Chuyển tư duy sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp

Bình luận · 236 Lượt xem

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái yêu cầu, cần phát huy tối đa vai trò nòng cốt, làm chủ của người nông dân trong phát triển kinh tế tập thể; chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, tích hợp đa giá

Ngày 12.10, tại Hà Nội, Bí thư Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái cùng gần 600 đại biểu, trong đó có 100 nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2023 và 63 hợp tác xã (HTX) nông nghiệp tiêu biểu, đã tham dự Diễn đàn Nông dân Quốc gia lần thứ VIII với chủ đề "Hội Nông dân Việt Nam tham gia phát triển kinh tế tập thể trong nông nghiệp".

 

Phát biểu tại diễn đàn, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cho biết, kinh tế tập thể là con đường để đưa nhân dân đến gần hơn với lý tưởng cao đẹp của chủ nghĩa xã hội.

 

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái đề nghị lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương, Hội Nông dân Việt Nam nhận thức đúng, đầy đủ về bản chất, vị trí, vai trò và tầm quan trọng của kinh tế tập thể trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Phó Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh, hợp tác xã, tổ hợp tác mới được thành lập phải hoạt động hiệu quả, thiết thực, có sự liên kết theo chuỗi với nhau. Đồng thời, phải tạo được chuỗi liên kết bền vững giữa hợp tác xã/tổ hợp tác với doanh nghiệp, với nhà nước, nhà khoa học, ngân hàng.

 

Các hợp tác xã cần nhanh chóng, tích cực ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật mới vào hoạt động sản xuất kinh doanh; vào các khâu sản xuất, chế biến, nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường trong nước và quốc tế.

 

Trung ương Hội Nông dân Việt Nam chủ trì, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các bộ, cơ quan liên quan khẩn trương trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án "Hội Nông dân Việt Nam tham gia phát triển kinh tế tập thể trong nông nghiệp".

 

Cần phát huy tối đa vai trò nòng cốt, làm chủ của người nông dân trong phát triển kinh tế tập thể; khơi dậy khát vọng, ý chí làm giàu của cán bộ, hội viên nông dân.

 

Phó Thủ tướng nhấn mạnh, trong đề án phải đề xuất các giải pháp để "gia cố" cho trụ đỡ của nền kinh tế đất nước ngày càng mạnh và bền vững.

 

Đối với những vấn đề còn khó khăn, phức tạp, Phó Thủ tướng Chính phủ đề nghị các lãnh đạo bộ, cơ quan cần chủ động tham mưu, báo cáo với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ để có giải pháp kịp thời tháo gỡ khó khăn.

 

Tiếp đó, cần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước đối với lĩnh vực kinh tế tập thể. Ưu tiên nguồn lực, bố trí kinh phí, cán bộ theo dõi các nội dung về đổi mới kinh tế tập thể, hợp tác xã ở cơ quan, đơn vị từ trung ương tới địa phương.

 

Xây dựng và quy hoạch các vùng nguyên liệu gắn với hợp tác xã, khuyến khích các doanh nghiệp tham gia đầu tư nhiều hơn nữa vào nông nghiệp, nông thôn.

 

Coi phát triển kinh tế tập thể là nhiệm vụ chính trị xuyên suốt, từ đó dành nguồn lực tương xứng cho sự phát triển của các hợp tác xã, tổ hợp tác.

 

"Trong quá trình triển khai phải đặc biệt quan tâm tới chất lượng", Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái nhấn mạnh.

 

Xây dựng cơ chế, chính sách để đào tạo, bồi dưỡng, thu hút đội ngũ trí thức trẻ về làm việc tại các hợp tác xã, đáp ứng đòi hỏi ngày càng cao trong xây dựng chuỗi giá trị, hội nhập quốc tế.

 

Tăng cường các chương trình ký kết, hợp tác với các học viện, trường đại học trong đào tạo nguồn nhân lực cho phát triển hợp tác xã, tổ hợp tác; song song với đó là chính sách đào tạo tại chỗ theo hướng cầm tay, chỉ việc, "học phải đi đôi với hành".

 

Phó Thủ tướng Chính phủ nêu rõ, một yếu tố hết sức quan trọng là các hợp tác xã phải chủ động, sáng tạo, đổi mới cách nghĩ, cách làm, chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, tích hợp đa giá trị.

Bình luận