Xuất khẩu thủy sản tăng tốc

Bình luận · 189 Lượt xem

Sau thời gian dài liên tục khó khăn do đơn hàng giảm sút mạnh, từ tháng 9, các doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu thủy sản đang tăng tốc cho mùa cao điểm tiêu thụ cuối năm.

Theo một số doanh nghiệp, năm 2022 xuất khẩu thủy sản tăng tốc ngay từ đầu năm và khi bước sang quý 4 thì chậm lại, nhưng năm nay ngược lại, tăng tốc vào những tháng cuối năm.

Mặt hàng chủ lực khởi sắc

Ông Trần Anh Khoa, Tổng giám đốc Công ty TNHH Anh Khoa (Cà Mau), một trong những doanh nghiệp có thế mạnh trong lĩnh vực chế biến và xuất khẩu tôm sú, lạc quan: Thị trường đang nhộn nhịp, đặc biệt là thị trường Trung Quốc. Từ cuối tháng 9, thị trường này đã bắt đầu sôi động trở lại để chuẩn bị hàng cho dịp Tết Trung thu và nghỉ lễ Quốc khánh kéo dài. Hiện nay Trung Quốc và các thị trường đang vào cao điểm chuẩn bị hàng cho mùa tiêu thụ cuối năm như Noel, Tết tây, Tết Nguyên đán.

Riêng thị trường Trung Quốc, lượng khách hàng tìm đến chúng tôi đang tốt hơn so với cùng kỳ năm trước. Thị trường Hồng Kông và Trung Quốc rất thích mặt hàng tôm sú vì chất lượng tốt và màu sắc đẹp, phù hợp cho các dịp lễ tết và sum họp gia đình. Các thị trường quan trọng như Nhật Bản, EU, Mỹ lượng đơn hàng quay trở lại cũng tăng. Đặc biệt là Mỹ, hàng tồn kho giảm và đặc biệt việc nâng cấp quan hệ ngoại giao với VN giúp đơn hàng tăng theo.

Bàn về thị trường Mỹ, ông Hồ Quốc Lực, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Thực phẩm Sao Ta (FIMEX) ở Sóc Trăng, khẳng định: Chúng ta vẫn giữ vững thị trường ở phân khúc hàng giá trị gia tăng và cung cấp cho các kênh phân phối lớn vì đây là lợi thế rất lớn của VN mà các nước khác chưa thể so sánh. Trong khi đó, ở các phân khúc khác VN bị cạnh tranh quyết liệt, đặc biệt là từ Ecuador. Họ có lợi thế là ở gần hơn nên chi phí vận chuyển thấp. Giá tôm của Ecuador đang thấp hơn VN gần 2 USD/kg, nên về lâu dài sản phẩm tôm của VN sẽ còn cạnh tranh vất vả. Tuy nhiên trong thời gian qua các doanh nghiệp đã chuẩn bị chu đáo, khi thị trường cần thì doanh nghiệp có khả năng đáp ứng tốt các yêu cầu.

 

Trong khi đó, đại diện một doanh nghiệp xuất khẩu cá tra ở An Giang chia sẻ: So với năm 2022 thì tình hình hiện tại dù khả quan nhưng vẫn rất khó khăn khi giảm cả về lượng, kim ngạch và giá bán. "Về bản chất, năm 2022 là một năm đột phá của ngành xuất khẩu thủy sản; các con số tăng trưởng có yếu tố lịch sử không chỉ của ngành mà của cả nhiều doanh nghiệp. Nếu cứ dựa vào đó so sánh sẽ rất khó. Chính vì vậy chúng tôi không đặt nặng việc so sánh tốc độ tăng trưởng với cùng kỳ năm ngoái mà tìm kiếm sự cải thiện qua từng tháng hoặc so với trung bình nhiều năm. Hiện nay, với cách tính như vậy thì tốc độ tăng trưởng đang có chiều hướng tích cực. Nhưng thành thật mà nói, năm nay doanh nghiệp chỉ có doanh thu chứ không đạt lợi nhuận vì giá bán giảm mạnh. Mục tiêu của chúng tôi chỉ là duy trì hoạt động để nuôi quân", đại diện doanh nghiệp chia sẻ.

 

Theo Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản VN (VASEP), trong tháng 9 xuất khẩu thủy sản của VN đạt 862 triệu USD, tương đương cùng kỳ năm 2022. Trong đó, xuất khẩu thủy sản sang Mỹ, Trung Quốc, EU đều hồi phục, tăng từ 4 - 17% so với cùng kỳ năm 2022. Trong tháng 9, một số sản phẩm chủ lực đã lấy lại sự cân bằng so với cùng kỳ năm ngoái, như xuất khẩu tôm và cá ngừ đều đạt mức tương đương với tháng 9.2022. Đáng chú ý là sự hồi phục của mặt hàng cá tra với mức tăng trưởng dương gần 9% so với cùng kỳ năm ngoái. Xuất khẩu các sản phẩm khác như mực, bạch tuộc, cua ghẹ, nhuyễn thể có vỏ vẫn thấp hơn cùng kỳ, nhưng mức giảm chỉ từ 6 - 12%. 

Bình luận