New Zealand xem xét nới lỏng kiểm dịch với quả có múi Việt Nam

Bình luận · 217 Lượt xem

Bên cạnh bỏ một loài rệp sáp khỏi danh sách sinh vật gây hại, New Zealand còn nghiên cứu thay đổi quy trình kiểm tra lô hàng trong dự thảo vừa gửi lên WTO.

Văn phòng SPS Việt Nam cho biết vừa nhận các thông báo từ New Zealand về dự thảo các biện pháp kiểm dịch thực vật đối với một số loại quả tươi nhập khẩu từ Việt Nam.

 

Theo đó, Bộ Các ngành công nghiệp cơ bản (MPI) của New Zealand đang xem xét đề xuất loại bỏ yêu cầu cơ quan bảo vệ thực vật quốc gia (NPPO) kiểm tra từng lô của người trồng. Thay vào đó, nhà nhập khẩu có thể xác định tính đồng nhất của lô theo tiêu chuẩn ISPM 31.

 

Ngoài ra, phía bạn còn cho biết, dự kiến sẽ loại bỏ đối tượng kiểm dịch là rệp sáp (Planococcus minor) đối với một số sản phẩm có múi như chanh, bưởi của một số quốc gia, trong đó có Việt Nam.

 

Các dự thảo nới lỏng biện pháp kiểm dịch này đã được gửi để xin ý kiến các quốc gia liên quan. New Zealand dự kiến thông qua dự thảo vào ngày 1/11/2023 và 6 tháng sau, dự thảo sẽ có hiệu lực.

 

Tháng 11/2022, hai nước đã ký kết mở cửa thị trường xuất khẩu cho sản phẩm chanh và bưởi của Việt Nam nhân chuyến thăm Hà Nội của Thủ tướng New Zealand, bà Jacinda Ardern. Đây là loại quả thứ tư và thứ năm được xuất khẩu từ Việt Nam sang New Zealand (sau xoài, thanh long và chôm chôm).

 

Trong số các nông sản này, chanh là sản phẩm được New Zealand ưa chuộng. Đại sứ New Zealand tại Việt Nam, bà Tredene Dobson đánh giá, chanh là nguyên liệu cần thiết cho ngành nhà hàng khách sạn vốn rất phát triển tại quốc gia Châu Đại Dương.

 

Giá chanh bán tại thị trường New Zealand có thể lên tới khoảng 700.000 đồng/kg. Ngoài chanh, người dân nước này cũng ưa chuộng các sản phẩm trái cây nhiệt đới khác.

 

Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ 14 của New Zealand và thương mại hai chiều giữa hai nước đã tăng 59% trong 5 năm qua, đạt 1,6 tỷ USD vào năm 2022. Trong số này, hơn 40% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang New Zealand là nông sản.

 

Hai bên đang đặt mục tiêu kim ngạch thương mại hai chiều sẽ đạt 2 tỷ USD vào năm 2024.

 

Bình luận