Cách làm 'độc lạ' của HTX Nông sản hữu cơ Bechamp

Bình luận · 186 Lượt xem

Dù thành lập chưa lâu, nhưng nhờ định hướng canh tác hữu cơ ngay từ đầu nên chỉ vài năm, sản phẩm của HTX này đã có chỗ đứng ở thị trường trong, ngoài nước.

 

HTX Nông sản hữu cơ Bechamp (xã Trường Xuân, huyện Đắk Song, tỉnh Đắk Nông) thành lập tháng 5/2021, canh tác và chế biến hồ tiêu, cà phê, sầu riêng. Thành công của Bechamp cho thấy, canh tác theo quy trình hữu cơ là yêu tố tiên quyết để thành công.

 

Quyết tâm thoát vòng luẩn quẩn

Những năm gần đây, canh tác nông nghiệp hữu cơ đã trở thành xu thế và ngày càng phổ biến trên khắp mọi miền nông thôn. Không chỉ do nhu cầu xuất khẩu đến những thị trường khắt khe, mà ngay cả người tiêu dùng trong nước cũng yêu cầu ngày càng cao về chất lượng sản phẩm nông nghiệp. Trong khi đó, lối canh tác truyền thống, lạc hậu, lạm dụng hóa chất đã gây nhiều hệ lụy cho nông dân, người tiêu dùng và cả môi trường.

 

 

“Cái vòng lẩn quẩn được mùa mất giá năm nào cũng tái diễn, nguyên nhân chỉ có một, đó là do sản phẩm kém chất lượng, không an toàn. Nông dân chúng tôi quanh năm đầu tắt mặt tối, vất vả như vậy, nhưng khi thu hoạch lại bị thương lái chê ỏng chê eo, rồi không bán được, nhiều loại nông sản bỏ thối ngoài đồng chẳng thèm thu hoạch, rồi lại phải "giải cứu"…

 

Nhưng chỉ cần mình thay đổi quy trình canh tác từ truyền thống sang hiện đại, chuẩn hữu cơ, thì vị thế của sản phẩm đã khác ngay. Minh chứng rõ nhất là các sản phẩm của HTX Bechamp chúng tôi giá cao hơn trước 30%, trong khi chi phí đầu tư phân bón thấp hơn gần 1 nửa, sản phẩm chẳng lo lắng đầu ra, có thể xuất đi nước ngoài”, ông Lê Đình Hùng, Giám đốc HTX Nông sản hữu cơ Bechamp mở đầu câu chuyện.

 

Nói về HTX Bechamp, ông Hùng kể: “Năm 2015, tôi mới về vùng đất Đắk Nông này lập nghiệp, mua được mấy ha vườn trồng tiêu, cà phê. Ban đầu cũng canh tác theo lối truyền thống như hầu hết mọi người ở đây, nhưng càng làm tôi càng thấy mặt trái của lối canh tác cũ. Đó là tình trạng lạm dụng phân vô cơ, thuốc trừ sâu gây thoái hóa đất, ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người lao động.

 

Bên cạnh đó, nông dân một nắng hai sương nhưng sản phẩm làm ra lại không có giá, kém chất lượng, chỉ bán quanh quẩn chứ khó tìm được cơ hội có mặt ở các thị trường lớn nước ngoài. Và tôi hiểu một điều là cần phải thay đổi nếu muốn tồn tại và phát triển bền vững”.

 

Sau mấy năm mày mò, nghiên cứu và tham gia các lớp tập huấn, tháng 5/2021, ông Hùng quyết định thành lập HTX Nông sản hữu cơ Bechamp, với sự cố vấn của ông Hà Công Xã, chuyên viên Liên minh HTX Đắk Nông, người không chỉ đam mê nông nghiệp hữu cơ mà còn có vốn kiến thức chuyên sâu về quy trình canh tác hữu cơ.

 

Giải thích về cái tên của HTX, ông Hùng cho biết, đó là tên nhà khoa học chuyên ngành vi sinh vật Antoine Béchamp, người có nhiều đóng góp cho nông nghiệp hữu cơ thông qua nguyên lý đảo đường dựa trên nền tảng vi sinh vật để cân bằng hệ sinh thái, phân lập và nhân nuôi một số dòng lợi khuẩn. Cái tên của HTX được lấy theo tên của nhà khoa học Antoine Béchamp chính là mong muốn HTX sẽ kiên định theo hướng canh tác hữu cơ, bảo vệ môi trường, đảm bảo sức khoẻ người lao động và người tiêu dùng bằng sản phẩm sạch.

 

Đến nay, sau hơn 2 năm thành lập, HTX Bechamp đã có 30 thành viên chính thức với tổng diện tích hơn 75ha, gồm 40ha cà phê, 23,5ha tiêu, còn lại là sầu riêng. Ngoài ra, HTX còn có hơn 100 thành viên liên kết.

 

“HTX đã chuẩn hoá quy trình canh tác hữu cơ bằng 6 nguyên tắc. Kết quả bước đầu cho thấy hồ tiêu tăng 30% giá trị, cà phê tăng 50%. Trong đó, sản phẩm chủ lực của HTX là cà phê hữu cơ Champi Nắng vàng có giá cao nhất 300.000 đồng/kg. Đây là sản phẩm cà phê được rang xay tự nhiên bằng công nghệ Probat, không thêm chất phụ gia hay bất kỳ hương liệu, chất bảo quản nào, 100% tự nhiên”, ông Lê Đình Hùng, Giám đốc HTX Nông sản hữu cơ Bechamp cho biết.

 

6 nguyên tắc độc đáo của Bechamp

Ông Hà Công Xã, chuyên viên Liên minh HTX Đắk Nông cho biết, trước khi quyết định đi theo con đường canh tác hữu cơ, ông và một số thành viên HTX Nông sản hữu cơ Bechamp đã tìm hiểu nhiều mô hình ngay tại huyện Đắk Song và thấy họ đã đạt chứng nhận Organic (chứng nhận USDA – NOP của Mỹ), chứng nhận Jas của Nhật Bản…, sản phẩm đã được xuất khẩu với giá trị cao hơn 40% so với sản phẩm thường. Đó là động lực để các thành viên HTX quyết tâm đi theo hướng canh tác hữu cơ.

 

Tuy nhiên, Bechamp lại có cách làm độc đáo hơn, đó là vận hành vườn hữu cơ theo nguyên lý vi sinh vật có lợi và xác bã động thực vật. Toàn bộ thành viên HTX áp dụng quy trình tự nhân nuôi vi sinh vật có lợi để ứng dụng vào sản xuất phân bón vi sinh, chế phẩm phòng trừ sâu, trừ nấm sinh học.

 

Nguồn đạm hữu cơ được ủ từ cá, đậu tương…, nguồn kali được ủ từ thân và quả chuối, trung vi lượng từ bí đỏ…, lân được lấy từ quá trình ngâm xương động vật, vỏ trứng, vỏ ốc… Phương pháp này giúp giảm chi phí phân bón khoảng 15 triệu đồng/ha cây công nghiệp dài ngày, một hộ gia đình đang sản xuất 3ha sẽ giảm được chi phí phân bón khoảng 45 triệu đồng/năm, đây là con số không nhỏ đối với nông dân.

 

Ngoài ra, khi thực hiện quy trình canh tác hữu cơ, Bechamp còn chuẩn hoá 6 nguyên tắc vận hành, bao gồm “2 nền tảng” là sử dụng vi sinh vật có lợi và xác bã động thực vật; “2 không” là không sử dụng thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ, phân bón hóa học; “2 bắt buộc”, tức nông dân tự lập, nhân nuôi các dòng vi sinh vật có lợi để phục vụ sản xuất, sử dụng vi sinh vật để sản xuất ra thuốc trừ nấm, trừ sâu dựa trên 4 yếu tố cay, nóng, đắng, lợi khuẩn để giải quyết sâu bệnh; “2 khuyến khích” là khuyến khích nông dân trồng cây đa tầng nhằm mục đích cân bằng hệ sinh thái, hạn chế phá vỡ cấu trúc tự nhiên của đất; “2 kiểm soát” gồm kiểm soát chặt chẽ quá trình từ đầu vào, thu hoạch đến chế biến, bảo quản sau thu hoạch; và nguyên tắc cuối cùng “2 mục tiêu” là giảm chi phí đầu vào trong quá trình sản xuất và đảm bảo chất lượng sản phẩm đồng đều.

 

6 nguyên tắc trên được ban lãnh đạo HTX truyền đạt cho các xã viên bằng những buổi tập huấn. Không chỉ học lý thuyết, các thành viên còn được thực hành tại trang trại, được trực tiếp hướng dẫn thực hành nhân nuôi vi sinh vật (lợi khuẩn), sản xuất chế phẩm phòng trừ sâu sinh học, tham quan quy trình ngâm ủ phân bón hữu cơ...

 

Chị Đinh Thị Thức, thành viên HTX Bechamp có 3ha cà phê xen canh sầu riêng cho biết, ngày xưa canh tác theo cách cũ, năng suất kém, chi phí phân, thuốc nhiều nên lời ít. “Chưa kể sản phẩm luôn bị các đơn vị thu mua chê bẩn nên giá thấp lắm. Mình làm vất vả mà sản phẩm bị chê, buồn lắm chứ. Nhưng từ ngày tham gia HTX đến giờ, sản phẩm bán dễ, giá cao, không còn bị chê, thấy thấy tự hào trong lòng”, chị Thức nói.

 

Là một trong những người tiên phong áp dụng biện pháp sản xuất hữu cơ trên vườn cà phê, hồ tiêu tại địa phương, ông Quang Văn Sáu (thành viên HTX Bechamp) cho biết, canh tác hữu cơ không khó, lại lợi đủ đường.

 

“Sau khi tham gia các buổi tập huấn của HTX, rồi thực hành kỹ ngoài vườn, tôi về tự ủ phân, chế phẩm phòng trừ sâu sinh học cho vườn tiêu, cà phê. Tôi thấy quy trình làm cũng đơn giản, nguyên liệu làm các chế phẩm này đều rất rẻ nên chi phí đầu tư cũng giảm bình quân 30 - 40% so với trước. Trong khi giá trị sản phẩm lại tăng tương ứng. Còn vườn cây thì ngày càng xanh tốt hơn, riêng cây tiêu không bị nhiễm các bệnh chết nhanh, chết chậm, không bị nấm bệnh, tuyến trùng tấn công. Đất mềm, xốp, mát hơn, cỏ được cắt bằng máy, cắt xong rải ngay xuống đất chứ không cần dọn đi đâu. Bây giờ ra vườn cà phê, vườn tiêu, cảm giác mát mẻ, không khí trong lành, thích lắm”, ông Sáu nói.

 

“Mong muốn trước mắt của chúng tôi là cải thiện thu nhập cho bà con, lâu dài là phát triển bền vững, bảo vệ sức khoẻ con người, bảo vệ đất, môi trường. Mục tiêu trong tương lai gần là nâng cao giá trị nông sản, làm sao để sản phẩm của chúng tôi được chính các doanh nghiệp lớn trong, ngoài nước đến tận nơi ký hợp đồng hợp tác”, ông Lê Đình Hùng nói.

 

Khương Hồng Thủy

Bình luận