Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và PTNT: Hợp tác xã ngày càng thể hiện tính ưu việt trong liên kết nông dân

Bình luận · 187 Lượt xem

Ngày 12/10 tới, Hội Nông dân Việt Nam chủ trì tổ chức Diễn đàn Nông dân Quốc gia lần thứ VIII, chủ đề: Hội Nông dân Việt Nam tham gia phát triển kinh tế tập thể trong nông nghiệp. Nhân dịp này, Dân Việt đã có cuộc trao đổi v

Đánh giá về tình hình phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã (HTX) trong thời gian qua, ông Lê Đức Thịnh - Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn (Bộ NNPTNT) nhấn mạnh, trong quá trình phát triển kinh tế xã hội nói chung, nhất là từ sau khi có Nghị quyết 20, HTX đã thể hiện được vai trò, bản chất, tính ưu việt của mình.

 

Ông đánh giá như thế nào về phong trào phát triển kinh tế tập thể, HTX trong thời gian qua?

 

- Những năm qua, phong trào phát triển kinh tế tập thể, HTX rất mạnh mẽ, số lượng HTX ngày càng tăng, chất lượng hoạt động ngày càng hiệu quả, thu hút đông đảo các thành viên tham gia.

 

Đơn cử như trong lĩnh vực nông nghiệp, đến nay, cả nước có 20.000 HTX nông nghiệp, đáng chú ý chất lượng các HTX đã có sự thay đổi đáng kể. Năm 2022, lần đầu tiên trong hơn 2 năm, số lượng thành viên các HTX xuống thấp, chỉ đạt 3,2 triệu thành viên trong số 9 triệu hộ nông dân, thì bước sang năm 2023, số lượng thành viên nông dân tham gia HTX gia tăng trở lại, đạt 3,8 triệu thành viên, tăng 600.000 thành viên so với năm ngoái, nâng số lượng thành viên bình quân trên mỗi HTX đạt 200 thành viên. Con số này cho thấy, HTX ngày càng thu hút nông dân tham gia, chứng tỏ hiệu quả, lợi ích mà HTX mang lại cho thành viên.

 

 

Tổ chức Diễn đàn Nông dân Quốc gia lần thứ VIII về phát triển kinh tế tập thể

 

Ngày 12/10 tới, tại Trung tâm Hội nghị 37 Hùng Vương, Hà Nội, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam chủ trì, phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ NNPTNT, Bộ Công Thương tổ chức Diễn đàn Nông dân Quốc gia lần thứ VIII năm 2023 với chủ đề: Hội Nông dân Việt Nam tham gia phát triển kinh tế tập thể trong nông nghiệp.

 

Theo Ban Tổ chức, diễn đàn lần này sẽ được nghe một số báo cáo tham luận và tập trung vào thảo luận các chủ đề chính, đó là: Thực trạng phát triển kinh tế tập thể nói chung và tình hình hoạt động của các HTX, tổ hợp tác do Hội Nông dân Việt Nam vận động, hỗ trợ thành lập; Chia sẻ kinh nghiệm, bài học và cơ chế, chính sách nhằm khuyến khích thành lập các HTX, tổ hợp tác trong nông nghiệp; Thúc đẩy phát triển kinh tế tập thể trong nông nghiệp, tạo chuỗi liên kết đa giá trị…

 

Tham gia thảo luận các vấn đề cụ thể tại diễn đàn sẽ có đại diện các HTX tiêu biểu, các nông dân xuất sắc, đại diện lãnh đạo Hội Nông dân các tỉnh, thành phố; đại diện các bộ, ngành, chuyên gia, nhà khoa học, doanh nghiệp nhằm chia sẻ kinh nghiệm thực tế.

 

Các đóng góp của HTX đã thể hiện như thế nào, thưa ông?

 

- Chất lượng phát triển của HTX thể hiện qua việc ngày càng có nhiều HTX tham gia chuỗi giá trị, ứng dụng công nghệ, thích ứng với biến đổi khí hậu. HTX đóng vai trò quan trọng, là đầu mối, nhiều HTX tạo ra vị trí trong chuỗi, liên kết với doanh nghiệp tổ chức cho nông dân sản xuất các sản phẩm nông nghiệp đạt tiêu chuẩn mà thị trường yêu cầu hoặc tiêu chuẩn xuất khẩu ngày càng khắt khe. Đáng chú ý, số lượng các loại nông sản còn tồn dư lượng hóa chất, không đạt tiêu chuẩn xuất khẩu ngày càng ít đi. Có được kết quả này, sự đóng góp của các HTX là không nhỏ.

 

Trong thời gian qua, ở nhiều địa phương, nhất là những địa bàn còn khó khăn chưa thu hút được nhiều doanh nghiệp đầu tư, lúc này, HTX đã thể hiện vai trò liên kết, khai thác tốt các tiềm năng địa phương. 

 

Đơn cử như ở Hà Giang, Gia Lai… sự phát triển của các HTX đã góp phần khai thác các giá trị sản phẩm bản địa, tiềm năng của địa phương, nhiều HTX không chỉ đóng góp cho phát triển sản phẩm nông nghiệp mà còn tổ chức nông dân tạo ra giá trị khác như làm du lịch, bảo vệ môi trường, giúp cho nền nông nghiệp phát triển đúng định hướng là nền nông nghiệp sinh thái, chất lượng an toàn và minh bạch.

 

Đáng chú ý, sau khi có Nghị quyết 20-NQ/TW Hội nghị Trung ương 5, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về phát triển kinh tế tập thể trong thời kỳ mới, các địa phương đã định hướng, xây dựng kế hoạch chiến lược hỗ trợ HTX đầy đủ, bài bản. Trên cơ sở đó, các cơ chế, chính sách dành cho HTX cũng có nhiều thay đổi.

 

Qua đánh giá ở các địa phương, việc xây dựng các vùng nguyên liệu lớn, tập trung thì vai trò của HTX rất quan trọng, là cầu nối giữa doanh nghiệp và nông dân. HTX không chỉ là tác nhân trung gian mà còn đồng hành cùng bà con trong tư vấn nâng cao trìnhđộ, năng lực của nông dân trong sản xuất hàng hóa. Nói tóm lại, trong quá trình phát triển kinh tế, xã hội nói chung, nhất là từ sau khi có Nghị quyết 20, HTX đã thể hiện được vai trò, bản chất, tính ưu việt của mình.

 

Tuy vậy, các HTX ở Việt Nam vẫn đang gặp một số khó khăn như năng lực quản trị của đội ngũ cán bộ HTX còn yếu; đa số HTX thiếu vốn để hoạt động; các cơ chế, chính sách cho HTX đã có nhưng không phải lúc nào cũng tiếp cận được; mối liên kết giữa nông dân, HTX đôi chỗ còn lỏng lẻo.

 

- Qua theo dõi, đánh giá của Bộ NNPTNT thời gian qua cho thấy, điểm mấu chốt là khi các HTX tham gia chuỗi giá trị, sản xuất theo chuỗi thì sẽ có triển vọng phát triển tốt hơn. Một trong những điều đáng mừng là ngày càng nhiều HTX tham gia sản xuất theo chuỗi. Nếu như cách đây 5 năm (khoảng năm 2017, 2018), khi đánh giá tổng kết 5 năm thực hiện Luật HTX chỉ có 15 – 16% HTX tham gia chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị, thì hiện nay con số này đạt 30% trong số 20.000 HTX nông nghiệp.

 

Các HTX tham gia chuỗi là người tổ chức ở phía đầu chuỗi, thực hành quy trình sản xuất để đảm bảo sản phẩm an toàn, đáp ứng yêu cầu của vùng nguyên liệu và thị trường tiêu thụ. Gần đây, nhiều HTX ngoài doanh thu lớn còn đi sâu vào khâu trước đây còn yếu như sơ chế, chế biến phân loại nông sản trước khi chuyển về cho doanh nghiệp, nhà máy chế biến.

 

Điển hình như HTX Vĩnh Cường ở Hòa Bình (Bạc Liêu). Đây là HTX chuyên sản xuất lúa gạo có 600 thành viên, có 3.000ha lúa sản xuất tập trung. HTX còn có 15 cán bộ kỹ thuật trẻ, tốt nghiệp đại học, về làm việc cho HTX. Đội ngũ này không chỉ quản trị tốt 3.000ha lúa mà còn liên kết với nhiều HTX, nông dân trong và ngoài tỉnh để tiêu thụ 10.000ha lúa cho bà con, đảm bảo khâu giống đầu vào, giúp giảm 20% chi phí sản xuất.

 

Hay một loạt HTX tham gia liên kết phát triển đại điền ở Thái Bình, mô hình mới trong quá trình hiện đại hóa, công nghiệp hóa. Các hộ đó đã tổ chức lại thành câu lạc bộ, HTX, tổ chức dịch vụ từ đầu vào đến đầu ra, khai thác tốt tiềm năng đất đai.

 

Từ những mô hình này có thể thấy, nếu không tổ chức lại sản xuất, không thúc đẩy kinh tế tập thể thì khó cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng hàng hóa tập trung, chất lượng minh bạch.

 

Thời gian tới, Bộ NNPTNT tiếp tục thực hiện các chương trình phát triển kinh tế tập thể, HTX mang tính bài bản, quan trọng là xây dựng HTX như một thể chế thiết yếu ở nông thôn, góp phần nâng cao phúc lợi cho nông dân.

 

Xin cảm ơn ông!

Bình luận