Tăng cường thích ứng EUDR cho cấp huyện

Bình luận · 591 Lượt xem

Để thông tin và các quy định của thị trường đến sớm với người nông dân, các tổ chức quốc tế đề xuất ưu tiên nguồn lực cho các đơn vị cấp cơ sở.

Dồn lực cho cấp huyện

Để phát triển 7 ngành hàng dầu cọ, đậu nành, gỗ, gia súc, ca cao, cà phê, cao su và các sản phẩm có nguồn gốc từ nhóm này thích ứng với Quy định không phá rừng của liên minh châu Âu (EUDR), từ giữa năm 2022 Bộ NN-PTNT đã phối hợp Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) khởi động dự án "Quản lý cảnh quan bền vững toàn diện thông qua cách tiếp cận địa bàn phát triển bền vững không gây mất rừng tại Lâm Đồng và Đắk Nông" (dự án iLandscape).

Bài liên quan

Được thực hiện trong 4 năm từ 2022 tới 2026, dự án iLandscape đặt mục tiêu vào năm 2026 sẽ có 25.000ha rừng tự nhiên được bảo vệ, giảm lượng phát thải tương đương khoảng 3 triệu tấn CO2, đồng thời cải thiện sinh kế cho 35% dân số trong vùng dự án, đặc biệt là đồng bào dân tộc ít người và phụ nữ.

Với tổng ngân sách 5 triệu euro, dự án do EU tài trợ thông qua UNDP tại Việt Nam. Ngoài ra, 4 tổ chức quốc tế cung cấp hỗ trợ kỹ thuật cho dự án là: Trung tâm Nông nghiệp Nhiệt đới Quốc tế (CIAT), Viện Lâm nghiệp Châu Âu (EFI), Sáng kiến Thương mại Bền vững (IDH) và Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP).

Dự án iLandscape gồm 4 hợp phần, trong đó tập trung xây dựng hệ thống quản trị hiệu quả, bao gồm các công cụ, quy trình quản lý và quy hoạch sử dụng đất tích hợp được thiết lập ở cấp huyện và tỉnh.

Bà Bùi Hòa Bình, cán bộ UNDP Việt Nam, cho biết việc xây dựng và vận hành các PPI (đối tác công tư) ở cấp huyện là một trong những ưu tiên của dự án iLandscape. Hiện UNDP chọn 4 huyện, gồm Đắk R’lấp, Đắk G’long (tỉnh Đắk Nông) và Di Linh, Lạc Dương (tỉnh Lâm Đồng) để xây dựng, vận hành 4 PPI cấp huyện.

“Mục tiêu của PPI là tạo ra khuôn khổ thảo luận thường xuyên giữa các bên và điều phối các hoạt động sản xuất nông nghiệp, bảo vệ rừng, an sinh xã hội trên địa bàn huyện”, bà Bình chia sẻ.

Các bên tham gia vào mô hình PPI có UBND huyện, các cơ quan liên quan cấp tỉnh, các HTX, các công ty sản xuất, chế biến, thương mại nông sản, các hiệp hội ngành hàng, các tổ chức nghiên cứu và phát triển, các tổ chức cộng đồng, các cơ quan đoàn thể như hội nông dân, hội phụ nữ… trên địa bàn huyện.

Song song với việc nâng cao năng lực cho cấp huyện, phía UNDP nêu thêm cơ chế hợp tác thông qua vận hành hệ thống các chỉ số giám sát và đánh giá quá trình chuyển đổi cảnh quan theo hướng bền vững. Đó là, xây dựng bộ chỉ số cấp tỉnh và huyện có tham chiếu tới các quy định REDD+, VPA-FLEGT và thậm chí là EUDR. Ngoài ra, cần thảo luận với các bên liên quan, đặc biệt là UBND cấp huyện để tích hợp bộ chỉ số trong giám sát thực hiện quy hoạch tỉnh và quy hoạch sử dụng đất cấp huyện.

Tây Nguyên là thủ phủ cà phê của Việt Nam, chiếm hơn 90% tổng diện tích cả nước.

Tây Nguyên là thủ phủ cà phê của Việt Nam, chiếm hơn 90% tổng diện tích cả nước.

Chương trình PPI là một cách tiếp cận mới được Tổ chức Sáng kiến Thương mại Bền vững (IDH) phát triển ở những khu vực địa lý khác nhau, nhằm cân bằng giữa các hoạt động phát triển kinh tế, an sinh xã hội và bảo vệ tài nguyên thiên nhiên.

Trên địa bàn hai huyện Di Linh, Lạc Dương (tỉnh Lâm Đồng), IDH đã triển khai thí điểm. Các hoạt động chính được tập trung như bảo vệ rừng và cơ chế tái sinh vùng vành đai và đất xâm lấn; xây dựng mô hình cụm cảnh quan cà phê arabica bền vững - thương hiệu thị trường trong nước và xuất khẩu; rau hoa an toàn, xây dựng mô hình dịch vụ nông nghiệp, tư vấn phân tích đất và sử dụng hóa chất nông nghiệp; quản lý bảo vệ rừng và sinh kế.

Mục tiêu hướng tới năm 2025 là 100% diện tích cà phê, rau, hoa sản xuất ra đạt tiêu chuẩn bền vững được thị trường đón nhận, giảm lượng sử dụng hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật 15% và tăng thu nhập của nông dân trồng cà phê từ 15% trở lên. Đây được xem là những tiền đề để triển khai có hiệu quả dự án iLandscape cũng như các hoạt động hỗ trợ thích ứng EUDR.

Tập trung cho EUDR

Trong các quy định của EUDR, phía địa phương và doanh nghiệp bị buộc thẩm định bắt buộc trước khi đưa hàng hóa vào thị trường EU. Cụ thể, doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng phải thiết lập và vận hành hệ thống thẩm định nhằm đảm bảo chỉ những sản phẩm không gây hay liên quan mất rừng và hợp pháp mới được phép nhập khẩu vào hoặc xuất khẩu từ EU.

Đồng thời, truy xuất nguồn gốc hàng hóa nghiêm ngặt đến từng lô đất sản xuất, dựa trên tọa độ GPS.

Với thực trạng các ngành hàng chủ lực tại Tây Nguyên như cà phê, cao su, gỗ…, việc truy xuất nguồn gốc theo GPS là một nỗi trăn trở. Ông Phạm Tuấn Anh, Giám đốc Sở NN-PTNT Đắk Nông cho biết, diện tích cà phê của tỉnh khá lớn (khoảng 140.000ha), nhưng sản xuất quy mô nông hộ, nhỏ lẻ còn khá nhiều. Chính vì vậy, Đắk Nông chưa có cơ sở dữ liệu đến từng lô, thửa.

“Chúng ta chỉ còn thời hạn đến cuối năm 2024. Với thời gian triển khai quá ngắn như vậy, nguồn lực để thực hiện là một hạn chế không nhỏ”, ông Tuấn Anh trăn trở.

Thuận lợi của Đắk Nông là UBND tỉnh đã chỉ đạo toàn ngành nông nghiệp tập trung thực hiện đề án chuyển đổi số ngành nông nghiệp. Cùng với diện tích cà phê đa phần được trồng ổn định từ nhiều năm nay; diện tích rừng đã được đưa vào quản lý nghiêm ngặt, đặc biệt là đối với những diện tích có nguồn gốc phá rừng từ sau ngày 31/12/2020 đã được đưa vào quản lý và phục hồi rừng.

Điều ngành nông nghiệp Đắk Nông đang cần, theo ông Phạm Tuấn Anh, là những hướng dẫn, đào tạo, tập huấn để cà phê của tỉnh đáp ứng được với EUDR.

Nâng cao năng lực cấp huyện giúp người nông dân dễ và sớm tiếp cận hơn với thông tin thị trường.

Nâng cao năng lực cấp huyện giúp người nông dân dễ và sớm tiếp cận hơn với thông tin thị trường.

Trên cơ sở đó, Tổ chức IDH đề xuất xây dựng hệ thống thông tin vùng trồng. Dựa vào hiện trạng dữ liệu, bản đồ rừng theo phân loại 3 loại rừng, Đắk Nông, Lâm Đồng và các tỉnh Tây Nguyên chịu sự điều chỉnh của EUDR sẽ cập nhật ranh giới rừng theo hiện trạng ngày 31/12/2020, chỉ rõ các khu vực dễ bị tác động, tổn thương do sản xuất nông nghiệp. Ngoài ra, chuyển đổi dữ liệu và bản đồ rừng sang hệ thống bản đồ phù hợp để các doanh nghiệp dễ tiếp cận và sử dụng.

Về dữ liệu, IDH nêu phương án chuyển đổi dữ liệu bản đồ địa chính sang dạng bản đồ KMZ với các thông tin gồm: Mã vườn - Tọa độ (GPS) - Ranh giới - Diện tích - Chủ/đơn vị sở hữu - Loại đất theo mục đích sử dụng -  Nhóm cây trồng.

Bên cạnh đó, với những khu vực vùng trồng chưa có cơ sở dữ liệu, UNDP, IDH cam kết bố trí nguồn lực của các dự án như iLandscape, hoặc PPI cấp huyện để cập nhật thông tin vùng trồng theo từng ngành hàng, đồng thời khoanh vẽ thêm các khu vực vùng trồng theo 3 cấp độ rủi ro thấp, rủi ro trung bình và rủi ro cao liên quan đến rừng.

“Với ưu tiên trước mắt dành cho đối tượng trực tiếp tác động đến các vùng có nguy cơ gây suy giảm hoặc mất rừng, chúng tôi sẽ gấp rút hỗ trợ hệ thống thông tin và bản đồ vùng trồng tại cấp huyện đáp ứng yêu cầu EUDR. Các vùng trồng được phân loại theo mức độ rủi ro, làm cơ sở cho việc xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm cà phê”, đại diện IDH cho biết.

Với quan điểm xây dựng cơ sở chuẩn, đa dạng phục vụ cho hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm các ngành hàng khác trong tương lai, IDH đề nghị Trung ương, địa phương, các Bộ, ban, ngành phối hợp thành lập các tổ công tác ở cấp huyện. Tổ chức này sẽ liên tục cập nhật các thông tin về EUDR từ nhóm công tác Trung ương, từ đó báo cáo UBND tỉnh và thông báo cho UBND các huyện để trao đổi thông tin về các giải pháp đang thực hiện tại địa phương

Bình luận