Cựu Giám đốc điều hành Câu lạc bộ Hoàng Anh Gia Lai trồng tiêu hữu cơ

Bình luận · 208 Lượt xem

Câu chuyện về ông Huỳnh Mau, nguyên Giám đốc điều hành Câu lạc bộ bóng đá Hoàng Anh Gia Lai về làm nông nghiệp hữu cơ đã khiến nhiều người bất ngờ và thán phục.

Đam mê nền nông nghiệp sạch

Dẫn chúng tôi dạo quanh trang trại rộng gần 20ha trồng tiêu hữu cơ cùng các loại cây ăn quả, ông Huỳnh Mau (xã Nam Yang, huyện Đăk Đoa, tỉnh Gia Lai) cho biết, gần 20 năm gắn bó với thể thao, không phải hết đam mê với bóng đá mà ông muốn dành khoảng thời gian còn lại cho lĩnh vực nông nghiệp vốn được ông yêu thích từ nhỏ.

Ông Huỳnh Mau năm nay đã ngoài 60 tuổi. Trước đó, ông được nhiều người biết đến với vai trò Giám đốc điều hành của Câu lạc bộ bóng đá Hoàng Anh Gia Lai trong nhiều năm. Ông là người từng đồng hành với lứa cầu thủ tài năng như Công Phượng, Tuấn Anh, Xuân Trường, Văn Toàn…

 

Năm 2018, ông xin về nghỉ hưu để thỏa lòng đam mê với lĩnh vực nông nghiệp sạch, thân thiện với môi trường. Hiện trang trại của ông có khoảng 5ha trồng tiêu theo tiêu chuẩn hữu cơ. Ngoài ra, trang trại còn sở hữu vườn cây đa canh với hơn 2.000 cây cà phê, 600 cây sầu riêng, hàng trăm cây bơ, cam, cao su…

 

Khi được hỏi vì sao lại chọn cây tiêu để sản xuất hữu cơ, ông Huỳnh Mau chia sẻ: “Cây tiêu vốn được xem là cây truyền thống đã tạo nên thương hiệu của vùng đất xã Nam Yang, cùng với cà phê và khoai lang. Chính vì vậy, tôi muốn có thể cùng với bà con gây dựng thương hiệu tiêu sạch, an toàn, mang lại lợi ích kinh tế cho gia đình và người dân".

 

Theo ông Huỳnh Mau, làm nông nghiệp nếu cứ quan tâm nhiều đến năng suất mà không chú trọng đến môi trường và sức khỏe thì sẽ không thể bền vững. Đặc biệt, các loại thuốc bảo về thực vật rất độc hại, nếu không hướng đến nền nông nghiệp sạch giống như các nước tiên tiến đang làm thì sẽ rất dễ thất bại.

Từ đó, ông Huỳnh Mau suy nghĩ phải làm điều gì đó khác với mọi người, trồng tiêu theo hướng hữu cơ, thân thiện với môi trường để bảo vệ sức khỏe cho chính mình, người tiêu dùng và cộng đồng, bảo vệ môi trường sinh thái. Tại đây, ông bắt đầu sử dụng nhiều hơn phân bò và bánh dầu đậu phộng để chăm sóc cho vườn cây. Khi đó, may mắn ông được các doanh nghiệp và HTX tư vấn xây dựng quy trình trồng tiêu hữu cơ theo tiêu chuẩn organic do tổ chức Control Union (Mỹ) kiểm định.

 

Để đạt chuẩn tiêu hữu cơ, vườn tiêu phải chịu sự kiểm tra nghiêm ngặt, định kỳ nhân viên của tổ chức Control Union đến lấy mẫu lá, thân, quả tiêu mang đi kiểm định. Việc lấy mẫu luôn đột xuất, không báo trước thời gian và lựa chọn ngẫu nhiên lô hàng lấy mẫu.

 

“Đầu tiên, chúng ta phải 'nói không' với thuốc bảo vệ thực vật và phân bón hóa học, chỉ sử dụng phân hữu cơ như phân bò, vỏ cà phê, tro.... Bên cạnh đó, vườn tiêu phải luôn để cỏ mọc tự nhiên để giúp đất tơi xốp, vi sinh vật phát triển”, ông Huỳnh Mau chia sẻ.

 

Tiêu hữu cơ đứng vững trước "bão" dịch bệnh

Vườn tiêu hữu cơ cũng dễ bị mất mùa, mất sản lượng nhưng bù lại, ông Huỳnh Mau không dùng thuốc bảo vệ thực vật nên đất đai luôn tươi tốt, nhiều dinh dưỡng, cây tăng tuổi thọ và khả năng chống chịu sâu bệnh tốt. Quan trọng nhất, trồng hữu cơ sẽ bảo vệ được sức khỏe cho gia đình và người tiêu dùng.

Chính vì chăm sóc tiêu theo hướng hữu cơ nên trước đại dịch tiêu “chết trắng” hàng loạt vào năm 2017 - 2018, vườn tiêu của gia đình ông Mau không bị ảnh hưởng nhiều. Đồng thời, việc chăm sóc tiêu hữu cơ mang lại giá cả ổn định, thị trường tiêu thụ rộng và giảm được rủi ro trong nông nghiệp.

 

Hiện vườn tiêu hữu cơ của ông Huỳnh Mau luôn bán được với giá cao hơn thị trường khoảng 20 - 30%. Chẳng hạn, có những thời điểm tiêu canh tác bình thường có giá 80.000 - 85.000 đồng/kg thì tiêu hữu cơ của ông Huỳnh Mau được thu mua với giá 100.000 - 110.000 đồng/kg. 

 

Năm 2021, vườn tiêu thu hoạch gần 30 tấn, bán với giá dao động từ 60.000 - 70.000 đồng/kg. Đến với vụ mùa năm nay, do ảnh hưởng của thời tiết bất lợi, tiêu bị mất mùa, ước sản lượng chỉ gần 20 tấn, tuy nhiên giá tiêu năm nay lại cao và ông Huỳnh Mau đã xuất bán một ít cho các đơn vị thu mua ở Bắc Ninh với giá 110.000 đồng/kg.

 

Nhờ tiêu hữu cơ được thu mua với giá cao nên mang lại lợi nhuận khá cho gia đình ông Mau, đủ bù lại chi phí do giá vật tư đầu vào tăng cao, nhất là giá xăng dầu, giá nhân công, chi phí bảo quản... đều tăng cao trong thời gian gần đây. Ông Mau cho biết, mong muốn trong thời gian tới sẽ đưa cây sầu riêng và các loại cây khác trồng theo hướng hữu cơ để đưa sản phẩm sạch đến với người tiêu dùng.

Ông Nguyễn Tấn Công, Giám đốc HTX Nông nghiệp và Dịch vụ Nam Yang (xã Nam Yang, huyện Đăk Đoa) cho biết, canh tác bền vững theo tiêu chuẩn hữu cơ được xem là xu hướng của thị trường, cũng như bảo vệ môi trường, sức khỏe của người dân.

 

Trang trại của ông Huỳnh Mau đã canh tác theo hướng này và đã được cấp chứng nhận hữu cơ, qua đó tạo được sự bền vững, sức khỏe của cây trồng, môi trường và sức khỏe con người. Canh tác hữu cơ cũng giúp chu kỳ khai thác cây trồng được kéo dài, thu nhập ổn định hơn, ít rủi ro, chứ không phải vụ trúng, vụ mất...

 

Trang trại đa canh của gia đình ông Huỳnh Mau đang tạo công ăn việc làm cho khoảng 20 lao động địa phương, chủ yếu là bà con dân tộc thiểu số trên địa bàn. Vào chính vụ thu hái, số lượng nhân công có thể tăng lên 30 người. Ngoài tiền lương, các lao động được hỗ trợ nhu yếu phẩm để cải thiện đời sống, có sức khỏe và trách nhiệm hơn trong công việc. Từ mô hình của gia đình ông Huỳnh Mau, nhiều bà con trong vùng cũng đã mạnh dạn học hỏi áp dụng để cùng nhau hướng đến nên nông nghiệp sạch, phát triển bền vững.

Bình luận