Loại trái cây ngon này ở Tiền Giang đem làm kẹo ăn thấy ham luôn

Bình luận · 257 Lượt xem

Bén duyên và trở thành cây trồng chủ lực ở vùng đất phèn Tân Phước (Tiền Giang), cây khóm không chỉ góp phần mang lại quả ngọt giúp cho người dân nơi đây phát triển kinh tế, vươn lên khá giàu, mà cây khóm còn góp nên hương v

Phát triển kinh tế từ kẹo khóm

 

Không ai nhớ rõ, kẹo khóm có từ khi nào, mà người dân nơi đây chỉ nhớ mỗi khi vào vụ thu hoạch khóm, những trái khóm nhỏ, không đủ tiêu chuẩn khi bán khóm trái, nếu bỏ đi thì tiếc nên bà con nảy ra ý định làm kẹo, mứt ăn thử trong gia đình. 

 

Rồi từ cái ăn thử thấy ngon, nên dần dần kẹo khóm được bà con huyện Tân Phước làm để bán và cũng từ việc sản xuất kẹo mà thời gian qua đã phần nào giúp các hộ gia đình tăng thêm thu nhập.

 

Gắn bó với nghề làm kẹo khóm này hơn 10 năm qua, chị Nguyễn Thị Bé Em, ấp Tân Hưng Phú, xã Tân Hòa Tây (huyện Tân Phước, tỉnh Tiền Giang) chia sẻ: kẹo khóm được chế biến từ các nguyên liệu rất đỗi thân quen như: trái khóm chín cùng với đậu phộng, mè, gừng, đường,..., tất cả hòa quyện vào nhau theo tỷ lệ thích hợp. 

 

Thế nhưng, để làm ra mẻ kẹo khóm thơm ngon, thì đòi hỏi người thợ phải thật khéo tay, tỉ mỉ và trải qua nhiều công đoạn, trong đó khó nhất là công đoạn sên bởi phải canh cho đủ lửa thì kẹo mới dẻo và thơm.

 

Hiện cơ sở làm kẹo khóm của chị Bé Em hoạt động ổn định. Ngày thường, chị Bé Em làm mỗi ngày khoảng 20kg kẹo. Vào mùa Tết, chị cùng với các thành viên trong gia đình làm sản lượng tăng gấp 5 - 6 lần để đủ giao kẹo cho khách hàng. Hiện kẹo khóm của cơ sở chị bán ra có mức giá là 90.000 đồng/kg.

 

Còn đối với chị Lý Thị Ngọc Hương (thị trấn Mỹ Phước) đã mạnh dạn vay vốn khởi nghiệp từ cây khóm. Chị Hương cho biết: "Xuất phát ý tưởng khởi nghiệp từ cây khóm là do nhu cầu của thị trường và nhu cầu đầu ra của các hộ nông dân trồng khóm tại địa phương, tôi đã sản xuất dòng sản phẩm từ khóm thân thiện với môi trường. Trong thời gian qua, tôi tập trung sản xuất các mặt hàng: kẹo khóm, nước ép khóm, nước màu khóm để cung cấp cho người tiêu dùng". 

 

Năm 2018, chị Hương được Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) thị trấn Mỹ Phước giới thiệu tham gia Lớp kỹ năng quản lý kinh doanh cơ bản (do Hội LHPN tỉnh Tiền Giang phối hợp với Tổ chức Na Uy tại Việt Nam tổ chức tại huyện Tân Phước).

 

Chị được trang bị các kỹ năng quản lý kinh doanh, xác định được mục tiêu kinh doanh, làm sổ sách bài bản, nắm bắt thị hiếu của khách hàng, quảng bá sản phẩm, chia sẻ kinh nghiệm và hợp tác làm ăn..., đã giúp chị Hương kinh doanh thành công hơn.  

 

Chị Hương đã đăng ký nhãn hiệu sản phẩm với tên "Tâm Đức" để đặt cho cơ sở sản xuất sản phẩm khóm sạch của mình, với quan niệm: Trong kinh doanh cần phải đặt chữ "tâm" và "đức" lên hàng đầu. 

 

Hiện tại, cơ sở Tâm Đức sản xuất 3 sản phẩm sạch từ khóm: Kẹo khóm, nước ép khóm và nước màu khóm. Các sản phẩm đều đảm bảo từ nguồn nguyên liệu sạch, sản xuất không chất bảo quản; sử dụng giấy, hộp thân thiện với môi trường để gói kẹo khóm và đóng chai nước ép khóm, nước màu khóm, được nhiều người biết đến và ưa chuộng bởi chất lượng sản phẩm, sự uy tín, mẫu mã đẹp...

 

*Góp phần phát triển du lịch 

 

Kẹo khóm là một trong những sản phẩm đặc trưng của huyện Tân Phước và đã đạt chứng nhận OCOP. Thời gian qua, huyện đã và đang đẩy mạnh phát triển du lịch nông nghiệp gắn với sản phẩm OCOP, những sản phẩm thế mạnh, chủ lực của Tân Phước; du khách sẽ được trải nghiệm tham quan các cơ sở sản xuất, mua sắm sản phẩm OCOP. 

 

Trong quá trình tham quan, mua sắm sản phẩm kẹo khóm, du khách sẽ được thông tin về những điểm đặc biệt của sản phẩm như: nguồn nguyên liệu, quá trình chế biến, sản xuất kẹo khóm và cả giá trị sử dụng, giá trị văn hóa tinh thần...

 

Chị Đào Thị Kim Nương, Chủ tịch Hội LHPN xã Tân Hòa Tây chia sẻ: Hiện trên địa bàn xã có nhiều hộ sản xuất kẹo khóm, nước màu khóm, nước ép khóm, trong đó, tập trung nhiều nhất là ở ấp Tân Hưng Phú với 20 hộ. 

 

Để gắn kết phát triển du lịch với các sản phẩm, lãnh đạo các ngành, huyện luôn vận động hộ kinh doanh đảm bảo các tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm; đảm bảo chất lượng; giữ gìn, phát huy hương vị đặc trưng của kẹo khóm...; hỗ trợ các hộ kinh doanh xây dựng thương hiệu, kết nối tiêu thụ sản phẩm...

 

Một lần đoàn du lịch từ Thành phố Hồ Chí Minh đến tham quan tại Thiền viện Trúc Lâm Chánh Giác, khi về không quên dừng chân, tham quan, mua những hộp kẹo khóm ngọt ngào mang về làm quà. 

 

Cô Lê Thị Lan (Thành phố Hồ Chí Minh) đã chọn mua 10 hộp kẹo khóm, bộc bạch: Sản phẩm có nhãn mác, được gắn sao OCOP rõ ràng. Không những thế, tôi còn được tận mắt thấy được quy trình chế biến; được người bán giới thiệu cặn kẽ về cách thức chế biến độc đáo, thể hiện nét văn hóa ẩm thực của người Tân Phước. Tôi và các thành viên trong đoàn rất tin tưởng để chọn mua...

 

Ngày nay, trái khóm cũng như kẹo, mứt được làm từ khóm đã không còn quanh quẩn trong địa phương nữa mà đã bước ra thị trường với hương vị khó quên. Dù đi đâu, mỗi thực khách xa gần vẫn mãi không quên hương vị "rất riêng" của kẹo khóm, ngọt ngào tình đất, tình người của vùng đất Tân Phước, Tiền Giang.

Bình luận