Hình thành vùng nguyên liệu cho phát triển sản phẩm OCOP

Bình luận · 205 Lượt xem

Để triển khai chương trình OCOP hiệu quả, bền vững, các chủ thể trên địa bàn tỉnh đã nâng cao nhận thức, chú trọng xây dựng vùng nguyên liệu để phát triển sản xuất, bảo đảm ổn định lượng sản phẩm đáp ứng nhu cầu

Tháng 11-2022, sản phẩm gạo Hoa Minh của HTX dịch vụ nông nghiệp và phát triển nông thôn Xuân Minh (Thọ Xuân) được công nhận là sản phẩm OCOP cấp tỉnh. Đây là dấu mốc quan trọng bảo đảm cho chất lượng của sản phẩm trên thị trường. Nhờ “cú hích” từ chương trình, sức tiêu thụ của sản phẩm gạo Hoa Minh cũng tăng lên đáng kể.

Bà Đỗ Thị Hoa, Giám đốc HTX, cho biết: Để sản phẩm gạo Hoa Minh được công nhận OCOP, chúng tôi đã xây dựng được vùng nguyên liệu khoảng 10 ha theo tiêu chuẩn VietGAP. Đây là giống lúa mới, hạt gạo thon, dài, màu trắng sáng và có hương thơm nhẹ. Khi nấu tỏa thơm tự nhiên, gạo cho cơm ngọt, dẻo, hạt cơm không bị rời mà kết dính với nhau, để nguội cơm vẫn mềm nên được người tiêu dùng ưa chuộng và sử dụng nhiều hơn. Nhằm đáp ứng nhu cầu của thị trường, từ vụ xuân 2023, HTX đã chủ trương mở rộng diện tích sản xuất, hình thành vùng sản xuất quy mô lớn để tạo ra sản phẩm đồng đều về chất lượng, mẫu mã cung ứng cho thị trường.

Được biết, mỗi vụ, HTX dịch vụ nông nghiệp và phát triển nông thôn Xuân Minh đã tổ chức liên kết với các hộ dân sản xuất khoảng 30 ha giống lúa mới. Đồng thời, tổ chức tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật sản xuất cho các hộ xã viên để tạo nguồn nguyên liệu ổn định khoảng hơn 20 tấn lúa cho sản xuất sản phẩm Gạo Hoa Minh.

Với mong muốn thúc đẩy hình thức tổ chức sản xuất quy mô lớn gắn với chuỗi giá trị và tạo vùng nguyên liệu cho sản xuất sản phẩm OCOP, Công ty CP Đông Nam Dược Miền Trung đã liên kết với hàng trăm hộ dân trên địa bàn các huyện Lang Chánh, Ngọc Lặc, Cẩm Thủy để thu mua sản phẩm cây ngải cứu. Đồng thời, hợp tác với các hộ chủ động đưa giống cây ngải cứu phát triển trên địa bàn nhằm tự chủ và kiểm soát vùng nguyên liệu tại chỗ.

Bà Trương Thị Sơn, giám đốc công ty, cho biết: "Các sản phẩm có nguồn gốc từ cây ngải cứu của công ty, như: Tinh dầu ngải cứu Herbal Farm đã đạt OCOP 3 sao và một số sản phẩm như nhang ngải cứu, gối ngải cứu... đang hoàn thiện hồ sơ xét công nhận OCOP đã có mặt tại các trung tâm điều trị y học cổ truyền và được bán rộng rãi trên nền tảng mạng xã hội. Nhờ đó, giúp cho doanh thu của công ty luôn có sự tăng trưởng tốt. Hiện tại, chúng tôi đã có vùng nguyên liệu rộng hơn 15 ha tại các xã Đồng Lương, Trí Nang, thị trấn Lang Chánh. Song, với nhu cầu của thị trường ngày càng tăng, để phát triển mạnh hơn các sản phẩm từ ngải cứu nói riêng và dược liệu nói chung, công ty tiếp tục đồng hành, hỗ trợ người dân về giống, kỹ thuật sản xuất, quy trình thu hoạch để tạo ra nguyên liệu bảo đảm cho sản xuất và giải quyết việc làm cho lao động địa phương".

Bộ tiêu chí đánh giá, xếp hạng sản phẩm OCOP đã quy định, các sản phẩm được công nhận OCOP phải mang đậm nét đặc trưng của địa phương gắn với tổ chức sản xuất, hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung quy mô lớn và xây dựng được vùng nguyên liệu ổn định. Đồng thời, các chủ thể phải chú trọng đầu tư, ứng dụng khoa học - kỹ thuật hiện đại vào quá trình sản xuất, chế biến. Do đó, dù không phải 100% các sản phẩm OCOP của tỉnh đã tạo được vùng nguyên liệu đủ lớn, có chất lượng cao song hầu hết các địa phương đều quan tâm hướng dẫn chủ thể xây dựng vùng nguyên liệu tập trung, hướng tới sản xuất theo hướng an toàn sinh học, sản xuất hữu cơ để tạo ra những sản phẩm OCOP chất lượng, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường.

Để nâng cao giá trị sản xuất của các sản phẩm OCOP và khuyến khích hỗ trợ các chủ thể hình thành, phát triển các vùng nguyên liệu quy mô lớn, ổn định, Trung ương, tỉnh đã có nhiều chính sách khuyến khích, như: chính sách hỗ trợ phát triển liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm; chính sách phát triển nông nghiệp, nông thôn, nông dân trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, giai đoạn 2022-2025 theo Nghị quyết số 185/2021/NQ-HĐND... Qua đó, các chủ thể có thêm trợ lực để phát triển sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm OCOP.

Theo đánh giá của Văn phòng Điều phối Chương trình XDNTM tỉnh, hiện nay, Thanh Hóa có 396 sản phẩm OCOP đã được công nhận. Trong đó, có nhiều sản phẩm đã hình thành được vùng nguyên liệu ổn định, như: các sản phẩm chè Bình Sơn, các sản phẩm gạo, dược liệu... Tuy nhiên, vẫn còn nhiều sản phẩm chưa có sự bền vững trong xây dựng được vùng nguyên liệu, phụ thuộc vào thị trường, thời vụ, chất lượng nguyên liệu chưa ổn định... Thực tế cho thấy, việc hình thành vùng nguyên liệu sẽ giúp cho các doanh nghiệp, HTX chủ động trong kế hoạch sản xuất và kiểm soát được nguồn nguyên liệu về thời gian, số lượng và chất lượng của sản phẩm. Do đó, cùng với sự nỗ lực, cố gắng của các chủ thể sản xuất thì tỉnh và các địa phương đã và đang lồng ghép những chính sách hỗ trợ, phát triển sản phẩm OCOP và phát triển nông nghiệp, nông thôn để hỗ trợ các chủ thể phát triển vùng nguyên liệu chất lượng cao đủ tiêu chuẩn cho sản xuất sản phẩm OCOP và sản phẩm tiền OCOP nhằm tạo ra hệ thống sản phẩm uy tín, chất lượng, có sức cạnh tranh trên thị trường.

Bình luận