Xây dựng nông thôn mới ở Đông Giang

Bình luận · 213 Lượt xem

Trước tiến độ thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới ở Đông Giang còn nhiều trở lực, huyện đã đề ra các giải pháp để đảm bảo lộ trình đưa các xã về đích.

 

 MỚI

 

NÔNG THÔN MỚI

Xây dựng nông thôn mới ở Đông Giang

CÔNG TÚ | 12/10/2023 09:15Theo dõi Báo Quảng Nam trên 

Trước tiến độ thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới ở Đông Giang còn nhiều trở lực, huyện đã đề ra các giải pháp để đảm bảo lộ trình đưa các xã về đích.

Đời sống của người dân vùng cao Đông Giang còn rất nhiều khó khăn. Ảnh: C.T

Đời sống của người dân vùng cao Đông Giang còn rất nhiều khó khăn. Ảnh: C.T

Gian khó

 

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Đông Giang lần thứ XIX (nhiệm kỳ 2020 - 2025) xác định mục tiêu đến cuối năm 2025 có 1 xã đạt chuẩn nông thôn mới (NTM) kiểu mẫu, 1 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, 2 xã đạt chuẩn NTM; bình quân chung số tiêu chí đạt chuẩn NTM toàn huyện 16,7 tiêu chí/xã; không còn xã đạt dưới 15 tiêu chí.

 

Tính đến cuối tháng 9/2023, Đông Giang có 2 xã đạt chuẩn NTM là xã Ba và xã Tư. Dự kiến đến cuối năm nay, các xã xây dựng NTM toàn huyện đạt bình quân là 12,3 tiêu chí (theo bộ tiêu chí mới), tăng 2,28 tiêu chí so với năm 2022.

 

Song nhìn lại, việc đưa xã Ba trở thành “Xã NTM kiểu mẫu” (đạt chuẩn NTM năm 2015) cũng như xã Tư (đạt chuẩn NTM năm 2019) về đích “Xã NTM nâng cao” vào năm 2025 gặp không ít lực cản.

 

Trước hết, bộ tiêu chí mới về xây dựng NTM yêu cầu chất lượng cao hơn nhiều so với bộ tiêu chí cũ. Đáng lo hơn, xã Ba, xã Tư phải áp dụng theo bộ tiêu chí xã đồng bằng vì là xã loại 1. Hai xã được “chọn mặt gửi vàng” về đích NTM năm 2025 là Mà Cooih và Jơ Ngây cũng gặp khó khi phải đáp ứng tiêu chuẩn của bộ tiêu chí mới.

 

Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Giang - ông Đinh Văn Bảo chia sẻ, thống kê bình quân thu nhập đầu người tại xã Jơ Ngây năm 2022 mới đạt 30 triệu đồng/năm. Từ nay đến năm 2025, xã làm gì để nâng thu nhập bình quân lên 48 triệu đồng/người/năm rõ ràng không hề đơn giản.

 

Có thể nhận thấy, Đông Giang triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện giữa điều kiện huyện miền núi cao còn rất nhiều gian khó. Tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số khu vực nông thôn chiếm hơn 80%; trình độ sản xuất, thu nhập còn thấp. Trong khi đó, năng lực lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện xây dựng NTM ở cấp xã, thôn lại hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ đặt ra.

 

Định mức hỗ trợ xây dựng thôn NTM kiểu mẫu thấp, bình quân 500 triệu đồng/thôn, như các thôn thực hiện sáp nhập theo Nghị quyết số 42 ngày 26/12/2018 của HĐND tỉnh. Đặc biệt, đại dịch COVID-19 ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe nhân dân, kìm hãm tăng trưởng kinh tế của địa phương, tác động đáng kể đến quá trình xây dựng NTM.

 

Tạo sức bật mới

 

Theo ông A Vô Tô Phương - Chủ tịch UBND huyện Đông Giang, mặc dù gặp không ít khó khăn, thách thức nhưng với sự vào cuộc quyết liệt, thường xuyên của cả hệ thống chính trị, phong trào xây dựng NTM, thôn NTM kiểu mẫu cũng đã đạt được một số kết quả quan trọng. Các công trình trọng điểm hình thành làm thay đổi diện mạo nông thôn của huyện miền núi.

 

Đơn cử, dự án Khu du lịch sinh thái Cổng trời Đông Giang do Tập đoàn FVG đầu tư với tổng kinh phí hơn 1.200 tỷ đồng đưa vào hoạt động giai đoạn 1 đã giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động địa phương; kích thích các ngành khác, như thương mại - dịch vụ, nông nghiệp phát triển.

 

Nhằm đưa các xã còn lại về đích xã NTM giai đoạn 2023 - 2025 và tầm nhìn đến 2030, Đông Giang xác định xây dựng NTM là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên và liên tục.

 

Ông Đinh Văn Bảo cho biết, huyện đã quán triệt lãnh đạo các địa phương phải định vị cho được xã mình đang ở đâu; muốn tăng thu nhập thì tăng bằng cách nào; làm sao tăng cho bền vững. Để từ đó, địa phương xây dựng lộ trình thực hiện, giải quyết từng vấn đề cốt lõi. Bộ tiêu chí là kim chỉ nam cho hành động, vì thế phải triển khai cho thật sự cụ thể, định lượng chứ không định tính.

 

“Mình định lượng năm nay sẽ làm được 10 chẳng hạn, nếu chỉ đạt 7 thì sang năm tiếp tục thực hiện chứ không nói chung chung” - ông Đinh Văn Bảo chia sẻ.

 

Thời gian đến, Đông Giang sẽ tập trung thực hiện nhiều giải pháp trọng tâm. Trong đó, công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý điều hành thực hiện xây dựng thôn NMT kiểu mẫu phải được tăng cường. Quán triệt, tuyên truyền vận động nâng cao nhận thức đến cán bộ, đảng viên, các tổ chức, đơn vị và người dân.

 

Tập trung chỉ đạo quyết liệt, tạo chuyển biến rõ nét, đạt mục tiêu theo từng nhóm xã. Nâng cao chất lượng công tác quy hoạch và phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội cơ bản đồng bộ, đảm bảo hạ tầng kết nối vùng phục vụ sản xuất, đời sống người dân.

 

Ông A Vô Tô Phương cho hay, huyện tiếp tục đôn đốc các xã triển khai lập kế hoạch xây dựng NTM giai đoạn 2022 - 2025; phương án phấn đấu xây dựng thôn đạt chuẩn NTM kiểu mẫu giai đoạn 2022 - 2025; đề án phát triển kinh tế nông thôn tổng hợp, nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn giai đoạn 2023 - 2025, định hướng đến năm 2030.

 

Cùng với đó, Đông Giang tập trung nâng cao chất lượng văn hóa, giáo dục, y tế, môi trường; bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống Cơ Tu theo hướng bền vững gắn với phát triển kinh tế du lịch nông thôn. Đẩy mạnh các dịch vụ hành chính công; giữ vững quốc phòng - an ninh và trật tự xã hội nông thôn. Huy động và quản lý, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực để xây dựng NTM...

Bình luận