp với nhiều cơ quan, đơn vị nhằm nghiên cứu các mô hình sản xuất phù hợp hơn trên các diện tích đất lúa thiếu nước.
Năm 2022, dự án nghiên cứu “Nghèo đa chiều, thương mại hóa nông nghiệp và tác động môi trường: Từ phát hiện xung đột đến xây dựng mô hình sinh kế bền vững cho cộng đồng vùng cao ở các nước đang phát triển” do Quỹ Nghiên cứu Thay đổi toàn cầu khu vực châu Á - Thái Bình Dương (Asia-Pacific Network for global change research - APN) và Trường Đại học Nông lâm Huế hỗ trợ đã phối hợp với UBND xã Linh Trường để hỗ trợ, thúc đẩy thực hiện mô hình chuyển đổi đất lúa kém hiệu quả, khó khăn về nước tưới sang trồng ngô.
Dự án đã hỗ trợ 10 hộ dân thôn Ba De (xã Linh Trường) 23kg ngô giống và 2.500kg phân bón để trồng trên diện tích 2,3ha. Giống ngô được hỗ trợ là ngô nếp HN88 và ngô lai PAC339 có khả năng hạn chế sự rửa trôi và thoái hóa đất trên địa hình ruộng bậc thang. Cùng với đó, dự án đã phối hợp cùng chính quyền địa phương tập huấn, hướng dẫn các hộ dân thực hiện các khâu quan trọng trong sản xuất như làm đất, lên luống, bón phân, gieo hạt, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh, thu hoạch.
Thôn Ba De có 104 hộ dân thì có đến 54 hộ nghèo (chủ yếu là đồng bào dân tộc Bru - Vân Kiều). Khi dự án triển khai, 10 hộ dân thôn Ba De đăng ký tham gia nay đã có thu nhập khá hơn.
Chị Hồ Thị Nghĩa ở thôn Ba De cho biết, cứ vào vụ hè thu là ruộng lúa đều phải bỏ hoang vì thiếu nước tưới. Phụ nữ ở thôn không có việc làm, phải đi làm nghề bóc vỏ cây tràm để kiếm thêm thu nhập nhưng rất nặng nhọc. Nay nhờ tham gia dự án, chị Nghĩa đã biết được thêm kỹ thuật trồng ngô và tham gia sản xuất với diện tích 2.000m2. Sau 3 tháng trồng, đã mang về cho gia đình chị nguồn thu nhập 9 triệu đồng, giúp gia đình chị trang trải thêm cho cuộc sống hàng ngày.
Gia đình bà Hồ Thị Hoa (cùng thôn Ba De) trồng hơn 3.000m2 ngô. Vào vụ thu hoạch, trung bình mỗi ngày bà cùng con hái ngô bán được 500 đến 800 nghìn đồng. "Từ lúc trồng ngô, gia đình bớt khó khăn, thân cây và lá để làm thức ăn cho 2 con bò, không phải lo chăn dắt, còn tiền bán ngô dùng mua sắm đồ dùng cần thiết cho các con. Trồng ngô cũng dễ hơn và không vất vả như làm các công việc khác, không phải chăm bón nhiều. Thu hoạch xong, chặt gốc, lấy nước vào ruộng rồi tổ chức làm đất để sản xuất vụ lúa mới”, bà Hoa phấn khởi.
Mô hình trồng ngô trên đất lúa thiếu nước trong vụ hè thu triển khai ở địa phương cho thấy nhiều tín hiệu tích cực, mang lại hiệu quả kinh tế cao, tăng hệ số sử dụng đất, tạo việc làm cho bà con.
Ông Lê Nhật Tân, Phó Chủ tịch UBND xã Linh Trường cho biết, bên cạnh hiệu quả kinh tế, tạo việc làm, mô hình đã giúp thay đổi tập quán sản xuất cho bà con bằng việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, sử dụng phân hữu cơ vi sinh nhằm tăng độ màu mỡ, tạo môi trường thuận lợi cho cây ngô phát triển tốt, hạn chế xói mòn, rửa trôi đất, bảo vệ môi trường sinh thái...
Phan Việt Toàn