Trong khi đó, về đầu tư nước ngoài (FDI), từ đầu năm đến nay Bình Định đã thu hút 5 dự án đăng ký đầu tư mới, với tổng vốn đầu tư là 38,2 triệu USD; điều chỉnh tăng vốn 4 dự án, với số vốn tăng 26,28 triệu USD. Tính đến nay, Bình Định có 90 dự án FDI với tổng vốn đăng ký trên 1,18 tỷ USD. Qua đó, góp phần giải quyết một lượng lớn lao động địa phương và thu hút lực lượng lao động chất lượng cao làm việc tại Bình Định.
Làn sóng đầu tư vào Bình Định trong thời gian qua được xem là một tín hiệu tích cực cho sự phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương. Để có thể về đích sớm so với kế hoạch năm 2023 trong thu hút đầu tư, một trong những nhiệm vụ trọng tâm quý IV/2023 của Bình Định là tiếp tục mời gọi đầu tư vào nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, góp phần nâng cao giá trị sản xuất ngành nông, lâm, ngư nghiệp.
Cụ thể, mới đây tỉnh đã thông báo mời đầu tư vào dự án Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển tôm. Theo đó, dự án này được xây dựng tại xã Mỹ Thành, huyện Phù Mỹ, có tổng diện tích đất sử dụng gần 219 héc ta, bao gồm khu sản xuất, chế biến tôm chiếm gần 198 héc ta. Dự án có tổng vốn đầu tư dự kiến gần 1.200 tỷ đồng.
Dự kiến, đến quý II/2028, toàn bộ các hạng mục công trình của dự án sẽ vận hành và đi vào hoạt động với nhà máy chế biến tôm công suất 20.000 tấn tôm thương phẩm/năm; nhà máy sản xuất thức ăn thủy sản công suất 100 nghìn tấn/năm; khu nuôi tôm thương phẩm công nghệ cao với tổng sản lượng tôm thương phẩm đạt 7.000 tấn nguyên liệu tôm/năm.
Được biết, nhằm hỗ trợ cho các nhà đầu tư, Bình Định đang tập trung thực hiện cải cách thủ tục hành chính, nỗ lực giảm thời gian thực hiện các thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực đầu tư từ 32 ngày xuống 25 ngày. Thời gian tới, tỉnh tiếp tục tăng cường cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, ưu tiên thu hút đầu tư phát triển các nhóm ngành kinh tế then chốt, tạo đột phá cho tăng trưởng kinh tế của địa phương nằm trọng vùng kinh tế trọng điểm miền Trung.